Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
CON GÁI NGƯỜI TÁ ÐIỀN
THÚY SƠN
Hà vừa dắt được chiếc xe đạp leo lên cái dốc chân đê sông Trà Lý, thì một luồng gió mát cuối Thu thổi ngược từ dòng sông hắt lên, làm anh cảm thấy mát mẻ và d chịu. Vừng thái dương từ phía bụi tre xóm Bến Ðông, trải rộng như một vòng cung ôm lấy làng anh, đang từ từ vượt qua lũy tre xanh. Những tia nắng vàng lóng lánh phản chiếu những ngọn tháp, những nóc nhà quen thuộc. Báo hiệu một ngày nắng Thu rực rỡ. Hà từ từ đạp xe xuôi theo dòng sông Trà Lý về phía Ðông.

Buổi sáng hôm nay thật là đẹp trời. Làm cho lòng Hà phấn khởi như người vừa tìm được một chân lý cho sự sống của cuộc đời. Anh phải nhất định vượt mọi gian lao, thứ thách, cố công để tìm cho được người con gái mà đã bao lâu chàng thường ấp ủ yêu thương. Chỉ vì những l nghi, phong tục, tập quán cổ hủ, và địa vị xã hội, đã ràng buộc Hà, ràng buộc một mối tình chân thật của chàng. Nhưng tình yêu bao giờ cũng là một sức sống mãnh liệt vô biên. Anh nghĩ thế. . .
Hà nhớ lại mùa Hè năm đó. Cũng như mọi năm, cứ đến mùa lúa, thì anh phải theo người quản gia ra đồng trông coi ruộng nương, trông coi những người thợ gặt, những người tá điền. Cha anh thường bảo:
· “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Nhà này có một mình con là lớn. Nên ngoài việc học hành ra, con còn phải có bổn phận trông coi ruộng nương, đồng áng. Sau này còn phải kế thừa sự nghiệp của cha. Ông nói tiếp: Ở đời này không có gì quý bằng nghề làm ruộng. Các cụ ta thường nói:“ Nông giả thiên hạ chi đại bản”. Nghĩa là nghề làm ruộng là cái vốn quý giá nhất của con người.
Hôm đó Bướm đem cơm ra đồng cho cha nàng, cũng gặt lúa ở gần ngay khu ruộng nhà Hà. Nên tình cờ mà anh gặp. Mới đầu anh cho rằng Bướm cũng chỉ là một cô gái quê mùa, hiền lành, chất phác như bao người con gái trong làng, hay trong “hàng ngũ” những con nhà tá điền của gia đình anh. Nhưng không ngờ! Thật không ngờ! Bướm lại có được một tấm nhan sắc trời ban cho đẹp như vậy.Anh nghĩ: Nói theo lối cải lương là “Bá mỹ, thiên kiều” ẩy mà! Nước da trắng như trứng gà bóc, hai cái má phinh phính, có lúm đồng tiền, hàm răng đều và trắng muốt, hai con mắt rất tinh anh, sắc sảo. Lại ăn nói có duyên và l phép. Khi cha nàng bảo:
· Con bưng nước lại mời cậu đi !
Bướm “vâng”. Rồi rót đầy bát nước trà, hai tay trịnh trọng bưng lại chỗ Hà nói:
· Bố cháu mời cậu dùng nước ạ !
Hà ngửng mặt lên nhìn Bướm cười:
· Cảm ơn cô! Ðể đó cho tôi.
Bướm tinh nghịch nhìn Hà nói: “Ấy chết! Sao cậu lại gọi cháu là “Cô”. Bố cháu nghe thấy sẽ mắng cháu.
· Thế gọi là gì? Không lẽ con gái lớn như vậy, lại gọi là “Mày” hay sao? Hay cô muốn tôi gọi là “Chị” hả ?

Bướm cười, bẽn lẽn quay mặt đi, và chạy về chỗ bố ngồi. Hà cầm bát nước trà lại gốc đa, chỗ cha con Bướm ngồi, để gạ chuyện. Cái gì chớ, cái nghề “gạ chuyện” là sở trường, sở đoản, của anh mà ! Nhất là khi nhìn thấy nhan sắc của Bướm, thì hồn phách anh đã lên mây rồi. Ðúng là tiếng sét ái tình nó giáng xuống đầu anh. Và từ đó, chàng mới biết Bướm là con gái lớn của ông Trương Anh. Cả ngày chỉ ở nhà phụ mẹ nấu cơm, dệt vải. Không hề phải ra đồng áng, nên nước da lúc nào cũng trắng trẻo, mịn màng. Hôm nay mẹ cô muốn ở nhà dệt cho xong tấm vải, để kịp ngày mai có phiên chợ Bơn, đem đi bán. Nên Bướm mới thay mẹ đem cơm cho bố.
