Nov 22, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
CON DÂU MỸ - BÙI BẢO TRÚC


Bài Mama From The Train, một ca khúc của Irving Gordon do Patti Page hát, khi mới nghe lần đầu thì khó mà hiểu được bài hát định nói gì, nhất là mấy câu đầu:

Throw mama from the train, a kiss, a kiss
Wave mama from the train goodbye
Throw mama from the train, a kiss, a kiss
And don’t cry my baby don’t cry...

Cứ hiểu đằng thẳng ra, thì ai chẳng nghĩ là ném, quăng mẹ từ trên xe lửa xuống. Chắc ít (?) có người dám làm như thế. Nhưng nghe kỹ, thì mới hiểu là hãy gửi cho mẹ một chiếc hôn gió từ trên xe lửa, hãy vẫy tay chào mẹ từ trên xe lửa, hãy gửi cho mẹ chiếc hôn gió, thôi đừng khóc nữa...

Bài hát cảm động của một người không còn mẹ, nhớ lại người mẹ hiền lành, quê mùa, nói thứ tiếng Anh không chỉnh lắm, còn mang rất nhiều giọng Hà Lan ở Pennsylvania, đứng trên thềm ga xe lửa tiễn con, còn dặn con đi vui vẻ đừng khóc.

Tác giả Irving Gordon, khi viết những câu đầu của bài hát, đã cố ý dùng thứ tiếng Anh không đúng văn phạm, câu cú lộn xộn, thứ tiếng Anh của những nguời di dân Hà Lan lập nghiệp ở đông bắc Hoa kỳ gọi là Pennsylvania Dutch.

Tôi chợt nhớ lại bài hát ấy khi đi ăn với người bạn ở một tiệm ăn tối hôm qua.

Ngồi gần bàn chúng tôi là một gia đình mà chúng tôi không thể không nhìn thấy, vì khoảng cách giữa hai bàn không bao nhiêu và những người ngồi ở bàn lại ở ngay chỗ chúng tôi ngó ra. Gia đình có bốn người, cụ ông và cụ bà khoảng bẩy chục, người con trai có vợ là một cô đầm Mỹ đi cùng.

Hai cụ trông buồn bã và lạc lõng hết sức. Nhất là cụ ông, cứ ngó lên trần nhà, không nói gì, im lặng cả với cụ bà ngồi bên cạnh. Và cụ bà thì cũng buồn bã và lạc lõng không kém. Cụ không ngó cụ ông, và cũng như cụ ông, cụ cũng tránh né không nhìn người con trai và người phụ nữ mà chúng tôi đoán là con dâu Mỹ của cụ.

Cặp vợ chồng ngoài bốn mươi này trông cũng lạc lõng và buồn hết sức. Họ nói với nhau rất nhỏ, và hình như cũng không nói gì nhiều với nhau.

Chúng tôi tin chắc vấn đề của gia đình ngồi bàn bên cạnh là ngôn ngữ.

Có thể hai cụ không nói được tiếng Anh. Cô con dâu Mỹ không nói được tiếng Việt. Hai vợ chồng chỉ nói với nhau bằng tiếng Anh.

Họ không nói với nhau nhiều, có thể là họ sợ nói với nhau bằng tiếng Anh, thì hai cụ bị gạt ra ngoài câu chuyện. Mà người đàn ông nếu nói với cha mẹ bằng tiếng Việt thì lại gạt vợ ra ngoài.

Hai cụ không nói được tiếng Anh, chỉ nói tiếng Việt thì lại sợ làm như thế là gạt cô con dâu ra ngoài.

Hai vợ chồng người con nói rất nhỏ với nhau. Ông bà cụ im lặng ngồi cạnh, không ngó nhau, cũng không nhìn vợ chồng người con. Cụ ông nhìn trần nhà, cụ bà ngó đi một chỗ khác.

Bữa ăn tối im lặng một cách ngột ngạt. Sự im lặng mà nghe lại thấy toàn những tiếng động inh tai nhức óc.

Bữa ăn tối đáng lẽ đã diễn ra một cách vui vẻ, thì bốn người ngồi đó như đang phải gánh chịu những cực hình kinh khủng nhất.

Cũng không trách được ai trong cảnh như thế.

Người con trai có thể chỉ mới đây mới đón được cha mẹ từ Việt Nam qua. Hai cụ sang đến Mỹ thì một số chuyện đã xẩy ra. Mà chuyện đã xẩy ra đó thì hai cụ không thể làm gì để can thiệp được. Và cũng không nên can thiệp vào những chuyện như thế.

Không ai có thể sống hộ đời sống của người khác. Con của các cụ có đời sống riêng. Các cụ không thể can thiệp được nữa. Mà cho dù là có thể can thiệp được thì liệu sự can thiệp đó có làm cho mọi chuyện tốt đẹp hơn không, hay lại càng làm cho chuyện khó khăn thêm?

Hai cụ có thể trước đây ở Việt Nam đã có một đời sống rất khác. Cụ ông có thể lầu lầu tiếng Pháp, cụ bà có thể tiếng Việt giọng sông Cửu long hết sức quyến rũ.

Sang Mỹ, hai cụ phút chốc trở thành những người câm và điếc. Người con trai mà hai cụ gửi gấm cho người quen giúp vượt biên sang Mỹ, được cho đi học tử tế, kiếm được công việc xứng đáng, và đời đưa đẩy đến một cuộc sống mà cha mẹ không nghĩ tới. Người con trai đón được cha mẹ sang Mỹ, tưởng làm vui lòng cha mẹ lúc tuổi già cuối đời.

Nhưng bữa tối tại nhà hàng hôm qua hình như không được như cả hai phía vẫn mong muốn. Người con trai không có lỗi gì. Người con dâu thì lại càng không một sai lầm nào.

Hai cụ cũng không có điều chi sai lầm. Chỉ tại ngôn ngữ bất đồng.

Người con trai đến nước Mỹ khi còn rất nhỏ, tiếng Việt lúc ấy chưa có được bao nhiêu, và nay thì có thể đã quên gần hết. Vài câu chào hỏi xong thì không còn gì để nói nữa. Tiếng Việt đã cạn gần hết. Còn hai cụ, những bài học tiếng Anh thời còn đi học nay cũng đã quên nhiều, không còn để lại được bao nhiêu. Không lẽ cứ Anglais Vivant "Đây là ông Brown, ông Brown là một người đàn ông, đây là Jock, Jock là một con chó, Jock là một con vật, Jock không phải là người..."

Thôi thì đành im vậy, nói ra con dâu nó cười chết.

Nhưng thưa cụ, tại sao cụ lại nghĩ thế. Ít nhất cụ cũng có cuốn Anglais Vivant lót lòng. Cụ cứ nói đi. Chắp mãi thì cũng thành câu: "Cá thì ngon, cám ơn con, cám ơn, mẹ yêu các con, cám ơn đã yêu con trai của bố..."

Dễ mà các cụ. Cứ nói đại đi, đừng sợ ai cười. Cô con dâu Mỹ nếu có nói được vài ba câu như thế bằng tiếng Việt các cụ có cười không? Các cụ chắc chắn sẽ yêu cô con dâu với hai ba câu tiếng Việt ấy chứ?

BÙI BẢO TRÚC
Thư Gửi Bạn Ta
Ngày 13-04-2006



Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003