|
|
Biên khảo, Phê bình |
NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN CÂU ÐỐI
|
VI KHUÊ - đăng lúc 01:41:03 AM, Feb 09, 2005
Trong các thể loại văn chương cổ điển của ta, Câu Ðối nổi bật, đứng một mình, nghiêm chỉnh, tài hoa, sắc bén, như một biểu tượng của trí tuệ, hơn là của tình cảm như các thể loại văn chương khác: Thơ, Phú, Hò, Vè, Ca Trù, Hát Nói... Cho nên, có thể nói rằng: Câu Ðối là một thể loại văn chương qua đó người xưa dùng để đối đáp với nhau, thử sức, đua tài, đấu trí; chẳng khác nào thú chơi Cờ Tướng vậy. Từng có định nghĩa đâu đó rằng “Câu đối là một thể loại Văn Chương Trào Phúng nặng ký nhất, khi người xưa dùng nó để ‘đùa dai’, ‘nói xiên nói xỏ’”. Cũng có sách cho rằng: “Câu Ðối là một nghệ thuật chơi chữ uyên bác nhất, tuyệt vời...”Và, cần phải nói thêm rằng: đây là một thể loại Văn Chương đặc thù của dân tộc ta, nhưng học được từ người Tàu, trải cả ngàn năm đô hộ đã để lại cho tổ tiên ta một ảnh hưởng sâu đậm, về mọi mặt.Câu Ðối bao giờ cũng gồm có hai vế: vế 1 của người Ðố ra, vế 2 của người Ðáp lại, nhưng cũng có khi 2 vế đều do một người. Câu Ðối không hạn chế ngắn dài, nhưng bắt buộc phải đối chọi với nhau từng chữ, từng câu, như Trời đối với Ðất, như Mẹ đối với Cha, như Sông đối với Núi... Chỉ có thể thôi, mà qua đó, đôi bên có thể biết được tài nhau: kiến thức cũng như trí thông minh, tài hùng biện... Thật là một thú văn chương đầy ý nghĩa, đầy hấp dẫn.Vậy mà, ngày nay, mấy ai trong chúng ta còn biết chơi? Có chăng, nghĩ đến còn bật cười, cười tổ tiên ta, xưa, sao mà lẩm cẩm? Làm Thơ, đã là một cái gì không còn hợp thời nữa, huống nữa là làm Câu Ðối! Ðể làm chi? Trâu bò mấy làm thơ! Câu Ðối là cái gì? Rắc rối! Ngẫm nghĩ mà thương cho chúng ta, sống trong một thời đại văn minh tiến bộ, nhưng đâu còn được hưởng những thú tao nhã của người xưa? Thì nay, nhân dịp Xuân về, “há” chẳng là một dịp để đọc lại Câu Ðối Của Người Xưa, như là một thú Chơi Ðồ Cổ vậy? Ðồ Cổ, ngay tại nước Mỹ này, cũng được nâng niu quý trọng lắm đấy, đắt giá lắm đấy, quý vị ạ!
Trước tiên, hãy nói về Câu Ðối Tết. Vì Tết là dịp để Câu Ðối xuất hiện, hai bên hai vế trên nền giấy đỏ rực rỡ, óng ánh hai hàng chữ đen nhánh màu mực xạ, đẹp như những bức tranh rồng bay, phượng múa. Tết đây rồi, ở nhà một ông quan to mà nghèo:Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh Và Tết ở bên kia, nhà đối diện:
Ðì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột Om sòm trên vách bức tranh gà
Tết với người đàn bà tài hoa tên là Hồ Xuân Hương, lúc nào cũng tuôn ra những lời óng ả, lả lướt:
Tối ba mươi, khép cửa càn khôn, ních chặt lại, kẻo ma vương bồng quỷ tới
Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra, cho thiếu nữ rước xuân vào
Nhưng Tết không phải chỉ có cảnh vui với niềm rạo rực trong lòng như thế. Tết còn có người phải bực mình vì con nợ tới đòi phải thanh toán trước khi năm hết Tết đến, khiến cho nhà thơ khoa bảng xuất thân Nguyễn Khuyến phải chạy trốn trong men rượu, để rồi ờ ờ à à ra vẻ ta đây chẳng thiết gì với nàng Xuân thế tục:
Tối ba mưới, nợ réo tít mù, ờ ờ Tết Sáng mồng một, rượu say túy lúy, à à
Xuân Rồi nhà nho lại phóng bút viết thêm câu đối nữa, để đùa với thú phong lưu vừa nằm khểnh nghe tiếng pháo nổ đì đùng, vừa tự chuốc cho mình những chén rượu nồng say điên đảo:
Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo
Tết đã đến với những “hai hàng câu cối đỏ” dán trên hai cột trước nhà các thi sĩ lẫy lừng thuở ấy: Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến; thì sao lại không đến dưới mái nhà tranh đạm bạc của con người tài hoa mà khinh bạc, mỗi dòng chữ viết ra, dù là dưới hình thức câu đối khô khan, cũng làm xúc động lòng người đến tê tái, ngay giữa lúc Xuân về? Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo Nhân tình trắng thế lại bôi vôi!
hoặc:
Không dưng Xuân đến chi nhà tớ Có lẽ Trời nào đóng cửa ai?
(Trần Tế Xương)
Ðó là các cụ, đời xưa. Gần gũi chúng ta hơn, nhà văn Khái Hưng của Tự Lực Văn Ðoàn cũng không quên mài mực viết trên giấy đỏ những hàng câu đối chào Xuân:
Bốn nghìn lần: Xuân Hạ Thu Ðông, vạn vật loanh quanh vòng lẩn quẩn
Ba ngày Tết: xôi dê rượu thịt, muôn dân hì hục chén no nê
Rồi đến một thời nào đó, có những chàng “thanh niên, sinh viên, học sinh” xuất thân từ các ngôi trường nổi tiếng “nhất quỷ nhì ma”, cũng học thói người xưa, đùa vui với trò viết câu đối bằng chữ quốc ngữ theo mẫu tự La Tinh, viết xong rồi ném lên bàn, rồi cũng ngất ngưởng bên những ly rượu mạnh mà ngâm nga khề khà chẳng kém:
Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế Xuân sang xong xổ số, say sưa sắm sửa sẳn xu xài
Như vậy đó, ở những thời đại xa xưa, đời sống trầm lặng và đạm bạc của ông bà, tổ tiên ta lúc nào cũng rộn ràng lên với chữ nghĩa. Thơ, phú, hò, vè và câu đối, viết tự những thuở nào, vẫn cứ vang vang mãi bên tai người hậu thế, đúng như đã có nhận định rằng: “Thơ (nói chung) nhờ có vần có điệu nên dễ nhớ, dễ truyền tụng; vì thế, ở lại với đời lâu hơn cả”.
Câu đối cũng là một hình thức thơ, cho nên, cho đến nay, những ai đã một lần nghe tới, biết tới thì không thể nào quên; chuyện này, vẫn là câu chuyện của cái bà Hồ Xuân Hương (mà cho đến nay vẫn còn chưa được khẳng định là có thật hay không) nghịch ngợm và trai lơ, chẳng biết làm cái nghề gì mà suốt ngày rảnh rỗi ngồi xướng họa, đối đáp với các ông đồ “dài lưng tốn vải”, đặc biệt là ông Chiêu Hổ nào đó. Nàng ra câu đối rằng: Mặc áo giáp, cài chữ đinh; mậu, kỷ, canh, khoe mình rằng quý Chàng hiểu ngay rằng trong câu ấy có 6 cái “can” trong 10 cái là: giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý; liền đáp, không cần suy nghĩ:
Làm đĩ càn, tai đeo hạt khảm: tốn, ly, đoài, khéo nói rằng khôn. Ðáp như vậy là Hổ đã chửi xéo Hương, đồng thời đem 6 trong 8 cái “quẻ” ra để đập lại nàng... Thế mà ai bảo rằng họ là một đôi nhân tình, được chứ! Chẳng qua chỉ là chuyện chơi chữ, khoe tài mà thôi!Ðó là chưa kể vô số câu đố nói riêng về Câu Ðối thôi qua đó người ta thấy bà nữ sĩ này tỏ ra đanh đá chua ngoa, khó lòng mà thương cho được! Ðể chế nhạo châm biếm ông quan, nàng viết:
Võng đào quan lớn đi trên ấy Váy thủng bà con vỗ dưới này...
