Nov 23, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Điểm sách
THEO NHỮNG TIẾNG HÁT (nhận xét về Thơ BíchXuân)
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to
NHẬT THỊNH
Thủ phủ của Cali những tháng vào hạ nắng hừng hừng lửa đổ, giờ hoàng hôn kéo dài hơn, đêm lâu về, thành thử những buổi sinh hoạt gặp nhiều thuận lợi. Phải chăng bởi thế địa phương đây cứ mỗi năm vào hạ con người lại sống xốn xang, tấp nấp của những bước chân dồn dập. Bích Xuân trở về thủ phủ của Cali, lần thứ ba tôi được tái ngộ trong buổi chiều tiếp tân của Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Hải Ngoại tổ chức tại Câu lạc bộ Văn Nghệ Đất Đứng mở đầu đúng giờ ấn định lúc 3 giờ 30 chiều ngày 14.7.2002 – bằng sự có mặt đúng giờ của Dương Phan, Đặng Công Sáu và Hoành Nguyễn có hơi bất lợi bởi ngày thứ bảy thường rơi vào những tiệc cưới, và có người chưa nghỉ sở. Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đến từ Westminster cũng hiện diện trong ngày này.
Nếu buổi tiếp tân rời sang chiều chủ nhật sẽ trùng lập ngày Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam Sacramento tổ chức Ngày Quân Lực 19.6 có nhà thơ Nguyễn Chí Thiện nói chuyện về đề tài: Công cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước trong tình hình mới, phải tổ chức trước ngày, chủ nhật 15.6 để tránh trùng vào ngày làm việc. Từ ngày cộng sản nhuộm đỏ miền Nam bỏ nước ra đi sống tha hương trên đất nước người, những ngày lễ, kể cả ngày Tết thiêng liêng của dân tộc, đều đã phải tổ chức chệch ngày, hoặc trước hoặc sau, sao cho nó rơi vào ngày nghỉ chủ nhật, nhưng tránh kéo dài tới khuya, bởi ai nấy còn phải nghỉ dưỡng sức cho ngày làm việc hôm sau. Bởi thế ý nghĩa của ngày lễ, hồi tưởng một biến cố lịch sử chẳng hạn, đã giảm đi phần nào ý nghĩa.

Lần đầu tiên tôi gặp Bích Xuân khi đó văn hữu Niên Dư có ý mời qua, nay mới ra người thiên cổ, ra mắt thi tập đầu tay Bao giờ em quên vào ngày 23.4.1955. Ngày đó tôi đứng tổ chức buổi trình làng sách cho Bích Xuân, cùng một ngày với Trà Lũ viết văn kể từ khi tới Canada nến mới có mấy tựa sách về đất Đất hạnh phúc, Đất mới, Đất hứa, sau này có Đất yêu thương, Đất lạnh tình nồng, Đất quê ngoại...đến từ Canada, ra mắt tác phẩm Đất Thiên Đường
.
Khi trở về Paris trên đường đưa tiễn ra phi trường San Jose tổng cộng có ba người trên xe tôi có ghé một cửa hàng mì nọ và đích thân bữa đó Bích Xuân đã trao tay tôi ly cà phê. Hình ảnh này tôi ghi nhớ mãi, đã ngót mười năm còn in đậm trong tôi, mỗi khi mở CD Có những chiều, nghe Bích Xuân ca trong bản Em ra về chiều nay. Trước đó chừng một tuần, ngày 16.4.1995 tại Montréal - Canada Bích Xuân trình làng thi tập này cùng tác phẩm Về biển Đông của Trang Châu.

Lần thứ hai tôi hội ngộ Bích Xuân tại thủ phủ của Cali ngày 22.6.1996 khi ra mắt thi tập thứ hai “Chàng”. Ngày đó tôi về từ San Jose trong một phái đoàn khá hùng hậu gồm Diên Nghị, Nguyên Phương, Sương Mai, Sen Trắng, Khuê Dung, Song Linh và hiền thê, Yên Bình. Và đây lần thứ ba Bích Xuân về từ Paris đem theo tác phẩm thứ sáu "Mùa Xuân Châu Ngọc".
Nguyễn Thị Bích Xuân quê quán ở Quảng Nam Đà Nẵng [có từ năm 1471 sau khi vua Lê Thánh Tôn chinh phục Chiêm Thành mở mang xứ sở từ phía nam Châu Ô, Lý tới đèo Cù Mông, nơi Ngũ Hành Sơn hùng vĩ, mang tước hiệu Ngũ Phụng Tề Phi với ba tiến sĩ Phạm Liệu, Phan Quang và Phạm Tuấn, địa linh nhân kiệt sản sinh nhiều người con ưu tú, nhà văn nhà thơ
như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân, Hoàng Diệu, Phan Khoang, Tú Quỳ, Nguyễn Hữu Dĩnh, Phan Khôi, Lê Đình Thám, có nhiều giai thoại văn học dân gian] vượt biên sống tại Pháp năm 1978, điều hành một thời gian cửa tiệm tóc tại Paris, trang điểm làm đẹp cho người cho đời. Bích Xuân cho biết việc trang điểm phản ảnh nghệ thuật thẩm mỹ, cho nên rất đam mê. Đã tạo dựng nhiều người mẫu đẹp cho nhà vẽ kiểu thời trang Thành Lễ, đồng thời tạo đẹp cho tâm hồn mình bằng những vần thơ những khi cần giãi bày tâm sự, cảm xúc.

Bích Xuân bước chân vào thế giới thơ văn năm 1988, nhanh chóng được giới thiệu trên nhiều tập san và báo chí hải ngoại. Bài Thơ cho mẹ coi như sáng tác đầu tay của Bích Xuân khóc sự ra đi của bà mẹ thân thương khi trời Paris lãng đãng vào thu. Lúc này chỉ có thơ mới thể hiện được nỗi đau xé náùt tâm can mà ngôn ngữ đời thường xem ra khó thể phơi trải:
Bốn giờ sáng mười chín
Nhận tin Mẹ đi xa
Giã biệt đời đau khổ
Xa ngút tận quê nhà
Đã có người ví dạng thơ năm chữ của Bích Xuân phô diễn lòng thương tiếc mẹ, bé nhỏ tựa cô bé cùng thầy me đi lễ chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp hay cô bé lười học bị mắng, giận hờn trong thơ của Nguyễn Xuân Huy.
Năm 1994, tập thơ đầu tay Bao giờ em quên được ấn hành, lần lượt các năm 1996 1997 1998 mỗi năm đều thai nghén, sản sinh một lần và tính đến nay đã có sáu tác phẩm: Bao giờ em quên [1994] thơ, Chàng [1996] thơ, Bao giờ anh đi [1997] thơ, Bây giờ em vui [1998] thơ, Trước khi mùa Xuân đến [2001] tập truyện, Mùa Xuân châu ngọc [2003] tập truyện.

Thực sự hai tập sau của Bích Xuân có pha trộn bút ký và thơ. Thơ của Bích Xuân từ ngay những tựa đề sách, đã hé mở từng chặng đời riêng, có thể coi như chuỗi dài của những kỷ niệm thoáng qua trong đời, mãi mãi vương trong ký ức, thoang thoảng của loài lan vương giả trong không gian bát ngát.

Chẳng hạn năm1988 khi xuất bản thi tập Bao giờ em vui phần phụ lục có một bút ký [trang 76 trang 140] viết về những chuyến viễn du gặp gỡ những văn thi hữu, người ta nghĩ tưởng sau những thi tập Bao giờ em quên,Chàng,Bao giờ anh đi Bích Xuân đã tìm thấy ngã rẽ cho đời mình, niềm tin yêu óng ả màu son, thực tế trái ngược.
Nguyên khi bà người mẹ cất cánh hạc xa bay, người cha già trong lứa tuổi hoàng hôn đã không yên tâm bởi người con gái, cụ lo ngại thơ vận vào người, phải chăng bởi quan niệm thế mà khi viết Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du đã không dám kết thúc cuộc đời người con gái tài hoa bạc mệnh Thúy Kiều khi trầm mình xuống sông nước Tiền Đường, phải thêm một đoạn Kim Kiều tái hợp, sợ sự dang dở vận vào mình, tương tự nhiều truyện cổ khác, luôn luôn có hậu trong phần đóng kết.
Đây cũng là nỗi niềm của Bích Xuân trước mùa Xuân mới, những rạo rực, tin yêu trước những tháng năm cuối cùng của mùa Đông tàn theo những cánh lá vàng úa. Những xốn xao nọ khỏi sao không ghi nhớ trọn đời khi có đối tượng:
Ngửa bàn tay đếm ngày xa
Một hôm trở ngược anh qua lối này
Gió mùa đông bấc ngây ngây
Trong đôi chăn mỏng tròn xây tuổi đời
Ngày cuối đông nơi căn nhà tại vùng Ivry Sur Seine - Pháp, sau cơn mưa giông, người thiếu nữ khép cánh cửa quá khứ sau lưng, nhìn con đường xa rộng, nắng xuân chan hòa, hy vọng, tin tưởng, những bờ môi, những vuốt ve, nuông chiều. Tin rằng Thượng Đế đã an bài, sắp xếp cho họ tới với nhau. Một trạng thái cân bằng của hạnh phúc dường như sự biến chất của trái nho ủ men kết tinh nên rượu:
Một đồi cỏ dại chon von
Hồn nhiên diễm lệ mãi tồn tại đây
Một dòng suối mát trên tay
Biến thành chất rượu nho say khôn cùng
Tương tự năm 2001 tập Trước khi mùa xuân tới thoạt đầu có mang tựa đề ỡm ờ Sau những lần đã thành hình trong trường hợp khá hy hữu. Ngày đi ngang qua ban thờ mẹ Bích Xuân linh cảm như có đôi mắt người cha đang dõi theo mình. Bích Xuân thoáng biết ý cha không bằng lòng.

Vĩnh Quyền cho rằng thơ, truyện, bút ký của Bích Xuân ẩn chứa, ám ảnh dục tình, thực sự những gì Bích Xuân đề cập tới thường được diễn tả bằng một ngòi bút tả chân, không ngại ngần cả những điều cấm kỵ mà điều này hiện nay người ta thấy không thiếu trong một số tác phẩm. Chính Bích Xuân đã tự nhận định về mình: Tôi sống trong bối cảnh phóng khoáng của Tây phương nên không ngần ngại viết lên những cảm xúc thật của mình. Chẳng hạn tôi tình cờ trông thấy một người đàn ông...Bây giờ thì tôi không thể hình dung ra ông ta như thế nào, già hay trẻ, xấu hay đẹp...Chỉ nhớ và đáng nhớ là lúc ấy ông ta ôm trong tay một con mèo và đang vuốt ve nó. Trong thoáng chốc tôi bỗng ước ao ghê gớm được trở thành con mèo trong tay người đàn ông. Nhưng nếu tôi là con mèo đó thật thì tôi sẽ không như nó, không nằm yên ngái ngủ trong tay anh như cô Nga nào trong thơ Nguyên Sa mà tôi sẽ nhảy vọt vào người anh, sẽ cào, sẽ cấu, sẽ xé anh cho rách bươm trong hạnh phúc. Và tôi đã viết: Ước gì em biến thành mèo Để em cào xé, leo trèo lên anh. Đó không phải là cuồng dâm. Đó là trạng thái thăng hoa của hạnh phúc...

Đọc thơ Bích Xuân, đừng đòi hỏi một kỹ thuật, một ngôn từ của Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ...tiền chiến, hay một Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê ...hôm nay, thế giới thơ của Bích Xuân đơn thuần cuộc sống đời thường, gần gũi con người, không hoang mang, hoang tưởng tạo dựng siêu hình cộng hưởng ý thức bản ngã, thứ tồn tại của Heidegger, khắc khoải, đơn côi, lầm than, tang tóc, phi tưởng trong vũ trụ thương đau, nơi định mệnh con người.

Thực ra nói về thơ, khó ai có thể định nghĩa một cách chính xác. Mỗi người theo quan điểm riêng của mình mà có một lối phân định khác nhau. Gustavo Adolfo, một nhà thơ Tây Ban Nha thế kỷ 19 đã trả lời một người tình bé nhỏ khi được hỏi Thơ là gì, sau khi đã khen: Thơ của anh thật ngọt ngào và diễm tuyệt, bằng một lời nói bâng quơ mà lý thú, tưởng chừng có thể gói ghém hết được ý nghĩa huyền nhiệm của thơ: Thơ là ...chính em [Poesia eres...tu]

Nói theo Pascal [?] Con người tựa cây sậy, nhưng là cây sậy biết nghĩ suy, bởi vậy ngay từ thuở khai sinh con người đã tự nâng mình lên một ngôi vị cao hơn mọi loài. Dòng thơ chuyển biến theo trình tự tiến hóa của họ, thơ đóng khung trong gác tía lầu son dành cho những tao nhân mặc khách, những nhà khoa bảng lấp trùm thiên hạ, xướng họa nơi cung đình ngâm hoa vịnh nguyệt, đi dần vào cuộc sống nhưng bởi bị chi phối bằng nền Nho học uy nghi đĩnh đạc nên cổ thi vẫn nặng mang tính giáo huấn, trách nhiệm đối với gia đình, đất nước. Tuy nhiên khát vọng sâu sa và thiêng liêng của con người thơ đã thôi thúc họ thể hiện qua thi ca ít nhiều những nỗi niềm riêng tư sâu kín.

Kịp tới tiến trình cận đại hóa, tư tưởng biển chuyển nhịp nhàng theo sự tiến hóa của thời đại, xã hội, tri thức, kỹ thuật...thi ca bắt nguồn từ sự lớn dậy của con người phát triển đa dạng, cuộc sống, dự phóng cho ngày mai. Khởi đi từ đó, ý thơ của Bích Xuân đi vào tình yêu tình cảm muôn thuở của con người phát sinh ý ngọt lời thơ, bát ngát những lối rẽ của tâm hồn.

Trong thi phẩm đầu tay Bao giờ em quên không khuôn đúc chật hẹp nơi tình yêu đôi lứa, mà trải rộng tới thứ tình bằng hữu, tình yêu thương cha mẹ, tình gia đình, tình quê hương. Bích Xuân từ những chiều vào Thu của Paris, thả hồn nơi công viên Luxembourg, xác lá vàng thu ngập lụt lối đi, trải trên thảm cỏ xanh, ngắm màu xanh biếc của dòng sông Seine, sống trở lui trong ký ức kỷ niệm xưa cũ, thuở ấu thơ, như nhìn lại cõi lòng mình nơi quê hương ngày nào, bàng bạc những nhớ thương sâu đậm. Có thể ghi nhận nơi đây như một chuỗi dài những kỷ niệm bàng bạc nơi tâm tưởng. Bích Xuân mất mẹ, khóc mẹ, tưởng chừng trời vắng thiếu trăng sao:
Bông hồng không còn mơ
Trong ngày lễ Vu Lan
Lòng con nghe nức nở
Bông hồng trắng cài tang.

Tuổi thần tiên hái hoa bắt bướm đẹp nõn nà của những trang giấy trinh nguyên, đẹp của cõi lòng mình chưa vẩn đục những xao xuyến, vẩn vơ. Ngày xưa cũ thơ Bích Xuân dạt dào những rung cảm, những năm tháng sống nơi quê mẹ. Mẹ Việt Nam nay đã ngàn trùng xa cách, đậm đà hương vị nếp than và quyến luyến của hương đồng cỏ nội:
Năm lên mười bốn tuổi
Chưa biết buồn vu vơ
Ngày thơ bên giàn bí
Rong chơi đời ngu ngơ

Ngây thơ đó, dáng xưa là đây nhưng bước chân người con gái đã cuốn trôi vào đời, tình yêu đã tới. Lời thơ nhẹ nhàng, bóng bảy cũng đủ khơi gợi những rung cảm của buổi đầu đời, tâm hồn bắt đầu cảm thấy xao xuyến, có những phút giây bâng khuâng, vơ vẩn những ảnh hình:
Hương quê còn trong gió
Thao thức dậy từng đêm
Nhớ anh tìm bông bưởi
Cài lên tóc lụa mềm

Thơ năm chữ Bích Xuân đã khéo chọn lựa để diễn tả những cảm xúc mong manh, bé nhỏ, tuổi hồng đậm đà, cuộc đời ngã rẽ, những chất ngất sầu nhớ, nét diễn tả của Bích Xuân thoáng nhẹ, thường mượn cảnh sinh tình, phải chăng bởi xưa nay giữa người và cảnh vật vẫn như có mối giao duyên trong vắt, nhẹ nhàng:
Cây lim dim ngủ khẽ nghiêng mình
Hoa lài trong gió vẫn làm thinh
Hiu hiu nắng tạt ngang vầng trán
Vang dội hồn hoang một bóng hình

Người ta vẫn coi hoa nhài như loài hoa kỹ nữ, đêm đêm mới nở hoa trắng muốt, thả hương để trêu cợt gió trăng, ấy vậy mà hoa nhài làm thinh, không nở hoa, không thả hương, vô tình tới thế, làm chi con người không khỏi tủi sầu? Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ tới nho sĩ Nguyễn Du còn nhận định được vậy, huống chi con người ngày nay vốn đã đậm đà tình cảm hơn. Khi tình yêu tới Bích Xuân dường như cảm nhận thấy sự đổi thay của cảnh vật, cây cỏ xôn xao muốn chia xẻ nỗi rộn ràng của người thiếu nữ xuân tình:
Bâng khuâng nhặt lá mà mơ
Những chiều thứ bảy em chờ đợi anh
Thấy hoa lá rụng hết cành
Ô hay! Em chợt nhớ anh dạt dào.

Rong ruổi trên đường thiên lý của tình yêu hoa lá Bích Xuân tránh sao khỏi những lãng đãng của tình trường. Thử cùng nghe Bích Xuân kể lại một mối tình thoáng qua trong đời, can đảm nói lên một sự thật mà ít ai dám có thái độ đó, âu vì thế đã có dư luận phê bình thơ Bích Xuân cuồng nhiệt, ám ảnh dục tình, cho dù bây giờ tình trạng này không phải độc nhất mà sự vụng trộm, che đậy thiết nghĩ mới vô cùng hiểm nguy. Lời nói trực tiếp khi chia tay người tình để ra về, ngôn từ thật giản dị và trong sáng:
Nụ hôn buồn bã chờ từ giã
Ga chiều ấp ủ kỷ niệm yêu
Tim về thắt lại nỗi cô liêu
Đầu ngoái lại một trời tan vỡ
Chồng tôi đợi ở tầu hôm đó
Đôi phút ngập ngừng...tôi bước ra

Nhưng cũng như một nụ hôn chợt đến chợt đi, chỉ còn dư hương của chia lìa trên bờ môi, sự ngỡ ngàng, nỗi buồn man mác lại xâm chiếm tâm hồn con người không bao lâu sau phút giây đó, bởi thực tế không là mộng mơ, đúng như quan niệm của Meilhan: Tình yêu là một chứng bệnh gồm ba giai đoạn: khao khát, chiếm đoạt và chán chê.:
Thơ thẩn đợi ai biết nhớ ai
Mùa Xuân ngà ngọc chẳng hoa mai
Dẫu chỉ nhụy vàng duyên kẻ núi
Thôi để âân tình tháng ngày phai

Trong thơ nếu người ta thấy một Bích Xuân nồng nàn trong tình yêu biết đâu đây không là một hiện tượng của một Hồ Xuân Hương, một T.T.Kh thực tế đã trái ngược hẳn, lắm chán chê, ngậm ngùi. Trả lời cuộc phỏng vấn của Đặng Phú Phong, báo Thế Giới Nghệ Thuật, Bích Xuân không ngại ngần nói ra một sự thật: Tôi có một cuộc sống thật vô lý. Tôi thất bại trong cuộc sống. Nhiều lúc đối diện với chính mình tôi thấy mình có khả năng làm người vợ bình thường như bao nhiêu người khác, ra đối đầu với công việc làm ăn tôi cũng có khả năng lắm chứ. Thế mà...tôi mất tất cả. Tôi không giữ được gì cho tôi. Tôi không trách ai cũng không trách tôi. Có lẽ nên trách...ông Trời.

Ngoài đời sống, trên sân khấu, con người thực Bích Xuân cũng thật sôi động, sinh hoạt cộng đồng vui vẻ, nhiệt tình kể từ ngày tỵ nạn sinh sống tại Paris: Trước năm 1975 tôi đã từng hát cho đoàn Chiến tranh Chính trị, sau thì hát cho Dân Vận tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Qua Pháp tôi có học hát và ngâm thơ với nhạc sĩ Trần Quang Hải - Bạch Yến một thời gian, và trước khi thâu băng, tôi được nhạc sĩ Jules Tambicannou hướng dẫn thêm về nghệ thuật luyện giọng.

Sang tới Chàng tâp thơ thứ hai của Bích Xuân chủ điểm vẫn không ngoài sự chợt đến chợt đi của tình yêu, hình bóng thương yêu bềnh bồng tháng ngày, khiến con người nhiều khi không còn tự tin ở nơi mình, băn khoăn cả trong hạnh phúc:
Theo thuyền rời bến lướt mau
Bờ sông hạnh phúc chốn nao? Dòng đời

Sự săn đuổi trong ảo mộng của tình yêu, chân giả huyễn hóa, hợp tan tan hợp, lắm khi tưởng chừng vượt khỏi tầm tay với hoài công chờ mong, chẳng qua chỉ là những biến trạng của những tâm tư, tình cảm, nào dằn vặt, gặm nhấm, tiếc nuối, nào đắm say, bừng bừng hoan lạc:
Đêm mưa nặng hột hững hờ
Tay buồn tôi thả câu thơ mở đầu
Tâm thức chĩu nặng nỗi sầu đau, bi lụy chính đầu mối đó đã khơi mở cho bước đường sáng tạo được suốt thông, không trở ngăn, cảm hứng khơi dòng từ đây, Bích Xuân vô hình dung đã có thêm chất súc tác cung khai những tâm tư thầm kín bị dồn nén của những đôi lứa đã yêu và đang yêu, những tình cảm muốn phơi trải bấy lâu nay còn như ngại ngần, đóng kín, hóa đâm hờn giận:
Chiêm bao thức tỉnh hương nồng lạ
Tình đó như chừng xa cách xa

Buồn thương sâu kín tràn ngập tâm hồn, tình thương yêu khát khao của tuổi mới lớn, đắm đuối, mà đối tượng tưởng chừng vẫn chưa phân định, hoài vọng trông chờ:
Dẫu đời còn những biển dâu
Còn hơn thấy mặt quay mau lạnh lùng

Toàn thể thi tập Chàng tròn trịa 40 bài thơ trữ tình bao gồm mọi thể loại, mỗi bài phơi trải một tâm tư, những thầm ước của đôi lứa yêu nhau, chắp cánh cho tình yêu trội dậy, lòng chung thủy, nỗi buồn khi day dứt, bâng khuâng, bồi hồi tạo cho thế giới thơ Bích Xuân một sắc thái, một hương vị riêng của trái cấm tình yêu. Thơ tình của Bích Xuân rộn rã của tuổi vào đời, muốn gói kín bên trong một tâm sư riêng, chân thành và cảm động, ngôn ngữ thắp sáng nội dung, hình thái.

Bước sang tới thi tập ba Bao giờ anh đi người ta vẫn bắt gặp một loại thơ tình yêu, hoài niệm hạnh phúc bóng bảy, trừu tượng, sâu lắng, khi tạo ra những ấn tượng sắc sảo, đậm đà, tươi mát của tuổi vào đời:
Bờ vai điên dại rung ngang
Sương thu thổi lại nhịp nhàng bay tan
Vườn hoang run rẩy đêm sang
Đường mây nghiêng ngả theo hàng bụi rơi

Thơ Bích Xuân có thể ví như một lâu đài kỷ niệm chất chứa nhiều nỗi thầm ước dễ gây nhiều rung cảm, hiến tặng cho đời những bài thơ tươi mát tựa dòng suối lững lờ trôi hay sục sôi như nước trên lửa hồng. Bích Xuân yêu người, yêu đời, tình yêu trải rộng, câm nín đó khi trời vào thu, chỉ sợ một ai kia buồn bã quạnh hiu:
Anh chưa đi mà nghe lòng hun hút nhớ
Thấm qua đời rớt xuống lá lạnh băng.

Bích Xuân bản chất đơn giản, chân thật, nghĩ sao thơ vậy, chân tình, tha thiết, theo trường phái lãng mạn, lối gieo vần thoáng đãng, trong thể tự do, Bích Xuân sáng tác mà dường như một khách lãng du, lời thơ không bị câu thúc bởi niêm luật, xuôi chảy nhẹ nhàng:
Em ra về mang theo sầu ở lại
Đang chết chìm trong dòng mắt gã làm thơ
Em nhìn qua đường lưu luyến
Đang khép sầu, sâu tận bước em đi

Ngoài tình yêu nỗi nhớ, Bích Xuân tương tự Ngô Minh Hằng đã nghĩ tới quê hương tình thương yêu đất nước. Sau năm 1975 khi làn sóng người bỏ nước ra đi chọn tự do, thơ văn hải ngoại đã hướng nhiều về quê hương, trút bao nỗi ngậm ngùi thương nhớ. Họ mang theo hành trang kỷ niệm, đớn đau, ước mơ một ngày trở về khi quê hương không còn in sắc đỏ. Người lính chiến biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc, ngăn chặn sự xâm lấn làn sóng đỏ, những thế lực bành trướng của phát xít, thực dân. Nhưng Bích Xuân còn thể hiện bản chất lãng mạn của người nghệ sĩ, muốn gắn nụ hôn lên nòng súng cũ, tác động nhiều tới tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ:
Em chỉ yêu anh lính Cộng Hòa
Nối gót theo anh dưới trời hoa
Và sẽ hôn lên nòng súng cũ
Chiều ím sẽ hồng bước em qua

Người lính chiến này chính là người đàn ông đầu đời của Bích Xuân năm mới 14 tuổi: không sinh trai,nhưng dễ mến, và tới hôm nay chàng đã được Bích Xuân dành tặng cho những lời thơ thật tình tứ và thắm thiết. Và theo nhà văn Trần Đại Sỹ người đàn ông khác về sau là một bác sĩ châm cứu ở Montréal - Canada:
Chàng là gai góc đêm thâu
Đâm tôi một mũi nát nhàu mai sau

Và nghe nói Bích Xuân còn có nhiều mối tình khác nữa, nếu có người đáng trách làm cho khổ Bích Xuân, phải lụy phiền, thì cũng có người dễ thương, tạo cho tâm hồn Bích Xuân nhiều phút giây thoải mái, phải chăng nỗi sầu đau, bùi ngùi cay đắng trong thơ Bích Xuân đã phát sinh từ đây. Bích Xuân tìm trở về nếp sống an nhiên trong tôn giáo, nếu trước kiakhông còn bị ray rứt bởi tình ai nữa:
A Di Đà niệm là vui
Căn duyên hóa độ quay lùi vô thanh
Thật trái với trước đây Bích Xuân nếu có lui tới cửa Phật là để cầu duyên, không phải tìm nơi cửa thiền một niềm vui:

Ngày ấy bên anh em ngó trời
Đến chùa lạy Phật xin có đôi
Bích Xuân đa tình đa cảm, thơ của Bích Xuân táo bạo bởi dám nói lên một sự thật kín đáo, sâu lắng, can đảm nói ra những gì mà người đàn bà khác giấu diếm, cho dù đôi khi cuộc đời họ không thiếu những hành động, làm người khác phải cau mày kinh hoàng. Thơ Bích Xuân cũng không lẳng như Hồ Xuân Hương, khác nữ sỹ phường Khán Xuân, thơ Bích Xuân không mỉa mai, cay chua, và nếu có thì cũng chỉ thoáng nhẹ, muốn phơi bầy cảnh ngộ của người đàn bà tài sắc nhưng chẳng may bị oan nghiệt bởi tình đời trái ngang. Đáng thương hơn đáng trách để mà mỉa mai. Thi tập Bao giờ anh đi gói trọn cuộc đời một người đàn bà khao khát yêu đương, dấn thân vào nhiều cuộc tình trái ngang, đến khi tan vỡ lại ngầm ngùi đớn đau, cay đắng và tìm về nơi cõi Phật di dưỡng linh hồn.

