|
|
Sinh hoạt văn học-nghệ thuật |
NƠI SINH - BÙI BẢO TRÚC
|
Đăng lúc 04:21:41 AM, Jun 08, 2006
Mấy hôm nay, đúng ra là từ mấy tuần nay, báo chí, truyền hình, truyền thanh đã nói không ít về chuyện Angelina Jolie và Brad Pitt đi Namibia, một quốc gia ở phía nam của Phi châu để sinh con.
Hôm nay thì mẹ đã tròn, con đã vuông, và con thì đã được đặt tên là Shilo Nouvel Jolie-Pitt.
Shilo là chữ Hi Bá Lai, nghe không quen như những Jane, Mary, Annie, Jacqueline, Rose... những tên thường nghe thấy ở Mỹ. Nhiều người có vẻ không ưa lối đặt tên như thế. Như những tên Dakota, Scout, Suri, Apple mà mới đây trở thành một phong trào.
Tôi thì lại rất thích những cái tên như thế. Kể cả những tên khó đọc như Zbigniew, như Caspar... Lý do là vì càng có những cái tên như thế, thì tôi càng đỡ bị hỏi một câu làm tôi khó chịu không ít. Đó là câu tên Mỹ của ông là gì? Khi bị hỏi như thế, bao giờ tôi cũng phải đáp lại rằng tên Mỹ của tôi là cái tên ông bà vẫn gọi tôi từ mấy chục năm đấy. Có lần tôi còn bị nhắc là muốn biết tên Mỹ của tôi như Robert, Richard, William, Joseph cơ. Thì lại phải trả lời rằng Zbigniew và Caspar cũng là tên Mỹ đấy chứ. Có cần phải là Robert, Richard, William, Joseph đâu? Mà vẫn được cho làm lớn lắm đấy chứ. Một người thì làm tới Cố Văn An Ninh Quốc Gia cho tổng thống Carter, một người làm tới bộ trưởûng Quốc Phòng cho ông Reagan chứ đâu có dở. Thế thì cái tên ông cụ bà cụ đặt cho sáu mươi năm có lẻ nay sang Mỹ cứ dùng, mắc mớ chi mà phải đổi thành Robert với Richard.
Hỏi hai ông Zbigniew và Caspar sẽ được trả lời tương tự.
Vậy thì tên Shilo nghe cũng được đấy chứ.
Điều thứ hai tôi thích ở cặp Angelina và Brad này là họ chọn Namibia để sinh con. Và như thế, ở chi tiết nơi sinh, giấy khai sinh của đứa bé sẽ được ghi là Namibia.
Sinh ở Namibia thì có gì oai đâu. Tại sao không đi Luân Đôn, Paris hay Roma, hay về New York, Chicago, Los Angeles mà sinh con để khai sinh có một cái địa danh văn minh như thế?
Namibia thì có gì ngoài chậm tiến, chiến tranh, bệnh AIDS lan tràn?
Không sợ đứa bé lớn lên rồi khổ cả với cái tên rồi khổ luôn vì cái tên nơi sinh của nó hay sao?
Nhưng nghĩ lại thì thấy Angelina và Brad cũng có lý khi sang tận Namibia để sinh con.
Tại sao cứ phải ghi trong khai sinh là Luân Đôn, Roma, Paris, New York mới là gốc gác văn minh, văn hóa, văn học nghệ thuật?
Sinh tại Namibia thì cũng vẫn văn minh và lịch sự được chứ.
Cũng như trong sổ thông hành ghi nơi sinh là Việt Nam thì cũng vẫn có thể là Mỹ, vẫn có thể văn minh đầy người chứ có bớt đi chút nào đâu.
Nhưng Shilo khi lớn lên có khi nào ước là mẹ nó sinh nó ở một nơi nào khác, đặt cho nó một cái tên khác không?
Tôi nghĩ là có. Tôi cũng đã có làm như thế, nhiều lần.
Thí dụ ước được ra đời ở Bắc Ninh chẳng hạn. Tại sao ông bà cụ không chịu khó đi ngược lên một chút, chỉ vài chục cây số là con cái đã có thể có cái khai sinh ở Bắc Ninh, quê hương văn học, cái nôi của quan họ. Hay Sơn Tây cũng được. Ở đó thế nào chẳng được thừa hưởng đôi mắt u uẩn chiều luân lạc. Hay Nam Định để cùng quê với ông Tú Xương, hay Hà Nam để có nơi sinh cùng với Nguyễn Khuyến?
Hay là Huế, cái thành phố cả đời tôi vẫn ao ước được sống ở đó để nghe mãi, đến chết cái giọng nói đó. Hay Hội An để được sống trong những căn nhà đã có vài ba trăm năm cũ, thỉnh thoảng đi qua cái chùa cầu để sờ tay được vào lịch sử. Hay Đà Nẵng, Quảng Trị, Thuận An, hay Quảng Nam, Bình Định để coi ông Võ Phiến lớn lên như thế nào, để xem vùng đất thiêng anh kiệt giòng họ Phạm đã sống ra sao, coi tại sao đất nước lại nẩy sinh ra ông Nguyễn Huệ...
Hay ở miền nam để theo chân ông già Vương Hồng Sển đi lùng đồ cổ ngoạn, nghe tiếng hò Vân Tiên trên sông nước miền nam... Phải chi ở Gia Định, ở Mỹ Tho, ở Hà Tiên, ở Sadec, ở Tây Ninh thì cũng đều rất được.
Phải chi mà ông bà cụ chịu đi thêm vài ba nơi nữa để sinh ra chúng tôi có phải là khai sinh của chúng tôi đã khác rồi không?
Nhưng thôi, nghĩ lại thì cứ ở Việt Nam là được rồi. Chẳng còn điều gì phải tiếc nữa. Namibia mà còn có người phải lặn lội tới.
Không cần đi đâu nhiều mà con cái vẫn có cái khai sinh Việt Nam mà không có lý sao?
BÙI BẢO TRÚC
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |