Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Điểm sách
MỘT NHÂN CHỨNG DÀI LÂU
DIỆU TẦN NGUYỄN TINH VỆ
1. Vâng, nhà thơ nhà văn Thúy Sơn qua tập truyện KHÚC NHẠC TƯƠNG TƯ là một nhân chứng thời cuộc suốt từ năm 1920 cho đến nay. Ông học Hán tự trước khi đến trường học quốc ngữ và Pháp ngữ. Cũng là một điều lạ, tuổi non thế kỷ, giờ đây ông tung ra chưởng lực văn chương cuối đời. Cuộc đời biến thiên, thay đổi, bể dâu trải dài suốt 83 năm đằng đẵng, tính ra ông đã trực tiếp vào cuộc và làm nhân chứng những thay đổi trắng đen dễ thương lãng mạn, cùng lúc với những cuộc đổi đời kinh thiên động địa trên đất mẹ và xứ người qua bốn thế hệ.
Tác giả làm ngược lại thông lệ của giới cầm bút. Ông làm thơ chữ Hán, chữ Nôm trước rồi mới viết truyện ngắn sau. Tôi nghĩ tuy là một tập truyện, nhưng thực ra là viết theo một lối nhật ký không cần tôn trọng tháng năm sự vịệc xảy ra. Tất cả đều là chuyện thật rất ít hư cấu. Người ta thường có câu hỏi: Không nói ra, viết ra thì bao giờ mới viết. Không ai viết ra thì ai sẽ viết? Ðể trả lời, tác giả Thúy Sơn đã viết ra. Ông viết như đùa, ông viết như chơi chơi. Ông viết làm một kỷ niệm khi xế bóng, ông làm quà cho con cháu, ông viết cho đồng hương đủ cở tuổi từ 20, 40, 60 và 80.

2. Tôi không so sánh ông với nhà văn Hồ Biểu Chánh, hoặc nhà văn đại chúng bà Tùng Long, tuy ông có điểm tương đồng là dùng từ ngữ rất địa phương. Văn ông ngắn gọn, rất Bắc kỳ kiểu Thái Bình (còn gọi đùa là Thái lọ), Nam Ðịnh, Bùi Chu, Phát Diệm như ông Trà Lũ. Ông giáo sư nhà văn này đưa ra nhiều chữ đặc sệt Bắc kỳ, như “đấy thây’, ông Thúy Sơn đưa ra những tiếng lạ tai với độc giả miền Nam;: “mê tít thò lò”; “ khỏi tăn ngẳn”; “bỏ bố cả đống’; “tóet miệng ra cười”; cổng ngõ nhà quê cất kiểu ”thượng lâu hạ các”, không khao vọng trong làng bị gọi là bạch đinh tuy có được cái”cửu phẩm quân công”

3. Không đọc tập truyện này làm sao thấy được nếp sinh hoạt cổ xưa: “đem cáng đến mời cụ đi chữa bệnh”. Thế nào là ruộng đồng liền, là mật điền, tư điền, là của quý 3 sào 7 để phơi ra. Do đó không cố ý nhưng tác giả cho thế hệ 20, 40 biết thêm về mồ mả, đất cát Tả Ao, đất phát quan, phát lộc. Năm nào thì cơm một xu một bát, thức ăn ba xu một đĩa? Tác giả kể chuyện “bánh lá gai ở chợ Ông Tạ, bánh lá gai của mấy người Ninh Giang gói thì hết chê”khiến cho dân Bắc kỳ “Ri” cư Hố Nai, Dầu Giây, nhớ xứ điên người.

4. Ngay cả thế hệ 60, 70 ngày nay đâu có biết xóm cô đầu Khâm Thiên, Hà Nội ở vào phía nào, rồi đầu phố chính tỉnh lỵ Thái Bình phía Vũ Tiên có xóm tom chát nổi danh đất châu thổ sông Hồng? Thế là nào là cô đầu hát, cô đầu rượu, mê cô đầu thì làm thế nào để lấy làm vợ cho kỳ được. Mức tiêu pha mua sắm không tính bằng tiền mà tính bằng sào ruộng, mẫu ruộng. Không những ông kể chuyện, ông còn kiêm viết địa chí từng làng, từng huyện xứ Thái của ông. Không về thăm quê được, dùng hồi ức kể lại cho đỡ nhớ, giúp đồng hương đừng quên, có lẽ còn hơn là về mắt thấy tận nơi thêm vỡ mộng hoài hương, thêm tàn giấc mơ Từ Thức.

