Dec 28, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
TÌNH YÊU VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG

Margaret Mitchell sinh ngày 8 tháng 11 năm 1900 tại Atlanta, Georgia, một địa danh lịch sử miền Nam trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ, 1861-1865.
Ông cố nội năm đời của Margaret là trung úy kỵ binh tới Georgia từ giữa thế kỷ 18. Thân phụ Margaret, Eugene Mitchell lớn lên trong trang trại gần Atlanta. Ông tốt nghiệp danh dự Đại Học Luật Georgia và hành nghề luật sư.
Họ ngoại Margaret đến Georgia từ Ái Nhĩ Lan đầu thế kỷ 19 và bắt đầu lập nghiệp bằng trồng bông, cây quả. Thân mẫu Margaret, Maybell Stephens được gửi đi học trường sơ Quebec và nói thông thạo tiếng Pháp. Lên trung học, bà trở về Georgia, học hết trường nữ Atlanta.
Eugene Mitchell và Maybell Stephens thành hôn năm 1892, có một con trai là Stephens, anh Margaret. Sau này Stephens trở thành luật sư, làm việc với cha. Họ sống trong ngôi nhà kiểu Victorian 12 phòng đồ sộ, xung quanh rậm bóng lá cổ thụ, vườn hoa rực rỡ.
Vì sống gần gụi ông bà cùng những người già quen biết trong tỉnh, cô bé xinh đẹp Margaret Mitchell được ngồi lòng các cựu chiến binh, những người sống xót sau nội chiến và nghe họ say sưa kể chuyện. Hình như quân miền Nam vẫn hăng hái đánh nhau với quân miền Bắc trong tâm não họ.
Ngay từ lúc sơ sinh, Margaret được mẹ đọc cho nghe không biết bao truyện thần tiên và cuộc Nam Bắc phân tranh. Những chuyện đó đã là chi tiết phong phú của Gone With the Wind sau này.
Margaret bắt đầu “viết văn” từ khi ngón tay mới biết điều khiển cây bút chì. Cô bé viết rất nhanh, hết truyện này qua truyện khác trên từng trang giấy rời hay trong tập vở nhỏ và đưa tất cả cho mẹ xem. Cô sung sướng được nghe bà khen, nhưng nhút nhát chẳng cho ai khác coi dù cha hay anh. Mẹ cô cất giữ các “sáng tác” ấy trong những hộp thường dùng đựng bánh mì. Lên đại học, Margaret vẫn không ngừng viết. Khi nổi danh, cô còn giữ trên giá sách hai tập truyện nhỏ đã sờn rách.
Lớn hơn, Margaret thích trèo cây, đá banh, cưỡi ngựa, mặc quần áo con trai, chơi Cowboy và dân Da Đỏ bắn nhau. Kẻ hầu, người hạ đầy nhà, anh em Margaret chẳng phải làm việc gì bao giờ. Trong lúc Stephens, người anh học rất giỏi, cô em chểnh mảng học hành, nhất là môn toán, tuy được bà mẹ kèm ráo riết. Trong lớp, cô nghịch ngợm, nói chuyện luôn miệng, làm bài cẩu thả và chỉ đứng hạng trung bình.
Margaret mê đọc những truyện phiêu lưu tình cảm đám con trai thường thích đọc. Cô bịa truyện huyền bí, rùng rợn rất tài tình làm bọn bạn trai sợ hãi nhất là khi phải đi trong đêm tối. Margaret không thích đọc sách cổ điển. Ông thân sinh phải hối lộ tiền và dọa nạt, cô mới chịu đọc sách Shakespeare. Cô để bà mẹ lấy hài nhung đánh đít chứ chẳng chịu đọc sách Tolstoy. Với tính thích gì đọc nấy, nên dù cố gắng, cho đến cuối đời, Margaret cũng không đọc hết cuốn War and Peace.
Khi Margaret 12 tuổi, gia đình dọn tới ngôi nhà mới, đồ sộ hơn mà ông Eugene Mitchell xây cất như ý người vợ hiền từ, nhân hậu. Bà mang hình ảnh Melanie Hamilton trong tác phẩm bất hủ của Margaret sau này. Ngôi nhà có những cột trắng lớn phía mặt tiền như dinh cơ gia đình Scarlett O'Hara trong phim Gone With the Wind.
Margaret cũng viết nhiều vở kịch nhỏ, linh động, hấp dẫn. Với sự tiếp tay của thân mẫu, cô điều khiển bạn bè hàng xóm tập dượt và trình diễn kịch của cô ngay trong nhà. Khán giả là những bà mẹ, bà nội, bà ngoại các diễn viên và bạn hữu. Tuy nhiên, Margaret không bao giờ thích ngôi nhà quá lớn, quá uy nghiêm, trống trải, vì thân mẫu cô qua đời tại đó. Theo lời yêu cầu của em gái, Stephens Mitchell cho phá dinh thự ấy sau khi Margaret qua đời. Hai anh em đồng ý, không để ai ở ngôi nhà đó ngoài họ.
Năm 14 tuổi, Margaret vào học trường tư thục sang trọng dành riêng cho con gái, Washington Seminary, cách nhà vài bước. Cô mập tròn, chỉ thích chạy chơi với nhóm con trai nghịch ngợm và không chịu học hành chăm chỉ. Margaret rất ghét trường học. Nhà trường và nhiều học sinh cũng không ưa cô. Tuy vậy cô vẫn có chân trong mấy hội của trường như Senior Round Table, là chủ tịch Washington Literary Society, Dramatic Club và chủ bút Senior Yearbook.
Từ 17 đến 19 tuổi, Margaret có thân hình mảnh mai hơn. Cô ăn mặc thời trang thiếu nữ đẹp duyên dáng. Margaret thích đọc sách truyện kỳ bí, ngâm nga những bài thơ cô chép vào tập vở, rồi học thuộc lòng.
Những truyện ngắn sau này Margaret viết trên đại học ảnh hưởng từ các tiểu thuyết mới phổ thông nhiều đối thoại, có những tác động mạnh và sự chuyển tiếp liền nhanh. Nàng cùng bạn gái tổ chức nhiều tiệc khiêu vũ lớn tại tư dinh hay trong các hội thượng lưu mà họ là hội viên. Rất nhiều thanh niên chú ý đến nàng.
Hết trung học, Margaret được bà Mitchell gửi vào Smith College, Northampton, xa nhà. Nàng học không xuất sắc và càng chán nản hơn khi bà mẹ đột ngột qua đời. Margaret muốn bỏ học trở về nhà, nhưng ông Mitchell vẫn bắt nàng ở lại trường. Cuối năm thứ nhất, tình trạng học hành của Margaret vẫn không khá hơn, ông đành gọi con gái về giao việc trông coi nhà cửa cho ông và người con trai.
Margaret không khác tính tình và nhân dáng Scarlett O'Hara trong tác phẩm Gone With the Wind là mấy. Ở tuổi đôi mươi, xinh đẹp, con nhà giầu không đi học, nàng lười ơi là lười, luôn luôn khai đủû các thứ bệnh ho, cảm, cúm, nhức đầu để tránh bất cứ bổn phận và trách nhiệm nào nàng không thích làm. Margaret chỉ chú ý tới ăn diện, vui chơi, tiệc tùng, nhảy nhót, giao dịch với đám thanh niên trẻ mà thân phụ và bà nội nàng không đồng ý. Nhưng hai người này không làm gì được trước những hành động của Margaret, một thiếu nữ lãng mạn, tính tình con nít, thích đùa giỡn, chinh phục và hành hạ phái nam trong sự giao du. Margaret làm cho tất cả những người đàn ông gặp nàng đều tưởng nàng thiết tha với họ.
Trong buổi gây quỹ từ thiện, nàng cùng người bạn trai biểu diễn một màn vũ khiêu gợi, hấp dẫn làm tất cả giới bảo thủ trong tỉnh phản đối và xa lánh nàng. Hội Junior League xóa tên nàng. Margaret và ông thân sinh cho đến chết không bỏ qua điều này. Khi phim Gone With the Wind ra mắt lần đầu tiên tại Atlanta, Junior League tổ chức dạ vũ vĩ đại vinh danh Margaret, nàng từ chối, không tham dự.
Có nhiều lúc Margaret muốn trở lại đại học. Nàng tin có thể học vẽ trang trí, kiểu mẫu, viết truyện ngắn nhưng cứ lần lữa, không thực hiện. Margaret đọc sách rất nhiều. Mỗi khi ra khỏi thư viện nàng ôm cả chồng sách trong tay và đọc ít nhất hai quyển mỗi ngày. Đến tuổi 21, nàng đọc hết sách lịch sử miền Nam tại thư viện Atlanta.
Margaret viết rất nhiều thư than thở và tự thú với bạn bè, trong ba năm, từ 1919 đến 1921, chẳng có gì vui thú. Nàng xấu hổ vì sự không thành công và lo lắng tương lai bấp bênh. Không có sự chỉ dẫn khôn ngoan, khéo léo của mẹ hiền, Margaret lúng túng trong cương vị một phụ nữ trẻ, chưa lập gia đình. Tuy nhiên, bị ảnh hưởng Thiên Chúa Giáo, nàng sợ tội lỗi và nguy hiểm trong vấn đề tình dục, nên vẫn giữ được trong trắng cho đến ngày có chồng. 