Gia đình ông Trương Anh chỉ có hai vợ chồng, và hai đứa con, nên ngoài 5 sào ruộng tư ,ông còn cấy rẽ của ông Hàn 7 sào. Cộng với 3 sào công điền, là nhà ông cũng có hơn một mẫu ruộng đồng chiều. Thêm vào tài nghệ canh cửi của hai mẹ con Bướm, nên gia đình cũng không đến nỗi nào. Nếu không muốn nói là khá giả. Bướm chỉ có một người anh - Thằng Ngài - năm nay cũng gần 18 tuổi, sắp được ăn ruộng của làng rồi. Ðáng lẽ thì gia đình ông cũng chẳng cần cày thuê, cấy rẽ làm gì. Chỉ mấy sào tư điền và một suất đinh, cũng đủ sống cho bốn miệng ăn. Nhưng vì ông đi lại nhờ vả ông Hàn đã lâu đời. Hơn nữa 7 sào tư điền mà ông Hàn cho ông cấy rẽ, lại ở gần ngay sau nhà ông. Chỉ cách có một con ngòi nhỏ. Óng có thể đứng ở đầu nhà mà nhìn ra đồng ruộng được. Ông thường nói:“Thửa ruộng này tôi cày cấy đã mười mấy năm rồi đấy.”
Hà đạp xe qua khỏi nhà thờ Lập trại, qua một khu xóm ở bên trái. Có lũy tre xanh bao bọc những mái tranh hiền hòa, ẩn hiện sau những tàn lá xanh tươi. Ở đấy chỉ có độ vài ba chục nóc nhà, mà lại là cư dân của bốn làng: An liêm, An lập, Vạn di, và Liêm thôn. Hà nghĩ: Làng An lập thì ở sát ngay bờ sông Trà lý, nên khu này gọi là Lập trại, thì đúng lắm. Còn hai xã Vạn Di và Liêm thôn, ở cách xa đây gần hai cây số, mà sao lại cũng có đất đai ở đây. Ðiều này đã có lần Hà hỏi mấy ông Chưởng Bạ lớn tuổi, thì được họ giải thích là :“Nguyên do ba làng này, xưa kia thuộc huyện Thư Trì, bên hữu ngạn sông Trà Lý. Nhưng vào cuối thế kỷ 19, thành lập tỉnh Thái Bình, thì khu vực này được sát nhập vào huyện Duyên Hà, cho hợp với hoàn cảnh địa lý. Vì thế, ngày nay làng An Liêm cũng còn một mảnh ruộng hơn ba sào, nằm ở bên làng Ngoại Lãng, thuộc huyện Thư Trì.
Khi Hà đến chợ Cống Vực, thì vừa 8 giờ. Chuyến xe hàng chở hành khách, trên tuyến đường từ tỉnh Hưng Yên đi Thái Bình, cũng đang xuống phà. Hà lật đật dắt xe xuống, để cho kip chuyến phà. Chớ nếu mà lỡ một chuyến thì phải đi đò nan, nếu không muốn chờ cả tiếng đồng hồ. Bến đò Thọ vực có người gọi là đò Cống vực. Vì ở phía bên tả ngạn là thuộc địa phận xã Thọ Vực, có một cái cống lớn, đầu một con sông đào, để dẫn thủy nhập điền, qua các xã Thọ Cao, Phú Vinh, Cao Mỗ, và ăn thông vào con sông Tiên Hưng. Ngoài ra cũng có một nhánh sông chạy dài xuống làng Nguyên Xá rộng lớn, và trù mật.
Hà để cho chiếc xe hàng nổ máy, rồi ì ạch leo lên dốc đê trước, chàng mới dắt xe đạp lên theo. Bến đò bên này rất vắng vẻ, chỉ có một quán bán nước. Trái với phía bên Thọ vực, còn có ngôi chợ, có hàng quán, có người buôn bán, trên bến, dưới thuyền, tấp nập, ồn ào vui vẻ. Con đường từ bến đò đến tỉnh lỵ Thái Bình vừa đúng mười cây số. Không thừa, không thiếu. Là con đường liên tỉnh Hưng Yên Thái Bình, nên được trải đá tráng nhựa. Tuy nhiên, đã lâu ngày không được bảo trì, nên có quãng thì nhựa đường đã tróc lở, phơi những mảng đá “giăm” ra, xe cộ cán lên nghe rào rào, lộp độp...