5. Ông miên man nhắc lại chuyện lập làng Thiên chúa giáo trong thời kỳ truyền đạo sơ khởi. Chuyện xã thờ Chúa bị bộ đội Việt Minh bao vây, cuối cùng phải cắn răng chịu để tránh đổ máu thiệt hại nặng nề cho dân làng. Những biến cố làm thay đổi đảo lộn xã hội, gia đình và con người, lần lượt hiện lên. Những mối tình trẻ dại, mối tình học trò. Chuyện tình yêu vẫn là chủ đề. Tình yêu qua ngòi bút ông Thúy Sơn là thứ tình yêu không kỳ thị giai cấp, không kể giàu nghèo, địa vị. Nhiều mẩu chuyện kể đến tình yêu con trai ông chủ, ông Hàn, ông Bá với con gái người giúp việc, tá điền Những cô gái nhà nghèo, chân lấm tay bùn nhưng trời cho đẹp, có “nước da trắng như trứng gà bóc”. Gọi người yêu bằng cậu, xưng cháu những mối tình trớ trêu là anh em họ ba bốn đời

6. Tác giả lan man không theo thứ tự tháng năm, kể chuyện quê ông ở Thái Bình, rồi kéo lên tỉnh lỵ có cầu Bo, có một con phố chính và hai đường ngang, lên Nam Ðịnh, ra Hà Nội. Những tên sông Trà Lý, bến đò Quan, bến đò Tân Ðệ mênh mông. Còn gì nữa; Thư Trì, Vũ Tiên, Quỳnh Côi, Hậu Trung Những làng xã mang tên nôm na: Rèm; Bơn; Cau, Vẽo.Rồi chuyện chiến tranh chống Pháp, chuyện di cư và định cư chân ứớt chân ráo ở Dầu Giây, chuyện vượt biên lần nữa, chuyển qua chuyện hải tặc, tình yêu trong đời sống trại tị nạn. Rồi chuyện định cư ở Mỹ, chuyện về thăm Việt Nam, đủ cả, đủ cả bốn món ăn chơi.

7. Thưa đúng, ông kể chuyện như đùa, như viết khơi khơi. Aằn chơi rồi hóa ăn thiệt. Với thái độ thản nhiên, ông viết rất khách quan, không bi thảm hóa sự việc. Không ôm cao vọng, không giải thích, không giảng nghĩa dài dòng. Không cầu kỳ, kiểu cách. Bao nhiêu thay đổi, bao nhiêu chuyện tình trớ trêu, ngang trái, đau đớn, khổ lụy qua bút pháp vô tư, đơn giản hóa, thọat đọc tưởng như chuyện đùa. Ðọc kỹ lại lần nữa sẽ thấy đó là kỹ thuật viết độc đáo của tác giả. Ôạng không kể lể lê thê, nhiều khi ông bỏ lửng để tự người đọc tìm hiểu, đoán ra những kết quả muốn có. Trái lại, khi tả cảnh, ông có cái nhìn sắc bén thêm nhiều hư cấu, khá tươi mát dịu dàng.

8. Ông có riêng lối kết luận khác lạ. Tác giả chấm dứt câu chuyện đôi khi đột ngột, khiến ngươì đọc phải tự tìm hiểu lấy kết cuộc, hoặc tự đặt ra một kết cuộc theo ý mình. Có khi chỉ cần một dòng để chấÔm dứt một truyện ngắn dài 7, 8 trang sách. Người đọc sẽ chú ý đến truyện “ Vũ trường vắng tanh” , tác giả kể rất mới, táo bạo và lạ: “ Em đẹp thật đó! Ðến hai bàn chân cũng đẹp. Anh định cúi xuống hôn nó, nhưng Lan Chi co chân lại bảo: Ðừng! Ðừng! Hôi lắm!à. Quân không tha, kéo chân nàng lên, để lên đùi mình và mân mê những ngón chân tròn trịa, mũm mĩm như con búp bê. Quân lại lấy hai ngón tay vuốt vuốt vào gót chân Lan, rồi nói: Ðúng là gót vàng.

9.Cũng như độc giả sẽ thấy dòng kết của truyện ngắn này khi đọc nên thêm chút tưởng tượng.
Nàng đi mua thứ trà ngon nhất tặng chàng. Tờ quảng cáo trà nói lần lượt uống bảy chén trà sẽ thấy công hiệu là sẽ thấy gió vi vu thổi trong nách; Mình phải mua để xem uống đến chén thứ bảy, trong nách chàng gió vi vu ra sao

10. Với tuổi 83, “cụ” Thúy Sơn chưa chịu nghỉ ngơi, còn xông vào trường văn trận bút đã là một chuyện đáng kính nể. Thể chất còn vững vàng, ký ức chưa suy kém, trí tuệ còn minh mẫn, tác giả cười, nói : Tôi viết là tôi nghỉ ngơi đó chứ, một cách giải trí, một hobby mà!” Tôi nghĩ chính tác giả phải hài lòng với tập truyện “dối già” này. Con cháu tác giả sẽ phải quý trọng nâng niu món quà tinh thần này. Và chúng ta, những người đọc bình thường nhất cũng mỉm cười đón nhận món quà nhỏ để thấy chính bóng dáng mình ở trong truyện “ mua vui cũng được một vài trống canh”.

Diệu Tần NGUYỄN TINH VỆ




Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003