|
|
Sinh hoạt văn học-nghệ thuật |
MẪU NGƯỜI HIỀN CỦA VĂN HÓA HỮU LỄ - LƯU VĂN VỊNH
|
Đăng lúc 03:56:21 AM, Dec 12, 2005
MẪU NGƯỜI VĂN HÓA VIỆT: Người Hiền Lành
Mỗi nền văn hóa đều tạo một mẫu người ( exemplary person, role model, hay Pháp ngữ: homme type), mẫu người Quân tử của Nho giáo, mẫu người Lịch sự quý phái-gentleman của Anh quốc, mẫu người Hiệp sĩ samurai của Nhật bản, mẫu người đạo sĩ-yogi của Ấn độ, tiên của Lão Trang, thiện trí thức của Phật.. chưa kể các mẫu người khác, như người công dân tốt - bon citoyen của Pháp, mẫu người kinh doanh quản trị của xã hội kinh thương mới-businessman, entrepreneur, mẫu người hùng siêu nhân của Nietzsche.. Xã hội Việt Nam, cả hai nghìn nă m thấm nhuần văn hóa Tam giáo, cả ba nghìn năm đặt căn bản trên làng xã lũy tre xanh, hẳn cũng kết tinh một mẫu người lý tưởng bình dân thuần túy dân tộc: đấy là mẫu người HIỀN LÀNH.
Thật vậy, trong ngôn ngữ Việt, phẩm từ HIỀN được dùng nhiều nhất để chỉ định một người TỐT: Mẹ hiền, vợ hiền, cha hiền, anh hiền, chị hiền, vua hiền, tôi hiền.. hiền như Bụt, ở hiền gặp lành... hay hiền như ma soeur!
Thế nào là HIỀN ?
Khi nói Ở hiền gặp lành, thì cũng như nói làm Phước thì có Ðức, cha mẹ hiền lành để đức cho con, ngược lại với câu “Ðời cha ăn mặn đời con khát nước”, đó là lối nói bình dân diễn ý nhân quả,.. một cách thiết thực nôm na. Người hiền lành chính là người lương thiện, có đức, có độ lượng.. là đối cực của ác, bất lương, hung dữ. HIỀN LÀNH trong tiếng Việt hơi khác với Hiền trong chữ Nho, hiền giả, hiền triết,hiền tài (như thất thập nhị hiền), khi nói mẹ hiền, vua hiền.. ta không có ý nói người mẹ hiền triết, hay ông vua hiền giả, mà chỉ giản dị nói bà mẹ hiền lành, chiều chồng thương con, ông vua hiền từ, thương dân.. Khi nói ông Tô Hiến Thành là bậc tôi hiền thì không có nghĩa là hiền như cục đất, hay hiền triết cao xa, mà nghiêng về nghĩa người lương thiện, có khả năng đức độ chăm lo việc nước, hiền hò a với mọi người.
HIỀN trong tiềm thức Việt bao gồm ý nghĩa: hiền lành, hiền lương, hiền hậu, hiền hòa.. hơn là hiền tài, hiền triết, hiền giả, mặc dầu nội dung của HIỀN nôm na và HIỀN nho bao bọc nhau, hiền thê hay vợ hiền cũng cùng một ý. Người Hiền là mẫu người lý tưởng của dân Việt, được mọi người ngưỡng mộ, khi ở cấp quốc gia, như vua Hùng gặp giặc Ân phải đi cầu hiền đánh giặc, triều Trần xây gác Tập Hiền (1280) trong thành Thăng Long để quy tụ các người hiền trong dân gian theo truyền thống vua dân một lòng của hội nghị Diên Hồng.. Chúa Nguyễn trọng dụng người hiền Ðào Duy Từ, vua Quang Trung vời người hiền La sơn phu tử.. ra giúp nước v.. v.. khi ở nghĩa bình dân, người tốt, hiền lành, không hại ai.