Chiếc xe hàng phì phạch chạy qua, để lại những đám bụi mịt mù. Nếu xuôi gió thì Hà đã đuổi theo, nhưng vì ngược gió, nên anh chỉ đạp chầm chậm, vừa đi, vừa ngẫm nghĩ. Phía bên tay phải anh là những cánh đồng lúa con gái rộng mênh mông bát ngát, xanh rì như một tấm thảm nhung chạy dài qua mấy xã :Ðại Ðồng, Ðồng Thanh, Nhân Thành, Ðoan Túc. . . Xã Ðại Ðồng thì chỉ có một cái điếm canh đê thôi. Nhưng Ðồng Thanh và Nhân Thành thì dài lắm. Hai làng này đã chiếm tới hai phần ba con đường 10 cây số. Hà cứ đạp xe theo vết mòn của bánh xe hơi mà đi trên những lớp sỏi đá, nghe rì rào hợp cùng với tiếng gió vi vu bên tai, như một khúc nhạc hòa tấu. Anh vừa nhấn chân đạp, vừa se sẽ ca bà “Nhạc tuổi xanh” của Phạm Duy: “Ðường ta, ta cứ đi... Nhà ta, ta cứ xây... Ruộng ta, ta cứ cày... Ngày mai bao ấm no...”
Anh nghĩ: Ờ nhỉ ? Ngày mai... bao ấm no... Chẳng biết có được vậy không? Nhưng gia đình anh thì đã phải chia ly, xé lẻ. Từ ngày..” Phỏng” ... Quên, anh nghĩ lộn. Từ ngày “Giải phóng” đến giờ. Ðã xẩy ra biết bao nhiêu tang tóc cho cái xã hội này. Cái xã hội mà người ta gán ghép cho là:“Cường hào, ác bá” thì đã có biết bao nhiêu người bị bức tử, hay trốn chạy, để cầu sinh tồn. Một số người tự kết liu đời mình. Còn một số thì đào tẩu. Gia đình Hà cũng nằm trong “diện” đó. Nhưng nhờ được ông Hàn có mấy ngôi nhà ở Hanoi, nên gia đình đã cao chạy, xa bay, lên ở ngay căn nhà trên phố hàng Bột. Còn ruộng nương, nhà cửa thì giao lại cho mấy người cháu, và quản gia trông coi. Hà thì đi đi, về về. Lần này theo lời Ông Hàn, anh về để bán đi một số ruộng lẻ tẻ, ở các làng lân cận. Cha anh dặn:“Ðắt rẻ gì cũng bán. Con gọi mấy người tá điền, ai mua được thì bán cho họ. Nếu trả được ít nhiều, còn cho họ khất cũng được.”
Việc đầu tiên anh làm là “xóa” nợ cho chú Trương Anh, và giao văn tự đoạn mại 7 sào tư điền cho chú. Sau là nhờ chú đi tím kiếm tung tích Bướm cho anh. Từ ngày gia đình chú Trương bị ông Hàn gọi đến “dũa” cho một mẻ te tua. Nên cả gia đình đâm ra oán hận ông Hàn. Chú bảo: “Gia đình tôi nào có tội tình gì. Chỉ có cái tội có con gái đẹp, để cho con trai ông si mê, và đòi cưới. Vậy mà cũng có tội hay sao? Yêu đương là chuyện của nam nữ, chớ người lớn như tôi đâu có xía vào làm gì. Tôi biết gia đình tôi nghèo, không có danh giá, không có địa vị.. . . Nhưng tình yêu cũng có những cái khúc mắc của nó , mà người bàng quan không hiểu biết được, không cảm nhận được. Cũng như người đang đi trên cánh đồng đầy hoa thơm cỏ lạ, thì mỗi người có một cái suy tư về màu sắc và hương vị khác nhau.” Mà con nhỏ này mới là lạ chứ? Mới có 15 tuổi thôi, nhưng lòng tự ái của nó quá to lớn đi, vượt lên mọi lý trí và tình cảm của cuộc đời nó. Lấn át cả tình mẫu tử, tình phụ tử, tình bằng hữu.
Cho nên, một đêm không trăng, không sao, Bướm đã lẻn trốn cha mẹ, đi vào chùa Cổ Quán để xin “thí phát quy y”. Sư bà Chủ trì thấy nàng con quá trẻ. Sợ rằng trong phút giây bồng bột mà hành sử như một kẻ vô tâm, vô tính. Nên bà khuyên dụ nàng trở về với gia đình. Bà nghĩ xấu: Con bé này, chẳng lẽ lại là phường “trốn chúa, lộn chồng” hay sao? Nó còn nhỏ như vậy. Ðể ta hỏi cặn kẽ duyên cớ xem sao? Nếu bất quá thì cho nó tạm tá túc ở đây một thời gian, nếu nó quyết chí tu hành thì tốt. Bằng không thi khỏi mất công “hoàn tục”. Thế là Bướm được “tạm” tu tại chùa. Cho đến một ngày cha cô tìm đến khuyên can, dỗ dành thế nào cô cũng không chịu về. Cô nghĩ nếu cứ ở đây, thì cha mẹ mình thể nào cũng lại đến tìm bắt mình về. Chi bằng tìm đến một ngôi chùa nào thật xa xôi, vắng vẻ. . .
Hà đến Thái Bình thì đã gần trưa. Anh định đi rảo một vòng, xem Thái Bình có gì thay đổi khác với thời gian chàng còn trọ học ở đây không? Hà đạp xe qua đình Bồ Xuyên, rồi đến dốc cầu Bo. Nhìn về phía ngã tư huyện Vũ Tiên. Một rẫy phố thẳng tắp dài gần hai cây số, chia làm ba khu: Ðệ Nhất, Ðệ Nhị, và Ðệ Tam. Phố Ðệ Nhất thì phần lớn là những dinh thự, và công sở của người Pháp, như tòa Chánh, Phó Sứ, kho Bạc, Giám binh, tòa Án. . . Nhưng bây giờ trở thành những văn phòng, và trụ sở của Ủy ban Hành chánh kháng chiến tỉnh. Những ban , ngành các cấp... Có điều những bảng tên thì toàn bằng tiếng Việt. Bảng nào cũng là màu đỏ chót, chữ đen trông rất nổi. Anh nhìng tấm bảng “Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thái Bình” Anh nghĩ hồi mới đầu, tỉnh này được đổi là tỉnh “Ngô Duy Phớn” mấy tháng, bây giờ mới đổi lại là Thái Bình. Còn nhửng tiệm buôn, những cửa hiệu, vẫn còn y nguyên. Hai tiệm ăn lớn của người Trung Hoa là Hồng Ký, và Xương Kỳ Cư. Hà không biết phải đọc là “Xương Kỳ Cư”, hay là “Kỳ Xương Cư” mới đúng. Vì bảng hiệu viết bằng chữ Hán. Có người bảo tên hiệu này phải đọc chữ ở giữa trước, rồi mới đến chữ bên trái. Ðành chịu thôi !
Qua mấy tiệm ăn, đến phố Ðệ Nhị thì nhiều cửa hàng buôn bán hơn: Hàng tạp hóa, hàng vải vóc, hàng ăn. Hai hiệu sách lớn ở Thái Bình, mà Hà quen thuộc là Thanh Sơn và Mậu Hiên. Hiệu Thanh Sơn, thì có những bậc thềm cao, và cửa tiệm có chiều dài ăn thông vào trong, nên không được sáng sủa bằng hiệu Mậu Hiên. Mậu Hiên ở xế trước cửa đền Mẫu, gần cuối phố Ðệ Nhị. Cửa hiệu rộng rãi và bằng mặt với lề đường, nên trông rất sáng sủa. Lâu lâu ông Mậu Hiên triển lãm tranh ảnh và thơ nhạc. Lại có dịp làm no con mắt học sinh đất “Thái lọ”. Hà thích nhất bài thơ thêu bằng tay, của Nữ sĩ Anh Thơ, con cụ Vương Ðan Lộc, đã có thời làm Trợ tá ở huyện Duyên Hà. Bài thơ bằng lụa trắng thêu chỉ đỏ rất nổi. Hà chỉ còn nhớ được mấy câu: “Bạch lạp lòng sôi trên mỏ hạc. Hồng thơ đơn ngự suốt chân tường. Ðơm tình gái mộng bôi đôi mà. Ồ! Nghĩa hoa mùa nở bốn phương. . .” Ông Mậu Hiên, người hơi khiêm nhượng về chiều cao một tí, nhưng rất vui tính. Trái lại mấy cô con gái thì bé tí tẹo, nhưng lại khó tính vô ngần.
Qua tiệm bánh Hanh Tụ, anh vào mua vài phong bánh và mấy hộp trà Tầu, để làm quà cho Sư Bà chùa Ðồng Xâm. Anh nghĩ:“Mình là người Công giáo, nên chẳng biết nhà Chùa họ ăn được cái gì, và cái gì phải kiêng? Phải cữ ? Nhưng trà Tầu thì nhất định là uống đựơc chứ ? Còn bánh Hanh Tụ là loại bánh làm bằng bột nếp với đường! Ai mà chẳng chiếu cố được!
Từ trong tiệm bánh ra, Hà định đạp xe xuống ngã tư huyện Vũ Tiên, để xem cảnh trí một phố “Cô đầu” giờ đã thay đổi đến mức nào ? có còn nhà ông “Chinh cá gỗ”, nhà Bà Ký Ðường, nhà Cụ Giáo Lượng. . . hay
không? Nhưng chắc chắn là đã thay đổi hết. Những người đó chẳng biết giờ đã “lang bạt kỳ hồ” ở nơi mô ? Hay có người đã về vườn để cuốc bẩm, cày sâu. Nhưng không hiểu sao anh lại bỏ ý định đó, mà đi ngựơc về phía cầu Bo, rồi cứ theo bờ sông Trà Lý mà xuôi về phía Ðồng Xâm. Người ta bảo: Cứ đi chừng mười lăm cây số, là đến Cống Dục, quẹo vào con đường đất, đi vài cây số, qua xã Dương Cước là đến nơi.
Mặt trời đã gần đứng bóng, vào những ngày cuối Thu, nên không khí rất là trong lành. Không còn oi bức nắng cực như những ngày tháng trước. Trên nền trời xanh lơ lơ, một vài cụm mây bạc lơ lửng trôi về phía chân trời. Thật là đẹp ! Chẳng trách có một nhà văn nào đó đã nói: “Một mối tình đẹp như mây Thu. . .” Gió hiu hiu thổi, những lá tre khô bên bờ đê, theo gió đong đưa rơi lả tả xuống chân đê. Rồi lại nhập bọn với nhau mà “cuốn theo chiều gió”. Những cánh đồng ruộng bao la thẳng tắp mãi tận làng mạc xa xa. Còn phía bên dòng sông là những bãi cát trồng ngô, khoai, sắn. Hoặc những nương dâu xanh thẳm. Những ruộng ngô mượt mà đơm bông, gió thổi rì rào những bông ngô lả lướt theo chiều gió. . .
Ðình làng Ðồng Xâm thật là nguy nga đồ sộ. Chỉ một bức tường xây “Lưỡng long triều nguyệt” trước cửa cũng đã công phu lắm. Ở giữa là một một hình tròn, hai bên là hai con rồng vĩ đại, xây bằng gạch. Những vẩy rồng đều ghép bằng những chiếc đĩa sứ cổ. Thân rồng uốn khúc dài hàng chục thước tây. Trông rất mỹ thuật. Phía ngoài bức tường là một cái hồ bán nguyệt khá rộng. Sân đình lát gạnh bát tràng rộng mênh mông. Mỗi khi vào đám, hoặc l bái, có thể chứa hàng nghìn người. Hà đạp xe vào trong làng một quãng thì đến ngôi chùa cổ. Tọa lạc trên một khu đất cao, như một ngọn đồi nhân tạo. Chung quanh trồng toàn là cây ăn trái , nào là : nhãn, vải, cam, quýt, hồng, bưởi. . . um tùm rậm rạp. Phía sau chùa thì toàn là chuối: Chuối tiến, chuối mắn, chuối sứ, chuối ngô, chuối mật. . . chuối mẹ, chuối con, chen chúc nhau như một khu rừng chuối. Cây thì có buồng treo lủng lẳng tới gần đất, cây thì có bắp mới nhú ra , hãy còn tim tím, đỏ đỏ. Hà đi vào một khóm chuối, có người sư nữ đang lấy dao cắt buồng chuối vàng từ trên cao xuống. Nhà sư phải king chân mới đặt được con dao bầu vào đầu buồng chuối. “Phập”! Buồng chuối rơi xuống, và người sư nữ đỡ lấy đặt vào rổ, rồi đi tìm buồng chuối khác để “xử tội”. Hà đến gần l phép :
· Thưa Sư cô! Tôi là anh của ni cô Diệu Tâm, ở vùng Duyên Hà đến thăm. Xin cho tôi được gặp.
· A Di Ðà Phật ! Mời thí chủ theo tôi.
Sư cô bỏ công việc cắt chuối, dẫn Hà đi qua một rẫy nhà ngang. Ðến một căn phòng rộng rãi. Chính giữa là một bàn thờ Phật, có lư hương và bộ thất sự bằng đồng xanh, sáng loáng, khói hương nghi ngút. Bên ngoài là bộ trường kỷ bằng gụ đen bóng. Hai bên là hai cái sập gụ, và những bộ ghế ngựa gỗ lim. Căn phòng dùng để tiếp khách thập phương. Hà ngồi chờ chừng năm phút thì Bướm tới. Thoạt đầu anh không nhận ra, vì mới chỉ có mấy năm mà trông người khác hẳn. Gầy ốm và tiều tụy rất nhiều. Khuôn mặt trắng xanh, thân hình đã bé nhỏ lại mặc bộ nâu sồng rộng thùng thình, cô đi khoan thai, nhẹ nhỏm. Nếu gặp mẹ anh thì mẹ anh đã chê là người đi không lướt cái cỏ là vậy. Hà muốn chạy lại ôm lấy Bướm, cho thỏa lòng mong ước khát khao, của hai tâm hồn:“Con Chúa và con Phật” bao ngày đêm mong đợi. Nhưng vì ở giữa nơi cửa Phật nên anh không dám. Một hồi lâu mới thốt được nên lời:
· Trời ơi! Em sao gầy yếu nhiều quá thế ?
Bướm không trả lời được, vì cảm xúc quá mạnh. Hai giọt nước mắt từ lăn xuống hai gò má người nữ tu bất đắc dĩ. Thật lâu lắm, nàng mới lấy cánh tay quẹt nước mắt rồi hỏi:
· Anh về hồi nào vậy? Sao biết em ở đây mà tìm?
· Truyện này thì còn dài, còn nhiều nỗi đắng cay và nhiêu khê lắm lắm. Ðể rồi anh sẽ kể cho em nghe.
Nói xong, Hà mở “ba lô” lấy ra hai hộp trà và mấy gói bánh Hanh Tụ, nói là đem đến biếu Sư Bà, và xin phép cho Bướm về. Cô nàng thì “Tình trong như dã, nhưng mặt ngoài còn e.” . . , còn làm bộ màu mè nói:
· Hay là anh để em ở lại tu nốt kiếp này. Ân tình của anh để cho kiếp sau em trả.
Hà giơ tay “cốc yêu” vào đầu Bướm:
· Em nói gì? Hay là muốn cho anh ở lại làm Hòa Thượng luôn với em hay sao?
Sau một hồi giằng co giữa Ðạo và Ðời. Giữa tình yêu và tín ngưỡng. Bướm cúi đầu lặng lẽ theo Hà về. Sư Bà là người từng trải, hiểu biết sâu rộng cả về tình đời lẫn tình người. Bà nói:
· Thôi con cứ theo anh con về nhà cho cha mẹ vui lòng. Khi nào con muốn trở lại nhà chùa thì cứ việc đến. Cánh cửa từ bi lúc nào cũng mở rộng. A Di Ðà Phật! Thôi con về bình an.
Bóng chiều đã ngả. Hai bóng đen trải dài trên con đường làng đầy cát bụi. Họ vừa đi vừa kể lể cho nhau những nỗi nhớ nhung, thương mến, mà hai người đã phải chịu đựng trong những năm tháng dài. Thời gian bốn, năm, năm tuy chẳng là gì với một kiếp người, nhưng thật quá dài với hai tâm hồn đang yêu. Khi đến Cống Dục, Hà mở khóa vặn ngược chiếc “ghi đông” xe “cuộc” hiệu Sterling lên, để cho d chở một người ngồi trên. Trước Bướm còn ngần ngại, không dám leo lên. Nhưng Hà dỗ mãi, anh bảo: “Cứ ngồi lên, anh chở, chẳng ai cười đâu mà sợ. Cười thì nhe mười cái răng ra. Người ta chở em gái người ta. Chớ có chở nhân tình, nhân ngãi gì đâu.” Ði một quãng đến gần một cái điếm canh bên đường. Anh ngừng xe lại và lấy đưa cho Bướm một bộ đồ thôn nữ, mà anh đã mua hôm về qua Nam Ðịnh. Anh bảo: “Em vào trong điếm thay bộ quần áo này, sẽ không còn ai biết em là Ni cô nữa. Anh đứng ngoài canh chừng cho.” Ni cô Diệu Tâm bẽn lẽn ôm gói quần áo vào góc điếm canh để hóa trang. Một lát cô trở ra, với vẻ kiều dim của một thôn nữ. Ðầu đội chiếc nón vải, mặc áo sơ mi màu gụ, và quần láng chéo đen, đi dép hiệu “con hổ”.
Dưới áng chều tà, trên con đường đê, gió hiu hiu thổi, cô ngồi trên dọc xe, hai tay bám chặt lấy “ghi đông” xe, còn chàng thi gò lưng đạp xuôi theo chiều gió, nên anh cảm thấy nhẹ nhàng, không có gì là nặng nề cả. Anh nghĩ bụng: “Ðây cũng chỉ bằng người chở một bao gạo bốn chục kí lô thôi, vừa đi Hà vừa kể cho cô nghe những thay đổi của cuộc đời. Trong gia đình anh, trong xã hội, trong từng lớp nhân dân. Tất cả đều đã đổi thay. Cha mẹ anh giờ là một người hiểu đời, theo đời và biết chiều đời nữa. Những điều gì anh bàn thảo và đề xướng, họ đều nghe theo hết. Khi anh ngỏ ý về tìm Bướm để cưới làm vợ. Chẳng những ông bà không phản đối mà còn khuyến khích nữa. Ông bảo: “Con về thưa chuyện với chú Trương và nói thầy có lời xin lỗi chú. Xin chú chấp thuận cho các con thành hôn. Ở nhà con cứ việc tự lo liệu, thầy mẹ không về được. Khi đám cưới xong, vợ chồng con dẫn nhau lên đây chơi.” Ông còn dặn thêm: “Con cho chú Trương hai mẫu ruộng ở cánh đồng Nam Ðan, để làm “sính l”, cho ông bà ấy dưỡng già.
Khi hai người đến gần thị xã thì đường phố đã lên đèn. Hà chở người yêu đi thẳng lên cầu Bo. Hai người xuống xe, đi ngược lên cầu, đến một quãng giữa dòng Trà Lý. Nhìn về phía chân trời mù mịt, dưới dòng sông lấp lánh những ngọn đèn dầu lờ mờ của những ghe thuyền đậu san sát ngay trước cửa đình Bồ Xuyên. Hà chỉ tay về phía chân trời xa xa nói:“Buổi sáng nay anh đã khởi đi từ đó, đến Cống Dục là hơn ba mươi cây số. Chỉ một con đường duy nhất là bờ sông Trà Lý này, mà anh đã đi qua mấy phủ, huyện: Duyên Hà, Tiên Hưng, Vũ Tiên và Kiến Xương. Anh nghĩ đến bài thơ cổ của một thi sĩ Trung hoa nào đó đã viết: “Quân tại Tương giang đầu. Thiếp tại Tương giang vĩ. Tương cố bất tương kiến. Cộng ẩm Tương gian thủy.”
· Nghĩa là sao hở anh?
· Nghĩa là :“Chàng ở đầu sông Tương. Thiếp ở cuối sông Tương. Cùng uống nước sông Tương. Cùng thương nhớ nhau mà cùng chẳng thấy nhau.” Anh nghĩ những câu thơ này, đem áp dụng vào trường hợp chúng ta sao mà đúng thế? Chỉ khác một điều là họ thì ở đầu sông Tương, mà chúng ta thì ở đầu sông Trà Lý.

Bướm nắm cánh tay anh lắc lắc và hỏi: “Tại sao cầu này người ta lại gọi là cầu Bo hở anh?”. Hà giải nghĩa:
Bo là tên nôm của làng Bồ Xuyên. Rồi anh tiếp: Ở quê ta, những tên làng, xã thường có hai tên. Một tên chữ, và một tên nôm đi kèm. Như tên làng mình là An Liêm, thì tên nôm gọi là làng “Rèm”. Còn Ban thôn thì có tên nôm là “Bơn”. Cho nên hai chữ Bơn Rèm, là do tên của hai làng này mà ra. Cũng như mấy làng Thọ Cao, Phú Vinh, thì người ta gọi là làng Cau, làng Vẽo. Hay An Lạc, Duyên Tục, thì có tên nôm là “Lác, Tuộc”. . . Người ta nói: Sở dĩ các làng xã ta có những tên “nôm” như vậy, là ngày xưa khi còn chống Pháp, các cụ đã đặt ra những tên nôm, để bảo mật ấy mà! Ở đời cái gì lâu ngày cũng thành thói quen thôi. Mấy bà già, hay mấy người nhà quê. Có nhiều người không biết tên làng mình là gì? Nếu một người từ phương xa đến mà hỏi thăm làng An Liêm, An Lập ở đâu, thì họ không trả lời được. Nhưng nếu hỏi lối vào làng Rèm thi họ biết ngay.
