Nov 22, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
Ðọc Tuyển Tập BÓNG CỜ NƯƠNG TỬ - DIỆU TẦN


1. Tuyển tập truyện ngắn Bóng cờ nương tử do nữ sĩ Trùng Quang chủ trương gồm 12 truyện ngắn của 11 tác giả có ba điều đặc biệt. Thứ nhất các tác giả tòan là nữ giới từ những cây bút đã thành danh đến những cây bút nội trợ, mới viết truyện đầu tay. Thứ nhì, các bài viết không chỉ xuất phát từ Hoa Kỳ mà là những đóa hoa gửi từ Anh, Pháp, Úc, Gia nã đại kết thành bó hoa tỏa hương, khoe sắc. Thứ ba, tập truyện trình bày giản dị, chỉ dày có 220 trang nhưng mang nội dung phong phú, đa dạng.

2. Vào dịp được giới thiệu tiểu sử nữ sĩ Trùng Quang, mừng thọ 96 trong bữa tiệc Tân niên của Nhóm cựu SVSQ Trừ bị Thủ Đức khóa 1 Nam Định- Thủ Đức cuối tháng 3 vừa qua, tôi tưởng cuốn sách là một kịch thơ lịch sử. Phất cờ nương tử, thay quyền tướng công, chắc phải là trang sử bi hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị. Khi nhận được cuốn sách vừa in xong mới biết đó là công trình trí tuệ của các nữ tác giả, trong “Lời thưa trang đầu” do chính nữ sĩ Trùng Quang viết ngắn gọn và khiêm nhường.

3. Truyện Ngõ hạnh ngát hương của tác giả Diệu Hân, là những dòng hồi ức kể chuyện vượt biên và một màn hội ngộ nhiều xúc động, nhiều nước mắt sẽ diễn ra mừng tủi sau 23 năm mới nghe tin người chồng sống sót đang lưu lạc bên Thái Lan. Tiếp đến tác giả Cỏ May đem đến một quá khứ rất Huế qua truyện ngắn Tuổi thơ, ôi tuổi thơ. Cô bé đất Thần Kinh 6 tuổi theo chị đi dự lễ Hai Bà Trưng để được biết mặt vua và hòang hậu. Tình cờ cô bé rất vô tình đã vui đùa với hòang tử Bảo Long, sau này cô bé lớn lên, tiếc nuối: huyền thọai con rồng cháu tiên, biết đâu sẽ đẹp như trăng sao, huy hòang như cổ tích.

4. Cụ bà tuổi non thế kỷ Trùng Quang ghi lại Bóng cờ nương tử, chuyện một thiếu nữ muốn trở thành một nữ quân nhân, nhưng mộng không thành. Cho nên cô nữ sinh mới đậu tú tài I đành ngâm mấy câu thơ:

Lâu rồi chinh chiến lạnh dung nhan
Chiêu dương bừng lửa trên gò má
Gợi ánh hồng pha mây hợp tan

Củng đề tài nhắc đến quân đội, tác giả Nguyễn Thị Nhung ghi lại những chi tiết huấn nhục trong một quân trường đào tạo sỹ quan. Qua “ Cờ bay trên thành phố thân yêu” do tác giả Nam Mai ghi nhận đã làm sống lại không khí bi hùng trận Tết Mậu Thân tại Huế. Mối tình của nữ sinh Thanh Trầm với một giáo sư trung học bị đổ vỡ, bởi người tình mơ mông, dễ tin đó muốn làm một cái gì tốt đẹp cho quê hương, nhưng anh ta đã lầm đường và đã bị đổ vỡ niềm tin vì dám lên tiếng phê bình tính dã man cuộc tàn sát dân thường tại Huế, bị tống ra Bắc rồi không ai rõ số phận ra sao.

5. Tác giả Lê Xuân từ bên Anh gửi đến hai truyện ngắn mô tả đời sống thường ngày của lớp người cao tuổi là Bà Sáu tức Mrs Sixy và ông Phan lưu lạc ở Luân Đôn. Bà Sáu không biết nói tiếng Anh chỉ vui đựơc khi tiếp chuyện với một bạn già qua máy điện thọai cầm tay. Cuối cùng rồi bà Sáu cũng tìm được một nơi chốn, một phương cách sống để thấy yêu đời hơn, thấy con người và hè phố dễ mến, có nhiều điều mới lạ. Truyện Ông chồng đảm đang có nét hài hước tuy có hơi chua xót cho một ông thầy chuyên cắt âu phục múa kéo nổi danh một dạo. Kinh tế xuống dốc, ông lần lượt bị tuột chức xuống làm thợ cắt chỉ lược, rồi bị thất nghiệp. Ông bị mất giá, trở thành người trông coi cháu nhỏ, kiêm đi chợ và làm bếp khéo léo đảm đang…

6. Nhà văn, nhà thơ Cao Mỵ Nhân, tác giả đa tài, làm thơ hàng ngàn bài, ngâm thơ sang sảng, làm MC họat bát, mạnh dạn, nói thẳng, nói thật. Tùy bút Chuỗi 50 năm sau nhắc đến tinh thần võ sĩ đạo của Nhật Bản và thoang thỏang mùi Thiền. Câu kết bài tùy bút tác giả viết: …Vâng, những gì đã có ở thế gian này vẫn còn kia…. đang tiếp diễn, vẫn hiển hiện đâu đó chung quanh cuộc sống dù (con người)muốn nghỉ ngơi