Tới cuối năm 1921, Margaret gặp John Marsh lúc đó 26 tuổi. John đang là phóng viên cho tờ báo trong tỉnh. Tính tình chàng điềm đạm khác hẳn sự sôi nổi của nàng. John sinh trưởng trong gia đình trí thức, thanh đạm tại Maysville, Ohio. Thân phụ John là nhà giáo, học luật, có hãng địa ốc, hãng bảo hiểm và sau cùng là chủ bút một tờ báo trong 20 năm. Ông qua đời khi John mới chín tuổi. Thân mẫu John từ đó dạy học để nuôi năm đứa con với bà mẹ già cùng người cô và em trai. Vài năm sau bà trở thành hiệu trưởng trường tiểu học. Là người ngoan đạo, thích nhạc, ưa đọc sách, bà đưa các con đi nhà thờ mỗi sáng Chủ Nhật và dạy dỗ con cái rất chu đáo.
Vừa viết báo vừa đi học, John tốt nghiệp Đại học Văn khoa và Khoa học Kentucky với bằng Cử nhân Văn chương và Anh ngữ, năm 1916. Chàng được nhận dạy Anh văn tại đại học này. Cũng như nhiều thanh niên khác, John gia nhập quân đội theo sự kêu gọi của tổ quốc đang lâm trận Thế Chiến Thứ Nhất. Chàng được thuyên chuyển đi Anh, Pháp làm việc tại văn phòng nhà thương. Năm 1919, thế chiến chấm dứt, John trở về nước làm việc cho tờ báo tại Lexington, Kentucky. Năm 1920, chàng tới Atlanta, làm phóng viên cho Daily Georgian.
John gặp Margaret lúc chàng đang thành công, hăng hái làm việc, có tiếng tốt. John là người tự tin, lạc quan với tương lai. Trong khi đó, tuy là phụ nữ mới, nổi loạn trong các cuộc vui, cả tỉnh biết tên, Margaret lại có nhiều mặc cảm, bi quan và cảm thấy chưa làm được việc gì giá trị và ích lợi. Hai người khác biệt hẳn nhau cả về hình thức lẫn nội dung. Nàng nhỏ bé, xấp xỉ thước rưỡi, nặng 40 ký. Chàng cao gầy lênh khênh, hơn một thước tám chục phân. Tuy nhiên, John chú ý tới Margaret từ phút đầu, yêu nàng từ cái nhìn thứ nhất. Margaret thật xinh đẹp, trẻ trung. Nàng cảm phục John đứng đắn, lịch sự, không có những đòi hỏi thể xác. John trở thành một người bạn thông minh, một ông thầy, một người bảo vệ mà Margaret tín nhiệm. Nàng đưa chàng đọc tất cả những “sáng tác” từ thuở thơ ấu cho đến bài mới nhất chỉ định viết cho vui, chưa ai coi và chưa bao giờ gửi đăng báo.
Với kiến thức văn chương, giáo dục cổ điển, với kinh nghiệm dạy học, viết báo, John chọn sách cho Margaret đọc, cố vấn, chỉ dẫn nàng rất nhiều trong các bài viết. Ngữ vựng tấn tới rất nhiều, nữ văn sĩ tập sự sáng cả mắt và sung sướng đến nở mũi mỗi lần được khuyến khích rằng nàng có tài và sẽ nổi tiếng.
Họ bị lôi cuốn nhìn nhau đến mờ mắt, nói chuyện đến ù tai không biết chán. Nhưng Margaret vẫn gặp gỡ người đàn ông khác. John không dám ghen, sợ mất nàng. Kẻ khác đó là Red Upshaw, một anh chàng tai tiếng, bỏ dở đại học, không nghề nghiệp, nhưng chịu chơi, đẹp mã, tán gái giỏi. Hắn quyết tâm quyến rũ thể xác nàng đến độ Margaret không thể cưỡng và chấp nhận lời cầu hôn để giải quyết vấn đề. Cha, anh, họ hàng hai bên nội ngoại và cả giới thượng lưu trong tỉnh đều phản đối. Ngày 2 tháng 9 năm 1922, đám cưới Margaret và Red được cử hành ngay tại nhà thân phụ nàng.
Song, Red chỉ là anh đào mỏ, la cà các quán rượu và say khướt khi trở về nhà mỗi đêm khuya. Cưới chưa được một tháng, nàng đã muốn ly dị. Ba tháng sau, ông chồng bỏ đi mất đất. Không thích sống nhờ vào ông thân sinh, Margaret muốn tìm việc làm.
Nàng than thở tất cả những vấn đề này với John, người đau khổ vì vẫn yêu và muốn giữ sự giao thiệp bạn bè quân tử với nàng. John kiếm giùm Margaret chân viết báo, phóng viên cho tờ Journal mà sau này chàng đổi tới làm việc để được gần và giúp nàng trong việc làm. Ở tỉnh nhỏ như Atlanta thời đó, nữ phóng viên là nghề quá tân tiến, khó coi, khó được chấp nhận đối với dân địa phương mà hầu hết rất bảo thủ, hủ lậu.
Vài tháng sau, bỗng Red Upshaw trở về Atlanta và Margaret lại bỏ qua, chung sống lại. Dù sinh trưởng trong gia đình khá giả tại North Carolina, Red là tay buôn lậu rượu, đầy mặc cảm, không tự tin, hung dữ, vũ phu. Mỗi lần đánh đập vợ vì không đào được tiền bạc, Red lại bỏ đi dăm ba tháng. Sau đó, Upshaw quay về năn nỉ ỷ ôi xin lỗi. Margaret lại bỏ qua. Lần cuối cùng, với thương tích đầy người, Margaret làm đơn ly dị. Vẫn chưa hết, sau khi đi Florida dưỡng sức trở về, nàng lại gặp gỡ ông chồng ly thân, trước sự bất bình của mọi người và John Marsh. Thất vọng và chán nản, chàng xin đổi đi Washington D.C. để khuất mắt hai kẻ đã làm khổ chàng.
Sự xa cách John làm Margaret cảm thấy thiếu vắng người tâm sự và nguồn an ủi. Bấy giờ nàng chợt hiểu chỉ có John là người yêu nàng vô điều kiện và nàng không thể sống xa chàng được. Margaret viết cho John nhiều thư liên tiếp và đi thăm chàng một tuần lễ tại Thủ Đô. Lần này, nàng cam kết bỏ Red Upshaw thực sự và vĩnh viễn.
John không thể từ chối Margaret vì chàng vẫn yêu nàng tha thiết. Chàng tha thứ và bỏ qua tất cả những chuyện làm chàng đau khổ. John trở lại Atlanta làm việc cho báo của Công ty Điện lực Georgia. Vụ ly dị của Margaret và Red Upshaw kết thúc vào tháng 10 năm 1924. Đến tháng 7 năm 1925, nàng làm lễ cưới giản dị nhưng trang trọng với John tại nhà thờ. Thân phụ và anh trai Margaret rất hài lòng. Họ rất mực thương quý John. 
Margaret Mitchell và John Marsh bắt đầu cuộc sống với nhau trong căn gác nhỏ, cũ kỹ. Nàng nại cớ không đến tòa báo làm việc vì đau chân, nhưng viết bài và gửi cho tờ Journal. Tuy John làm cho hãng điện lực và viết báo thêm, họ nghèo rớt mùng tơi. Trước khi cưới, John đổ ra nhiều bệnh mà từ ngày yêu Margaret, đau khổ, lo lắng cho nàng, chàng quên thân mình và kiệt lực. Vì thế, họ mắc nợ bác sĩ, nhà thương quá nặng, phải trả dần hằng tháng. Bố vợ đề nghị giúp đỡ, John khẳng khái từ chối.
Họ giải trí bằng cách lớn tiếng đọc sách cho nhau nghe, hoặc chơi ô chữ, chơi ghép hình và bắt đầu dự án viết truyện của Margaret. John chỉ mua được cái máy chữ cũ kỹ và bàn nhỏ xíu cho nàng làm việc. Chỗ họ ở mau chóng trở thành nơi tụ họp đông đảo các phóng viên, nhà báo trong tỉnh. John chẳng bao giờ ghen vì Margaret có nhiều bạn trai hơn chàng dù họ đến chơi cả trong lúc chàng đi làm chưa về. Nàng hoàn toàn ký thác cuộc đời và trung thành với chồng. John chiều theo ý thích của vợ. Nhưng nàng vẫn là tiểu thư con gái nhà giầu, một người vợ con nít. Dù John thuê người giặt quần áo, nấu ăn, nàng luôn luôn than nhức đầu, đau mắt, đau tai, đau răng, đau lung tung đủ thứ để khỏi phải dọn dẹp căn gác gọn gàng, sạch sẽ. Dần dần, thân phụ nàng cho bà quản gia đến giúp cô con gái.
Rồi Margaret bỏ cả viết cho tờ Journal và nói rằng vợ chồng nàng không cần tiền lắm. Sự thực nàng không thích viết theo yêu cầu của tòa báo. Margaret muốn tự do viết những điều đang nung nấu trong tâm trí nàng mà không muốn đăng báo.
Nàng lại than đau mắt cá chân, không đi lại được. Bác sĩ khuyên nàng bó bột bàn chân và giữ nó khỏi sàn nhà. Có nghĩa là nàng được ngồi một chỗ, không phải đụng tới một công việc nào như dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế.
Mỗi ngày, trên đường về nhà, John ghé thư viện mượn vài cuốn sách cho nàng đọc và khuyên nàng viết những chuyện hồi thơ ấu nàng được nghe về cuộc nội chiến trong vùng Atlanta trước đây mà Margaret hoài kể lại với chàng.
John vẫn có hai việc. Làm xong việc thứ nhất, John đi thẳng đến sở thứ hai làm tới khuya. Thường thường, Margaret để đèn sáng, thức chờ chồng. Một tối, khi về tới nhà, John thấy đèn đóm tối thui. Cô vợ trẻ nằm trên ghế bành dài khóc thút thít. John dịu dàng hỏi cớ sự, Margaret than rằng cái chân bó bột làm nàng khó chịu, khổ sở quá đỗi. Ông chồng biết ngay đó không phải lý do chính. Chàng lấy búa đập vỡ cái nạng bột bao chân vợ và nghe nàng kể rằng vừa được tin nhà văn nữ Frances Newman cho xuất bản cuốn tiểu thuyết vào cuối năm. John chợt hiểu, Margaret nghĩ tới việc viết truyện của nàng không tiến triển trong khi hết người này đến người khác trong đó có nhà văn nữ kia sắp cho ra đời một tác phẩm. Thế mới tức chứ lị!
John lắng nghe nàng than thở, chàng thường về khuya, lên giường ngủ khò ngay chẳng thèm nói chuyện gì với vợ. Nàng cần chàng đọc và cho biết ý kiến về những đoạn nàng viết. John là người độc nhất nàng tín nhiệm. Trước khi cưới họ rất hạnh phúc với những cuộc đàm thoại hào hứng mà bây giờ không còn nữa. Gần 26 tuổi, Margaret vẫn chưa làm được việc gì ra hồn. Ôm nàng trong vòng tay, nghe tâm tình ấy, John hiểu nàng có nhiều ý viết, nhưng không tự tin. Margaret cần chàng kiên nhẫn nghe nàng nói và bảo đảm về những đề tài nàng viết là xuất sắc, đặc biệt.
Từ đêm đó, John quyết định không mang sách về nhà cho nàng đọc nữa. Margaret phải viết một tác phẩm của chính nàng. Chàng khuyên nàng nên viết lịch sử tiểu thuyết. Bắt đầu bằng những gì nàng có thể viết hay nhất, diễn tả vai trò những người sống sót qua nội chiến vẫn nằm trong đầu nàng. Rồi để các nhân vật đó tự hành xử, điều khiển ngòi bút tác giả.
Nghe lời John, Margaret lục lọi, gom góp, đọc lại tất cả những đoạn văn nàng viết từ thuở còn đi học. Thế là tác phẩm Gone with the Wind bắt đầu vào năm 1926. Margaret bỏ rất nhiều công phu nghiên cứu, sưu tầm tỉ mỉ thổ ngữ người da đen và địa phương, địa danh, các cuộc giao tranh trong thời nội chiến.
Mỗi tối đi làm về, John đọc, sửa chữa, rồi cho Margaret biết ý kiến về những đoạn nàng viết được trong ngày. Tuy cả hai liên tục thay phiên đau ốm, tài chính eo hẹp, đời sống túng thiếu, chật vật và John rất bận với hai việc làm, những trang bản thảo dần dần chất cao, la liệt, bừa bãi quanh bàn làm việc trong căn phòng khách nhỏ bé. Họ che đậy thành quả viết lách của Margaret trước những con mắt tò mò của bạn bè tới chơi. Biết nàng viết sách, nhiều người kể cả cha và anh nàng, đòi xem bản thảo cũng không được. Margaret nói, nàng viết giải trí cho riêng vợ chồng nàng đọc mà thôi. Nhiều tác giả lúc khởi viết thường nhún nhường như vậy, nhưng khi họ thành công, được độc giả ưa chuộng, ý định đầu tiên thay đổi. 
Năm 1935, một người bạn cũ quyết tâm thúc giục đại diện nhà xuất bản Macmillan phải đòi đọc cho kỳ được sáng tác của Margaret khi ông từ New York tới Atlanta. Lúc này, John Marsh đã là chủ bút tài ba của tờ Công Ty Điện Lực. John luôn luôn tin tưởng vợ chàng đang viết một cuốn sách hay, có giá trị. Chàng khuyến khích vợ cho nhà xuất bản coi bản thảo. Sau nhiều lần từ chối, Margaret bằng lòng thu thập đống giấy sờn rách, lem nhem bụi bậm, chưa có chương thứ nhất cho đại diện nhà xuất bản Macmillan coi. Tác giả viết chương cuối đầu, chương đầu cuối. Vài đoạn viết thành nhiều bản khác nhau.
Nhà xuất bản đọc bản thảo của Margaret liền ngay trên tầu đi New Orleans. Càng đọc ông ta càng cho rằng đây là tác phẩm tuyệt vời của miền Nam. Để bảo đảm cho nhận định ấy, ông đưa bản thảo cho giáo sư Anh văn một trường đại học xem. Vị này khuyên nhà xuất bản phải giành lấy cuốn sách ngay lập tức. Không những hay mà sẽ là cuốn sách vĩ đại, bán chạy nhất. Nhà xuất bản nhanh chóng ký giao kèo với Margaret và gửi gấp lại nguyên thùng bản thảo để nàng viết cho xong.
Margaret và John cùng người thư ký đánh máy bắt tay vào việc liền. Gần 6 tháng sau họ hoàn thành tác phẩm với 6 hay 7 bản khác nhau của chương đầu và độ 20 cái đầu đề. Tên truyện Gone With the Wind căn cứ từ bài thơ nổi tiếng nhất của Ernest Dowson, thi sĩ người Anh chết trẻ vào cuối thế kỷ 19 Margaret rất ngưỡng mộ. Sau đây là đoạn thơ mang xuất xứ tên tác phẩm Gone With the Wind: 

I have forgot much, Cynara! gone with the wind,
Flung Roses, roses riotously with the throng,
Dancing, to put thy pale, lost lilies out of mind;
But I was desolate and sick of an old passion,
Yea, all the time, because the dance was long:
I have been faithful to thee, Cynara! in my fashion 

Tính từ lúc khởi sự cho tới lúc đó, Margaret phải viết đi viết lại ít nhất 30 lần toàn bộ tác phẩm. John bỏ tất cả thời giờ, kỹ lưỡng sửa chữa ngữ vựng, văn phạm, cách chấm phẩy, ngắt câu và lo các vấn đề kỹ thuật cho cuốn truyện. Vị chi tác phẩm được viết trong hơn 10 năm.
Margaret thật may mắn có ông chủ bút tài giỏi và tận tâm ngay bên cạnh. Các văn hào nổi tiếng trên thế giới thường có một hay nhiều người kiến thức rộng về văn chương và nhiều địa hạt khác bổ túc, sửa chữa từng chữ, từng câu, từng dòng trong bản thảo trước khi in thành sách. Không mấy tác giả tự mình tạo nên một tác phẩm hoàn hảo.
Như vậy, những tác giả sản xuất đều đều một năm vài ba quyển rồi gửi cho các nhà in, không người đọc lại để sửa chữa mọi thứ lỗi, tác phẩm họ sẽ ra sao? Những loại sách này, may mắn giải trí “một vài trống canh” rồi chìm dần vào quên lãng.
Ngày 30 tháng 6 năm 1936, Gone With the Wind với 400 ngàn chữ, dài 1,037 trang, chính thức phát hành rầm rộ. Có vài chỉ trích vớ vẩn từ những kẻ ghen ghét, đố kỵ vì sự thành công của cuốn sách: đó là truyện của các bà nội trợ; Margaret Mitchell không phải là nhà văn thực thụ, không phải tác giả Gone With the Wind mà là John Marsh, chồng bà. Có những chỉ trích chẳng ăn nhập gì tới văn chương chữ nghĩa như bà không luộc nổi một quả trứng, hay không làm lấy được một bữa ăn sáng.
Vài xách động yếu ớt, không sứt mẻ được danh tiếng tác giả và tác phẩm như: Margaret Mitchell không thông minh. Bà kỳ thị dân da đen, miệt thị đàn bà miền Nam... Nhưng những lời chỉ trích thiếu căn cứ, vô giá trị đó không đánh lừa được độc giả. Trái lại, Gone With the Wind càng được chú ý và bán chạy như tôm tươi.
Tình trạng này không lạ. Nó xẩy ra ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi thời đại. Tuy nhiên, vẫn có những nhà phê bình công bằng, đứng đắn. Và, đại đa số độc giả là những người phán xét đáng yêu nhất.
Trong lịch sử văn chương Hoa Kỳ, cuốn Gone With the Wind được coi giá trị nhất và bán nhiều nhất trong thời gian ngắn kỷ lục.
Tháng đầu tiên sách được in ra 201 ngàn cuốn. Tháng thứ ba lên tới 526 ngàn, tháng thứ sáu một triệu cuốn. Tác giả được trả 10% của 25 ngàn cuốn đầu tiên và 15% những số sau đó. Cho tới tháng 5 năm 1946, tất cả 3,713,272 cuốn Gone With the Wind được bán. Ấn bản ngoại ngữ bán được 1,250,000 cuốn.
Tháng 4 năm 1937, Margaret Michell được trao giải thưởng American Booksellers Association Annual Award. Tháng 5 năm 1937, Margaret nhận được Pulitzer Prize, giải văn chương cao quí nhất nước Mỹ. Gone With the Wind được ca tụng ngang hàng với War and Peace của Tolstoy.
Dù nổi danh như sóng cồn, Margaret không thích xuất hiện trong các buổi ra mắt và ký sách. Mỗi cuốn sách có chữ ký của nàng được bán với giá chợ đen 20 đô la. Trong ba năm liền, Gone With the Wind ở trong danh sách những tác phẩm bán chạy nhất.
Cuốn sách được tái bản ít nhất 185 lần và dịch ra 27 thứ tiếng, dù bị Đức Quốc Xã và Cộng Sản Nga tẩy chay, cấm luân lưu. Margaret Mitchell và John Marsh tranh đấu quyết liệt với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ can thiệp và bảo vệ bản quyền tác giả ngoài thị trường quốc tế mà từ trước tới năm 1954 nước Mỹ không có. (Sau khi em gái, em rể qua đời, Stephens Mitchell tiếp tục và thành công trong sứ mạng đó.)
Gone With the Wind được nhà làm phim mua bản quyền 50 ngàn đô la (năm 1936), từ khi còn là bản thảo. Hãng phim mất hai năm mới kiếm được nữ tài tử Anh, Vivien Leigh thích hợp tuyệt vời với vai Scarlett O'hara. Clark Gable, tài tử thượng thặng, đắt giá và được yêu chuộng nhất, đóng vai Rhett Butler, Olivia De Havilland trong vai Melanie Hamilton...
Scarlett mang rất nhiều nhân tính của Margaret. Rhett Butler là hỗn hợp của cả ông nội tác giả, John Marsh và Red Upshaw. Melanie dịu dàng, nhân hậu giống như mẹ Margaret.
Phải mất bốn năm nhà sản xuất mới hoàn thành Gone With the Wind, cuốn phim vĩ đại nhất từ trước tới lúc đó. Dù được tha thiết yêu cầu, Margaret Michell từ chối không chịu giúp đỡ hay có ý kiến gì trong việc thực hiện cuốn phim này vì lý do sức khỏe và nhiều trách nhiệm.
Ngày khai mạc phim, 15 tháng 1 năm 1939 tại Atlanta, có Clark Gable, Vivien Leigh, Olivia De Havilland và 2000 khán giả, trong số 60 ngàn, mua được vé với giá . Thuở đó, dân số Atlanta 300 ngàn, nhưng 650 ngàn đã chen chúc nhau trong biển người để được nhìn thấy tác giả, tài tử và các nhân vật quan trọng đến tham dự buổi ra mắt đầu tiên cuốn phim dài 160 ngàn feet, phí tổn ,085,900. Vì sự thành công quá sức tưởng tượng, nhà làm phim đã tặng tác giả thêm 45 ngàn đô la.
Trường đại học năm xưa Margaret Mitchell chỉ học một năm rồi bỏ dở, Smith College, tặng nàng bằng Cao Học Văn Chương Danh Dự. Trong khi thành công tuyệt đỉnh, Margaret tuyên bố không bao giờ muốn sáng tác nữa, không biết gì hơn để viết và không thích viết về người khác vì ngoài xã hội có rất nhiều chuyện chẳng hay ho, tốt đẹp.
Cũng dễ hiểu, cái xã hội quá thủ cựu và đạo đức giả đã đi bên cạnh đời nàng từ thuở thiếu thời. Nếu viết toàn những chuyện tốt, chuyện đẹp thì tác phẩm sẽ biến thành truyện thần tiên, bịa đặt. Nếu phơi bầy, lột tả hết những sự thực bỉ ổi thì thật đáng chán, đáng buồn lắm, sẽ không thiếu kẻ động lòng và mang oán thù. Margaret Mitchell không có bản lãnh đương đầu với xã hội phức tạp để làm nhà văn hiện thực.
