Nov 22, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
DẤU TÍCH CỦA THỜI GIAN - BÙI BẢO TRÚC


Ở ngay những dòng đầu của cuốn L’Amant, cuốn tiểu thuyết tự thuật cuộc đời của tác giả ở Việt Nam trong những năm đầu của thập niên 40, nữ tiểu thuyết gia Pháp Marguerite Duras viết rằng bà già rất sớm. Ngay từ năm 18 tuổi, bà đã bắt đầu già, những vết tích của thời gian đã bắt đầu để lại những nét già nua trên khuôn mặt của bà từ đó. Bà mô tả khuôn mặt của bà là một khuôn mặt bị tàn phá, un visage détruit. Nhưng bà không hề thấy phiền muộn về điều đó. Những dấu tích của tuổi tác cứ từ từ hiện lên và để lại trên mặt, từng vết nhăn một. Bà nhìn những vết tàn phá của thời gian trên mặt mình như đọc một cuốn sách.

Bà kể là một ngày nọ, bà gặp một người đã lâu không gặp, người đàn ông khen bà có một khuôn mặt đẹp, đẹp còn hơn những năm trước khi bà còn trẻ.

Marguerite Duras vui vẻ với khuôn mặt ấy, khuôn mặt bà nói là bị tàn phá ấy, cho đến lúc qua đời.

Những người chấp nhận tuổi tác của mình như Marguerite Duras không phải là ít.
Mấy chục năm trước, tôi ở trọ trong nhà của một phụ nữ lớn tuổi. Cụ bà Parker lúc ấy cũng phải ngoài bẩy mươi. Cụ ông qua đời mười mấy năm trước đó. Cụ sống một mình, rất vui vẻ. Sáng nào cũng ra phố, đi thư viện, mua tờ báo về đọc, chơi hết hai cái ô chữ để giữ cho đầu óc khỏi quên.

Những chuyện như thế, nhiều người làm được. Nhưng cụ Parker thì còn làm được nhiều chuyện khác nữa. Cụ lúc nào cũng bắt tôi gọi là Doris, không phải Dorothy, không phải Mrs Parker như thói quen các ông giáo sư dậy Ăng Lê vẫn dậy ở trung học. Cụ bắt gọi là Doris để trẻ trung một chút, và luôn luôn tự xưng là “this old bag”.

Nhưng cái bị già, cái bao tải già, cái old bag ấy lúc nào cũng quần áo đẹp, nước hoa thơm lừng, móng chân móng tay bao giờ cũng sơn mới. Tuần nào cũng ngồi trong bếp tự sơn móng tay cho đẹp. Và tóc thì không bạc phơ, mà nhuộm mầu xanh xám nhạt, nói là “for the boys”, để mấy ông trẻ còn ngó cụ.

Ngay cả nhũng hôm trái gió trở trời, cụ vẫn quần áo đầu tóc tươm tất, nước hoa thơm lừng, dù chỉ là để ra cửa lấy thư.

Không bao giờ tôi thấy cụ quần áo lôi thôi, răng lợi tháo ra để quên trong phòng tắm.

Mấy chục năm sau, thỉnh thoảng đi chợ, tôi cũng gặp những cụ Parker khác. Khi thì một cụ đi một mình, khi thì hai cụ cùng đi với nhau. Và những nguời phụ nữ Mỹ cao niên này cũng chung một điểm: rất diện. Cũng nhuộm tóc, cũng sơn móng tay rất đẹp, quần áo tươm tất và nước hoa thơm lừng.

Những tiệm làm tóc, làm móng tay rất nhiều ở Mỹ bây giờ cũng giúp các cụ tóc tai, móng chân, móng tay đẹp mà đỡ vất vả lụi cụi tự sơn lấy móng tay như cụ chủ nhà tôi ở trọ mấy chục năm trước ở Tân Tây Lan.

Cách sống đó cũng lây sang một số cụ Việt Nam ở Mỹ. Hồi ở miền đông, cuối tuần chúng tôi hay gặp một cụ như thế. Cụ đã lớn tuổi, nhưng lúc nào cũng tươm tất, tóc uốn đẹp, mặc áo dài mầu tươi tắn.

Chắc cụ thích đến tiệm phở của người bạn tôi để gặp chúng tôi, những người hơn con gái cụ vài ba tuổi là nhiều.

Chúng tôi không ngại ngần và cũng không tiếc gì mấy câu nói mỗi lần gặp cụ. Chúng tôi khen cụ đẹp. Một người bạn còn “tán” cụ, nói là hồi trẻ chắc nhiều cụ ông điên cuồng vì cụ. Cụ chỉ cười, nói là chúng tôi quá lời. Nhưng chúng tôi cứ “tán” cụ tiếp.

Tuần sau đó, cụ trở lại tiệm phở vì biết chúng tôi có mặt đầy đủ ở đó mỗi cuối tuần. Lần ấy, cụ mang theo một cái hộp lớn. Cụ ngồi vào bàn chúng tôi và mở cái hộp ra. Cụ cho chúng tôi xem những bức ảnh mấy chục năm trước. Chúng tôi xem những bức hình và khẳng định lại với cụ điều ngưòi bạn chúng tôi nói là đúng: đó là nhiều cụ ông vất vả với cụ lắm.

Chúng tôi biết là cụ rất vui khi nghe những câu tán đó.

Mấy tháng sau, cụ ngã gẫy chân không ra tiệm phở được. Khi lành, đi lại được tuy vẫn còn khó khăn, cụ đòi con gái đưa ra để nghe chuyện mấy ông ở tiệm phở.

Hai năm trưóc, cụ qua đời, trong mấy tuần ở bệnh viện, cụ vẫn cứ hỏi thăm mãi về mấy cái ông nói chuyện vui ở tiệm phở.

Tôi biết chúng tôi làm cho cụ vui. Và cụ rất thích được chúng tôi, mở đóng ngoặc kép, tán cụ. Cụ có vài ý nghĩ vui khi cụ qua đời.

Mấy bà Mỹ ở đây cũng thế, mở cho cái cửa, giữ cho cái cửa cho các cụ đi qua, thế nào cũng cười tươi cám ơn. Khen cho một câu thì chao ơi là mừng.

Đó là một cách sống nên bắt chước. Chẳng bù cho bà cụ tôi. Một thời trông cũng được lắm đấy chứ có dở đâu. Cô Mỹ vấn tóc trần, mặc áo dài Lemur, đeo chuỗi ngọc xanh, bạn của cô Vi K. P. con ông Vi V. Đ. chứ bộ ít sao. Có thời cũng được một người đàn ông làm thơ đăng báo Phong Hóa và Ngày nay tặng rồi cưới về nhà đấy chứ...

Vậy mà không biết tại sao đang như thế, tự nhiên quay ra mặc toàn những thứ quần áo quái đản gì đâu khiến cô em tôi phải lén đem quăng hết mới chịu mặc quần áo mới các con mua cho. Thôi mà, già rồi, mợ không thích đâu... Rồi ông cụ cũng thế, đi hoài một đôi giầy, đưa đi mua đôi mới thì giẫy lên. Phải mua đại một đôi, mang về bắt đi, hỏi có vừa không, có đau chân không, bắt khai thật là không, lúc ấy mới lấy đôi giầy cũ cắt nát ra vứt đi.

Tại sao các cụ Việt Nam dở quá như vậy. Các cụ chịu khó diện một chút cho con cháu nhờ chứ.

Tại sao cái khăn Hermes thì không dám quàng? Tại sao có cái ca vát mới của con cho thì để dành không đeo? Để dành cho đến bao giờ?

Cứ nghĩ đến những chuyện đó, là việc mua mấy cái ca vát mới không còn khiến cho lương tâm cào cấu nữa.

Còn diện được thì cứ diện. Marguerite Duras không thắc mắc về những vết nhăn thì tại sao phải khổ sở với chúng rồi đổ cho chúng nên không dám mặc cái áo mới?

THƯ GỬI BẠN TA
Ngày 27 tháng 4 năm 2006



Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003