Khi nghe Bướm hỏi:“Bây giờ là mấy giờ ?” Chàng mới sực nhớ ra là từ nãy đến giờ đứng bên người đẹp, ngắm nhìn trời mây, sông nước mà quên cả đói. Từ sáng đến giờ chỉ mới ăn có một bát phở lúc gần trưa. Bướm hỏi đến giờ giấc, có lẽ là nàng cũng đói bụng lắm rồi, nên mới nhắc khéo vậy. Anh bảo:
· Thôi đêm đã khuya rồi. Giờ mình đi kiếm cái gì ăn? Em thích ăn gì? Phở hay Mần thắn?
· Tùy anh! Em ăn gì cũng được. Mấy năm nay ăn gạo lức muối vừng, và chuối kho, quen rồi !
· Ðể anh dẫn em đi ăn “mần thắn”.
Hai người dẫn nhau vào tiệm Xương Kỳ Cư, ở ngay giữa phố chính. Trên đường phố người đi lại tấp nập, xe cộ ồn ào. Ðèn điện ở những tiệm buôn bán hai bên đường hắt ra. Cộng với những rẫy đèn điện của thành phố lấp lánh như một con rắn vàng, khổng lồ ẩn hiện từ cầu Bo xuống mãi tận ngã tư Huyện Vũ Tiên. Không hiểu sao những thành phố khác như Hanoi, Nam Ðịnh thì đèn đường người ta đặt ở những cột trụ ở hai bên hè phố. Còn Thái Bình thì đèn đường lại chăng ngay chính giữa lòng phố. Cũng là một điều kỳ lạ đây chứ ? Có lẽ là để tiết kiệm điện năng chăng? Nhưng sáng sủa nhất là mấy tiệm buôn bán tạp hóa của những Hoa kiều, như: Quảng Nghĩa Hòa, Tứ Hải, Phú Hòa . . .
Kỳ Xương Cư là một hiệu cao lâu lớn nhất thị xã, cũng rộng rãi khang trang như “Hồng Ký tửu lâu”. Hà đưa người yêu đi thẳng lên trên lầu. Chọn một bàn gần ngay trước cửa, có thể ngồi nhìn xuống phố để ngắm thiên hạ “dung giăng, dung dẻ”. Anh nghĩ bụng :Ðúng là “Rập rìu tài tử giai nhân. . .” Lối thiết trí của “tửu lầu” này cũng khác lạ nữa. Bàn ăn thì đặt sát ngay tận vách tường, và ngăn cách bằng hai tấm vách ván, cao hơn đầu người. Và mỗi ô, mỗi bàn chỉ có hai chỗ ngồi. Thật là kín đáo. Rất thích hợp cho những cặp tình nhân, hay những nhà thương mại, đến đây để bàn chuyện riêng tư.
Khi người bồi bàn đến, Hà gọi hai bát “Mần thắn” thập cẩm. Bướm đã tính hỏi xem mần thắn là món ăn gì? Có khác với phở không? Nhưng nàng lại ngại ngùng. Khi người bồi bàn bưng hai bát thức ăn lên. Nàng mới đánh bạo hỏi:
· Sao người ta lại gọi là mần thắn hở anh?
· Anh cũng không biết nữa? Món ăn này là của người Trung Hoa. Họ gọi theo tiếng Tầu là “Mần thắn” hay “Hoành thánh”. Muốn gọi thế nào có chữ “thắn, thắn” là họ hiểu ngay. Theo một nhà văn nào đó thì chữ Trung Hoa gọi là “Vân thôn”. Xa xa ở một vài hiệu thuốc Cao đơn, hoàn tán, như : Cứu Thế dược phòng, hay Nhị Thiên Ðường, vọng lại những lời quảng cáo và bài hát quen thuộc. . . “Nhớ Lưu, Nguyễn gày xưa, lạc tới đào nguyên. . . Kìa đường lên tiên. . .

THÚY SƠN



Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003