Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
TÂM THỨC SƯƠNG MAI
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to
NHẬT THỊNH

Viết về Sương Mai - bút hiệu của nhà thơ nữ Bùi Phụng Mai - không phải bây giờ mà từ bao giờ dưới cái nhìn của tôi vẫn là một điều gì khó nói, đương nhiên không phải bởi tôi chưa biết Sương Mai hay chưa hề một lần được thưởng thức thơ Sương Mai. Trái lại tôi đã biết Sương Mai từ sau hơn một năm, kể từ những ngày đầu tôi thoát khỏi ngục tù cộng sản, đặt chân lên miền đất hứa, trong một buổi sinh hoạt tại nhà Song Nhị, có Diên Nghị, Nguyên Phương và Tú Lắc, người con gái cách đây nửa thế kỷ đã cất cao tiếng khóc chào đời trên bến nước Ninh Kiều tôi đã có dịp viếng thăm, do đó tính chất địa phương đã ảnh hưởng nhiều tới cõi thơ,

Thoảng Chút Hương Xưa - 1996, 135 trang, 71 bài thơ, 4 bài thơ phổ nhạc, Thơ Tình Sương Mai - 1998, 386 trang, 186 bài thơ, 11 bài thơ phổ nhạc, Trăng Mộng - 2000, 385 trang, 204 bài thơ, Yêu Dấu Tan Theo - 431 trang, 241 bài thơ. Tổng cộng 702 bài thơ, dày 1337 trang, viết trong vòng 9 năm, không tính những bài đã in trong các tuyển tập trươc đó như "Một Phía Trời Thơ" 1995, 6 bài "Gửi Người Dưới Trăng" 1995, 6 bài, "Cụm Hoa Tình Yêu 2", 1996, 5 bài, "Một Thời Lưu Lạc" 1997, 6 bài, những bài nằm ở dạng chưa in hay mới phổ biến trên báo chí, kể đã là một kỷ lục hiếm có.

Ngoài ra tôi đã được đọc nhiều bài tiểu luận viết về Sương Mai trên các trang sách báo và nghe bình phẩm tương đối nhiều về Sương Mai, chân thành có, mai mỉa bởi ganh ghen, đố kỵ có những khi Sương Mai ra mắt sách tại nhiều nơi, bởi thế tôi cảm thấy khó khăn khi viết về Sương Mai, không muốn bị chi phối nặng nề bởi những tư tưởng nọ. Tôi muốn nói những gì tôi nghĩ, trung thực với chính tôi, cho dù có bị gán ghép, phê phán nọ kia, tôi sẵn sàng chấp nhận.

Xưa nay cõi thơ vẫn là một cõi mênh mang nhiều màu vẻ. Mỗi thi phẩm mang một sắc thái riêng, mỗi nhà thơ có một tâm thức và niềm rung cảm riêng. Thế nên khi đi vào cõi riêng của thi nhân, khó ai dám nhìn tập thơ theo lăng kính tâm tư hạn hẹp của mình, hơn nữa cũng khó thể khẳng định lượng giá một cách tuyệt đối, mà chỉ có thể đưa ra những gì cảm thấy, rung động được với người thơ khi đọc. Tôi nghĩ không có chi chính xác hơn khi tìm hiểu ngay nơi tâm tư của Sương Mai, họa chăng có thế mới khám phá thấy những màu vẻ riêng của tâm thức và sự rung cảm.

Trong tập thơ đầu tay "Thoảng Chút Hương Xưa" tâm sự riêng tư đó được Sương Mai bày tỏ: Hãy tìm lại những giây phút yêu thương nồng nàn của những ngày xa xưa thân ái. Hãy lắng nghe những lời tình tự về những cuộc tình của mình, của người được ghi lại bằng những xúc cảm chân thành nhất. Hãy mở rộng trái tim để sống lại những giây phút tuyệt vời của trời thơ bát ngát. Hãy quên hết mọi phiền toái của miếng cơm, manh áo để cùng nhau về với khung trời thơ, có đầy bướm hoa rực rỡ. Hãy cùng nhau bỏ quên góc đời phiền muộn, cùng nhau thưởng thức những tiếng nhạc, lời thơ. Tâm tư này coi như một tuyên ngôn Sương Mai miệt mài theo đuổi, triển khai trên hành trình thơ. Vượt thoát lên trên tất cả, phải nói một đặc chất của thơ Sương Mai là đi vào cõi huyền diệu của tình yêu chất ngất những mộng mơ, vương vấn, giận hờn...

Hà Thượng Nhân cho rằng Sương Mai là Tương Phố và T.T.Kh của thời đại chúng ta tôi không nghĩ vậy, thơ Sương Mai nếu có vấn vương trong tình trường cũng thoáng đãng, không rầu rĩ, sầu đau đến tím lạnh tâm hồn, kiểu T.T.Kh khóc than bởi mối tình éo le xảy ra mỗi độ cúc đâm bông, và Tương Phố sướt mướt khóc chồng khi ra đi vào mùa Thu và cũng chết đúng vào mùa Thu. Ngay những khi buồn đau trong tình yêu, giọng điệu Sương Mai vẫn phảng phất nét bình thản và kiêu sa, không đến độ đổ vỡ tâm hồn, đến sầu thương ngút ngàn:

Mười năm tình vẫn lạc loài
Trách người xưa chẳng đoái hoài đến ta
Trách tình sao chóng nhạt nhòa
Bỏ ta mặc với phong ba cuộc đời
[Mười năm tình cũ]  

Nếu người con gái của Sương Mai có buồn đau, vàng võ thể xác, đêm trông ngày nhớ thì đó cũng không phải bởi mối tình ngang trái như trong "Hai sắc hoa ty gôn" của T.T.Kh.:

Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương

. Đó là vì người tình của nàng đã từ những rách nát của đất nước, những khổ đau chất chồng của dân chúng, tâm thức tự vực dậy niềm tin và lòng yêu tha nhân, yêu quê hương, một sớm lên đường làm nhiệm vụ của người trai thời loạn, sự buồn rầu đó chẳng qua là thứ tình nhi nữ thường ngày:

Anh vẫn say đời trai viễn du
Bỏ quên tình ái giữa sương mù
Bỏ em mặc với đời cô quạnh
Đời úa vàng như xác lá thu
[Tóc em nào vướng bước anh đi]

Nói về ái tình De Scudéry quan niệm rằng: Tình bạn là thứ hoa hồng không gai góc, nhưng tình yêu là thứ hoa hồng nhiều gai góc nhất,bởi thế tình yêu nơi Sương Mai đã diễn biến dưới muôn màu muôn vẻ, trải rộng tâm hồn mộng mơ hoài niệm về một dĩ vãng mờ khuất, về một bóng hình xưa cũ, tiếc nuối lâng lâng một người tình cũ nay đã khấn trọn đời mình về phụng vụ dưới chân Chúa:

Đã vì Chúa anh ra đi từ đó
Về phương xa vây kín nẻo tu trì
Bỏ quên đời bỏ lại kẻ tình si
Đã vì Chúa anh quên em từ đó
[Lời cuối cho anh]

Đau buồn trở về thếâ giới tình yêu của tuổi mộng mơ ban đầu, sớm biết thương yêu, biết giận hờn, ghen tuông, tạo nên một âm hưởng thiết tha, cảm giác bàng bạc, không che giấu nổi một tâm tư dằn vặt nổi trôi bão tố, sống động nhưng không thiếu vẻ chân chất, ngan ngát hương tình, khơi mở một lối đi bằng những từ ngữ, ngôn từ mới mẻ của thời đại. Họ trách nhau bởi một ảnh hình đã vội chao đảo tình cảm, tạo di lụy khổ đau cho nhau, giấu diếm bỏ đi không vì một lý do nào để lại:

Ghét nhất là khi bắt gặp anh
Đi đâu cả buổi, nói loanh quanh
Anh đi hết buổi chiều hôm ấy
Em giận, phố phường như vắng tanh
[Giận anh]

Vẻ duyên dáng của người con gái thật dễ thương, thương yêu nhau còn hờn ghen, pha thêm vẻ nũng nịu, nét duyên thầm đó người ta tìm thấy tương tự nơi Nguyễn Xuân Huy trong "Hờn dỗi" thời tiền chiến. Đây có thể coi như thứ tình yêu lãng mạn khó thể vắng thiếu nhau, thứ tình của Romeo và Juliet, của Lan và Điệp hay Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài, thích kề cận nhau tựa đôi chim uyên ương, không cuồng nhiệt, kinh hoàng như huyền thoại Psyche và Eros lưu truyền từ thế kỷ thứ 2 trước Tây lịch. Tình yêu đó không thể ngăn cách nhau, không thể ngoài những bờ môi, những vòng tay ôm lấy nhau trong hương yêu ngan ngát:

Hãy đến đây, ôm choàng em thật chặt
Cho tình còn lưu luyến mãi về sau
Vì tháng năm đâu có dễ phai màu
Màu thắm thiết của tình yêu đến muộn.
[Hãy đến cùng em]

Trở lui thời kỳ phong trào Thơ mới, dấy độâng một nền văn học khai phóng do ngọn gió Tây phương thổi tràn tới, vượt lên trên ảnh hưởng Trung Hoa với sự suy tàn của nền Hán học, không khí phong, vân, tuyết, nguyệt, hay mai, lan, cúc, trúc của Tống, Đường, phù hợp với thời đại và cảm quan người thưởng ngoạn, tạo nên một cuộc tranh luận gay gắt thời bấy giờ, không khác nào một pháo lệnh tấn công vào thành trì xưa cũ, xuất hiện một dòng thơ mới với những hình ảnh mới, những xúc động mới, những phong cách mới, đào thải những gì lỗi thời và cũ kỹ, không còn sức thuyết phục tựa những kiều dạ bạc, tiếng quạ kêu sương, hàn san tự, thành siêu quách đổ...

Xuân Diệu một người cả đời say đắm với thơ tình, lắm bài đã được nhiều thế hệ gối đầu giường, di sản tính ra lên tới 450 bài mang sắc thái, phong cách riêng, say đắm, cuồng nhiệt, tươi rói tình cảm và đếân nay đa số vẫn hiện đại: "Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ - Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết" Thơ tình Sương Mai mang dáng nét tương đồng, luôn luôn khai thác những góc cạnh mới mẻ, hơn nữa Sương Mai dám táo bạo phô diễn sự thật, không ngại ngần búa rìu của những nhà đạo đức giả, bề ngoài tỏ ra đạo mạo mà bên trong cuồn cuộn sóng gió đại dương, không khác chi con ốc kia nằm im lìm đó nhưng sau lớp vỏ cứng của nó đã chứa chấp cả ba đào. Sương Mai sáng tác nhằm mục đích muốn đáp lại tiếng vọng từ nội tâm và bên ngoài đời.
Nội tâm đây là mối tình con tức cái tình yêu ngọt ngào và tha thiết đã thấâm đượm tâm hồn, mãi được nuôi dưỡng từ tuổi nằm nôi, e ấp hương thầm, lời ru ca lãng mạn trữ tình, ảnh hưởng tới khối óc sáng tạo. Còn ngoại giới tức cõi đời Sương Mai tiếp cận mỗi ngày, tự nó không thiếu chất thơ, trải nghiệm thấm thía nhiều. Thi nhân làm thơ đểâ đáp lại cái âm vang vọng lại. Hoài niệm khơi gợi xót xa, quá khứ trải dài sau lưng, mái nhà xưa sum suê hoa trái, trường học cũ, con đường thân quen ắp đầy kỷ niệm, rộn bước chân ai, bếân sông ngày nào ngập đầy mộng mơ:

Ta về ngắm lại dòng sông
Thuyền ai còn cắm bên dòng tương tư?
Ta về khoảng cách xa mù
Đón trăng quê cũ tiếng thu ngập ngừng
[Thoảng chút hương xưa]

Mỗi nhà thơ có một cơ duyên, mộât đường lối riêng để với tới người thưởng ngoạn, Sương Mai không thoát khỏi hệ lụy ngàn đời đó, tuy nhiên thơ Sương Mai dù dưới dạng thức nào hay thời kỳ nào vẫn chất ngất nồng độ chất trữ tình của hơi men lãng mạn trong không gian ngôn từ diễm lệ. Tính chất trữ tình người ta thấy thấm đẫm nhiều trong tập "Thơ Tình Sương Mai", ngay chính Sương Mai cũng đã tâm tình: "Tình yêu sẽ tồn tại muôn đời, dù vật đổi sao dời, dù sông cạn đá mòn, dù hoa tàn, dù trăng khuyết. Đời người dù có qua đi, nhưng tình yêu vẫn còn đó, vẫn tươi đẹp như những đóa hoa muôn sắc. Tình yêu. Hãy nhìn nó bằng tia nhìn đẹp nhất. Dù cho tình yêu có là trái ngọt hay trái đắng, là niềm vui hay nỗi đau buồn. Tình yêu, muôn thuở vẫn mang đến cho cuộc đời bao ý nghĩa".

Nhưng thế nào là tình yêu, Sương Mai đã gói ghém nó trong những từ: sầu, buồn, đau và xa, từ đó chúng kéo theo một dãy những trạng thái như: thương đau, dòng lệ, sầu thương, thương nhớ, nát lòng, xe lòng, quan hà, xót xa:

Định nghĩa tình yêu một chữ sầu
Chữ sầu đồng nghĩa với thương đau
Chữ đau sẽ hóa thành dòng lệ
Dòng lệ trôi đi đến chốn nào?
[Định nghĩa tình yêu]

Nói thế, nghĩ thế thôi, thực sự tình yêu khó ai có thể dùng lưỡi dao phẫu thuật để diễn đạt cho hết lẽ, bởi như Platon đã nói: "Yêu là một chứng bệnh tâm thần nghiêm trọng", ấy là chưa đề cập tới những hậu quả đớn đau của tình yêu, điển hình sự liên hệ tình cảm của hoàng hậu Cleopatra nước Ai Cập với Mark Anthony nước La Mã, tới khi vị tướng này bỏ thây ngoài chiến trường, Cleopatra lại tính chinh phục hoàng đế La Mã Augustus. Lịch sử còn nhiều trường hợp khác nữa, chẳng hạn chuyện Điêu Thuyền và Đổâng Trác, hoàng đế Louis 16 nước Pháp và hoàng hậu Marie Antoinette. Âu bởi thế Sương Mai không khỏi bâng khuâng với bản thân mình khi nhận định:

Cắt nghĩa làm sao một chữ tình
Khi xa ôi nhớ, nhớ nhiều thêm
Khi gần thì giận, thì hờn giận
Có lúc thì thầm gọi mãi tên
  [Chữ tình]       
Sương Mai sinh trưởng nơi sông nước hậu giang, mưa nắng hai mùa - "Sông Hậu trôi lững lờ - Nhị kiều chờ trăng sáng" - nơi thiên nhiên thơ mộng, hiền hòa, con người biếât thương yêu, rung động và sẵn sàng hiến dâng tâm hồân mình cho con tim biết nói. Tình yêu của thuở ban đầu rụt rè, thơ ngây, e ấp, ngóng trông sự vãy gọi của tình nhân, những xôn xao mở ngõ tâm hồân, dường như mong ngóng xuân về, thấây hoa đào cợt gió đông. Tâm hồn người con gái là vậy, đón đợi niềm tin ngọt ngào, đắng cay:

Anh đã bước vào hồn em thật nhẹ
Bằng lời ru ôi, nồng ấm thiết tha
Đẹp như hoa, lóng lánh tợ ngọc ngà
Thật tươi thắm như bướm hoa rực rỡ
[Mùa xuân trở giấc]

Tình yêu đẹp ảo huyền tựa cánh bướm chập chờn trên bông hồng, mong manh đấy, nhưng dường như nó có một ma lực cuốn hút con người lao theo, một khơi động của lá rèm thưa trước gió đủ để tâm hồn bồn chồn xao xuyến. Say như ruợu hợp cẩn tối tân hôn, ngây ngất ngất ngây. Tâm trí lao đao, ngồi đứng chập chờn hình ảnh của nhau, mong nhớ thầm kín, trạng thái này Sương Mai phô diễn tưởng khá tròn đầy, phải chăng đây cũng là bản chất của Sương Mai một ngày nào còn ngập những bóng hình ai:

Không biết vì sao như đảo điên
Hình như xao xuyến lúc về đêm
Hình như anh đã, hình như đã
Cướp mất hồn em, lẫn trái tim
[Không biết vì sao]     
   
Tâm tư ủ kín đó người con gái nhìn "mưa đầu mùa" đan từng sợi buồn trong không gian thoáng đãng dễ giận lây, mưa chỉ ướt thêm nỗi lòng nát tan, hoen ố thêm bờ mi và cõi thơ ảnh hưởng không ít nỗi buồn thương, đúng như tâm cảm của Nguyễn Du: "Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ", Sương Mai khấn nguyện cho nắng sớm trở về, xua tan đi những u ám tràn trề để cho tâm hồân người thiếu nữ kia tìm thấy trở lại những xôn xao của tuổâi đầu đời chớm yêu:

Tôi với tay ôm bóng nắng tà
Tưởng vòng tay ấm của người ta
Tưởng như hơi thở còn vương vấn
Nhắm mắt nghe lòng vẫn thiết tha
[Mưa đầu mùa]

Tình yêu từ tuổi chớm nở, nhìn mưa nắng đã biết thương thầm khóc trộm, lớn dậy, tỏa ngát lan rộng, không còn ngại ngùng nhốt kín trong cõi lòng sâu kín, biết réo gọi, than van những khi chán chường, thấât vọng. Đặt để bao nhiêu giả thiết chung quanh người tình, những duyên cớ vắng lặng nhau, chẳng qua bởi yêu đương. Tâm trạng đó của ngươi con gái, Sương Mai đã từ môi trường này, tâm trạng này trải dài, không tự mình giấu diếm mình, giấu diếm người, táo bạo phô diễn một sự thật, ấy chính là chấm son Sương Mai chinh phục được lòng người:

