Dec 28, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
CHỮ TRINH
NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG
Từ ngày sang đất Mỹ, ông Trịnh ốm đau liên miên. Ông phát bệnh từ những năm tháng tù ở Việt Nam. Tới xứ tự do này, ông Trịnh được trợ cấp xã hội và được chữa trị bệnh miễn phí ngay. Nhưng tình trạng không thuyên giảm. Ông phải ngồi xe lăn khi di chuyển và ngày càng trở nên bẳn gắt, nóng tính, hung dữ hơn bao giờ hết.
Trong khi đó, bà Trịnh rất bình thản, kiên nhẫn chờ đợi và hy vọng tình trạng này sẽ chấm dứt không lâu. Dăm ba tháng, một vài năm nữa có là bao so với phần tư thế kỷ qua, đằng đẵng chịu đựng...
Thuở đó, cha mẹ Hiền chết vì bom Pháp ném xuống vùng Tuyên Quang, Bắc Việt trong lúc tản cư. Ông bà Lý đem bé Hiền, con vợ chồng người bạn đồng nghiệp về nuôi, rồi di cư vào Nam năm 1954. Ông bà chỉ có Trịnh, con trai độc nhất. Trịnh hơn Hiền bẩy tuổi. Nàng kính nể Trịnh như ông anh. Hiền được cha mẹ nuôi cho đi học.
Hồi nhỏ nhà có người ở, Hiền chỉ bị sai vặt, làm việc nhẹ. Khi nàng thi đậu vào trường trung học công, ông Lý về hưu, bà Lý cho người làm nghỉ. Hiền phải làm tất cả mọi việc, từ quét dọn, lau chùi nhà cửa đến đi chợ thổi cơm, giặt quần áo cho tất cả mọi người trong nhà.
Càng làm việc nhiều, nàng càng lớn mau, dắn chắc khỏe mạnh nên bị giao thêm việc đi lấy nước máy ngoài đầu ngõ. Bà Lý nói lương hưu trí của ông Lý không đủ để mướn người làm, nhưng bà Lý bài bạc thua bao nhiêu chẳng kể. Tự biết thân phận côi cút, không bà con ruột thịt, Hiền cam chịu vất vả miễn là có nơi nương tựa, ngày ngày được cắp sách tới trường.
Xách nước chỉ được nửa thùng một chuyến, mất nhiều thời giờ mới cung cấp đủ nhu cầu cho gia đình bốn người, mà Trịnh lại tắm mỗi ngày. Ðể có thì giờ học và đỡ mất sức, Hiền tập gánh nước. Lúc đầu còn sợ bạn bè biết nàng bị đối xử như kẻ làm công, nhưng nhìn quanh quẩn trong xóm chẳng ai học cùng trường nên Hiền yên tâm hơn dưới vành nón lụp xụp và trong bộ bà ba đen.

Một hôm Trịnh rủ Hiền đi xi-nê. Nàng ngạc nhiên lắm. Từ hồi nào đến giờ Trịnh chỉ xẵng giọng sai bảo và cau có với nàng thôi à. Sao hôm nay anh ấy lại hứng chí như thế? Hiền vui mừng quá, không nghĩ gì thêm, vội vàng mặc cái áo dài trắng đồng phục nhà trường tương đối mới nhất. Nàng chưa bao giờ bước chân vào rạp chiếu bóng vì không tiền và giờ rảnh đi chơi. Xi-nê là mơ ước xa xỉ của Hiền. Nàng hớn hở:
“Em rủ con Tú đi cùng nhé?”
Trịnh gạt ngay:
“Ðể khi khác. Tao chỉ đủ tiền bao mày thôi!”

Trịnh không chở Hiền đến rạp Lê Lợi hay Vĩnh Lợi có những phim Mỹ, phim Pháp mà giới học sinh ưa thích. Trịnh đưa Hiền tới rạp Văn Hoa xem phim Chưởng Hồng Kông. Thế rồi ở trong rạp ấy, Trịnh cố ý ngồi sát vào Hiền, quàng tay qua ghế nàng. Hiền nực nội, khó chịu, nhưng vì nể sợ ông anh nuôi nên nàng chỉ cố ngồi nhích xa. Bất ngờ bàn tay kia của Trịnh đưa lên ngực nàng.
“Anh làm gì kỳ vậy?” Hiền giật mình vừa nói vừa hất tay chàng ra.
“Tao thấy ngực mày lớn, muốn xem nó như thế nào,” Trịnh giã lả.
“Anh em với nhau mà anh làm vậy à?” Hiền gắt.
“Tao với mày chỉ là anh em nuôi thôi. Có thân tình tao mới táy máy thế. Chứ xa lạ, bố bảo tao cũng không dám!”
Tuy nhiên, hành động sỗ sàng của Trịnh không thể bào chữa và chấp nhận được, nàng đứng dậy ra ngồi cách xa Trịnh mấy cái ghế. Khi Trịnh lại đến ngồi sát cạnh, Hiền nghe thấy hơi thở của ông anh nuôi phà vào tai, vào má, nàng đứng phắt dậy chạy ra ngoài cửa rạp. Hiền không biết rằng những rạp hát xập xệ trong những xuất phim vắng vẻ là chốn hẹn hò lý tưởng của các cặp tình nhân bình dân, thợ thuyền.
Một lúc sau, Trịnh hầm hầm đi ra, không thèm nhìn Hiền, lên xe phóng mất hút về phía cuối đường. Trong tay chỉ có cái khăn hoa nhỏ xíu, nàng không đem theo đồng nào. Có vài chục cất trong rương Hiền để dành mua sách vở và vải may quần áo. Chẳng bao giờ Hiền dám tiêu món tiền đó vào việc nào khác. Thế là nàng đi như chạy về nhà. Bây giờ nàng đã hiểu: “Hắn rủ mình đi xi-nê chẳng phải tử tế, thưởng công mình giặt rũ quần áo, gánh nước, cơm bưng nước rót đến tận miệng. Hắn chỉ muốn sờ soạng người mình thôi. Thì ra hắn chẳng kể anh em gì cả.”
Tuy còn bàng hoàng, run rẩy, Hiền thầm cảm ơn Trịnh không mách bà mẹ. Nếu biết, bà Lý sẽ bị chửi mắng và cho nàng trận đòn nên thân chứ không tha.

Thuở niên thiếu, Trịnh thân thiện, nhẹ nhàng với Hiền hơn. Tới tuổi thành niên, hắn luôn luôn khó chịu với con bé em nuôi ấy. Nó như cái giống gì..., một con mèo cứ lầm lũi thản nhiên đi lại trước mắt con hổ đói trong chuồng. Nó như miếng mồi treo cao trước mũi con chó sói. Ðúng thế, Hiền cứ như muốn trêu ngươi Trịnh hằng ngày. Hắn bực bội lắm!
Nhiều đêm, những ham muốn xác thịt nổi dậy không lối thoát, Trịnh bứt rứt không yên, đi ra đi vào, đá bàn, đụng ghế rầm rầm. Giường Hiền trong phòng ăn. Giường Trịnh ngoài phòng khách. Ðôi khi Trịnh đạp muốn thủng tường ngăn cách, làm Hiền hoảng hốt thức giấc chẳng hiểu chuyện gì? Cái sự Hiền nằm xuống ngủ lăn như chết cũng làm Trịnh cáu sườn muốn đánh thức nàng dậy cùng chung sự bực bội với hắn. Sáng ra, Hiền phải gỡ màn xuống, cất đi cùng với mền gối của Trịnh. Ông bà Lý chiếm cái gác xép trống trếnh. Gia đình trung lưu Việt Nam được như vậy là tươm tất lắm rồi. Mỗi người đâu có phòng riêng với cửa khóa.

Một ngày, ông bà Lý đi Ðà Lạt thăm bạn bè, Trịnh dùng vũ lực cưỡng bức Hiền, điều mà nàng không thể ngờ được. Ông anh nuôi có biết bao nhiêu “bồ”, tại sao nhằm nàng làm ẩu! Hiền uất ức, xấu hổ, cảm thấy nhục nhã, bất lực. Sức con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu không bảo vệ được nàng. Hiền khóc dấm dức, tức tưởi:
“Anh là đồ vũ phu, đồ tồi tệ! Tôi sẽ mách thày mẹ cho mà xem!”
Trịnh cười khoái trá và dọa:
“Nếu mày mách, tao nói mày quyến rũ tao. Ai tin cái thứ không cha, không mẹ, đi ở đợ!”
Rồi quen mui thấy mùi ăn mãi, nhiều đêm sau đó Trịnh lại mò vào giường Hiền. Nhưng có ông bà Lý ở nhà nên nàng nghĩ cách lớn tiếng:
“Anh Trịnh nhức đầu hả, em lấy đá chườm trán anh nhé.
“Anh Trịnh khát nước hả, để em pha nước chanh cho anh.”
“Anh Trịnh đói hả, để em chiên cơm lạp xưởng anh ăn nhé!”
Vừa nói Hiền vừa vùng ra khỏi màn, chạy xuống bếp bật đèn sáng trưng. Ông bà Lý nghe lục đục, lao xao thức giấc mắng át cô con nuôi. Thường ngày nó không mở miệng, sao đêm nay bỗng dưng om xòm!