Sang tới thi tập 4 Bao giờ em vui gồm 76 trang thơ và 65 trang bút ký, không kể những phụ bản, các bài điểm sách trên báo chí, hình ảnh ghi những buổi ra mắt sách ở các nơi, mấy bài thơ phổ nhạc và thơ chuyển ngữ sang tiếng Pháp. Bích Xuân trong thi tập này ngoài mấy chục bài thơ trữ tình, lãng mạn phơi mở nỗi nhớ nhung, hờn giận, sự dằn vặt, rạo rực, niềm ước mơ, trách móc như trước đây, nay người ta nhận thấy khoảng hai chục bài thơ khác của Bích Xuân đã chuyển hướng. Thế giới thơ và hình thái thơ không còn mộc mạc, đơn thuần như xưa mặc dù cũng đã biểu hiện không úp mở những ngập ngừng trong thi tập “Bao giờ em vui”, nhiều câu thơ phải nhận rằng dám nghĩ dám viết:
Em về nằm ngủ một mình
Nhằn nhừ dăng nhớ người tình đêm qua
Niết bàn nghiến nát trên da
Lấn qua thân thể âm ba mỗi ngày
Nói tới tính các táo bạo này của Bích Xuân, nhiều người đọc tới không khỏi xốn xang, nhà văn Lê Văn Lân cũng đã nhận định: Bích Xuân có khuynh hướng dùng chính cơ thể, da thịt, nội tạng của mình để diễn tả thi văn. Bích Xuân rất bạo trong sự nhắc đến những kỷ niệm cảm giác lưu lại trên cơ thể dục tính như môi, lưỡi, ngực, toàn là những từ đầy ma lực bách hại hành hạ những thân xác con người.

Tới tập truyện thứ 5 Trước khi mùa xuân tới, tập trung hơn 30 tiểu mục gồm mọi thể loại như truyện ngắn, tự truyện, bút ký kể lại những chuyến viễn du đây đó để ti6u thụ những tác phẩm của mình sản xuất và dăm ba bài thơ...đề cập tới những vấn đề liên hệ giữa bản thân mình và gia đình, bạn bè thân quen, sử dụng bằng một ngôn từ táo bạo, dạn dĩ. Tuy nhiên Bích Xuân đã bị nhiều nhà phê bình văn học cho rằng có lối diễn tả tình yêu xác thể. Họ quan niệm xã hội Đông phương không chấp nhận việc một nhà văn phái nữ đem lột trần người đàn bà trước công chúng, diễn tả bằng một lối văn đầy chất kích động.
Chẳng hạn trong truyện Nửa đêm chọc tức,Nhớ đêm Noel, tôi nằm vật ra tóc tai rối bời, để chàng đổ rượu nửa ngực, trên thân xác trần truồng, nuột nà mịn tăm...Rồi như con ngựa tinh khôn, chàng đưa răng cắn vào...Tai, cổ tôi nóng hổi như đêm hừng hực, âm vang như những que tăm, châm chích nghe rợn cả người. Tôi bỗng biến thành chiếc lá trong hốc đá, bị con tằm đang nhai ngấu nghiến, nhanh chóng lạ lùng. [tr.65]
Hay trong truyện Một hai ba bốn người ta thấy khung cảnh: Đẩy cửa bước vô, trong quán hôm nay không đông khách, thưa vắng. Tôi thấy Claudel đã ngồi bên trong nhìn ra ngoài, như có vẻ chờ đợi. Claudel bước ra đón tôi. Vừa kéo ghế, Claudel vửa cười bảo: Ngồi đây nhìn ra ngoài, để người ta ngắm một tí. Rồi chàng hôn tôi, nắm chặt tay tôi. Tôi bắt đầu run rẩy.[tr. 91] Nàng cô gái Việt tên Sophie ở Paris, gặp hắn Claudel Nabonne gốc Pháp trên chuyến bay từ Mỹ qua Pháp thăm mẹ ở Normandie, quen nhau, hẹn hò, không ngờ nàng mắc lừa: Hai cánh tay Claudel ôm ghì xiết tôi, tôi cảm thấy thô cứng, vụng về. Tôi im lặng như ma. Hắn thì đang sung sướng. Tim tôi tuyệt vọng, mỗi lúc càng đập mạnh, như giục thúc. Thằng ba xạo...vậy mà hắn nói trên máy bay hắn vẫn độc thân, không ràng buộc tình cảm với ai. Tôi sẽ cho hắn rên xiết niềm đau cho bõ ghét! Cũng như tôi đang đau mộng vỡ. Tôi cần gì hắn! Tôi đang có nhiều đàn ông theo đuổi. Khuôn mặt hắn kiêu hãnh, và lạnh lùng như nước đá, có gì để tôi phải quyến luyến! Tôi vòng tay qua cổ hắn, kéo xuống. Tôi muốn cắn nát lưỡi hắn đứt làm hai, cho hắn đau đớn, để không nói được những câu nói ngập ngừng thương yêu, làm rối loạn lòng tôi.? [tr. 93 - 94]

Trước khi mùa xuân tới, thế giới của Bích Xuân là vậy, tùy theo quan niệm thưởng ngoạn của mỗi người mà có một nhận định khác nhau. Và tới tập truyện thứ 6 Mùa Xuân châu ngọc của Bích Xuân hiện có bán tại Cà phê Làng nội dung tương tự tập trước, nhưng thay vào những bài thơ là những bài tạp ghi về một số nhạc sĩ tiếng tăm đặt chân tới Paris như Phạm Duy, Trần Tiến, Ngô Thụy Miên, Lê Dinh, Phạm Mạnh Cương, Trường Sa...nhà giáo Hoàng Lê. Bích Xuân đã dựa vào văn thơ để dàn trải tâm sự, và nhiều cuộc tình trong đời Bích Xuân, có xa nhau trong căm phẫn, tuy nhiên cũng có những trường hợp mộng mơ, êm thắm, bởi vậy người ta thấy bàng bạc trong thơ truyện của Bích Xuân vẫn phảng phất cuộc đời và con người Bích Xuân. Gọi là truyện ngắn nhưng chưa thật đúng theo kỹ thuật của một đoản thiên, mang dáng dấp của thể loại tự truyện nhiều hơn. Chính bởi thế người ta hiểu được Bích Xuân nhiều hơn, cảm mến một nghệ sĩ mà không bộ môn nào không muốn đặt chân vào.
Đối với Bích Xuân phần hồi ký hay bút ký có thể nói là lãnh vực thành công hơn truyện ngắn thực ra phải gọi là tự truyện đến với thơ văn tuy có muộn màng nhưng đã đúng lúc và tự nhiên, dám có thái độ khai phá táo bạo mà nhiều người đàn bà khác hiện nay phải e dè xa lánh. Chính sự kiện dục tính này đã khiến Bích Xuân gặp phải búa rìu dư luận không ít, xét cho cùng bây giờ người ta dường như bắt gặp nó nơi nhiều truyện ngắn, truyện dài và trên đài truyền hình. Dù sao thì Bích Xuân đã ít nhiều để mất đi sự chừng mực kín đáo của người đàn bà Á Đông, đẹp của đóa hoa bung nở nhưng còn e ấp ngại ngùng. Nói thế không có nghĩa khi phê phán sự khơi gợi dục tính nơi Bích Xuân, người ta đã nhìn nó thấu qua thấu kính đạo đức của nền văn học cổ điển, nặng mang triết thuyết Nho học, và thu hẹp trong quan niệm “Đàn ông chớ đọc Phan Trần Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.
Thực tế người ta thấy thể hình của người phụ nữ khi được phủ một lớp voile mỏng manh, thấp thoáng, bắt óc con người phải tìm tòi, tưởng tượng, xem ra vẫn quyến rũ hơn sự kích động cảm giác bằng hình tượng một cơ thể không có một sự che đậy nào, trọn vẹn lõa thể. Đó là quan niệm của trường phái văn học lãng mạn của thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và ngay trong tập Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, lúc tả Thúy Kiều tắm, tác giả đã không cần dùng tới ngòi bút tả chân hiện thực mà vẫn thu hút được cảm quan của mọi người.

Hiện nay tại các nước Âu Mỹ vấn đề dục tính đã được sử dụng tự nhiên, thoải mác trong dịch vụ thương mại, ở những nơi công cộng, trên báo chí, quảng cáo, vô tuyến truyền hình, điện ảnh, mạng lưới điện toán, nhiều nhà văn nhà thơ đã hướng theo khi hoàn thành những công trình tư tưởng. Như thế ảnh hưởng của dục tính vào một nhà thơ lãng mạn chuyên sáng tác thơ trữ tình đương nhiên không tránh thoát khỏi sự chi phối, biên giới hầu như không có, sự ngăn cách từ lãnh vực lãng mạn qua lãnh vực trữ tình không xa lắm, nhưng từ lãnh vực trữ tình bước sang lãnh vực dục tình thì rất xa.
Bích Xuân đã chuyển hướng táo bạo, từ bản thể nội dung tới sắc thái hình thức, phải chăng là muốn tạo cho mình một thế đứng riêng, phảng phát Nguyễn Thị Hoàng, Lệ Hằng trước đây. Thường một tác phẩm muốn gọi là tác phẩm phải có một khám phá mới lạ nghĩa là có sự vận dụng trí óc, có sự đóng góp riêng của tác giả trong đó, mang theo một thông điệp nào. Nhưng không phải thế là đã đủ mà tác phẩm còn phải đi song đôi với hay.

Trước đây một nhà văn Voltaire tên tuổi của Pháp khi tiếp nhận được tác phẩm của một ngòi bút trẻ đã tự hào rằng cực mới, người đời khó ai thể hiểu nổi những gì chất chứa bên trong, bởi thế sách đã được đặt cho một tựa đề Gửi người mai hậu. Đọc xong Voltaire mỉm cười bảo: Tôi e tác phẩm của anh không tới được địa chỉ mong muốn. Một tác phẩm cho dù có đặc sắc, cao siêu tới đâu vẫn không thể xa rời cuộc sống thực tại, không thể không sống trong đó, từng trải nhiều.

Nhật Thịnh.


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003