Cũng có thể nói mẫu người HIỀN LÀNH Việt Nam là kết tinh của văn hóa hiếu hòa dân tộc, bao dung nhân bản, đồng tôn mọi đạo giáo, chủng tộc, là ước mơ của người dân được sống yên lành, là mục tiêu của giáo dục lễ giáo, lấy LỄ NGHĨA hun đúc con người, tước bỏ thú tính hung ác, bồi đắp nhân tính, Hiền từ bên trong, Lành ra bên ngoài, tạo dựng một xã hội văn hóa HỮU LỄ, tránh sát phạt nhau, tránh tiêu diệt nhau, tránh bạo động.. Mẫu người Hiền Lành Việt là kết tinh của đức từ bi nhẫn nhục, đức vô vi nhân ái thương người như thể thương thân, mà người dân yêu mến kính trọng, là lý tưởng giáo huấn của cổ nhân nhằm xây dựng một xã hội trên thuận dưới hòa với bậc thang giá trị tinh thần sĩ, nông, công, thương, ha y theo đôi mắt của người phụ nữ về người đàn ông lý tưởng: chẳng tham ruộng cả ao liền, tham vì cái bút cái nghiên anh đồ... hoặc mong ước của bậc cha mẹ có dâu hiền rể thảo.
Lễ phép hiền hòa là đầu mối của một xã hội nhân bản, làm sao có làng xóm yên vui nếu không giữ lễ phép với nhau? Bỏ lễ phép, cá mè một lứa, xã hội gẫy đổ tán loạn, dân chủ bình đẳng hiểu lệch lạc dẫn tới độc tài phong kiến mới, do bè nhóm bất lương, bất thiện, gian tham, lôi kéo lương dân vào địa ngục thù hận giai cấp đấu tranh hoặc lấy tiền tài quyền thế chèn ép nhau.
Mẫu người Hiền Lành quả là kết tinh cần thiết để thực hiện một xã hội thanh bình, ổn định, dân chúng cần người hiền hơn là cần người tài, vì như Nguyễn Du kinh nghiệm:
Có tài mà cậy chi tài Chữ tài liền với chữ tai một vần
Tài dễ mang đến tai họa cho người và cho mình, hiền tạo sự lành cho tất cả, nhiều người tài đưa tới tranh chấp, nhiều người hiền mang tới an lạc .. cho nên cổ nhân có tôn trọng kẻ sĩ, có tài, có học, thì cũng không bao giờ quên “chiêu hiền đãi sĩ”, nghĩa là người Hiền tiêu biểu cho đ ức độ, luôn luôn được đề cao bên cạnh kẻ sĩ, tiêu biểu cho trí óc. Nhưng, dường như cổ nhân đặt hiền trước sĩ, hiền là con người từ thứ dân đến thiên tử đều kính trọng, còn sĩ vẫn là người xuất thân cửa Khổng sân Trình, vẫn còn vướng vào khoa bảng sách vở, vẫn là người được Tiến Cử lên vua.. hiền có thể xuất thân bình dân, có thể không khoa bảng, lấy đức độ khoan dung làm cách xử thế tiếp vật, vua cầu hiền chứ hiền không quỵ lụy vua.. Hiền vượt trên danh lợi tham sân si, hiền ở đẳng cấp giai tầng nào cũng là người lành, người tốt, cảm hóa được quần chúng.. Tài giỏi là một phẩm tính, hiền lành là một đức tính, khi cổ nhân đặt tiến trình giáo dục nhân cách tu, tề, trị, bình, thì tu, tề nghiêng về đức tính HIỀN, trị, bình nghiêng về TÀI, hiền là gốc, tài là ngọn, có đủ hai, HIỀN TÀI, thì càng hay, còn không thì phải giữ lấy gốc HIỀN trước, bàn dân thiên hạ không phải ai cũng có tài năng, nhưng nếu mọi người đều hiền lành thì xã hội mới trở thành an lạc thanh bình, một thiên đường dưới thế. Lý Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn.. là những ông vua hiền, dân chúng yêu mến, xã hội an lạc, Lê Lợi, Nguyễn Huệ là những ông vua tài, uy vũ, nhưng không phải là những ông vua hiền... đức trị, nhân trị và võ trị rất khác biệt nhau vậy.
