|
|
Truyện/Ký |
KHÚC NHẠC TƯƠNG TƯ
|
THÚY SƠN - đăng lúc 08:31:04 PM, Oct 31, 2003
"Khúc nhạc tương tư" là tựa đề một bài ca của nhạc sĩ Ngọc Bích. Người Nhạc sĩ tài ba, mặc dầu đã ra người thiên cổ. Nưng chết đâu phải là hết. Cái dư âm của những điệu nhạc, du dương, trầm bổng, đã in sâu vào tâm hồn những chàng trai trẻ. Từ hơn một nửa thế kỷ qua đi. Nửa thế kỷ với một cuộc đời thì hẳn là dài lâu. Nó còn dài qua nhiều biến cố đau thương của dòng lịch sử. Một buổi chiều trên ghế đá bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Cậu thanh niên, lúc đó mới 15 tuổi, phải khăn gói lên Hà nội học. Ngồi nhìn ngắm mây trời lơ lửng in bóng mờ lãng đãng xuống hồ Gươm. Nước trong xanh như Bích ngọc. Cậu ngồi chờ chuyến xe điện 6 giờ để về nhà. Không! Phải gọi là nơi trọ học mới đúng là: "Danh chính, ngôn thuận". Chẳng phải là một căn nhà, mà là một phòng riêng ở bệnh viện BM dành cho công chức trong Bệnh viện. Chị Hằng là Điều dưỡng viên nội trú, nên được cấp cho một căn phòng này. Phòng thì không rộng, hơn 12 thước vuông. Nhưng rất gọn ghẽ, ngăn nắp. Phòng ở tận trên một góc lầu 3, có hai cửa ở hai phía nhìn xuống hai góc đường, có hàng cây cao bóng mát. Mùa hè những bông phượng vĩ đỏ rực rỡ, rung rinh theo gió chiều. Những chiếc xe hơi vun vút qua mau. Những người lao động, buôn thúng, bán bưng, gồng gánh qua lại, tấp nập, rộn ràng. Những tiếng xe cứu thương quen thuộc ra vào ầm ĩ cả ngày... Thường ngày đi học ở trường ra, là Thân về nhà ngay. Nhưng hôm nay cao hứng, cậu lại lang thang đi hết hàng Ngang, hàng Đào, rồi mới dừng chân ở đây. Ngồi ngắm nhìn những người bộ hành qua lại, những xe cộ đủ loại, lưu thông xuôi ngược. Những hàng liễu rủ bên bờ hồ như những thiếu phụ xõa tóc chờ chồng. Chừng nghe tiếng leng keng của xe điện, cậu mới vội vàng bước lên. Về đến nhà thì đã tối mịt. Đường phố đã lên đèn. Mới bước vào nhà, chị Hằng đã kêu:"Sao hôm nay, em về trễ thế? Chị nóng ruột quá! Tưởng em lạc lõng đi đường mô ? Rồi chị tiếp: "Đi tắm rửa, rồi ăn cơm. Nay có canh cá chuối nấu "ám" ngon lắm!" Thân ngoan ngoãn lấy quần áo đi ra nhà tắm. Hôm mới đến, cậu còn chưa biết cái nhà tắm, nhà vệ sinh, nó ở chỗ nào? Chị Hằng phải dẫn đi, và chỉ cách thức xử dụng, cho một cậu nhà quê, đất "Thái lọ" mới lên. Đúng như là mán vào thành. Hànội cái gì cũng đẹp, cái gì cũng sang. Chắc chắn là "cao cấp" hơn cái tỉnh Thái Bình nhỏ bé của mình nhiều. Người Hànội cũng đẹp. Ăn mặc thời trang, nói năng lịch sự, êm đềm như người rót mật vào tai. Chị Hằng cũng vậy, đã ngoài 30 tuổi đời, mà chưng diện vào, trông còn như con gái trẻ đôi mươi. Nước da trắng bóc, hai con mắt sắc như dao cau. Nhất là hai hàm răng trắng mà đều, như mẫu người quảng cáo của nhà trồng răng Minh Sinh. Căn phòng chỉ kê vẻn vẹn có một cái giường, một cái tủ, và bộ bàn ghế. Hay đúng hơn là chỉ có một cái bàn gỗ nhỏ, và một cái ghế nệm da, có chân bằng sắt mạ kền. Bình thường là bàn học cho em. Khi ăn, thì được kê sát vào cạnh giường. Để một người ngồi ghế, một người ngồi giường. Một ngọn đèn 60W treo lủng lẳng chính giữa phòng. Đủ tỏa ánh sáng lung linh cho cả căn phòng rực rỡ. Áp tường là một cái tủ lớn, chiếm hết chiều ngang căn phòng. Chỉ còn thừa chỗ có thể để được một chiếc ghế bố cho thằng em nằm. Nhưng hôm đầu chị bảo: "Chưa mua được ghế bố. Em nằm tạm với chị. Em nằm trong, để chị nằm ngoài còn chạy ra, chạy vào cho tiện. Rồi chị hỏi: "Em năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ? " Em sinh năm 1937. Số bù, nên xui xẻo cả đời! Chị cười: 1937! Thế là em mới có 15 tuổi. Mười lăm mà học "Thành chung" rồi. Khá đấy chứ? Hai chị em nằm trên một chiếc giường gỗ nhỏ. Kể ra thì hai người nằm cũng rộng chán. Mới đầu anh nằm với chị, còn lạ lẫm, e dè, hồi hộp. Nhưng rồi quen đi. Ở đời cái gì rồi cũng quen mà! Có điều lạ nhà, lạ cảnh, nhất là lạ cái lối nằm chung với chị như thế này. Ở nhà anh cũng chẳng bao giờ nằm chung với ai. Sáu, bẩy tuổi đã nằm riêng, một mình một cõi. Ở nhà quê, nhà cửa rộng mênh mông. Anh chiếm mình một phòng. Còn bây giờ, anh nghĩ bụng: "Nhập gia tùy tục!" Từ ngày có thằng em đến ở chung. Chị cảm thấy vui hẳn lên. Tâm hồn tươi trẻ hẳn lại. Đêm nằm còn có người tâm sự. Nhiều đêm nói chuyện đến một lúc nào đó, mà chẳng biết chị bỏ cuộc, hay em bỏ cuộc. Có điều là bản năng tự trọng hay sao, mà chị em chẳng có bao giờ cùng nằm quay mặt lại với nhau. Cứ một người nằm ngửa, thì một người nằm nghiêng. Cứ như vậy! Ngửa nghiêng, nghiêng ngửa. Chỉ có những đêm mưa to, gió lơn, trời đổ cơn giông tố bảo táp. Chị mới lấy chiếc chăn len mỏng ra phủ lên hai người. Gặp tiếng sét " kinh thiên động địa" chị lại ôm choàng lấy em. Còn thằng em lúc đó cứ rủn người ra, như tầu lá chuối hơ nóng. Run lên vì cảm xúc, vì sợ hãi bâng quơ! Chị tưởng là em run sợ vì thiên lôi gầm thét. Người ta thường nói:"Nữ bất giá, như Tư viêm phạm thủ". Đằng này là con trai mà Thân cũng co rúm lại như "Con cuống chiếu đụng bàn tay" vậy. Chị tâm sự: " Hồi tản cư về làng. Gia đình chị đã được cụ Bá giúp đỡ rất nhiều. Cụ bảo: "Sẩy nhà ra thất nghiệp". Cần gì cứ sang bên cụ mà lấy: Nồi niêu, bát đĩa, thóc gạo, có khi cả tiền nong nữa. Mà chẳng bao giờ cụ nhắc. Cụ bảo: "Cứ việc dùng, chừng nào về Hanội trả cũng được." Làng chị ở cách cách làng em một con sông. Phải đi qua một chuyến đò nan. Có cô lái nhỏ. Cô có cái tên nghe rất mỹ miều: Cô Đào! Ngồi trên con thuyền nhỏ, chị cao hứng ngâm: "Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông... Cô lái đò kia đi lấy chồng... Vắng bóng cô em từ dạo ấy. Để buồn cho những khách sang sông. . ." (thơ Nguyễn Bính). Đào lại nhe hai cái răng khểnh ra cười. " Nhiều hôm sang bên nhà. Cụ giữ lại ăn cơm, đến khuya mới về. Nhưng chẳng bao giờ sợ lỡ đò. Tuy không có họ hàng gì, nhưng cụ coi chị như con. Ngày cụ biên thư bảo cho em lên đây học. Chị mừng lắm, nhận lời ngay. Chị nói: "Cụ cứ yên tâm, đừng lo, cứ giao hết cho con, coi sóc cho." Hôm lên đây cụ có đưa tiền cho chị, nói là trả tiền ăn. Chị không dám nhận. Cụ bảo phải sòng phẳng. Nếu cô không nhận thì làm sao tôi dám gửi nó ở đây. Sau cùng thương lượng mãi, mới đi đến kết luận là mỗi năm, chị phải nhận 100 đồng, kề cả học phí và sách vở cho em. Vậy nếu cần mua gì cứ bảo chị mua cho. Chị ngậm ngùi kể tiếp: Trước đây chị đã có chồng. Chị lấy anh Cường, một đồng nghiệp cùng làm trong Bệnh viện. Anh Cường là bác sĩ nội khoa, một người rất năng động yêu nghề, yêu vợ. Lấy nhau rồi chị về ở chung với anh ở phố Hàng Bột. Ngày ngày hai vợ chồng chở nhau đi làm. Cuộc đời kể ra rất hạnh phúc ấm êm. Một hôm anh phải theo phái đoàn y tế, đi công tác dưới vùng Hà Nam, Phủ Lý. Chẳng may bị mìn, làm thiệt mạng mất ba ông Bác sỉ, và mấy người Y tá. Trong số đó có Cường. Chết tan xác, không kịp ngáp. Thế là chị phải làm thân quả phụ. Chán đời, chị định về quê "ẩn dật" cho quên mối sầu vạn cổ. Nhưng bạn bè, nhiều người khuyên can, họ bảo: "Đời là bể khổ. Người nào mà chẳng mang một số phần." Họ bảo chị phải kiên cường lên. Cố phấn đấu, tìm cho mình một lẽ sống." Thế là chị tiếp tục làm việc, và xin dọn vào đây. Những giọt lệ từ từ lăn xuống giừơng. . . Chị nói tiếp: Nay có em, chị rất vui mừng. Đã có người thân bên cạnh để trò chuyện những đêm trăng tàn, bóng xế như thế này. . . Ấy thế! Rồi chị ngủ lúc nào không hay. Khi đồng hồ báo thức. Thân tỉnh giấc, rón rén ngồi dậy, định tụt xuống cuối giường đi rửa mặt. Chị đã quay lại bảo: " " Hôm nay Chủ nhật mà! Ngủ thêm nữa đi! Lát nữa chị dẫn đi ăn phở. Rồi đi vừơn Bách thảo chơi. Chiều mới về. Hai chị em sửa soạn xong. Đi xuống phố, kiếm một hàng phở ở góc phố, bên kia đường, đối diện với Bệnh viện. Hàng phở này, chị bảo có tiếng. Thân chẳng biết "có tiếng" là thế nào. Đối với một thằng bé nhà quê, mới lớn, đang thời kỳ phát triển, nẩy nở, ăn cái gì cũng thấy ngon hết. Ngồi trên chiếc xe "xích lô" máy, đến vườn hoa, thì mặt trời đã lên cao. Tuy đã bắt đầu vào Đông. Nhưng thời tiết chưa lấy gì làm lạnh. Không khí buổi sáng rất trong lành, mát mẻ. Trời cao vời vợi và xanh ngăn ngắt, có mây hồng lơ lửng. Ánh nắng rực rỡ chiếu trên những lùm cây xanh, còn đọng sương mai lấp lánh như ánh kim cương. Những con thú rừng chạy nhẩy trong chuồng. Một con cọp dữ thấy người tới gần là gầm gừ, xông xáo, như muốn chạy bổ ra, vồ lấy, ăn tươi nuốt sống. Chị em Thân đi vòng quanh, hết coi chỗ này, đến chỗ kia. Thân thích nhất là những con vượn to lớn, gần bằng một con người thật. Lông đen mượt, trông rất hiền lành. Cho mấy hột đỗ lạc, là cầm lấy ăn một cách ngon lành. Còn nhe răng ra cười như tỏ lòng tri ân. Khi dừng chân ngồi nghỉ ở một ghế đá gần hồ nước, có hòn non bộ, nước chảy trắng xóa liên tục. Cạnh đó cũng có một vài người đang thả hồn mơ mộng lên mây. Hằng chỉ tay hỏi: " Thân có biết ai ngồi ôm cây đàn ở phía bên kia không? Nhạc sĩ Ngọc Bích đó! Em thường nghêu ngao bài "Khúc nhạc tương tư" của ông. Rồi chị se sẽ ngâm: "Một chiều xuân, theo gió hồn chơi vơi. . .Người nghệ sĩ ngóng trông về phương trời. . . Tiếng hát chị du dương, ngọt ngào, chẳng khác gì một ca sĩ chính hiệu "con nai vàng". Chờ cho chị hát hết bài. Thân nắm lấy tay chị khen: "Chị hát hay quá đấy chứ? Chẳng thua gì Thái Thanh, Thái Hằng. . . Nào em có ngờ." Hằng đấm vào lưng em một cái: "Thôi! Đừng có nịnh!" Rồi chị tiếp: " Chị còn thuộc nhiều bài của ông này lắm. Muốn nghe, tối về chị hát cho mà nghe. Giờ chúng ta về sửa soạn ăn cơm chiều là vừa. Chị còn bảo: Hôm nào chị dẫn đi mua cho một cây đàn "băng dô" về mà chơi. Học trò trường Bưởi, đứa nào cũng biết chơi đàn hết đó. Hằng với cái "công tắc" bật. Căn phòng trở nên sáng rực rỡ. Chị xách cái giỏ xuống nhà ông Tư lấy cơm. Ông Tư làm Tùy phái ở BV này đã lâu. Ông kiêm luôn cả việc nấu cơm tháng cho những người độc thân. Ông có bà vợ rất đảm đang, và gia chánh không đến nỗi tệ. Thức ăn rất ngon, và rất sạch sẽ vệ sinh. Muốn ăn gì chỉ nhắc khéo một tí là ông làm liền. Thân thay quần áo xong, kéo cái bàn vào sát bên cạnh giường như mọi khi. Anh mở tủ lấy một cái khăn bàn bằng nhựa có in hoa hòe, hoa sói sặc sở, trải lên. Vừa xong thì chị đem cơm về. Chị em bày ra bàn. Nào là canh cá quả nấu "ám" với chuối xanh, có rắc lất phất những lá "thì là" xanh xanh. Rồi thịt kho tầu, những miếng mỡ vàng óng ánh. Có cả một ít dưa cải bẹ chua nữa. Theo thói quen, Thân chạy lại tủ lấy chai "ma gi " đem ra. Hai chị em vừa ăn, vừa nghe gió lộng ngoài trời. Những tiếng động cơ xe cộ lưu thông, những tiếng rao hàng buổi tối. Và những tiếng gõ của chú khách bán "xực tắc". Nghe âm thanh của hai thanh tre đực gõ vào nhau rất vui tai, quen thuộc. Thân bảo : " Hôm nay hàng "xực tắc" lại đi sớm phải không chị? " Không phải đâu! Tại mình ăn cơm tối muộn đó thôi. Giờ đã hơn 8 giờ rồi còn gì? Chị gắp một cái trứng cá to bằng ngón tay cái, bỏ vào bát cho em. Thân đưa mắt nhìn chị, cảm ơn, nói: " Chị chiều em, làm em cứ nghĩ đến thằng Huy trong "Nửa chừng xuân". Nó cũng được chị Mai, chiều chuộng như vậy. Còn em không biết có được đến ngày nào đi làm "thầy giáo" để nuôi chị, như trong truyện của Khái Hưng hay không? " Sao em lại có cái ý nghĩ hay hay đấy chứ? Cũng có lúc chị nghĩ như em đó. Chúng ta cũng giống như Mai và Huy. . . Chị em đang nói chuyện "tầm phào" thì có tiếng còi "hụ" xe cứu thương vang ầm ngoài phố. Chiếc xe lao vào BV. Hằng vội và nốt chén cơm, buông bát đũa bảo em: "Em cứ ăn đi, rôi ngủ trước. Chị xuống xem có chuyện gì, cần giúp đỡ không?" Tuy không phải là phiên trực. Nhưng tính chị xưa nay vẫn thế. Sốt sắng với công việc, hăng hái trong phận sự. Không ngần ngại giúp đỡ những ai cần đến. Hằng coi như đó là một thiên chức trời ban cho. Chị mặc vội cái áo trắng vào người, rồi hối hả ra đi. Một mình thằng em vừa ngồi nhai, vừa ngẫm nghĩ sự đời. Chị Hằng là người đẹp nết, đẹp người như vậy mà lại "xấu số:"?Ông trời thật bất công. Anh thở dài. Rồi thu xếp bát đũa, dẹp bàn ghế vào vị trí cũ. Một mình ngồi học, xong anh lấy quần áo xuống phòng tắm. Từ ngày ở với chị, anh tập tắm rửa trước khi đi ngủ, mặc dầu trời vào đông đã hơi hơi lạnh. Nhưng anh tập cho quen. Chớ nằm với chị mà để mùi mồ hôi, mồ kê thì khó coi quá. Vòi nước chảy ào ào xuống đầu, xuống mình, làm anh tỉnh táo, khỏe khoắn hẳn ra. Bọt xà phòng trắng xóa trên mái tóc thơm thơm, anh cảm thấy như mùi da thịt của đàn bà. À! Phải rồi! Mùi thơm quen thuộc này chị Hằng thường gội đầu. Mỗi lần nằm cạnh, mình lại phảng phất hương vị đó. Mới đầu thì chưa quen, mình còn cho là cái hương vị phấn hoa trưởng giả của ngừơi thành thị. Không mộc mạc, đậm đà như mùi "bồ kếp" hay mùi lá bòng, lá bưởi, của mấy cô gái nhà quê. Nhưng lâu thành quen. Bây giờ mình thấy hương vị "Cadum" này, cũng dễ chịu, thơm tho lắm chứ? Thân mở vòi nứơc mạnh thêm, và kỳ cọ khắp thân thể. Miệng lẩm nhẩm ca: "Nhớ ngày vui qua. . . Bên người ngây thơ. . .Cung đàn theo với lòng thiết tha.". Về phòng, Thân tắt ngọn đèn treo giữa phòng. Rồi bật ngọn đèn ngủ, leo lên giường nằm chờ chị. Ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ làm căn phòng trở nên mờ mờ ảo ảo. Anh ngồi nhỏm dậy nhìn xuống đường phố. Một ông già chân đi khập khiễng, miệng rao: "Phá xa. . .Phá xa. . ." Thân định chạy xuống mua vài gói lên ăn. Nhưng cái tật làm biếng nó bảo anh: "Thôi, nằm xuống! Ngủ đi!" Thế là anh ngủ lúc nào không hay. Mãi đến gần nửa đêm Hằng mới về phòng, thay quần áo ngủ. Trước kia một mình thì chị thường mặc áo ngủ dài lê thê, mỏng dính, mỏng dáng. Nhưng từ ngày có thằng em thì chị mặc cả bộ đồ ngủ, có quần, có áo. Đêm thì màu hồng, đêm thì màu xám, màu nâu sậm, đủ màu hết. Chị định leo lên