Nàng dùng thời gian còn lại trong đời tự viết cả ngàn thư trả lời độc giả, kể cả vài kẻ chỉ trích, châm chọc, dù John Marsh và những nhà văn nổi tiếng đi trước khuyên can. Ngoài ra, nàng rất bận tâm hằng ngày thăm nom thân phụ bệnh hoạn ròng rã nhiều năm trời trước khi ông qua đời.
Trong thế chiến thứ hai, nàng tình nguyện làm việc với Hội Hồng Thập Tự, như vá, mạng quần áo, vớ, bao tay, khâu khuy đứt cho binh lính, tự đóng thùng và gửi đi nhiều quà tặng nạn nhân chiến tranh tại Âu châu. Nàng viết thư thăm hỏi tù nhân và mở chiến dịch gây quỹ lạc quyên triệu làm lại con tầu Atlanta bị đánh đắm. Quỹ lên tới triệu đủ làm được hai cái tầu.
Tuy nhiên, sức khỏe Margaret Mitchell và John Marsh rất yếu kém. John như ông bầu, ngoài việc làm tại sở, chàng dành hết thời giờ, lo tất cả vấn đề thương mại, tài chánh liên quan tới tác phẩm Gone With the Wind cho vợ. Nhiều lần chàng lâm bệnh tim nguy ngập. Họ tiếp tục tranh đấu cho bản quyền tác giả Hoa Kỳ trên thế giới. John và Margaret không có con, nhưng Gone With the Wind là đứa con tinh thần độc nhất và xuất chúng của họ. 
Thế rồi, một buổi chiều tháng 8 năm 1949, John đang trong tình trạng dưỡng bệnh, Margaret Mitchell lái xe đưa chồng đi xem xi-nê. Nàng cẩn thận ngó hai hướng xe cộ xuôi ngược, trước khi nắm tay John Marsh băng qua đường sang rạp chiếu bóng. Nhưng bất ngờ một taxi phóng tới, không hiểu trời xui đất khiến thế nào, Magaret buông tay John và lùi lại. Xe của tài xế say rượu đâm thẳng vào nhà văn nữ nổi tiếng nhất Hoa Kỳ thuở đó.
Sau sáu ngày mê man chống cự với tử thần, Margaret Mitchell ra đi ngày 16 tháng 8 năm 1949, hưởng dương 49 tuổi. Tổng Thống Truman đánh điện chia buồn cùng John Marsh. Cả thành phố Atlanta ngưng làm việc ba phút mặc niệm trong khi tang lễ được cử hành. Nhiều ngày sau, đoàn người còn nối tiếp nhau xếp hàng đi qua và nghiêng mình trước nơi an nghỉ cuối cùng của tác giả Gone With the Wind. Mộ bà được đặt bên cạnh mộ thân phụ, thân mẫu và bên phần đất trống dành sẵn cho chồng bà sau này. Nước mắt hằng trăm ngàn độc giả đổ lên nấm mộ phủ đầy hoa thương tiếc, vĩnh biệt. Bầu trời xám trì như để tang một văn tài vừa khuất bóng.
Trước sự qua đời bất ngờ của Margaret Mitchell, John Marsh đau đớn: Tôi tưởng sẽ được sống thêm vài năm nữa để săn sóc nàng. Giờ đây, những tia sáng đời tôi đã mất đi rồi. Ông tiếp tục sống cô đơn, lặng lẽ với thói quen hằng ngày nhìn ngắm hình ảnh người vợ yêu dấu, xinh đẹp đã bỏ ông ở lại cõi đời, sống còm cõi một mình một bóng.
Một ngày mùa xuân vào tháng 5 năm 1952, John Marsh viếng thăm những bông hoa Iris đẹp huyền diệu, tuyệt trần màu tím vàng, mang tên Margaret Michell, nở trong vườn người bạn thân. Đêm ấy về nhà, người chồng bốn năm sống cô đơn thương nhớ vợ yêu quí, khép mắt từ giã cõi đời. Chàng ra đi gặp nàng nơi thiên thu, vĩnh cửu.
Frank Daniel, tác giả đương thời viết: Chỉ một người trên cả hoàn cầu có thể viết được Gone With the Wind, đó là Margaret Mitchell. Sự bình dị, trung thành và tình yêu đã cấu tạo nên Gone With the Wind.

Viết theo
Margaret Mitchell & John Marsh
The Love Story
Behind Gone With The Wind
của
MARIANNE WALKER



Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003