Một sai lầm trầm trọng của nền giáo dục từ chương, thời Tống Nho khoa bảng, và nhất là nền giáo dục Tây phương hiện tại, là học đường chú trọng tới việc rèn luyện Tài năng, nhồi nhét kiến thức, mà lơ là hoặc bỏ quên gốc giáo dục tôi luyện tính Hiền Lành Mục đích của giáo dục đúng nghĩa là tước bỏ thú tính của con người, rèn luyện tu tập thành mẫu người văn vẻ (civilized), chẳng khác gì luyện mãnh thú, hoang thú, thành hiền hòa ngoan ngoãn, sống cạnh nhau, tôn trọng nhau, biết kính biết nhường, ý thức nhân vị nhân tính.
Trong thời đại văn minh kỹ thuật, bên cạnh việc giáo dục trọng kỹ thuật, ta còn cần phát huy gốc giáo dục trọng LỄ của cổ nhân, nói như Nã Phá Luân, phải giáo dục con em từ 30 năm trước khi chúng ra đời, nghĩa là giáo dục chính cha mẹ, thày cô ở học đường.
Văn hóa Việt Nam cốt tủy là văn hóa HỮU LỄ qua cách xưng hô theo ngôi thứ gia tộc: cô dì chú bác anh em con cháu ông cụ... hậu thế cần bồi đắp văn hóa gốc nguồn này bằng một nền giáo dục nhắm đào tạo mẫu người HIỀN LÀNH, kết tinh của văn hóa Bách Việt Hữu Lễ, chính là lý tưởng sâu rễ bền gốc của giống nòi Việt vậy.
KINH NGHIỆM THỊNH TRỊ ÐỜI LÝ-TRẦN
Không phải tự nhiên Trời cho mà hai triều Lý Trần sản sinh vô kể lương tướng tôi hiền, suốt 400 năm hai đời Lý Trần đã thành công vì giữ vững ba cơ sở tinh thần dân tộc sau đây:
1.Cơ sở tinh thần dân bản Hùng Vương. Tuy bị Tầu đô hộ gần ngàn năm, tinh thần dân bản Văn Lang vẫn kiên thủ ở làng xã và tới Ðinh, Lê, Lý, Trần tinh thần này lại có dịp vươn lên. Các vua quan thời Lý, Trần rất gần gũi với dân, vua Lý lấy áo đắp cho người già yếu, vua Trần và hoàng thích “gá chân nhau nằm ngủ”, tướng sĩ coi nhau như cha con anh em (đặc biệt là Phạm Ngũ Lão), lúc quốc biến thì Vua cẩn trọng hội ý bô lão toàn quốc (trọng lễ), lúc tuyển tướng chọn quân thì dựa trên đức độ hiền tài (trọng hiền) nên những người áo vải dân đen như Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt, Trần Khánh Dư bán than, Nguyễn Khoái, Yết Kiêu, Dã Tượng... đều có dịp lập công với nước. Tinh thần dân bản này đã huy động được toàn dân từ làng xóm thôn quê, từ tận “đáy” dân tộc, nên Lý Thường Kiệt mới phá Tống bình Chiêm, Hưng Ðạo mới ba lần đại phá Mông Cổ, bằng tự lực tự cường, không có ngoại viện nào đằng sau.
2-Cơ sở giáo dục văn ôn vũ luyện Ðạo học của đời Lý Trần nhằm đào tạo người quân bình văn võ, không chuộng hư văn khoa bảng, nên đời Lý xuất ra những bậc văn võ toàn tài không khoa bảng như Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Lý Ðạo Thành... đời Trần như Hưng Ðạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão... Các vua đời Lý, Trần theo đạo thánh hiền và dũng lược, lúc quốc biến đều thân chinh đi dẹp giặc, vào sinh ra tử với quan quân, không ngồi hưởng ngai vàng ngâm hoa vịnh nguyệt như các đời sau.
Truyền thống văn ôn vũ luyện đúng là truyền thống giáo dục thích hợp với xã hội Việt-Nam luôn luôn tao loạn và toàn dân phải thường trực phòng vệ tổ quốc. Truyền thống này, song song với bao chiến công hiển hách, rõ ràng là cơ sở giáo dục đúng nhất cho dân Việt. Thời loạn, nó cung ứng cho dân tộc những chiến sĩ thao lược, thời bình nó hun đúc tinh thần thượng võ, ngay thẳng và quả cảm, có thể ngăn ngừa được kẻ gian ác hại dân hại nước. Một xã hội trọng hư văn, một lớp sĩ trói gà không chặt, khó chống được giặc trong thời loạn, khó cản được tà trong thời bình. Tiếc thay truyền thống giáo dục cao đẹp này từ thế kỷ XV trở đi (sau Nguyễn Trãi) bắt đầu bị khoa cử hư văn làm lu mờ dần bằng tiêu chuẩn giáo dục Tiên học lễ, hậu học văn.
3.Cơ sở tinh thần dung hóa khai phóng. Nhà Lý đã đủ thế lực để xác định với phương Bắc:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Lý Thường Kiệt)
thì nhà Trần cũng thừa khả năng để huy động toàn quốc vào đại cuộc: “Thái bình tu nỗ lực Vạn cổ thử giang san” (Trần Quang Khải)
Tu nỗ lực ở đây là công trình tổng hợp văn hóa tư tưởng Ðại Việt bắt nguồn từ truyền thống dân bản Vă n Lang, trọng hiền trọng lễ từ hơn 2000 năm, với Tam giáo Phật, Nho, Lão đã hiện diện được 1000 năm trên đất nước tính đến thế kỷ XII-XIII. Bốn trăm năm thịnh trị Lý, Trần đã nhào nặn đúc kết một nền văn hóa bền vững, nằm trong đại khối văn hóa Ðông phương nhưng vẫn mang sắc thái đặc biệt dân tộc. Phật giáo được xiển dương theo hướng “Phật tại tâm” của Thiền môn Vạn Hạnh, Trúc Lâm, Nho giáo được phát huy theo tinh thần “cùng lý chính tâm” của Chu Văn An, Lão giáo phối hợp với nội đạo Thần Tiên và cùng với Phật, Nho, bổ túc cho đạo sống quân bình xuất xử, tình và lý, thiên nhiên và tâm linh.
Nhà Trần đã kết tạo được một cốt cách văn hiến, rèn đúc bản lãnh kẻ sĩ Việt, tạo phong độ hiệp sĩ trượng phu bền chặt đến nỗi trải bao thăng trầm thử thách, nó vẫn tiềm tàng trong một Phan Chu Trinh sâu rễ bền gốc để thâu hóa tân trào, một Nguyễn Thái Học “không thành công thì thành nhân”, một Lý Ðông A… phản ảnh rõ rệt truyền thống Ðại Việt mà nhà Trần đã trao lại.
MỘT CỘNG ÐỒNG HIỀN LÀNH TRONG THẾ GIỚI VĂN MINH KỸ THUẬT
Kỹ thuật, kỹ thuật và kỹ thuật. Kỹ thuật là chìa khóa của văn minh, là trường thành bảo đảm sinh tồn nòi giống. Những cao điểm của văn minh Việt đều gắn liền với cao điểm kỹ thuật: văn minh trống đồng, kỹ thuật nỏ thần mũi tên đồng 2500- 3000 năm trước, đời nhà Trần kháng được quân Mông nhờ kỹ thuật chế tạo vũ khí (tại trung tâm Vạn Kiếp), thuật đóng cọc xuống lòng sông... nhà Hồ chú trọng tới thực học, nhà Mạc coi trọng công thương... các nhà khác từ Hậu Lê chỉ thiên về từ chương nên Việt Nam cả ngàn năm kỹ thuật vẫn ở mức “con trâu kéo cầy”, máy móc không có, dụng cụ nghèo nàn. Nguyễn Ánh không có tàu chiến của người Tây giúp thì không đánh bại được Tây Sơn, súng Cao Thắng không cản được quân Pháp, trận Ðiện Biên không thể thắng nếu thiếu 200 cổ đại pháo đặt quanh núi. Cho nên nhìn lại lịch sử, xã hội Việt Nam chậm tiến chính là chậm tiến về kỹ thuật mặc dù ta cứ tự hào xưng là văn hiến cao. Các cụ rung đùi ngâm thơ đọc phú nhưng không có kẻ sĩ nào biết chế ra mực Tầu giấy hoa, đừng nói tới việc chế biến dụng cụ máy móc. Giới công thương rất hiếm hoi và không được văn hóa Tống Nho chú trọng.
Viện Kỹ Nghệ, Kinh Tế và Thương Mại Ðại Hàn (KIET) đưa ra con số sau đây: cứ 100,000 người Ð?i Hàn thì có 80 kỹ sư, ở Nhật là 41/100,000. Nhờ khối kỹ sư đông đảo, Ðại Hàn đã đủ nhân lực để vận chuyển guồng máy đại kỹ nghệ ngang hàng với các cường quốc kinh tế khác. Hiện nay, số kỹ sư trẻ ở Mỹ và Ấn gần ngang nhau, hơn nửa triệu người, ở Tầu , gấp ba, khoảng 1.7 triệu kỹ thuật gia trẻ. Nhưng ở Việt Nam vì tinh thần từ chương đã bén rễ quá lâu nên cần có cuộc Cách Mạng Giáo Dục mới mong chuyển hóa được xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. Cuộc Cách Mạng Giáo Dục có thể bắt đầu bằng cách đổi ít nhất 50% các trường tiểu học và trung học thành trường tiểu học và trung học kỹ thuật, chương trình học nhằm huấn luyện trẻ em và thiếu niên biết nghĩ và làm chính xác. Số học sinh khổng lồ này học lên thành kỹ sư các ngành, bỏ ra đi làm có nghề trung cấp trong các ngành công kỹ nghệ. Trong khoảng hai mươi năm, không những có đủ số kỹ sư, số thợ, số cai thợ, mà còn chuyển hướng xã hội về công kỹ nghệ là hướng tất yếu để tồn tại và cạnh tranh trong thế giới kỹ thuật tràn ngập đời sống hàng ngày, từ thành thị đến thôn quê. Số trường còn lại 50%, cũng phải được chuyển sang thực học, khoa học nhân văn hoặc khoa học thực nghiệm với chủ hướng huấn nghiệp hơn là cung cấp kiến thức tổng quát trên trời dưới đất. Giáo dục thực tiễn này sẽ đào tạo ra một lớp người trọng lao động, những “con ong thợ”, hơn là những “ong chúa” trong tháp ngà.
Ảnh hưởng từ chương của Tàu, ảnh hưởng trí thức Pháp, đã không giúp Việt Nam tiến bộ. Ngược lại ảnh hưởng Anh, Mỹ đã giúp nhiều nước thoát cảnh chậm tiến, nguyên do là giáo dục Anh Mỹ trọng làm hơn nói, trọng tay hơn đầu, đó là nền giáo dục cộng đồng đại chúng uyển chuyển theo nhu cầu thời đại và địa phương. Kết quả là xã hội có những bàn tay xây dựng, từ trên xuống dưới đều lao động trí óc hoặc tay chân. Xã hội ổn định, an cư lạc nghiệp nên sự ghen ghét sân hận giai cấp được giảm thiểu tối đa, tầng lớp trung lưu chuyên nghiệp (professionals, middle class) càng lớn thì xã hội càng bớt xáo trộn, tầng lớp trí thức không tưởng và chính trị gia chuyên nghiệp càng ít thì xã hội càng bớt phiêu lưu. Những xáo trộn của chính trường Pháp, Ý.. trong những năm 1960-1970 đã bớt dần dần từ thập niên 1980 chính là nhờ ở sự chuyển hướng sang nền kinh tế đại thị trường với kỹ thuật điện tử, tạo ra một lớp chuyên viên và trung lưu đông đảo. Ð?i Hàn, Ðài Loan, Thái Lan... và gần đây, Trung Cộng, đã và đang đi theo chiều hướng ổn định này. (Tầng lớp trung lưu ở Mỹ, Tây Âu được ước lượng vào thập niên 1990 là 80% dân số, ở Viễn Ðông và Nam Á là 8 - 11%, nay chắc đã tăng nhiều). Ðể chuyển hóa xã hội chậm tiến Việt Nam Sức mạnh của xã hội Việt phụ thuộc vào sức mạnh thể xác và tinh thần của người dân, vì thế trọng tâm đại kế kiến quốc phải là:
1.Quốc sách Dưỡng Sinh và Giáo dục Võ Thuật. Bồi dưỡng cơ thể, chú trọng tới dinh dưỡng mẫu nhi để bảo đảm sức khỏe cho thế hệ tương lai. Nâng cao y tế đại chúng, vệ sinh thành thị và nông thôn, diệt trừ ô nhiễm môi sinh. Thể dục và Võ thuật cần trở thành môn học bắt buộc từ lớp 1 tới lớp 12. Chính tinh thần thể thao và võ đạo là chìa khóa lành mạnh hóa xã hội, là động cơ chuyển vận con người về hướng thiện, thẳng thắn, trung thực, khác hẳn với tinh thần cạo giấy, mọt sách, mưu mô thủ đoạn... Thể xác lành mạnh tạo trí lực lành mạnh, nâng cao năng suất làm việc... Xã hội trọng võ thuật đời Lý, Trần, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ (thể thao)... có thể minh chứng cho lập luận trên.
2. Quốc sách Giáo dục kỹ thuật Chuyển 50% các trường tiểu học và trung học thành trường Kỹ Thuật, 50% còn lại thành trường Huấn nghiệp Cộng đồng dựa trên nhu cầu địa phương. Kiến thức tổng quát được giảng dạy song song nhưng phần áp dụng thực tế phải là trọng điểm sư phạm. Riêng hai môn Vệ sinh y tế phòng ngừa và Kinh tế thực dụng giản yếu cần được giảng dậy từ trung học.
Lớp 11, 12 dành cho các môn nhiệm ý dự bị Ðại Học, nhờ thế chương trình Ðại Học có thể rút ngắn để tập trung vào các môn chuyên nghiệp. Một số nhỏ trường trung học có thể dành riêng cho các học sinh năng khiếu thiên tài.Giáo dục kỹ thuật là trường kế để chuyển đổi sang kinh tế thị trường, tạo thế vững chắc để sản xuất và cạnh tranh trong thời đại kỹ thuật điện tử toà n cầu. Ngoài ra nền giáo dục kỹ thuật cũng tạo được một thế hệ mới, có đầu óc thực tiễn lành mạnh tri hành hợp nhất hơn là không tưởng từ chương.
a/ Á Ðông hiện tại đang ở thời điểm thuận lợi để hợp tác phát triển. Ðại thị trường chỉ phồn thịnh nếu các nước đều có hàng hóa trao đổi, nước nghèo quá lấy đâu ra mãi lực tiêu thụ. Vì thế Việt Nam sẽ có bàn đạp để đồng tiến, thoát dần cảnh nghèo khó chậm tiến. Nhưng Việt Nam phải sửa soạn thật kỹ cho giai đoạn sau: Giai đoạn cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Giáo dục kỹ thuật từ trung học bảo đảm cho giai đoạn cạnh tranh tất yếu này.