giường , nhưng thấy thằng em đang nằm ngủ li bì như thần Hercule đang thời kỳ phát triển. Chị lấy chiếc chăn mỏng, khẽ đắp lên mình thằng em, từ cổ đến chân. Chị cúi xuống hôn lên trán em, rồi chui vào chăn nằm và se sẽ ngâm: "Cánh chim đã bao phen giang hồ. . . Ngờ đâu dừng tâm hồn bên em. . . "Tiếng ca của chị cứ nhừa nhựa . . .dần dần. . . và trôi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Rồi thời gian phôi pha, năm tháng cứ trôi dần. Cuộc đòi Thân trôi nổi từ Bắc vào Nam, từ Nam qua Mỹ. Tháng năm đầu phải lo cuộc mưu sinh, lo cho đời sống ổn định. Không còn thì giờ đâu mà nghĩ đến ca với nhạc. Chiều nay, ngồi ngắm hoàng hôn đang rủ xuống, ánh nắng vàng còn rơi đọng trên ngọn cỏ lá cây, trên núi đồi trùng trùng, điệp điệp. Thân lại nghĩ đến hoàng hôn của cuộc đời mình. Chốc là năm chục năm trời có lẻ. Nhớ đến những kỷ niệm êm đềm xa xưa. Nhớ cuộc đời niên thiếu. Nhớ người chị có giọng nói ngọt ngào, nhẹ nhàng như hơi thở. Đã từng ca bài "Khúc nhạc tương tư" cho mình nghe. Trong những đêm dài trong khung trời Hanội. Ôi! Kỳ niệm êm đềm và thương mến làm sao? Mà nay chỉ còn những nhớ thương nuối tiếc. Thân đã đi tìm bài ca yêu mến đó. Trong những đêm dài thao thức. Nghe giờ nhạc "Yêu cầu". Chàng đã dùng tên người khác để mong được nghe bài ca thân thuộc. Những người phụ trách phát thanh, người thì trả lời: "Bài này đã xa xưa quá, nên không còn tìm được". Người thì nói:"Là thế hệ trẻ nên không còn ai thưởng thức." Thân cũng đã từng đi hỏi những nhạc sĩ lão thành, gạo cội, mà chỉ được trả lời rằng: "Lâu ngày quá đã quên rồi." . Khổ một nỗi, là chàng không còn nhớ được tên bài ca, và tên của tác giả. Nên đành mang thất vọng. Như kẻ mò kim đáy biển. Một hôm các con chàng nói:"Sao cậu không mở "webside" ra tìm kiếm trong "Đặc trưng". Trong đó có hàng ngàn bài ca, bản nhạc. Chưa biết chừng cậu tìm thấy cũng nên." Thân liền mở Đặc trưng ra, thì rất lấy làm thích thú, và hoa cả mắt lên vì đã lạc vào thế giới âm nhạc. Chàng cố công lựa mãi, tìm mãi. Khi mũi tên đi đến vần K, thấy cái tựa của bài ca quen thuộc, của Nhạc sĩ Ngọc Bích. Mũi tên rà tới dòng chữ ;"Khúc nhạc tương tư", và nhấn con "chuột". Dòng chữ biến đổi, và bản nhạc hiện lên. Thân mừng rỡ. Reo lên: "Đúng rồi! Bài ca mà mình tìm kiếm đã lâu. Bài ca mà mình nhớ nhung, mong chờ." Thân đọc đi, đọc lại bài ca, rồi lập tức in ra, và giữ lại như một bảo vật. Bài ca đó là một kỷ niệm đầy yêu thương trong đời học sinh của chàng. Và cũng là một kỷ niệm êm đềm của một mối tình đầu. Tình chị em trong sáng như sương mai, êm đềm như gió mùa Thu, và ngọt ngào như dòng suối trong mát, ở ven đồi nắng ấm. . .
THÚY SƠN
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |