Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
LỜI KINH VÔ TỰ... TIẾNG THỀ VÔ NGÔN


Ngày 28 tháng 10 năm 2005.

H.,

Tối Thứ Hai, 24-10-2005, Bà Rosa Parks an nhiên qua đời như bao nhiêu người già khác, thọ 92 tuổi, để lại sư tiếc thương trong lòng người thân và sự cảm phục không chỉ cho triệu triệu người dân Mỹ mà còn cho nhơn dân toàn thế giới yêu chuộng tự do và bình đẳng.

Ngay sáng hôm sau, ngày Thứ Ba, 25-10-2005, nhiều bài báo đề cập tới bà như một tấm gương bất khuất, biểu tượng cho cuộc đấu tranh cương quyết, nhưng ôn hòa, hữu hiệu; khởi đầu cho cuộc phá bỏ bất công của luật pháp dành cho người da trắng, áp chế người da đen, sau cuộc nội chiến đẫm máu, tuy thống nhứt được hai miền Bắc Nam, nhưng chưa mang lại được bình đẳng cho mọi người dân của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Sau cuộc nội chiến, Tổng thống Abraham Lincoln được vinh danh như một quốc phụ, người anh hùng đã giải phóng nô lệ, trên một quốc gia tân lập, giàu có phần lớn nhờ công sức lao động của người nô lệ da đen, nhưng một số luật lệ áp chế người da đen, phần đông từng là nô lệ, vẫn còn duy trì. Nó đòi hỏi phân chia trắng đen trên xe bus, trong tiệm ăn và nhiều nơi công cộng ở khắp miền Nam. Phần miền Bắc người da đen cũng bị kỳ thị hợp pháp về việc làm và chỗ ở...

Trong hoàn cảnh luật pháp đầy kỳ thị đó, ngày 1-12-1995, Bà Rosa Parks là nạn nhơn rõ mặt khi bà ung dung bước lên ngồi trên xe bus ở Montgomery, Tiểu bang Alabama, từ sở làm về nhà, mà không nhìn rõ mặt người tài xế đã từng đuổi bà xuống xe 12 năm trước, chỉ vì bà lên xe bằng cửa trước, mua xong vé xe, rồi cứ đi về phía cuối xe, ngang qua những hàng ghế dành cho người da trắng, để đến nơi có những hàng ghế dành cho người da đen, theo luật định; nên bị ông tài xế lúc đó quát mắng, buộc xuống xe rồi lên xe trở lại bằng cửa sau để ngồi vào ghế dành cho người da đen.

Lần nầy, khi xe đến trạm, do có nhiều người da trắng bước lên xe, nên thiếu ghế dành cho người da trắng; người tài xế đã theo đúng luật dành ưu tiên cho người da trắng đã ra lịnh cho những người đang ngồi ở hàng ghế đầu, thuộc khu vực dành cho người da đen sát với khu vực dành cho người da trắng, buộc phải đứng dậy nhường chỗ cho mấy người da trắng đang không có chỗ ngồi. Có 4 hành khách bị bắt buộc phải đứng dậy; 3 người da đen lặng lẽ đứng dậy nhường chỗ cho 3 người da trắng; riêng phần Bà Rosa Parks thản nhiên ngồi yên, không động đậy. Người tài xế nhắc lại lịnh buộc đứng dậy; Bà Rosa Parks vẫn ngồi im.

Lịch sử ghi lại cuộc đối thoại hôm đó:

- Có đứng dậy không?
- Không.
- Ðược. Tao sẽ gọi cảnh sát.
- Cứ kêu đi.

Sau đó, Bà Rosa Parks bình thản ngồi im. Cảnh sát được gọi đến bắt bà vì tội vi phạm luật dân sự.

Bốn ngày sau bà bị Tòa phạt 14 đô la [1 đô la thời đó bằng khoảng 15 đô la bây giờ] về tội cư xử mất trật tự xã hội.

Thật ra, không phải Bà Rosa Parks là người đầu tiên bất tuân lịnh nhường chỗ ngồi cho người da trắng, vì hơn nửa năm trước đó, tháng 5 năm 1955, một học sinh 15 tuổi tên Claudette Colvin cũng đã bị bắt do không chịu nhường chỗ cho một bà da trắng.