Lẽ nào em lại thế này
Lẽ nào duyên kiếp chân mây, góc trời
Lẽ nào như cánh bèo trôi
Lẽ nào anh chẳng một lời cho em?
   [Lẽ nào]

Thật đúng như Alfred de Musset đã nói: "Lời tuyệt vọng là lời ca tuyệt diệu - Tiếng nức nở lắng đọng mới thiên thu" [Les plus désespérés sont les chants les plus beaux - Et j'en sais d'immortels qui sont de purs sanglots]. Xưa nay thơ văn hầu như vậy, chỉ những khi tâm trạng thật thương đau, con người mới thực sự sống trở về với bản thể mình, phơi trải những tâm tư tình cảm bức thiết. Nỗi thương đau đó trong tình yêu sâu đậm, mở rộng nhiều khía cạnh tình cảm. Đôi tình nhân yêu nhau, xa lìa nhau, lời thơ ảo não, buồn đau:

Thôi thì em phải quên anh
Nhớ chi cay đắng chỉ dành riêng em
Thôi thì em thật đã quên
Nhớ làm chi để đảo điên tâm hồn
Thôi thì quên cả nụ hôn
Cho vơi, cho cạn nỗi buồn thiên thu.
[Nỗi buồn thiên thu]

Tình yêu dù có phôi pha, những ngăn cách, chia lìa, dẫu xót xa, đau thương con người không dễ chi đoạn tuyệt với quá khứ. Tình yêu khởi đi từ sự rung động, cảm xúc và quyến luyến về tâm hồn và thể xác, khi đã được nuôi dưỡng, phát triển trở thành tình cảm vững chắc, một hiến dâng tận cùng không điều kiện, khi đó nếu có mảy may tan vỡ, sự luyến lưu vẫn bàng bạc tựa sương khói:

Cầm tay em dù một lần sau chót
Rồi xa nhau, rồi vĩnh viễn chia lìa
Hôn em đi một lần để cách chia
Cho em thấy một bông hồng hạnh phúc
[Cầm tay em]

Thơ tình Sương Mai trải rộng mọi góc cạnh tâm hồn, buồân đau cũng man mác, khác Huy Cận dằng dặc nỗi buồn nhân gian, triền miên đau đời để hồn lắng nghe nhịp sầu vũ trụ nơi cội nguồn của tình người sâu nặng: "Cô hồn vạn thuở buồn đơn chiếc", trái với Le Conte de Lisle trong "Poèmes barbares" không bạo tàn, man rợ đếân cuồng nhiệt, Hialmar bị thương ngoài chiến trận, hồn sắp lìa khỏi xác còn cố thu hết tàn lực nhờ con quạ đem dùm trái tim về dâng cho Ylmer ở hậu phuơng: "Porte mon coeur tout chaud à la fille d'Ylmer" [Xin mang dùm trái tim nóng bỏng của ta cho nàng Ylmer" Ngược lại Đinh Hùng tha thiết đến van xin, từ một cậu học trò nhỏ trở nên một người lớn si mê theo đuổi dáng dấp giai nhân để thành nhà thơ lãng mạn thời tiền chiến: "Cho rất nhiều nhưng được chẳng bao nhiêu", thất vọng đau khổ - yêu Kiều Hương để yêu như Lamartine đã nói, yêu cô bé không tên theo cha mẹ đến trại Trung Phụng và yêu người con gái tên Liên say đắm trong mối tình trong trắng tuyệt vọng, mắc bệnh phổi qua đời - nguồn cảm hứng thêm lai láng:

Em ngờ đâu nhỉ chữ tương tư
Lại hóa ra đây một chữ sầu
Rồi lại biến thành trăm giọt lệ
Để nghe ai khóc những mùa Ngâu
[Những mùa Ngâu]

Dù sao Sương Mai vẫn không thoát xác một thiếu nữ xuất thân một gia đình Nho giáo, ôm ấp một hạnh phúc êm ấm nên bản chất cho có lãng mạn, hơi men trữ tình ắp đầy trong thơ, và ít nhiều gặp giông tố trong đời, vẫn còn một khoảng biên giới cách ngăn, do đó thơ Sương Mai vẫn chừng mực, không như một số nhà thơ nữ khác - xin tạm không nêu tên - thơ đọc lên sóng lòng phải nổi dậy, thơ hiện thực đến độ không tưởng. Thành thử thơ tình Sương Mai - mặc dù đã tiếp cận, hòa đồng lối sống Mỹ từ năm 1975 - bàng bạc một nét gì duyên dáng dễ thương, thấy rõ được tính đa dạng trong tình yêu, nhiềâu khi nhí nhảnh, hồn nhiên của lứa tuổi đầu đời biết thưởng thức trái cấm ngọt ngon nơi vườn địa đàng:

Anh hỏi hôn em hôn ở đâu?
Trên môi, trên má, mắt u sầu
Trên bàn tay nhỏ kia ngà ngọc
Một nụ hôn còn vương mãi sau
[Nụ hôn cho em]

Tình yêu lãng mạn người ta đã khai thác nhiều trong thơ văn, bởi đây là giai đoạn mãnh liệt, cuồng bạo của tình cảm, triết học coi như thứ tình yêu vô thức, động cơ điều khiển mà lý trí bất động, nhưng tùy từng người, cường độ thay đổi khác nhau, có thể mạnh mẽ, say đắm làm choáng ngợp tâm hồn, cũng có thể ve vuốt tựa nụ hôn đền. Khi đó trong não bộ và cơ thể họ tiết ra các chất kích thích tố endorphins và enkephalins đưa tới sự tìm tới nhau, cảm thấy thoải mái được gần gũi nhau, yêu nhau như từ một tiềân kiếp và không còn cảm thấy cô đơn. Nhưng nhiều khi Sương Mai lại đâm e dè cho những đôi lứa sống chứa chan hạnh phúc tới độ tuổi hoàng hôn, nhan sắc đã phai tàn, ngại ngần người tình khi chiêm ngưỡng nét đẹp xưa, không khỏi cảm thấy đôi má ửng hồng e thẹn:

Đừng nhìn em làm chi em mắc cỡ
Nhìn chi anh, nhan sắêc cũ đâu còn
Đừng nhìn em khi môi nhạt màu son
Khi héo úa đổ dồn trên...nỗi sợ
[Xin đừng nhìn em]

Ôi vẻ đẹp thầm kín, hỏi còn nét nào duyên dáng hơn, sự e thẹn pha chút nũng nịu phảng phất của thời còn con gái, ngại ngần e ấp. Khi yêu nhau sự bâng khuâng, nghĩ tới nhau, trạng thái tâm hồn này được triển khai kín đáo nhưng không kém phần sâu lắng, tưởng chừng chiếâm đoạt được tâm hồn nhau khát khao từ lâu, có cảm giác khoái cảm mạnh khiến con người cảm thấy hạnh phúc trong tình yêu đôi lứa, không cứ gì phải nhiều bạc tiền, thành công trong cuộc đời tỷ như Howard Hughes, Marilyn Monroe:

Đôi khi lòng thấy bâng khuâng
Bao lần đứng đợi ân cần thiết tha
Ngày nào ai ngắt nụ hoa
Trao tay một thuở, rời xa một đời...
 [Bâng khuâng]

Thơ Sương Mai không chỉ giới hạn trong tình yêu, còn tỏa rộng tới nhiều chủ điểm khác, xem ra chúng chỉ giữ một vị trí thứ yếu, thành thử nói tới thơ Sương Mai không thể coi nhẹ chủ đề. Và đúng thế khi xét tới thi tập "Trăng mộng" yếu tố tình yêu vẫn nắm giữ một vị trí then chốt, bao trùm lên tất cả, bàng bạc chất mộng mơ, đẹp tựa ánh trăng rằm vằng vặc giữa trời trong xanh, tuy nhiên không phải bởi thế người ta dễ bắt gặp một sự trùng lặp, trái lại Sương Mai vẫn có những khai phá.
Từ tập thơ này của Sương Mai tôi thấy được sự bội phản của con người, dù chỉ đóng khung nơi một thiểu số đối tượng nhỏ nhoi. Duy Năng - những khi ra mắt sách cũng như khi chết tôi đã dành cho anh khá nhiều bài viết - hai lần bình luận tập thơ này của Sương Mai trong buổi trình làng sách, lần sau chắt lọc hơn lần trước đã làm mệt mỏi không ít khán giả, trong khi đó một diễn giả khác - tôi tạm giấu tên - đi quá xa đề đã đành mà ngôn từ còn tỏ ra thậm xưng.
Nếu xưa kia Lý Bạch say trăng nhảy xuống dòng nước tính ôm lấy nàng trăng, thì nay đối với Sương Mai, trăng mang theo những hình tượng ảo huyền. Trăng lãng đãng trong thơ Sương Mai tưởng chừng ánh thái dương soi sáng chị Hằng cho nhân gian chiêm ngưỡng, lấp loáng vàng xanh, dịu mát như hơi thu giữa tháng tám âm lịch. Hàn Mặc Tử say trăng, từ chối trường phái siêu thực của André Breton [1896 - 1966], đi vào thế giới siêu nhiên, mường tượng tới người tình bao lâu xa cách trong khoảng khắc mông lung hội ngộ: "Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm - Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe." Thơ là trăng và thi nhân không ai ngoài trăng, thế nên không ai ngạc nhiên khi thấy Sương Mai đã mộng mơ trăng, coi như không còn một hình tượng nào quyến rũ hơn, một thế giới nào đắm say hơn:

Trăng sáng quá, tôi để hồn mở cửa
Gọi trăng vào tình tự với nàng thơ
Trăng lẳng lơ, tôi tựa cửa mong chờ
Len lén đợi, chờ chiếc hôn nhè nhẹ.
[Trăng mộng]

Sương Mai yêu trăng, đòi trăng trả lời se sẽ, e ai kia nghe thấy sẽ ghen thầm. Yêu trăng, âu yếm, ôm choàng lấy trăng, lả lơi, quyến rũ và không ngại ngần: "Nghiêng tóc xõa, khỏa thân trần mộng mị". Tương tư trăng trách chi thi nhân không ghen tuông cả với trăng, không muốn trăng trải ánh vàng vương vãi cho những ai xa khác:

Bên thềm trăng vung vãi
Những ánh vàng rớt rơi
Có phải trăng thừa thãi
Nên bóng đổ nơi nơi?
[Thềm trăng]

Trăng mơ trăng đẹp, ấn dấu bao kỷ niệm ấm êm của buổi đầu đời, những hình tượng ngàn đời khó quên, khơi gợi muốn thốât nên lời không được, đẹp của trái chín đầu mùa, của nụ hôn đầu đời bát ngát hương yêu. Trăng đẹp tựa tình xưa, chạnh nghĩ tới người yêu cũ giờ đây không biết đã phiêu bạt nơi đâu cho cõi lòng thêm nát tan:

Ta nhớ vầng trăng thuở ước mơ
Ra đi từ đó đến bây giờ...                 
 Trăng ơi, trăng có còn quay lại?
Để ướp tình ta một chút thơ!
[Trăng xưa]

Nhớ trăng xưa ngập tràn những mộng mơ, trăng đi trông chờ trăng về, Sương Mai đã khéo mượn hình ảnh trăng chuyển vận để tạo dựng nên một cảnh tượng buồn, trở lại kiếp số con người nào phỏng có khác chi : "Ta nhớ từng giây trăng sáng đó - Người xưa giờ lạc đến phương nao". Nguyễn Du một lần thấy trăng cũng đã một lần vẽ nên khung cảnh buồn khiến người ta phải chau mày nghĩ suy: "Vầng trăng ai xẻ làm đôi - Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường." Trăng khơi gợi con người trở lại những ngã rẽ cuộc tình trong đời:

Anh hỡi, mùa thu đã đến đây
Mình chia nhau nhé ánh trăng đầy
Trăng thu ai thắp mà tươi sáng
Đâu nụ hôn đầu để ngất ngây?
 [Tình thu]