Những lần ấy, Trịnh rất hậm hực, phải lủi êm ra ngoài phòng khách. Ðêm đêm, Hiền ngủ với những giấc thấp thỏm giật mình, luôn luôn thủ thế, để đèn sáng trong phòng thì bị bà Lý la. Ngày ngày Hiền tránh né đôi mắt gầm gừ, lời nói hằn học vì không được thỏa mãn của Trịnh.

Hiền học kém vì đầu tắt mặt tối với công việc nhà. Nay gặp khủng hoảng vì sự trinh trắng con gái bị xúc phạm, sự học của Hiền sa sút hơn. Ðêm Hiền không dám ngủ, ngày gục trong lớp, bài không thuộc, bị giáo sư quở mắng, bà hiệu trưởng gửi giấy cảnh cáo về nhà. Bà Lý bắt Hiền thôi học. Nàng hết sức năn nỉ, kể tình cảnh mồ côi, làm người ở, gánh nước không công của nàng và xin bà Hiệu Trưởng nói với bà Lý cho nàng tiếp tục học. Hiền không dám nói sự thật đã bị Trịnh xúc phạm tới thân thể nàng với bất cứ ai. Người ta dù tin nàng bị ép buộc cũng nghĩ rằng nàng đã là con gái hư thân mất nết, không còn là trinh nữ nữa. Rồi đây ai sẽ thương nàng, cưới nàng làm vợ?
Thực vậy, Trịnh là quí tử, con cầu tự. Ông bà Lý cưng hắn như cục vàng. Còn Hiền chỉ là đứa con gái bạc phước, làm công thay kẻ tôi tớ để trả nợ sự ăn nhờ ở đậu, nàng không được chút tình thương trong gia đình Trịnh. Nhưng trước mặt khách quen tới nhà chơi, bà Lý rất ngọt ngào với Hiền:
“Hiền ơi, vào pha nước mời khách đi con!”
“Ấy đấy, cháu nó vừa học giỏi lại ngoan ngoãn, lo hết công việc trong nhà cho bà mẹ già cháu đấy.”

Bà Lý khôn lắm, bà nhận Hiền là con bà trước mặt khách thì không ai chê trách được rằng bà không trả tiền lương người ở cho Hiền, bà bóc lột sự lao động của cô con nuôi. Những chị Năm, chị Sáu, con Ba, con Bảy trong xóm còn được lĩnh lương. Nàng chỉ được trả công bằng cơm ăn, áo mặc sơ sài, mộc mạc nhất. Một an ủi cho Hiền, nàng may mắn hơn người làm, được mặc áo dài, mua sách vở và cắp sách đến trường, sống vài giờ đời học sinh thơ ngây, vô tư lự.

Hiền mong Trịnh bị động viên, đổi đi xa cho nàng thoát ách bị làm nhục, bị nhơ nhớp. Nhưng Trịnh được miễn dịch vì con một, có việc làm ngay trong thành phố. Hắn tậu Vespa, chải chuốt áo quần mà Hiền là người giặt ủi hay đưa đi tiệm và lấy về cho hắn lên khung đi rước đèn với các em mặt hoa da phấn.

Hắn lượn phố, tán gái khắp xóm, đưa vũ nữ này, đón ca sĩ kia, viết thư tình gạ gẫm các nữ sinh dại dột nhởn nhơ, hớn hở. Một điều tai ác là Trịnh đem hết chuyện đó nói cho Hiền biết. Hắn luôn miệng khen:
“Các em của tao đẹp lắm, duyên dáng, mỹ miều chứ không thô kệch khó thương như mày đâu!”
Còn bà Lý thường nói róng lên, đang đi kiếm vợ cho ông con trai:
“Anh Trịnh mày không bao giờ phải đi lính, không sợ chết trận nên khối gia đình giàu có danh giá muốn gả con gái cho đấy.”
Hiền nghe chỉ ngậm miệng làm thinh và khóc thầm. Người ta coi nàng như súc vật vô tri vô giác, ngày sai bảo làm đủ công chuyện tôi tớ, tối làm thân con mồi bị rình rập, đe dọa. Nhiều lúc nước mắt đôi hàng, Hiền tự hỏi, nàng làm gì trong kiếp trước để kiếp này bị đày đọa, từ ngày còn thơ ấu đã mất cả cha lẫn mẹ? “Cha mẹ ôi, có linh thiêng về phù hộ cho đứa con gái xấu số này. Trời Phật đâu xin phù hộ độ trì cho thân kiếp nhục nhằn của con!” Hiền chỉ còn biết luôn luôn thầm cầu khấn như thế để an ủi, thêm can
đảm sống qua ngày.

Một buổi trưa chủ nhật, trời nắng chang chang, Hiền xếp hàng cả giờ mới lấy được đôi thùng nước máy công cộng. Trên đường gánh nước về nhà, Vespa của Trịnh vượt qua với bóng áo đỏ chói đằng sau và tiếng cười khúc khích:
“Tội nghiệp con Ma-ri phông-tên của anh chưa!”
Những giọt lệ uất hận tuôn trào, nhòa nhạt với mồ hôi mặn ướt đẫm thân thể nẩy nở con gái mới lớn. Phải làm gì bây giờ? Ngậm tăm mãi ư? Ðể cho họ khinh như rơm rác mãi ư? Hiền không có cơ hội tìm được lối thoát. Với trình độ học gần như bét lớp của nàng làm sao hy vọng đậu bằng Thành Chung, thi vào Sư Phạm làm cô giáo để thoát ly. Ai thèm chú ý và cưới đứa con gái nghèo khổ xấu xí, đã bị dày vò nhơ nhuốc. Bỏ gia đình ra đi biết đâu Hiền rơi vào cạm bẫy, chông gai đầy dẫy ngoài xã hội. Ðằng nào Hiền cũng mất sự trong trắng vì Trịnh rồi. Một quyết định chợt lóe lên trong óc nàng...

Từ đó, Hiền chăm chỉ soi ngắm mình trong gương. Nàng để ý chải tóc, vuốt quần áo gọn gàng, giữ nét mặt bình thản, nhận chịu. Hiền không cau có, không tránh né những đụng chạm cố ý của Trịnh nữa. “Muốn đứng gần, muốn ngửi mùi da thịt thơm tho của tôi thì cứ tự nhiên nhưng đừng trách tôi nhé. Con mèo hiền lành ngoan ngoãn này đã trở thành con cọp có móng vuốt từ đây,” nàng nghĩ thầm.

Mỗi buổi tối, sau khi làm hết công chuyện nhà, Hiền tắm gội nước máy mát rượi. Nàng gánh thêm mỗi ngày hai đôi thùng để bà Lý không mắng vì lo thiếu nước dùng sáng hôm sau. Hiền thay quần áo mới giặt phơi khô trong ngày còn thơm mùi nắng. Nàng ngồi bên đèn học bài, làm bài với mái tóc đen huyền xõa lưng. Hiền giữ dáng nét dịu dàng, đằm thắm nhất. Trịnh lân la tới gần ve vãn hỏi chuyện, nàng ngước đôi mắt long lanh, e ấp nhất, trả lời trong hơi thở nồng nàn nhất.

Sau khi học xong, Hiền cất sách vở, tắt đèn, tha thướt vén mùng, nhẹ nhàng đặt mình xuống giường. Bên gối, thoang thoảng mùi hoa thơm nàng hái nhặt được trên đường đi học về. Nàng không cuộn mền chặt quanh mình như trước nữa mà trải lơi lả dưới chân. Hiền không giấu mặt vào tường mà quay ra với rèm mi khép hờ hững. Nàng giữ nét mặt tươi tắn như sắp đi vào một giấc mơ tuyệt vời.

Lần đầu tiên, sau những cố ý chờ đợi của nàng, Trịnh đã vào mùng của con bé Hiền quyến rũ lạ thường. Nàng làm bộ đẩy hắn ra, phản đối lấy lệ, đôi mắt to đen lánh nhìn Trịnh như nai tơ, ngây thơ vô tội rồi từ từ khép rèm mi dài. Hắn ngạc nhiên xựng nhìn Hiền giây phút để thấy hai hàng lệ trào trên đôi má nàng. Lòng Trịnh chùng xuống nhưng vẫn nói xẵng:
“Sướng bỏ xừ đi, còn khóc cái nỗi gì?”
Hiền làm vẻ giận dỗi xoay mặt vào tường:
“Em chán gây sự với anh rồi!” và nàng chỉ ngúng nguẩy, chống cự yếu xìu...
Kể từ đêm ấy Hiền coi Trịnh như người chồng, nàng không có quyền chọn lựa ai nữa. Trịnh chiếm đoạt sự trinh trắng của nàng, hắn phải có trách nhiệm. Muốn được thân thể Hiền, hắn phải có bổn phận.

Không lạ gì sự việc Hiền trượt kỳ thi Trung Học Phổ Thông năm đó. Bà Lý bắt Hiền thôi học ở nhà. Cái gì cũng do bà Lý định đoạt cả. Ông Lý mải đi mây về gió với nàng tiên nâu, kệ bà Lý muốn làm trời làm đất gì thì làm, miễn bà có đủ tiền mua thuốc phiện cho ông hút.

Hiền cũng không muốn sống giả dối giữ vẻ trong trắng hồn nhiên bên các bạn học vô tư cùng lứa tuổi nữa. Thêm vào đó, nàng đã có dự định, nên Hiền cúi đầu lẳng lặng tuân lệnh người đàn bà nuôi nàng 10 năm nay mà từ đây nàng thầm nhận là mẹ chồng. Nếu nàng có cháu nội cho bà Lý thì tự nhiên nàng được hợp thức hóa tình trạng cô gái lỡ làng. Hiền sẽ có chồng, có con, không bị hàng xóm, bạn bè, xã hội chê cười.

Cái gì phải đến đã đến, Hiền tắt kinh cả mấy tuần rồi. Những cơn buồn nôn, chóng mặt xuất hiện bất tử. Lúc nào cũng nhạt miệng muốn ăn kẹo. Cho đến buổi Hiền ngất đi bên máy nước với đôi thùng dưới mặt trời nắng chói. Cô bạn gánh nước, có chồng viết tuồng cải lương bỏ đi theo cô đào sân khấu trẻ đẹp, dìu Hiền lên xe xích lô chạy ngang qua. Cô ta đưa nàng về nhà giã gừng cạo gió. Hiền tỉnh lại, mặt xanh mướt, mồ hôi toát lạnh toàn thân. Nàng khóc và thú thật với bà Lý:
“Thưa mẹ..., có lẽ... con có bầu.”
Bà Lý quắc mắt nhìn Hiền và rít lên:
“Con chết tiệt! Mày chửa hoang với đứa nào?”
Hiền co rúm người lại, hai bàn tay đưa lên ôm hai bên tai như bị đau màng nhĩ vì những lời chát chúa ấy:
“Thưa mẹ, ... anh Trịnh ạ.”
Bà Lý chồm lên, ấn mạnh bàn tay vào trán Hiền:
“Mày nói láo, con trai tao là ông này, ông kia, nó không đời nào thèm ‘đi’ với hạng hư thân mất nết như mày.”
Bà Lý dơ tay lên cho một xáng vào mặt Hiền. Nàng ôm mặt khóc lóc van xin:
“Con lạy mẹ! Mẹ tha tội cho con!”
“Tao không mẹ con gì với mày. Mày phá hoại gia cang nhà tao, con khốn nạn!”
Bà Lý định đánh Hiền nữa thì ông Lý từ trên gác xép lật đật đi xuống, đưa bàn tay khẳng khiu lên giữ tay vợ lại:
“Có điều gì cứ để nguyên đó. Thằng Trịnh về rồi hỏi nó sự thể có đúng không?”
“Ðúng đấy! Tôi là cha đứa bé trong bụng nó chứ còn ai vào đây nữa,” Trịnh ở ngoài đi vào, thản nhiên trả lời.
“Bà để cho nó yên,” hắn tiếp. “Tôi sẽ lấy nó làm vợ. Con gái tử tế ai thèm vào làm dâu ông bà!”
Bà Lý biết cái hỗn láo của thằng con trai được nuông chiều, nhưng không ngờ nó trả lời bà đau đớn đến thế. Bà tức gần ngất xỉu, chỉ còn rền rĩ kêu trời vài tiếng. Ông Lý thở dài thườn thượt. Trịnh bồi thêm một câu như ra lệnh cho cha mẹ:
“Ông bà không phải cưới xin gì cả. Từ nay kể như nó là vợ tôi trong nhà này. Ông bà già rồi cần người săn sóc. Nó cũng lo cơm nước, quần áo cho tôi hằng ngày.”
Dù trong lời nói của Trịnh chẳng có vẻ gì thắm thiết, Hiền mừng và thầm cảm ơn hắn cứu vớt đời nàng.

Dòng đời đều đặn trôi qua, tình trạng Hiền chẳng có gì lạ hơn trước! Chỉ khác là từ đó, Trịnh ngang nhiên vào giường Hiền ngủ như cặp vợ chồng, không lén lút sau lưng cha mẹ.
Hiền không phải đi gánh nước nữa. Bà Lý bắt buộc mua nước gánh vào nhà. Còn các việc khác Hiền vẫn tiếp tục làm như trước cho tới khi nàng sắp đến ngày sanh, bà Lý mới mượn con nhỏ người ở thay thế Hiền.

Trịnh vẫn hẹn hò bồ bịch, đàn đúm bạn bè, rượu chè cờ bạc. Nếu không tới nhà, không ai biết Trịnh đã có vợ con. Thậm chí, hắn còn tỉnh bơ đưa đón bồ nhí qua nhà. Các cô đôi khi cũng e dè, nhưng Trịnh trấn an họ ngay:
“Anh có làm hôn thú đâu mà nó dám làm phiền. Nó bỏ đi thì ở đâu, làm được cái thá gì! Thỉnh thoảng cho nó vào giường là phước lắm rồi!”

Hiền tuy buồn, cô đơn nhưng không đau khổ. Nàng không ăn ở với Trịnh vì tình yêu chọn lựa mà vì sự bất hạnh, buộc nàng phải chấp nhận. Dù sao bây giờ Hiền thực sự có gia đình, là vợ, là mẹ, là dâu con. Nàng không còn là đứa bé mồ côi, bơ vơ giữa chợ đời nữa.

Thời gian trôi qua mau, Hiền có một trai, hai gái, lại đến lượt nàng ra ngủ phòng khách với chúng. Một mình Trịnh nằm giường trong thoải mái, trọn vẹn giấc ngủ. Lúc nào “muốn” hắn ghé tai vợ ra lệnh: “Tối nay khi bọn lỏi ngủ, mày vào giường với tao.”
Trịnh rất thoả mãn với cuộc sống. Chiến tranh tàn khốc, sống chết mặc bay. Miễn hắn được ở đô thành, có lương, có bổng lộc tiêu xài, đú đởn với các em văn nghệ. Về nhà thì hét ra lửa mửa ra khói, vợ sợ, con hãi. Hắn sướng như vương như tướng trong gia đình.
Hiền cam phận, đành vui với tiếng khóc, tiếng cười của các con và đó là nguồn an ủi, lẽ sống duy nhất đời nàng.

Kịp đến biến cố 1975, Trịnh được cố vấn Hoa Kỳ cho đưa cả gia đình di tản. Hắn không nhắc nhở đến cha mẹ, vợ con mà hẹn cô bồ trẻ măng làm sở Mỹ đến tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ đường Thống Nhất để cùng nhau ra đi. Nhưng đợi cả ngày, cô nàng không xuất hiện, Trịnh trở ra đi tìm suốt đêm không thấy cô ta đâu, sáng hôm sau trở lại, tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ đã đóng, trực thăng cất cánh chuyến cuối cùng.

Trịnh kẹt ở lại, bị đi tù với tội làm CIA cho Mỹ. Ông nội các con hắn chết một năm sau vì thiếu thuốc phiện. Hiền đi buôn rau, buôn trứng, buôn thịt lậu từ lục tỉnh đem về chợ Bà Chiểu bán. Nàng gặp lại vài người bạn học cũ trước kia cũng là bà này, bà nọ, giầu sang phú quý. Họ rủ nhau bán bánh tôm, bún riêu, bún chả, cà phê nuôi con qua ngày. Họ dành dụm tiền, mua gạo, mua thực phẩm khô và quần áo cùng đem đi thăm nuôi các ông chồng tù nhân Cộng Sản. Hiền là một trong những người vợ băng rừng, lội suối gian nan đi thăm chồng. Trịnh bị giam ở Hàm Tân. Trong suốt cuộc sống chung với Trịnh, có lẽ chỉ thời gian này Hiền mới thấy Trịnh có lời nói êm ái, dịu dàng và tỏ ra thương xót nàng. Cho đến bấy giờ, Trịnh mới thấy vợ hắn là người đàn bà chịu thương, chịu khó, có tình, có nghĩa, hắn may mắn được nàng tìm đến thăm nuôi. Niềm ân hận giày vò, đã đối sử tệ với vợ, Trịnh tự hỏi, nếu không bị những ngày tháng trong tù, có lẽ hắn đã theo Oanh, Yến, hay Loan, Phượng đi Âu, Mỹ hay Úc, mặc vợ con nheo nhóc ở lại Việt Nam như ngày hôm nay.

Năm năm sau, Trịnh ra tù, bà mẹ đã theo cha hắn ra người thiên cổ. Trịnh lại rền rĩ thống trách Hiền không săn sóc chăm lo cho cha mẹ hắn nên ông bà đau yếu, thiếu thốn mà qua đời mau chóng như vậy. Trịnh càng bực tức hơn vì không trở lại được ách thống trị gia đình như trước kia, nhất là bây giờ hắn ốm yếu, mang cả trăm thứ bệnh tật trong lục phủ, ngũ tạng. Chân tay hắn phù ủng đi lại khó khăn.
Vì tình trạng tài chánh gia đình cùng cực, Hiền vẫn phải xông pha ngoài đường, ngoài chợ kiếm tiền nuôi chồng con, mặc Trịnh gào thét như điên, nghi kỵ nàng gian thông này nọ. Hiền chán cả giải thích, cam đoan với chồng, nàng không một lần thất thân với tên cán bộ, không ngoại tình với ai. Ðối với bọn quỷ trong phường, ngoài xóm Hiền chẳng hiền chút nào. Họ chưa tới gần, nàng đã quang quác cái miệng y hệt bà Lý thời oanh liệt, khiến tên cán bộ nào cũng ngán không dám giở trò bờm xơm. Nhưng đối diện với Trịnh, Hiền mềm nhũn như con thỏ đứng trước con hùm, con beo, chỉ chờ bị ngoạm ăn thịt, không thốt lên một lời phản đối. Nàng quen chịu đựng và im lặng như củ khoai trước mặt Trịnh từ thuở nàng mới năm tuổi rồi.

Khi làm giấy xin xuất ngoại và được chính phủ Mỹ cho nhập cảnh, Hiền ngạc nhiên Trịnh điền tên vợ là nàng. Nói cho cùng, ai là người săn sóc Trịnh nếu hắn đi một mình trong tình trạng ốm đau ấy. Một lần nữa, Hiền nghĩ sự kiên nhẫn của nàng được trả giá tốt đẹp với cái giấy cho mẹ con nàng vào đất nương thân mà bao nhiêu người Việt khác ao ước từ khi miền Nam đổi chủ.

Tới tiểu bang Indiana, gia đình Hiền được nhà thờ bảo trợ và thuê cho cái nhà nhỏ, được cho đồ đạc cũ hay mới, được tiền trợ cấp dài hạn vì bệnh hoạn của Trịnh. Ba đứa con nàng có quần áo lành lặn, giầy dép tươm tất, đi học, xe trường đưa rước ngay trước cửa. Nàng mừng rỡ được học Anh văn miễn phí. Ôi, cả cuộc đời, bây giờ mẹ con nàng mới được hưởng cảnh no ấm như vậy, mặc dầu đó chỉ là mức sống nghèo nàn của dân Hoa Kỳ.
Trái lại, Trịnh đau khổ, tức tối vì sự ốm đau của mình, nhất là từ cửa sổ nhìn xuống Trịnh thấy người đàn ông nào đưa Hiền về trong bóng tối bằng xe hơi mà Trịnh chỉ ngồi trong chiếc xe lăn tù túng với những nhức nhối của bệnh tật gậm nhấm xương tủy.
Hiền đã mất cơ hội học lên cao trong thuở học trò, bây giờ nàng không bỏ lỡ dịp học lại Anh văn gần như từ đầu. Bố mẹ nuôi, cũng là bố mẹ chồng không còn trên thế gian để cấm đoán nàng. Trịnh không còn sức mạnh, quyền hành cản ngăn. Hiền chọn buổi tối, khi ba đứa con ở nhà có thể trông chừng bố chúng trong những giờ nàng học Anh văn. Hiền nhờ một học viên cùng lớp đưa đón nàng về. Ðiều đó làm Trịnh điên tiết hơn vì bất lực trong căn phòng nhỏ hẹp, đầy ám khí, u muội: “Con mụ lại tấp tểnh học đòi ly dị chồng và đi lấy Mỹ thôi.” Trịnh không chạy theo Hiền được, nhưng hắn vẫn có miệng để chửi thề, ném liệng tất cả đồ vật tầm tay với
.
Vài năm sau, các con Hiền nói thông thạo tiếng Mỹ. Chúng hấp thụ được nếp sống công bình, nhân đạo ở xứ này. Thế mà từ khi có trí khôn, chúng chưa bao giờ nghe thấy ông bố nói một lời nào ôn tồn với chúng, dịu dàng với mẹ. Gặp đâu là thấy ông cáu kỉnh, quát tháo. Bây giờ ông cũng muốn mẹ con phải tuân lệnh ông như hồi còn Việt Nam, hết giờ học phải về nhà ngay. Ông không hiểu được sau giờ học còn nhiều sinh hoạt khác của nhà trường. Bạn bè rủ chúng đi đâu cũng bị la chửi. Chúng được gọi đi giữ trẻ vài giờ thêm tiền tiêu vặt, ông không cho. Vợ con thấy đó là cả một sự vô lý, cứ lẳng lặng làm thì ông la hét, đập phá điên khùng. Nếu hai chân ông đi được, có lẽ ông đánh luôn cả bốn mẹ con. Ðứa con gái thứ hai, có lần nói:
“ Sao mẹ không ly dị ông ấy?”
Mẹ chúng hốt hoảng:
“Chết! Sao con lại nói vậy. Bố bệnh hoạn nên nóng nẩy thế thôi! Mẹ ly dị bố thì ai coi sóc ông bây giờ?”
Ðứa con trai lớn nhất tiếp lời ngay:
“Nursing home sẵn sàng nhận bố mà! Bố cứ la hét, đập phá làm ồn ào, hàng xóm báo cảnh sát bố cũng bị bắt đi à.”
Hiền ôn tồn:
“Bố con không muốn vào nhà bệnh. Vả lại, ông cũng chẳng sống được bao lâu nữa.”
Con bé út, giận hờn:
“Con thấy bạn bè có cha khỏe mạnh, đưa đón đi chơi đây đó bằng xe hơi. Chúng được cha cưng chiều, thương yêu mà con thèm! Bố mình cứ mở miệng là mày tao và mày tao cả với mẹ nữa. Thế mà mẹ chịu đựng được! Chồng con sau này như vậy con bỏ ngay!”
Hiền buồn rầu:
“Mẹ đã chịu đựng được 30 năm rồi, mẹ có thể chờ thêm ba năm nữa. Nhưng bác sĩ nói bố các con không qua khỏi năm nay đâu.”
Thực vậy, người ta ly dị là vì chán nhau, không muốn chung sống nữa, hay đã thương yêu và muốn lấy người khác. Trường hợp Hiền, nàng chẳng bao giờ dám tơ tưởng tới ai. Trịnh là thí dụ điển hình làm Hiền nghi ngờ, không thân thiện được với người đàn ông nào, dù trong thời gian Trịnh đi tù Cộng Sản, bệnh tật từ khi trở về nhà đến nay.
Nhưng Hiền không phải chờ ba năm mà chỉ ba tuần sau, ông Trịnh lên cơn điên la hét dữ dội. Hàng xóm gọi cảnh sát. Ông được đưa vào nhà thương rồi cấm khẩu và liệt giường từ đó. Mỗi lần vợ con vào thăm, không biết ông muốn nói gì nhưng chẳng diễn tả và cử động được. Mắt ông sáng quắc. Hiền sợ sệt ngồi xuống ghế sát cạnh giường an ủi:
“Anh ráng nghỉ cho khỏe. Em niệm Phật hằng ngày, đi chùa mỗi tuần cầu nguyện cho anh được thảnh thơi, thương mẹ con em. Thằng Tiến, con Trinh, con Thịnh và em luôn luôn lo lắng cho anh. Em mong anh hiểu và nhớ cho điều đó.”

Từ ngày ông Trịnh vào nhà thương, bà Trịnh bắt đầu đi chùa, mặc áo nâu, tụng kinh niệm Phật mỗi tối. Bà Trịnh cầu siêu, dọn sẵn sự thanh tịnh, bình yên cho ông Trịnh trong những ngày cuối cùng. Sự ra đi của ông được tính từng ngày.
Hai tháng sau, một sáng sớm, bác sĩ gọi tới nhà cho biết ông Trịnh đã nhắm mắt vĩnh biệt cõi trần từ đêm hôm trước.
Hiền không buồn, cũng không cô đơn. Nàng cảm thấy tâm hồn thanh thản, an nhiên hơn bao giờ hết. Từ ngày Trịnh mất, Hiền chỉ làm nghề giữ trẻ cũng mua được cái condo hai phòng ngủ khang trang. Bốn mẹ con quây quần yên vui chung sống. Hiền tập lái xe và lấy bằng dễ dàng. Con cái chung nhau mua cho mẹ cái xe cũ nhưng còn tốt và trông như mới. Mỗi Thứ Bẩy nàng tự lái đi gặp bạn bè ở nhà họ hay ở tiệm ăn. Hiền vẫn dư khả năng thỉnh thoảng ký ngân phiếu nhỏ làm việc thiện. Chủ Nhật nàng đi chùa cúng dường, niệm Phật. Ðã có vài sự nhòm ngó, nhăm nhe muốn rổ rá cạp lại, nhưng chưa ai lung lạc được Hiền bước đi bước nữa. Nàng không muốn vướng vào bể trầm luân, vật vờ trôi nổi trong dĩ vãng.
Hiền hân hoan hưởng hạnh phúc mà từ thuở ra đời đến giờ nàng mới có được. Nàng còn tất cả tâm hồn trong trắng, tiết trinh, tiết hạnh để dành tặng người yêu lý tưởng sẽ gặp một ngày nào đó trong mùa thu lãng mạn của cuộc đời...

NGUYỄN THI NGỌC DUNG





Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003