Sự bất mãn cũng đã dấy lên từ đó và chính Bà Rosa Parks cũng đã họp với mấy bà bạn da đen và da trắng bàn việc tẩy chay xe bus; nhưng những người lãnh đạo da đen khuyên nên chờ một cơ hội khác, vì dư luận chưa thuận tiện và hoàn cảnh hiện tại cũng chưa đủ tiền và phương tiện tổ chức.

Do đó mà ngay sau phiên tòa xử Bà Rosa Parks, những người bạn của bà, phần lớn da đen và một số da trắng, thức tỉnh, phát động phong trào người da đen ở Montgomery tẩy chay không đi xe bus, với sự lãnh đạo của Mục sư Luther King Jr., lúc đó mới 26 tuổi.

Dư luận cả nước lên tiếng ủng hộ, báo chí thế giới nói tới với thiện cảm. Người da đen ở Montgomery mạnh dạn bước vào cuộc đấu tranh, mặc dầu hệ thống xe bus trong thành phố là phương tiện di chuyển ít tốn kém và tiện lợi nhứt, mọi người hầu như cần nó để đi làm và giao dịch hằng ngày. Nó đã khiến những người nghèo phải dậy sớm hơn thường lệ cả tiếng đồng hồ để đi bộ đến sở làm; nhiều người dùng xe đạp, nhiều người có tiền hơn hùn tiền đi taxi chung; đặc biệt hai phần ba tài xế xe bus, bất chấp mọi thiệt thòi, tham gia cuộc đình công để ủng hộ cuộc tẩy chay.

Từ đó, sự ủng hộ của mọi giới càng lúc càng rộng rãi hơn. Mấy chục chiếc xe bus tư nhơn và 14 chiếc xe bus của nhà thờ được tận dụng để chở người da đen đi làm. Họ đặt ra 32 trạm chờ xe mỗi ngày, làm việc từ 5 giờ 30 sáng đến nửa đêm, chở 30.000 người đi làm.

Ðể giải quyết tình trạng các hãng bảo hiểm từ chối bảo hiểm, các xe đó đã nhờ hãng bảo hiểm của người da đen ở Atlanta bảo hiểm dưới sự giúp đỡ của công ty Lloyd ở Luân Ðôn, bên Anh Cát Lợi.

Cuộc đình công cứ thế kéo dài ròng rã hơn 1 năm, đúng 381 ngày, cho đến khi Tối Cao Pháp Viện tuyên bố những đạo luật kỳ thị nhắm vào người da đen trên những xe công cộng vi phạm Hiến Pháp Hoa Kỳ. Nó được hủy bỏ để quyền tự do và bình đẳng của người da đen ở những nơi công cộng được tôn trọng.

Nhưng, để trả giá cho chữ “KHÔNG” và hành động can đảm thản nhiên ngồi im trên chỗ của mình, trên xe bus ngày 1-12-1995, Bà Rosa Parks và người chồng làm thợ hớt tóc bị mất việc.

Ðiều cũng cần biết thêm là trước đó, và từ đó về sau, nhiều cuộc đấu tranh bất bạo động cho quyền tự do và bình đẳng của người da đen đã làm thức tỉnh những người da đen, và đã đưa nó đến thành công trên nhiều lãnh vực, đưa Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ từng bước tiến lên hàng đầu những quốc gia tự do dân chủ Hiến định và Pháp trị trên toàn thế giới.

Nay, Bà Rosa Parks đã nằm xuống, bình an bên kia cõi sống, cuộc đời và sự nghiệp thầm lặng đấu tranh cho tự do và bình đẳng của bà là gương sáng cho mọi người thấy rõ một cá nhơn dũng cảm, cương quyết và bất khuất có thể làm thay đổi vận mạng của nhiều triệu người, làm thay đổi cả hệ thống luật pháp bất công chỉ dành cho một hạng người được ưu đãi nào đó. Nó được người đời nhắc nhở và noi theo.

GIÁO GIÀ

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003