b/ Cuộc cách mạng điện tử có hai đặc điểm là tốc độ chuyển biến và thay đổi nhiên liệu. Lấy Ðại Hàn làm thí dụ: nhờ phát triển vào đúng thời điện tử, Ðại Hàn đã tiến rất nhanh, chỉ cần hơn 20 năm đã trở thành cường quốc kỹ nghệ trong khi Nhật Bản mất gần 100 năm (1860 - 1960) để canh tân kỹ thuật. Tiến nhanh mà không nhất thiết phải giàu nhiên liệu vì kỹ thuật điện tử mở ra một chân trời mới với “nhu liệu” làm mất thế độc diễn của nhiên liệu. Nguyên tử năng, xe hơi chạy điện... trong những thập niên tới sẽ làm dầu khí bớt tầm quan trọng huyết mạch trên trường kinh tế thế giới. Giả dụ kỹ thuật tân tiến thế kỷ XXI có thể dùng năng lượng vô tận từ mặt trời, từ nước biển... thì hệ thống tư bản dựa trên mỏ dầu/vàng đ en sẽ bị thay đổi từ gốc rễ và có thể tan rã. Giáo dục kỹ thuật toàn diện sẽ giúp Việt Nam nắm được tốc độ cải tiến và nắm lấy chiều hướng kỹ thuật tân kỳ tạo thế đứng quốc tế.
c/ Các cuộc cách mạng xã hội xưa nay trong lịch sử phần nhiều là các đột biến tranh giành phe phái, thay chúa đổi ngôi hơn là hoán cải gốc rễ xã hội. Nước Anh không cần hủy bỏ quân chủ mà vẫn có dân chủ trước nước Pháp, nước Nga thay thế phong kiến này bằng loại phong kiến khác, nước Tàu cách mạng văn hóa để thụt lùi... Xét ra chỉ có cách mạng giáo dục kỹ thuật mới tạo được lớp người mới, xã hội mới, vừa hợp với trào lưu thế giới, vừa hợp với khung cảnh chính trị nước nhà. Cuộc cách mạng này không nhằm triệt tiêu cơ cấu nào, không cần phá đổ hệ thống nào, mà là cuộc chuyển hoán trường kỳ, tự nhiên, thúc đẩy mọi xu hướng, toàn dân vào lề lối sinh hoạt mới trong vòng 20 năm. Ðây không phải là xu hướng tôn thờ máy móc cơ tâm, đây là trào lưu thế giới giúp con người thoát ly bệnh mọt sách, tôn thờ giáo điều, tôn thờ lãnh tụ. Càng hướng về “làm” bao nhiêu, óc khoa bảng và không tưởng càng bớt đi bấy nhiêu; càng hướng về “kỹ thuật” bao nhiêu, tri thức càng bén nhậy và chính xác bấy nhiêu. Ðạt tới mức xã hội kinh tế phát triển, kỹ thuật tân tiến, những căn bệnh chậm tiến tự nó sẽ bớt dần và xã hội sẽ có cơ hội ổn định lâu dài.
AI ÐỨNG RA ÐÀO TẠO NGƯỜI HIỀN ? Với hệ thống giáo dục học đường chấp kiến hiện tại, việc đào tạo bản lãnh trí thức và vun trồng đức tính mẫu người HIỀN, chỉ còn trông chờ vào: - Các nhà tu trong đền chùa, nhà thờ.. - - Các nhà giáo lương sư hưng quốc trồng người như trồng cây: lấy lương tri, thiện căn làm ánh sáng, làm nước, làm chất bón, tưới tẩm nhân cách thế hệ VN mới. - - Chính các nhà tu, nhà giáo và phụ huynh, cần học tập về Ðạo sống hiền hòa của người hiền lành trong truyền thống Việt. Tuyệt đối tránh đánh, mắng, phạt, con em học sinh.. lối giáo dục ấy chỉ tạo ra con người hung dữ, ác độc, bạo hành.
- Chương trình giáo dục phải dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tu luyện tâm trí, như luyện Thiền, định tâm, tập trung tư tưởng, cảm thông- Thì giờ dành cho tín ngưỡng, đạo giáo , tu bổ đạo đức, cần được khuyến khích như một trách vụ công dân.
Giáo dục kỹ thuật giúp Việt Nam hội nhập vào cuộc Toàn cầu hóa kinh tế, giáo dục mẫu Người HIỀN sẽ đưa văn hóa Hữu Lễ Việt tộc vào cùng thế giới xây dựng nền văn minh nhân bản thái bình toàn cầu.
LƯU VĂN VỊNH
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |