Nov 22, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
TẠP GHI: AI SAO TÔI VẬY - BÙI BẢO TRÚC


Ngay từ mấy tuần trước, tôi đã đoán được chuyện sẽ xẩy ra như thế. Những căng thẳng trong vấn đề Iran, thêm vào đó, mùa hè đang trở lại, những chuyến đi xa bằng xe hơi sắp diễn ra của người Mỹ.

Tôi biết thế nào con số ba cũng sẽ bị vượt qua ở những trạm xăng. Và sáng hôm qua, cái kim chỉ mức xăng còn lại trong bình đã hạ xuống gần chữ E, tôi ghé vào cây xăng ở gần chỗ bắt vào xa lộ để đổ xăng, thì tất cả những hàng giá tiền của ba loại xăng và dầu diesel đều có con số 3 đứng ở đầu.

Giá xăng đã lên trên ba đô la một ga lông trong buổi tối hôm trước.

Làm thế nào được? Phải đổ xăng ngay chứ biết làm gì hơn. Vẫn hơn là chạy lên Los Angeles, giá xăng ở đó còn cao hơn ở quận Cam mấy xu. Đầy bình là gần năm chục đô la. Sáng chạy 40 dặm, chiều chạy 40 dặm. Một tuần năm ngày, cuối tuần đi vài ba việc vặt, ra phố đi ăn, lại nhà bạn. Thế nên cứ khoảng bốn, năm ngày lại phải ghé cây xăng. Cái xe 6 máy trong những lúc trên xa lộ chỉ cần đẩy nhẹ cái chân ga, nó bứt đi khỏi dòng xe, vượt các xe khác một cách dễ dàng. Mấy hôm nay, thỉnh thoảng lại phải mở cái máy lạnh.

Tất cả những chuyện đó đều làm phiền tới cái thẻ đổ xăng thưòng xuyên hơn. Radio nói ở Dana Point xăng rẻ hơn nơi tôi ở. Nhưng chạy từ nhà xuống đó, đổ đầy bình xăng thì quay trở lại cũng hết khá nhiều xăng rồi. Có bõ công sức không?

Chắc chắn là không. Đúng là penny wise, pound foolish như một câu tục ngữ Anh vẫn nói. Khôn ngoan tiết kiệm được vài xu chỉ để dại dột quăng đi vài bảng. Thôi thì cứ đổ xăng ở gần nhà vậy. Chạy trời cũng không thoát được con số ba đó. Vậy thì chạy làm chi?

Một bức ảnh trong tờ National Geographic Magazine mấy tháng trưóc chụp một cây xăng đổ nát của một thị trấn bỏ hoang vẫn còn tấm bảng ghi giá xăng hồi thập niên 70. Mới đó mà nay, giá tiền một ga lông xăng thưòng đã lên gấp mười lần. Nhớ hồi mới sang Mỹ, chạy cái Volkswagen con bọ đổ hơn năm đồng xăng chạy một tuần không hết.

Lại nhớ ông nhạc hồi ở Sài Gòn thỉnh thoảng ngồi ngó nhìn lên trần nhà kể giá chiếc xe đạp Alcyon hồi những năm 1940 chỉ có mười mấy đồng bạc. Có một ông già khác cũng hay nói chuyện xưa với những cái giá kỳ lạ đó là ông già Vương Hồng Sển.

Nghe những thứ giá cả ấy mà phát điên lên.

Rồi linh mục Thanh Lãng hồi những năm 60 thì nói là mới mấy năm trưóc, một giáo sư đại học đủ tiền nuôi ba chị người làm. Bây giờ, nghĩa là lúc đó, một chị người làm bỏ đi bán bar có thể kiếm đủ tiền nuôi ba ông giáo sư đại học.

Cứ cái lối so giá như thế nghe mà sốt ruột.

Thì bây giờ, lại đến chính mình ngồi nghĩ và nhớ lại những giá biểu của năm 1975 khi vừa buớc chân xuống đất Mỹ.

Hình như ai cũng chỉ đem giá xăng của hai mốc thời gian ra mà so sánh rồi tiếc cho thời thái bình thịnh trị. Nhưng không ai nhắc lại đồng lương kiếm được thời ấy và cái check lương vừa nhận đưọc tuần trước.

Như vậy, con số 3 đã bị vượt qua, để lại phía sau là những con số 2, và nói theo ngôn ngữ của một bài hát, quả là những “ngày xưa thân ái”.

Con số hai đó, nếu có bao giờ trở lại, chắc cũng sẽ không ở lại lâu. Giá xăng có cái tính rất xấu là nó không bao giờ thích recycle, dùng lại những cái giá cũ đã quăng đi.

Thế là sau khi nhấp nhấp, dứ dứ vài cái để làm cho bớt đi xúc động, yếu tố của một cú sốc không còn nữa, con số 3 được đem ra dùng, và hai con số đi sau nó của hàng xu thì cứ từ từ tăng.

Cứ chưa lên đến con số 4 là được rồi.

Và chúng ta vẫn sống, vẫn đổ xăng, vẫn lái xe đi làm, đi chơi, đi mua sắm. Những chuyến đi đó có giảm bớt đi trong vài ba ngày, vài ba tuần, rồi lại đâu vào đó.

Dần dà con mẹ bán lươn, như một câu tục ngữ vẫn nghe. Dần dần, từ từ, chậm chậm thì ai cũng chấp nhận được. Đừng có thình lình đang từ 36 xu một ga lông trong bức hình của tờ báo lên thành 3 đô la là được rồi.

Tọa thực sơn băng. Ngồi ăn thì núi cũng phải lở. Dầu xăng cũng thế, thế giới cứ lái xe mãi thì các giếng dầu cũng phải hết. Thế giới sẽ phải tìm ra một nguồn năng lượng mới để thay cho nhũng thùng vàng đen kéo lên từ những cái giếng dầu ở Trung Đông.

Theo một số tài liệu thì Ả Rập Sauđi sẽ bơm thùng dầu cuối cùng lên trong khoảng hai mươi năm nữa. Các nước khác thì rồi cũng như thế.

Lúc ấy, thế giới sẽ vui hơn. Sẽ không còn có chuyện đưa quân đi bảo vệ mấy cái giếng dầu nữa. Kuwait có bị ai đánh chiếm thì cũng mặc. Iraq có nhà độc tài ăn thịt trẻ con thì cũng kệ. Hoàng gia Ả Rập Sauđi có phải đi ăn xin thì đã sao, các ông hoàng tử không còn có thể lấy bốn vợ nữa thì cũng là chuyện hợp lý. Các thị dân ở Riyadt, ở Baghdad, Tehran phải trở lại sa mạc để sống đời du mục dưới những cái mái lều da dê trong không khí nóng, tay cầm cái vòi bơm xăng, kỷ niệm của “ngày xưa thân ái”, thỉnh thoảng vung cái quạt lên quạt phành phạch nhớ lại hồi cung điện máy lạnh chạy buốt lưng thì càng tốt.

Lúc ấy, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục ở California vặn máy lạnh cho mát, ở New York vặn máy sưởi lên cho ấm, rồi nghĩ đến các vương quốc dầu hỏa một thời bắt nạt chúng ta mà vui.

Bây giờ thì cứ đem triết lý miền nam ra dùng. Đó là triết lý ai sao tôi vậy. Bực tức làm gì cho khổ thân. Xăng đắt thì cả thế gian này chứ riêng gì đắt cho một người đàn ông già và xấu trai này!

BÙI BẢO TRÚC

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003