Dec 03, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
HÌNH ẢNH TRÔI ÐI: CƠ CẤU DỊ HOÃN TRONG THƠ VIỆT BẰNG
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to
LƯU NGUYỄN ÐẠT

Thi ca Việt Bằng không tỉnh say, linh biến như thần ngữ Bùi Giáng;[1] không đau đớn đứt đoạn, níu nghẹn như hơi thở Du Tử Lê;[2] không vấp ngã, đùa nghịch, đáo để như tình ngữ Nguyễn Đăng Tuấn.[3] Thi ca đó bề ngoài hiền hoà, bình thản, nhưng bề trong đầy ngập sinh lực chia tách không gian và thời gian, hiện hữu và sáng tạo thành những cơ cấu dị hoãn,[4] li tâm, toác mở, tạm bợ và phá cách. Những khía cạnh trái nghịch nhau về tư tưởng và hình thức được lồng ghép lại, vừa để phủ nhận, và cũng để thừa nhận lẫn nhau trong một thế biện chứng bất giải. Tình trạng nghịch lý đó được Jacques Derrida[5] quy định trong một từ ngữ mới – "différance" – do ông sáng chế bằng cách ghép nghĩa của hai từ ngữ "différence" (dị biệt / khác biệt) và "différance" (différer / trì hoãn) thành một. Theo Derrida, ngôn ngữ và từ ngữ luôn luôn mang trạng thái ngộ nhận và ngờ vực, vì ngôn ngữ và từ ngữ chỉ là những thể cách biểu hiệu giai đoạn của sự dị biệt và bất toàn, tách mảnh, trong tư tưởng về bản thể, nhân sinh quan và vũ trụ quan. Cách phân tích này đặt trên căn bản xét lại một tác phẩm được hình thành qua kết cấu hủy tạo hay phá thể (Déconstruction[6]/ Défigurations du langage[7]).

Ở khía cạnh tâm linh, tình cảm, cõi thơ Việt Bằng[8] khép và mở như một không gian dị hoãn, vừa hướng thượng, “dàn dựng một thiên đường”,[9] tuyệt đối nhờ hạnh phúc “con người”,[10] nhưng lại phá cách, gần xa:

ở một nơi nào mới gần đã rất xa
và nơi ấy chưa bao giờ thực sự của đôi ta [11]

như một không gian mơ hồ, ảo ảnh với “nét hoang đường”[12] li tâm ngay trong cuộc hạnh ngộ dang dở:

Cuộc chơi chưa dứt, dang tay bắt
hư ảnh tìm theo một chút thôi.[13]

Hiện tượng dị hoãn ở giai đoạn này lồng ghép thế tương đối trong thế tuyệt đối bất kham: cái “một chút” đó có đủ tầm vóc ngập tràn ngay trong kích thước hạn hẹp của dấu tích trần tục biên tế. Theo tư tưởng âm dương lồng chiếu vuông tròn, con người, tuy hạn hẹp trong không gian và thời gian, vẫn đủ trào lực tiếp cận trời và đất, trong thế hội nhập tam tài. Cũng vì vậy mà không gian chao đảo từ cõi thơ Việt Bằng vẫn giữ được cái thế thái nhân tình siêu thoát tự tại:

Em đưa tay với trời sao
qua đêm huyền hoặc, chiêm bao ngỡ ngàng.
Nếu anh khẽ gọi tên nàng,
có nghe giao động đôi hàng mi cong? [14]

Không gian dị hoãn đó còn có thể tự huỷ, phá cách thành hiện tượng đối nghịch, từ cao độ trong sáng đổ xuống vực thẳm tối tăm; từ Thiên Đường siêu thoát hoán chuyển thành “Thiên Đường mù”,[15] trống vắng vì thiếu bóng dáng cố nhân, hay bất trắc tồn sinh trong dằn vặt tội tình.[16] Đó cũng là toạ độ cuộc miên du tìm bóng người yêu trong thế giới vô hình của mộng tưởng và tiềm thức hoan lạc: “hình ảnh trôi đi với ám ảnh thần kỳ”;[17] trong âm cảnh liêu trai nơi “những niềm vui thoi thóp như hồn ai vừa nhập xác”[18] luân hồi.

Tuy nhiên, “Thiên Đường mù” biến thành địa ngục vẫn đem theo hậu ảnh tồn tại của nguồn đam mê siêu đẳng, nên khi tự hỏi về hiện tượng đó, tác nhân cùng lúc vừa xác nhận, vừa phủ nhận: “Có khác nhau không, giữa Địa Ngục với Thiên Đường?”[19]

Ở khía cạnh nguyên thuỷ địa lí nhân văn, không gian dị hoãn linh biến hoán dụ những sắc thái hội nhập quê hương, xứ sở, như một dòng sông tuy tách khúc, tách ranh, nhưng vẫn tiếp cận ngọn ngành:

Con sông Trà Lý chảy qua
Mười hai phủ huyện cũng là dòng sông [20]

với những trào ảnh tách nối, xuyên chiếu như

Nước lũ sông Hồng,
Cuồn cuộn
dưới bóng dừa xanh ngát Cửu Long. [21]

Ngược lại, khi ẩn dụ trong hiện tượng lịch sử đổ vỡ, li tán, không gian dị hoãn đã tự động phân chia thành những bờ cõi xa xôi, tách mảnh:

Tôi ở bên này...
Em ở trong vùng...

Tôi ở một phương
Xa vời tất cả. [22]
Không gian dị hoãn trong lãnh vực tâm linh và cảm xúc, khi du nhập vào khuôn viên “Đại Học”,[23] đã phần nào chắp nối, nhờ thế liên kết của kiến thức và sáng tạo:

Ơi! A. Camus, Franz Kafka, J.P. Sartre
Hegel, Nietzsche và Heidegger,
Những thiên tài rất thơ
Mà loài người đã từng yêu mến
Đã đưa em đến
Những đỉnh cao trí tuệ [24]

Không gian đó đã có dịp ẩn mình trong đáy hồn chữ nghĩa để trở thành “Những hạt thơ từ trời rơi xuống”,[25] ẩn dụ trong ánh mắt người tình, nơi giao điểm cảm thông tri kỉ:

Em hãy đến giảng đường dù không thấy nhau
Bóng với hình vẫn tìm nhau hò hẹn. [26]

Yếu tố cần thiết cho không gian chao đảo, dị hoãn là hiện tượng thời gian. Trong thơ Việt Bằng, thời gian cũng chênh vênh, co dãn:

Một nửa thế kỷ qua như vừa mới bước [27]

Hoặc tách mảnh, như lịch sử tình yêu, thầm kín, mĩ miều:

Tình yêu,
Ngàn ô nhỏ bên vách ngăn tâm thất
...
Thời gian,
Như màu áo trong ngăn tủ. [28]

với một hiện tượng giao cảm lạ lùng, lồng ghép thị giác (“màu”) với khứu giác (ẩn dụ trong “áo”), vừa cô đọng ấn tượng tình tứ hữu hình, vừa nhạt nhoà hương vị nội tại.

Thời gian đó di tản từ quá khứ tới hiện tại, từ hiện tại sang tương lai, như dòng sông Hằng vô định, vô thường:

Anh thấy cả mùa xuân trong ánh mắt
... Hãy cùng anh, giữ nguyên màu quá khứ
... Thơm mùi tóc hay mùi hoa dĩ vãng?
Em đứng đó, mùa xuân không còn nữa
Những nét buồn mang dấu vết thời gian [29]

Thời gian như vậy đã mất dấu trọng tâm, nên bất cứ thời điểm nào cũng li tán, lây biến. Hiện tại, quá khứ và tương lai thẩm thấu, hoá giải lẫn nhau:

Từ đêm nào, em đã nhìn thời gian trong ánh mắt
Những kiếp trước, kiếp sau hay chính kiếp này
...
Em mở mắt vào đời trong ngày đầu của kiếp khác [30]

Tác nhân đang xoá nhoà hiện hữu để tồn sinh trong hư không, theo một nhịp độ hụt hẫng, chênh vênh, lạc lõng, nhưng đồng thời linh biến, mở rộng. Thời gian đó lôi cuốn lấy nhau, trong thế song sinh, đồng khởi; dịch biến trong toạ độ một hình học không gian, mà đâu cũng là tâm, đâu cũng là bờ; đâu cũng là khởi, đâu cũng là kết: một cuộc di động vòng tròn của thời gian bỏ ngỏ, xuôi ngược, ngược xuôi:

Kiếp xưa, tôi ngắm trăng tiền sử
Và đến kiếp này, tôi ngắm em [31]

Trong một không gian dị hoãn, li tâm, phá cách, tạm bợ; trong một dòng thời gian dị hoãn, chênh vênh, linh biến, tác nhân không thể an toạ nguyên vẹn, bất di bất dịch:

anh vẫn chờ em trắng một bến sương
Tưởng đã thân, mà ánh mắt hoang đường
Em có nhìn anh như người lạ mặt? [32]

mà ngược lại, mỗi lúc dang dở, bất trắc:

Có phải em thật là cần thiết,
...
Hay chỉ là một hoang tưởng giữa đời,
Rồi như một bóng mây qua đỉnh trời? [33]

Như vậy, ngay trong thế bất ổn, thân phận con người vẫn kiêm khả năng vượt chấp và hướng thượng.

Không gian, thời gian và thân phận người dị hoãn, tự tạo ắt cũng phải lồng chiếu trong một thể văn tác dị hoãn, khai phóng. Thay vì gò bó trong niêm luật phân minh, trong khuôn khổ thơ cổ điển nghiêm nghị, xa cách, thơ Việt Bằng đã hạ mình nghiêng hẳn về trào lực sáng tạo tâm thức, để thi ảnh khai triển theo nhịp độ và âm điệu nội tại của dòng thơ, của cảm xúc và thi hứng. Thơ đó không tên, không tuổi; không văn miếu tôn thờ, không môn phái chính thống. Đó là những dòng thơ tự lực cánh sinh, bỗng dưng vượt chấp, cao vút trong đam mê chữ nghĩa tuyệt vời:

Những con chim khoác áo màu hong nắng
Tiếng hót bay cao rất đỗi lạ lùng.
Với anh, từ sâu thăm thẳm đáy lòng,
Lời em nói như vẫn còn âm vọng...[35]

Những dòng thơ dị hoãn, tạo tác vô hạn, khi biết nhận, biết hưởng và biết cho lại:

Cảm ơn em - một chuyện tình chưa nói hết
Và những gì một thủa đã cho nhau...
Cảm ơn em, những vần thơ trác tuyệt,
Viết cho anh và cho cả ngàn sau...[36]

LƯU NGUYỄN ĐẠT, Ph.D
MICHIGAN STATE UNIVERSITY

----------------------------------------------

CHÚ THÍCH:

[1] Lưu Nguyễn Đạt, “Thơ Bùi Giáng: Từ Phá Thể Sang Hội Nhập”, VĂN LUẬN, Cỏ Thơm, 2000.

[2] Lưu Nguyễn Đạt, “Chấm Dứt Luân Hồi: Cơ Cấu Ẩn Dụ Và Hoán Dụ Trong Thơ Du Tử Lê”, VĂN LUẬN, Cỏ Thơm, 2000.

[3] Lưu Nguyễn Đạt, “Thơ Nguyễn Đăng Tuấn: Dường Như Làm Tình Với Chữ”, VĂN LUẬN, Cỏ Thơm, 2000.

[4] Theo nghĩa Différence/différance (différer) của Jacques Derrida.

[5] Xem Jacques Derrida, Of Grammatology, Baltimore, Johns Hopkins University Press, 1976; "La Mythologie blanche", Marges de la philosophie, Paris, Minuit, 1972; Positions, Paris, Minuit, 1972; và "Economimesis", Mimesis des articulations, ed. Sylviane Agacinski et al., Paris, Aubier-Flammarion, 1975.

[6] Xem Jacques Derrida, Of Grammatology, Baltimore, Johns Hopkins University Press, 1970. Xem thêm Jonathan Culler, On Deconstruction: Theory and Criticism after Structuralism, Ithaca, Cornell University Press/London, Routledge & Kegan Paul, 1982.

[7] Barbara Johnson, Défigurations du langage poétique, Paris, Flammarion, 1979.

[8] Việt Bằng, HÌNH ẢNH TRÔI ĐI, 2005. Những đoạn trích dẫn thuộc những bài thơ của thi tập này, ghi với số trang liên hệ.
[9] “Mang Cả Mùa Xuân Chắp Cánh Bay”, 102-103
[10] như trên
[11] “Tình Em Đẹp Mãi Một Bài Thơ”, 77-78
[12] “Mang Cả Mùa Xuân Chắp Cánh Bay”, 102-103
[13] như trên
[14] “Biết Bao Bến Hẹn, Bờ Mong”, 95
[15] “Chưa Bóng Hình Ai Trong Trái Tim”, 61-62
[16] “Để Lại Cho Em”, 39-40
[17] “Chưa Bóng Hình Ai Trong Trái Tim”, 61-62
[18] như trên
[19] “Có khác nhau không”, 30-31
[20] “Từ Khi Theo Ngọn Thủy Triều”, 92-94
[21] “Em Có Thương Người Kinh Bắc Ấy”,43-44
[22] “Từ Khi Theo Ngọn Thủy Triều”, 92-94
[23] “Em Đã Nói Giùm Tôi”, 41-42
[24] Như trên
[25] “Biển Vắng”, 87-88
[26] “Trên Môi Anh Thiếu Một Vệt Son Môi”, 90-91
[27] “Ánh Mắt Tuổi Thơ”, 24-25
[28] “Màu Áo Em Bay Trước Giảng Đường”, 53-54
[29] “Nét Buồn Mang Dấu Vết Thời Gian”, 37-38
[30] “Từ Một Thiên Đường Nào Tôi Đã quên”, 55-56
[31] “Một Sớm Xuân Về”, 57-58
[32] “Nơi Một Thủa Mùa Xuân Còn ở Đó”, 73-74
[33] “Cho Ngàn Sau”, 28-29
[34] Loại thơ này có lúc được gọi một cách rất tạm bợ là “thơ mới, thơ tự do”. Trước sau, Thơ chỉ là thơ, nếu “thực sự là thơ”.
[35] “Nơi Một Thủa Mùa Xuân Còn ở Đó”, 73-74
[36] “Cho Ngàn Sau”, 28-29



 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003