Trời thu êm dịu, trăng sáng vườn chè, mùa của hồng cốm tốt đôi, dệt nên chuyện đôi lứa, nhưng thu còn là mùa của thi nhân gợi nhớ những cảnh tượng bâng khuâng, man mác. Những luyến lưu trông chờ, đẹp ảo huyền dễ tan vỡ. Bao nhiêu thi nhân đã bởi mảnh trăng thu đầu mành chứa chan thi tứ. Hàn Mặc Tử, nói tới thơ không thể bỏ quên trăng, trăng huyền ảo, thường lấy trăng làm đối tượng, lắm khi coi trăng như nhân chứng để quyến luyến, giận hờn, làm niềm an ủi như ôm người tình trong cơn hoang mê đắm đuối. Ngược lại thu tới với Sương Mai man mác của ánh trăng dịu hiền mà tình thu thì bát ngát nhớ nhung:

Mùa thu sương khói lên khơi
Vầng trăng sáng giữa khung trời nhớ nhung.
[Mùa thu sương nắng vấn vương]

Lục bát Sương Mai thanh thoát, nhẹ nhàng và trong sáng trong ngôn từ thích hợp với ý thơ, dễ rung động tâm hồn, dễ và cũng khó làm. Khoảng cách giữa ca dao, hò, vè và thơ lục bát mau biến dạng pha trộn, nên nếu không khéo thơ rất dễ biến chất trở thành văn chương truyền khẩu. Thơ không có sức thuyết phục sẽ không khác nào đem chữ ghép vần, vô hồn vậy. Bởi thế khi đề cập tới cấu trúc nghệ thuật của ngôn ngữ trong thơ Jean Paul Sartre trong "Qu'est - ce que la littérature" [Văn học là gì?] đã cho rằng thi nhân: "Dùng chữ tựa như dùng đồ vật mà không dùng chữ tựa như dấu hiệu"[Les mots comme des choses et non comme des signes].

Ngoài ra trong tập "Trăng mộng" Sương Mai đôi khi còn muốn thử nghiệm thơ tự do thể văn xuôi [poésie en prose] gồm những câu đơn xen kẽ những câu phức tạp mà người ta thấy Thanh Tâm Tuyền đã khơi mở phong trào này vào năm 1956 mô phỏng theo quan niệm của Dyonysos chủ trương phá vỡ những hình thức sẵn có trong nghệ thuật, trái ngược với Apollon bảo vệ cái đẹp toàn bộ.:

Em không còn trẻ nữa
Để vòi vĩnh anh những đòi hỏi linh tinh
Để hờn anh khi anh không nói chuyện chung tình 
Em không còn đẹp nữa...
Để nũng nịu chờ nghe khi anh bảo: em xinh!
Chúng ta cũng không còn trong thời kỳ trăng mật
Để em đòi anh quấn quít, ấp yêu
Để bắt anh nắm tay em đi dạo những buổi chiều
Và thủ thỉ với em những lời âu yếm
[Lời vợ]  

Tình yêu kể từ thời hồng hoang lịch sử tới nay vẫn là thứ tình cảm bất biến dâng hiến cho đời những hương hoa nồng thắm, diễn biến dưới nhiều dạng thức khác nhau, đôi khi đắng cay nhưng vẫn ắp đày thương yêu. Chiều chuộng, ấp ủ, yêu thương nhau đấy nhưng ghen tuông cũng không vừa, nhưng không phải sự ghen tuông phát khởi từ loại tình yêu đớn đau, gây buồân thảm và tai họa, thường là thảm họa. Nó cũng không phải thứ ghen lồng lộn và trong cơn điên loạn của tình cảm nó có thể trở nên sát nhân [crime of passion]. Đây là tình cảm có yêu mới có ghen, đối tượng không cảm thấy tự ái, vui vẻ bởi được vuốt ve:

Giá mà,
Em có lá bùa yêu,
Em sẽ tìm đủ cơ hội
Em sẽ lén bỏ vào bên trong chiếc gối
Để đêm đêm trước giấc ngủ
Anh chỉ nhớ có...em
Trong giấc mơ
Anh chỉ thấy...mình em
[Lá bùa yêu]

Thể loại này bước vào thi tập "Yêu dấu tan theo" người ta thấây thơ Sương Mai trong đôi nơi đã thể hiện, phải chăng nó phơi trải được trong sự chìm lắng êm ả, bâng khuâng ẩn giấu nơi cõi thơ, trải qua hành trình dài kiếm tìm, khai phá cái lằn ranh không bờ ngăn cách của tình yêu. Ái tình, nhịp đập của con tim rung cảm, cuộc săn lùng tiếp nối nhiều thế hệ chỉ cần một cảm xúc thoảng nhẹ đủ để xao động, sóng cồn gọi mời, đón nhận:

Hỡi anh,
Xin anh hãy nhớ cho em một điều
Kể từ nay,
Linh hồn em, thể xác em
Đã hòa nhập vào với anh
Và em sẽ biến thể như thế nào
Tùy thuộc ở anh đó,
Anh yêu!
[Chuyện đàn chim]

Sương Mai tự tạo cho riêng mình một cõi thơ dạt dào tình yêu mộng mơ, bâng khuâng, hoài niệm, dang dở, ngang trái và chia phôi đầy ắp, pha trộn những éo le, ngậm ngùi, chua chát lẫn ngọt bùi, đắng cay, biếân dạng không ngừng tựa những chiếc lá trên cành thay đổi theo mùa, khi xanh tươi, khi vàng úa rụng rơi. Mọi ngõ ngách của tâm hồn sâu thẳm và thầm kín gói ghém lại vẫn không ngoài một tình yêu, hư hư thực thực, hình bóng khi có khi không, ẩn hiện mà có thật, chơi vơi u hoài:

Ta về ôm nỗi nhớ quên
Ôm ngày ngơ ngác, ôm đêm mù lòa
Ta về gõ cửa gọi ta
Hoang đường muôn thuở vẫn là tình yêu
Ta về hốt hoảng đăm chiêu
Nụ hôn còn nợ một chiều bên nhau
[Yêu dấu tan theo]

Nụ hôn đầu đời nào mà không đáng yêu, yêu tưởng còn hơn trái cấm trong vườn địa đàng giữa đôi nam nữ Adam và Eve, nhưng đây là cái hôn tự giác, không thơ dại để con rắn kia phải đêm ngày dụ dỗ. Nụ hôn yêu, nụ hôn gắn bó bởi phong tục địa phương đã có nơi người con gái không bao giờ hôn ai, và họ chỉ hôn khi thật sự yêu, hiến dâng cho người tình trọn vẹn thưởng thức cái hương vị của nụ hôn, mà cho dù có trải qua bao biển dâu thế cuộc họ vẫn không thể quên hương nồng của bờ môi tươi thắm đêm nào. Nụ hôn sưởi ấm con người trong những đêm cô đơn giá buốt, mỗi khi nhớ tới vẫn cảm thấy ngan ngát hương yêu. Nụ hôn của Sương Mai chính là nụ hôn đền, nhõng nhẹo, giận hờn, đòi trả đền, nhưng vẫn thương yêu:

Thôi mà đừng nổi cơn ghen
Chiếc hôn này nhé em đền cho anh
Ghen rồi nói quẩn nói quanh
Làm người ta cũng buồn tanh đây nè
[Dỗ]

Một hoạt cảnh thật vô cùng sống động, đôi trai gái hờn ghen nhau, ghen bóng ghen gió, và giọng điệu của người con gái mới đáng yêu, không chanh chua, bề ngoài làm mặt giậân nhưng trái tim vẫn tươi rói mật ngọt ân ái. Và tình yêu không khác nào hương hoa cuốn hút loài ong bướm, thứ men say làm con người ngất ngây bởi sức cám dỗ, lắm khi biết là cạm bãy vẫn không sao thoát khỏi. Đúng như người ta vẫn thường nói: "Con tim có những lý lẽ riêng lý trí không hiểu nổi" Tiếâng sét ái tình [coup de foudre] đó làm con người có cảm giác chếnh choáng của thứ rượu sake hâm trên bếp lửa, lâng lâng bay bổng trên thượng tầng thanh khí, ảo mộng, huyền diệu và ngất ngây. Họ cảm thấy một sự trống vắng, thiếu thốn cần được bù lấp. Người này đòi hỏi nơi người kia cung ứng cho bản thân mình những nhu cầu thực tế, ổn định và ôn hòa:

Vẫn biết anh là chiếc bãy
Thế mà em vẫn sập bẫy như thường
Vẫn biết anh chỉ có nói yêu thương
Thế mà em vẫn tin tưởng như một tín đồ ngoan đạo
[Vẫn biết]

Vẻ đẹp của tình yêu là vậy, tuy bộc lộ rỡ ràng nhưng vẫn âm thầm, kín đáo, khép kín của nụ hoa còn e ấp nở, sợ ai kia hay biết sẽ trêu cười, dáng dấp e thẹn đó của người con gái Đông phương đẹp của thứ hương sen thoang thoảng trong gió, không nồng hắc của loài hoa nhài đêm đêm thả hương để trêu cợt gió trăng, bởi thế nó đã được mệnh danh loài hoa kỹ nữ:

Hãy nói nho nhỏ thôi anh,
Hãy nói cho thật nhỏ
Để chỉ đủ mỗi mình em nghe thấy 
Em không muốn những lời nói dịu dàng kia
thoát được ra ngoài...
Dù là với hoa lá, cỏ cây
[Thầm thì]

Nói thầm, nói nhỏ thôi nhưng không có nghĩa thiếu dứt khoát, chơi vơi núi này núi nọ trông vời, người con gái không thể mãi mãi ngóng chờ, nhiều lý lẽ không cho nàng yên đứng một vị trí. Tình yêu lúc này không còn ở dạng hình vô thức, họ sống trong hiện tượng nhận diện, diễn tả đúng theo Đinh Hùng: " Ta gặp nhau, yêu chẳng hạn kỳ - Mây ngàn gió núi đọng trên mi - Mắt xanh mở khép niềm tâm sự - Hò hẹn lâu rồi, em nói đi.". Tâm trạng đó Sương Mai có những nét tương đồng, thực tế hơn, cụ thể hơn, bởi bản chất người xứ dừa vốn là vậy:

Yêu em đi. Kẻo không thôi lại trễ
Sợ lòng em nguội lạnh biết đâu chừng
Và lòng anh cũng thay đổi bỗng dưng
Ai biết được. Có gì là...muôn thuở?
[Hãy yêu em hôm nay]

Và như lời cổ nhân đã nói: "Không vào hang cọp, sao bắt được cọp con" khi người con gái đã định hướng xong, mọi việc coi như đã được giải quyết. Ở đây cô gái của Sương Mai đã không để bị ràng buộc bởi thành kiến khắc khe của giáo lý cổ phong, trái lại đã tự tìm cho mình một lối sống trọn vẹn nhất, để có được hạnh phúc tột cùng theo nhân sinh quan hiện tại. Con người không thể sống giữa xã hội mà chối bỏ, không dấn thân, cho rằng như vậy là tránh được khổ lụy bởi yêu, xa lánh được những đối tượng gây nên rung động và tiến đến hôn nhân. Xét cho cùng người ta khi đã sinh ra trên cõi đời, không ai thể tránh cái khổ rình rập de dọa, cớ chi không đi tìm hạnh phúc cho bõ những khi phiền lụy khổ đau. Thế nên người con gái của Sương Mai có giương cung bắn sẻ thiết nghĩ chỉ là việc tất yếu vậy thôi:

Anh có biết đâu em đang giăng bẫy
Anh có biết đâu em đang dương cung
Em sẽ nhắm đúng vào tim anh để phóng độc chiêu
Như Thần Tình Yêu đang hướng mũi tên nhọn hoắt
Nhắm đúng vào phía ngực trái của anh
Khi anh sập bẫy, khi anh trúng thương
Em sẽ ca hát vui mừng
Như một kẻ chiến thắng
[Độc chiêu]
     
Cuộc vật lộn với tình yêu con người tưởng chừng đã mệt mỏi, chỉ còn một nơi ẩn náu nghỉ ngơi họa chăng là thiên nhiên thoáng đãng. Sương Mai cũng đã trở về đây để sống kiếp thi nhân. Thiên nhiên là vật xúc tác khơi mở dòng thơ Sương Mai xuôi chảy, ấp ủ trong mình biết bao tình cảm, ước mơ, hồi ức của chủ thể thi nhân. Thơ lãng mạn Đông Tây về Thu người ta thấy có Thu Đường thi, Thu Beaudelaire - Chant d'Automne [Thu ca] - Thu Verlaine - Chanson d'Automne [Khúc thu ca] - Thu Nguyễn Bính - "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo - Thu Lưu Trọng Lư - " Con nai vàng ngơ ngác - Đạp trên lá vàng khô" - thơ Thu Sương Mai buồn nhẹ nhàng gợi nhớ một thời để yêu:

Anh yêu dấu, mùa thu về hiu hắt
Như lòng em đây qua nỗi quạnh hiu
Em nhớ anh, nhớ lắm, nhớ thật nhiều!
Bao nhiêu lá thu rơi là...bao nhớ.
[Thu nhớ]

Trăng lơ lưng giữa trời trong xanh, vằng vặc, trăng tròn trăng khuyết theo chu kỳ, người nơi cõi đời dường tựa một tâm trạng tương đồng. Trăng xẻ đôi, nửa phương này như "trái tim em một nửa" tựa một nửa tình em, trăng thề bóng ngơ ngác, lời thơ tạo hình, trong sáng không ẩn dụ. Cái buồn không phát xuất từ trăng, mênh mông, xa vắng, buồn không rõ nét, buồn tự tâm hồn sâu kín, từ cảnh ngộ riêng có được cái bâng khuâng, chập chờn của thi nhân :

Đêm nay trăng một nửa
Một nửa đứng phương này
Còn nơi đâu một nửa
Ai lắp mảnh trăng đầy?
[Nửa trăng]

Dòng tư tưởng mộng mơ, ái ân rồi cũng tới lúc tàn phai, nhốt kín bên trong bao tâm tư, tình cảm, đôi chân Sương Mai đã nơi nơi đặt khắp, trải rộng, tràn đày và giờ đây tại thủ phủ Sacramento, nơi miền đất mới, đặt bước tới, sau hai mươi năm dài lưu cư nơi xứ người, nguồn hứng cảm, từ ngọn đồi lơ lửng ngôi nhà cao, tuôn chảy. Nhiều chủ điểm đã được khơi mở, khám phá, đặc biệt về nơi sinh trưởng, phải chăng khi con người đã tới một khoảng độ thời gian nào không còn đam mê trông ngóng xa, và trở lui về bản thể mình, thay vì giới hạn đơn thuần trong ngóc ngách tình yêu:

Tôi về đây dâng trái tim bé nhỏ
Cho núi đồi, cho sông suối, cho hoa
Những sáng chiều tôi quên nỗi xót xa
Để mãi mãi lòng trong như buổi sáng
[Chào Sacramento]

"Tôi về đây dâng trái tim cho núi đồi, sông suối, cho hoa, sáng chiều quên những xót xa, về đây nương náu" tôi nghĩ Sương Mai đã hầu như dành trọn một hành trình dong duổi từ ngày tháng nào nơi miền Hậu giang sông nước, bến Ninh Kiều, hàng dừa lả ngọn, vườn cau chĩu quả, thích thơ, văn, nhạc từ thuở thiếu thời, quen với tiếng võng trưa hè, giọng ca dao ù ơ của mẹ, qua miền đất hứa từ những ngày đầu miền Nam lật sang trang sử mới, trải qua nhiều năm tháng trong ngành địa ốc, đôi chân xê dịch nhiều, tiếp cận nhiều chuyện đời, âu đó đã là những chất liệu để Sương Mai tô bồi thêm kiến thức, chắc lọc làm quà dâng hiến cho nàng Ly Tao.
Nhiều năm tháng kể từ ngày nào còn định cư tại Thung Lũng Hoa Vàng chưa trở về làm cư dân thủ phủ của Cali tôi đã cùng Sương Mai sinh hoạt trong hầu hết các buổi văn nghệ, được nghe kể nhiều chuyện nơi Sương Mai, và không thiếu những người tôi đã tiếp cận, biết nhiều tương tự vậy, nhưng một đằng thì biến trở chúng thành những gì thăng tao của nghệ thuật và một đằng, trái ngược, đã nhào nặn chúng trở thành những độc chất hạ độc thủ đối phương. Thành thử gọi là thơ tình nhưng Sương Mai đã khai thác được nhiều nét đa dạng của ái ân, một cõi tình dào dạt không riêng chung trong cõi tư duy, chừng mực tạo được cho mình một phong cách riêng, tuy nhiên không phải vì thế Sương Mai đã bỏ qua các loại đề tài khác, chẳng qua tình yêu vẫn là môt sắc màu nhiều kỷ niệm dấu yêu cho dù có thoảng nét chua cay. 

Thơ Sương Mai ngôn từ trong sáng, nhẹ nhàng, luôn tìm tòi, khám phá, làm mới, lời thơ đáp được ý thơ và chữ dùng khá hàm xúc, không rời rạc, cầu kỳ, hiểm hóc, tạo được vóc dáng riêng, trái ngược thơ của nhà thơ nữ nọ nghiêng nặng nét cổ phong, thích dùng những sáo ngữ, cổ ngữ nặng chình chịch, đọc lên nghe rộn ràng mà ý tưởng rỗng tuếch. Dòng thơ Sương Mai không bị ảnh hưởng thơ Tây phương, tôi nghĩ giữa hàng trăm thi phẩm được xuất bản mỗi năm tại hải ngoại Sương Mai đã cân nhắc từng mỗi bước đi và tôi kỳ vọng Sương Mai nơi những sáng tác nối tiếp.

NHẬT THỊNH
-------------------
*Tuần báo Làng phát hành tại thủ phủ Sacramento số 249 ngày 3.10.2003 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003