7. Cây bút Trần Thanh Ngọc kể lại một mối tình “có vần đề” về ý thức hệ, chính kiến. Chướng ngại vật to lớn ở đây không do hai người yêu nhau gây ra mà do hai bên cha mẹ đứng ở thế đối nghịch. Hai người cha, một đã là người khuất mặt vì bom đạn, một người đang lê thân tàn trong trại cải tạo. Hai bà mẹ, một là khoa trưởng đại học, môt là gíao viên miền Nam thất thế, ngồi bán rau trái ngòai chợ. Nhờ tình yêu, nhờ quyết tâm và nhờ sự thông cảm, hiểu biết của hai bà mẹ, đôi uyên ương đã kết hợp được và đi du học tại Úc. Họ thành công ở xứ người, hy vọng “ Ngày mai trời lại sáng” sẽ sớm được hội ngộ, đòan tụ với cả hai bên nội ngọai tại quê nhà.

8. Nếu được chọn một truyện coi như nổi nhất, mạnh bạo nhất với lối viết mới lạ, với nội dung khai phóng, tôi chọn Cây đàn muôn điệu của Hòang Mai. Nếu coi văn chương nhóm Tự Lực Văn Đòan là đã mở đầu cho cuộc giải vây phụ nữ thóat khỏi vòng kiềm tỏa cổ hủ, bất công, lạc hậu thì truyện ngắn của Hòang Mai là một tiếng chuông khởi đầu cho cuộc giải vây táo bạo đòi nữ quyền và mưu tìm hạnh phúc thời thiên niên kỷ thứ hai. Với hơi văn có trách nhiệm, đầy tự tin tác giả bạo dạn chủ trương lối sống chung thử, chưa coi người chung sống là husband, mới chỉ là partner. Trước đòi hỏi vô lý, kỳ quái của bà mẹ chồng tương lai, vai chính, cô gái có học thức bị chạm tự ái nặng nề đã dứt khóat quyết liệt cắt đứt liên hệ với partner, hủy bỏ đám cưới linh đình sắp được tổ chức. Sau đó dòng nhạc Chopin và ngón đàn tài hoa ờ Normandie đã xui khiến cô gặp được nguời chung tần số suy tư, tình cảm. Một đám cưới nhỏ, rất giản dị đã đem cô vào khung trời hạnh phúc, tự do tại một làng chài nhỏ bờ biển nước Pháp.

9. Trăng ngời biển sóng của tác giả Phương Chính là truyện ngắn nhiều trang nhất trong tập. Đây là một ghi chép trung thực từ cuốn băng do một chú bộ đội nhỏ bé thuật lại, bí mật đời mình đả được bạch hóa. Chú nhỏ là một học sinh cháu ngoan của bác, bị đẩy vào miền Nam đi giải phóng kìm kẹp. Cũng do đó chú nhỏ đã sáng mắt ra, thấy được những điều trái ngược với lời tuyên truyền. Sau trận Mậu Thân bộ đội Thịnh đã biến thành học sinh Bằng, chú nhỏ lang thang từ Nha Trang , rồi ngơ ngác giữa Sài Gòn. Sau đó chú lưu lạc đến xóm chài Rạch Hào ở Cà Mau, làm bghề cá ở bờ biển rồi trở thành cựu thuyền nhân ở Mỹ!!
Truyện cuối sách là Dì Năm của tác giả Mai Thị Trâm. Dì Năm của cháu Châu lạc lõng nơi xứ người, phải lo lằng đùm bọc lẫn nhau. Dì trông coi trẻ nhỏ cho chủ nhà được ở một phòng khỏi trả tiền. Dì trồng rau thơm ngoài vườn, đem ra bán ở ngòai hè một siêu thị Việt mỗi ngày Thứ Bảy. Cháu Châu phụ thu tiền trong chợ, sau đó vào học ở đại học cộng đồng, cắc củm để dành tiền mua được máy nghe cho dì….

10. Cụ bà Trùng Quang, một khuôn mặt văn học, xã hội nổi tiếng từ thập niên 50 ngòai Hà Nội. Cụ đã được tưởng thưởng ba bội tinh xã hội ở Hà Nội và Sài Gòn. Cụ được 4 thành phố ở bang California vinh danh về những công tác xã hội và văn học. Cụ chuyên viết kịch thơ lịch sử, cộng tác với báo chí địa phương, đứng mũi chịu sào nhiều tuyển tập thơ xướng họa. Đặc biệt cụ chủ trương ấn hành cuốn Phụ chú Bình Ngô Đại cáo, có các dịch giả nổi danh dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp rất có giá trị và chưa có phương tiện tái bản. Với tấm lòng yêu văn học, cụ có thừa bề dày kinh nghiệm để tiếp tục chủ trương những tuyển tập thơ văn có sự hiện diện của các văn tài đã thành danh chung với những cây viết mới đầy triển vọng.

DIỆU TẦN

Ghi chú: “Bóng cờ nương tử” tuyển tập truyện ngắn do nữ sĩ lão thành Trùng Quang chủ trương, ấn phí 12 Mỹ kim. Chi phiếu ủng hộ 15 Mỹ kim(3$ cứơc phí) xin gửi về: Tâm Lê 2625 S. King Road #208 A, San Jose, CA 95122.


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003