Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
LƯU NGUYỄN ÐẠT VÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC HẢI NGOẠI
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to
TRẦN BÍCH SAN

Từ 1975 đến nay đã có những bài phê bình đăng rải rác trên báo chí và một số nhỏ tác phẩm phê bình văn học được xuất bản tại hải ngoại. Về lượng hãy còn ít ỏi nhưng về phẩm đã có sự thay đổi so với những thời kỳ trước ở trong nước. Tôi chỉ nêu ra đây những tác giả đã vượt thoát ra khỏi lối phê bình cũ mòn hoặc xử dụng lý thuyết trong việc phê bình văn học. Theo chiều hướng này, Lưu Nguyễn Ðạt đã dùng phân tích cơ cấu, phân tích dấu hiệu và phân tích phá cách (Structuralisme, Analyse Sémiotique và Déconstruction) để so sánh cấu trúc, tín hiệu và ngôn ngữ nội tại của văn thi phẩm, khai phá và hệ thống hóa trào lực tâm lý, triết lý ẩn hiện nơi những tác phẩm đó. Như J.P. Richard phân tách những cái gọi là chiều sâu Baudelaire, sự phai nhạt Verlaine, biến dịch Rimbaud, thì Lưu Nguyễn Ðạt đã nói tới sự “tách mảnh” trong thi ngữ Bùi Giáng; sự “chuyển dịch trong thơ Nguyễn Ðức Liêm”; sự “tách-nối trong thế giới văn thơ của Hồ Dzếnh”; “Ý niệm buộc và nối trong Chỉ Hồng của Hà Bỉnh Trung; cơ cấu ẩn dụ và hóan dụ trong thơ Du Tử Lê; cách lồng ghép “truyện trong truyện” trong Phim ÐẤT KHỔ và truyện dài NGƯỜI VÁI TỨ PHƯƠNG v.v. Nguyễn Hưng Quốc với Thơ, V.V... và V.V..., Tìm Hiểu Nghệ Thuật Thơ Việt Nam đã sáng tạo cho ông một lý thuyết riêng về phê bình văn học. Nguyễn Hưng Quốc phân tích thơ về phương diện kiến trúc ngôn ngữ theo qui luật ngôn ngữ học, ngữ pháp học. Ông nhìn tác phẩm từ tác dụng của ngôn ngữ đối với độc giả. Ðây là một lối phê bình mới của tây phương. Ông xét thơ không chỉ về kiến trúc, ngôn ngữ. Cảm xúc, hình tượng, nhạc điệu, chất thơ, tứ thơ đều được nhà phê bình đề cập tới. Võ Phiến xử dụng lý thuyết phê bình trong bộ Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam. Ông xét đến những yếu tố của sinh hoạt văn học gồm bối cảnh xã hội, chính trị, kinh tế, môi trường trong đó nhà văn sống và sáng tác. Ông đưa ra những yếu tố liên quan đến người cầm bút như thế giá, thành phần, phái tính, mức sống, lối sống... Ngay cả những yếu tố về độc giả, xuất bản cũng được ông đề cập đến một cách cặn kẽ. Ðây không hẳn thuần túy là một bộ văn học sử mà cũng không dứt khoát là một quyển phê bình văn học. Trong trường hợp này, nếu cho rằng hai bộ môn tuy khác nhau nhưng rất gần gũi với nhau đã gặp gỡ trong tác phẩm của Võ Phiến có lẽ cũng không sai lầm.

Khi tìm hiểu về một tác giả, một tác phẩm, một thời kỳ văn học, người đọc trông cậy vào nhà phê bình văn học. Ðể có thể được sự tin cẩn này, nhà phê bình văn học trước hết cần một cái vốn kiến thức thật sâu và rộng, nói một cách khác, sự hiểu biết của một phê bình gia chẳng khác gì một nhà học giả. Biên khảo là một bộ môn rất gần gũi với phê bình. Tuy nhiên vì tránh việc gây ác cảm với những người trong văn giới nhiều học giả ngần ngại không muốn bước sang lãnh vực phê bình. Phạm Quỳnh đã thử nhưng sau phải giã từ vì lý do này. Khi Giấc Mộng Con ra đời, bài phê bình Mộng hay Mị của Phạm Quỳnh đả kích thứ văn chương đầu ngô mình sở không lợi ích cho thế đạo đã đưa đến việc Tản Ðà dứt tình với Nam Phong đồng thời gây nhiều ác cảm về phía các văn hữu đối với chủ bút Nam Phong. Ở một khía cạnh nào đó nhà phê bình chân chính có điểm tương đồng với một nhà phiếm luận đứng đắn. Cả hai đều cô đơn và hành sử chức năng của mình bằng sự ngay thẳng, bằng công tâm, bằng một cái tâm trong sáng. Ðó là những lý do của sự khan hiếm những nhà phê bình từ trước đến nay chứ không riêng gì tại hải ngoại.

Tôi chưa muốn nói văn học hải ngoại may mắn hơn thời kỳ hai mươi năm văn học miền Nam về lãnh vực phê bình, nhưng đã có tín hiệu của hy vọng. Những tác phẩm và những tác giả nêu trên là những dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên tất cả đều nằm trong vấn đề then chốt là các phê bình gia cần phải làm công việc của họ một cách liên tục và lâu dài.

        TRẦN BÍCH SAN


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003