Lại trở về với Tam Nguyên Yên Ðổ. Riêng về thể Câu Ðối, dường như ông được khâm phục nhất với hai câu này, cả hai vế đều do ông viết, để mừng một ông quan võ vừa được triều đình thăng chức, đặc điểm là ông này là người bị chột mất một mắt. Ðối rằng:
Cung kiếm hai tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại Triều đình cử mục, anh hùng chỉ có một ngươi thôi!
Cũng như Nguyễn Công Trứ, thuở còn là học trò, một hôm mẹ sai cầm tiền ra chợ mua tiêu hành gì đó, giữa đường gặp bạn đánh đáo rủ chơi ăn tiền, cậu chơi khơi khơi vậy mà thắng, đến thu về cả mấy quan tiền. Khoái quá liền ứng khẩu đọc ngay:
Tưởng làm dăm chữ mà chơi vậy Ai ngỡ nên quan đã sướng chưa?
Câu đối này, ở một quyển sách khác, lại thấy được dẫn giải rằng là do một người chống lại nhà nước bảo hộ (người Pháp) viết ra, ngụ ý châm biếm (vì ganh ghét) nhà học giả nào đó, không đỗ đạt bao nhiêu mà lại đươc bổ làm quan to trong triều đình! (Cho nên về văn chương cổ nhân để lại, chúng ta chỉ nên thưởng thức cái hay, cái đẹp, còn xuất xứ của nó thường là không được chính xác bao nhiêu).Giai thoại về Câu Ðối còn dài dài. Như chuyện Mạc Ðỉnh Chi, người sinh năm 1280 (cách chúng ta hơn 700 năm, là hơn 7 thế kỷ) tại tỉnh Hải Dương, miền Bắc. Ông đỗ Trạng Nguyên, nổi tiếng văn hay chữ tốt, nên thường được triều đình cử đi sứ bên Tàu. Trước vua Tàu, ông đối đáp bằng câu đối, lúc nào cũng thu được lòng cảm phục, nể nang. Lần kia, cũng trên đường đi sứ qua Tàu để chúc mừng vua nhà Nguyên mới lên ngôi, khi ông vừa tới được ải quan thì hết giờ, cửa đã đóng. Mỏi mệt vì đường trường vất vả gian lao, nên ông năn nỉ xin cho được ngủ nhờ. Quan giữ ải nghe tên ông Trạng nước Nam họ Mạc là người đã được chính vua Tàu phong là Lưỡng Quốc Trạng Nguyên, thì cũng nể, nên gật gù nói: Ðối được câu này thì cho ngủ nhờ thôi! Ðối rằng:
Ðáo quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan Nghĩa là: Tới ải trễ, cửa ải đóng, xin khách qua đương cứ việc qua.
Ông liền đáp ngay: Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối
Nghĩa là:
Ra câu đối thì dễ, đáp câu đối thì khó, xin mời ngài đối trước.
Cái hay không những ở nghĩa, mà còn ở những chữ “quan” ở vế trên lập lại 4 lần, chữ “đối” ở vế dưới cũng 4 lần như vậy. Úi chu choa! Ðáp một câu đối như vậy mà không cần suy nghĩ dăm ba phút, mà “liền đáp ngay” thì đúng là tài thánh, chứ đâu phải tài người! Vậy mà, thời ấy, thời xa xưa ấy, còn nhiều người tài như thế, hay hơn thế nữa cơ!
Sau đây, xin cống hiến vài ba giai thoại khác, cũng từ những tên tuổi lẫy lừng, cho nên mới còn truyền tụng đến ngày nay.Như đã nói ở trên, Câu Ðối là một hình thức văn chương để thử tài năng, trí thông minh, tài đối đáp: Vua ra câu đối cho dân, bố vợ tương lai ra câu đối cho chàng rể đang kén chọn, ông quan ra câu đối cho thằng dân đen phạm tội, để cho y có cơ hội đem tài chuộc lỗi. Có lắm giai thoại từ xưa còn truyền tụng, đến nay nghe lại nhiều khi lấy làm khó tin, và lắm lúc buồn cười... chịu không nổi!Thử tưởng tượng một ông vua đang ngồi trên võng trên kiệu uy nghi lẫm liệt mà có thể ngừng lại giữa đường để ra câu đối như thế này, thì có lẩm cẩm không? Thế mà là chuyện có thực! Số là hồi còn mồ ma... chế độ phong kiến, mỗi khi xa giá nhà vua đi tới vùng nào là tất cả trăm dân đều phải biến dạng vào chỗ nào đó cho khuất mắt, chứ không được chường cái bản mặt ra đứng sờ sờ giữa trời đất. Thế mà hôm ấy, Vua đi ngang qua chỗ bờ sông kia, có một gã thiếu niên nọ chẳng những không tìm chỗ trốn, lại ngang nhiên cổi áo nhảy tõm xuống hồ vẫy tay vẫy chân mà bơi. Quân sĩ xanh mặt, vội bắt y trói hai tay dẫn tới trước Mặt Rồng. Vua thấy... có vẻ học trò (nghĩa là đáng yêu đáng quý lắm ấy) bèn truyền rằng: Ra Câu Ðối, nếu đối được thì tha, bằng không thì phải chịu đòn thí mạng (như cái thằng Fay từ Mỹ qua Tân Gia Ba năm 1994, để chịu phạt mấy chục hèo, làm nhục cả quốc thể nước Cờ Hoa). Vua nhìn xuống sông, nói:
Nước trong leo lẻo, cá đớp cá
Chàng thiếu niên liền đáp:
Trời nắng chang chang, người trói người
Vua gật gù, xuống lệnh tha ngay. Thì ra, thiếu niên ấy sau này là... nhà thơ ngông nghênh Cao Bá Quát! Thảo nào! Con người có tài văn chương này suốt đời tỏ ra cao ngạo, chẳng coi ai ra gì, nên bị người ta ghét! (là phải). Cho nên con đường làm quan (gọi là “ hoạn lộ”) phải gặp trắc trở nhiều phen, có lần từ địa vị cao sang bị đổi xuống làm thầy giáo quèn ở một nơi đèo heo hút gió, suốt ngày ngồi dạy dăm ba đứa học trò trong gian nhà trống, để lại cho đời sau đâu đối “cười ra nước mắt” mà cho đến nay, ai đã từng là học trò đều nhớ cả:
Nhà trống đôi ba gian, một thầy một cô một chó cái Học trò dăm bảy đứa, nửa người nửa ngợm nửa đười ươi.
Rồi, ông nổi lên làm loạn chống lại Triều Ðình; cuối cùng bị bắt điệu về nguyên quán để chịu chết chém, cùng với cả họ! Ðến lúc lưỡi dao sắp chém xuống đầu, “thi sĩ” vẫn còn ngông, coi cái chết nhẹ tựa lông con ngỗng!
Ba hồi trống giục, đù cha kiếp Một nhát gươm đưa, đéo mẹ đời!
Chỉ vì tội tày trời của Cao Bá Quát, mà đại họa xảy đến cho cả gia đình, đại gia đình, và cả ba đời (tru di tam đại) như đã nói.Cao Bá Ðạt, khi hay được tin trên, đã ngất xỉu một hồi lâu, khi tỉnh dậy, liền khóc rống lên mà đọc câu đối như kêu trời, kêu đất rằng:
Khấp cùng vũ trụ thiên vô bácNộ đảo sơn hà địa dục dông Nghĩa là : Khóc cùng vũ trụ trời không tựa Giận đổ sơn hà đất muốn xoay
Người cùng thời, nổi tiếng về văn thơ ngang hàng với Cao Bá Quát, là Lê Văn Siêu thần Siêu, thánh Quát khi được hung tin này, đã làm câu đối khóc thương hai anh em nhà họ Cao, thống thiết như sau:
Tối liên tai, quán cổ tài danh, nan đệ cánh nan huynh, bất thế ngẫu sinh hoàn ngẫu tử Khả tích dã, đáo đầu sự thế, thử nhân nhi thử ngộ, hỗn trần lưu xú diệc lưu hương
Dịch là:
Thảm thương thay! nức tiếng tài danh, anh giỏi em giỏi, đời dễ mấy người cùng sống thác Khá tiếc nhỉ! đến nơi sự thế, người này cảnh ấy, đời lưu một tiếng để danh thơm.
Sau đây là một câu chuyện về Cô Gái Bán “Bar” đời xưa: Không phải tới đời nay, gần cuối thế kỷ hai mươi, người Việt Nam ta mới biết đến chuyện mở quán để các nàng kiều nữ có dịp gần gũi các đấng trượng phu, để các “người đẹp thành Hồ” bắt mối với các chàng “Việt kiều quy cố hương” đi xe hơi láng coóng... thường rước lấy cho mình cái “mác” chẳng lấy gì làm đẹp là “ Sở Khanh” lừa tình, bịp tiền...
Vâng, không phải tới nay mới có quán: quán bia nhậu, quán bia ôm, quán karaoke... mà tự đời nào kia! Như trong các giai thoại văn chương thường truyền tụng:
Bà Hồ Xuân Hương từng là một cô chủ quán, để từ cái quán nước chè xanh gặp gỡ bao nhiêu là hiền nhân quân tử; bà Ðoàn Thị Ðiểm tức nữ sĩ Hồng Hà, cũng từng là một cô chủ quán... nước chè thôi, không phải cà phê hay la de! Là một cô chủ mở quán theo lệnh vua - dưới thời vua Lê, chúa Trịnh, thế kỷ thứ 18 - để có dịp đối đáp với các Quan sứ thần Trung Quốc, cho họ biết tay đàn bà nước Nam chơi! Nghĩa là các ông Tổng Trưởng Ngoại Giao, Sứ thần của mẫu quốc thời ấy, mỗi khi đi ra ngoài, thì thường chẳng có chỗ nào để “ghé chơi” hơn là các quán nước ở vệ đường! Khi Sứ giả Thiên triều vào quán nước, trông thấy cô chủ quán xinh đẹp (Ðoàn Thị Ðiểm), bèn tức cảnh sinh tình ra ngay câu đối (cũng buồn cười thật!) để thử tài ấy mà! (Cái mốt của thời ấy là như vậy!). Ðọc ngay một câu rằng:
Nam bang nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh?
Nghĩa là: Một mảnh đất của nước Nam kia, chẳng biết ai là người người cày vậy?
Ðại ý, như mấy anh trai làng nọ, khi ngỏ lời tán tỉnh người đẹp trai lơ, đã hát ỡm ờ rằng:
Thân em như tấm lụa đào Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
Cô gái Ðoàn Thị Ðiểm lập tức đối lại ngay:
Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất!
Nghĩa là:Các bậc đại trượng phu của nước Tàu cũng ở cái đồ ấy mà ra cả!
Ðối đáp nhanh lẹ, đanh đá lắm, đồng thời cũng tỏ ra cái thông minh sắc bén của người đàn bà nước Nam, dầu chỉ là một cô hàng nước, một loại gái bán “bar” của thời đại bấy giờ. Ðó là khi nữ sĩ họ Ðoàn đã đóng vai “cán bộ” tuân hành chỉ thị của “Trên” để ra ngoài làm công tác “địch vận” quân Tàu, chứ còn trước đó, tuy còn ở trong khuê phòng tường cao cổng kín, bà cũng đã từng có dịp gần gũi với bạn trai, dù chỉ để ngâm vịnh xướng họa thôi. Cứ theo những giai thoại về Hồ Xuân Hương, Ðoàn Thị Ðiểm xưa nay truyền tụng, thì cái khuôn phép đặt ra cho sự giao thiệp của nam nữ thời bấy giờ qua câu “Nam nữ thọ thọ bất thân” chẳng lấy gì làm vững chắc, trái lại, còn có vẻ lỏng lẻo và... vượt rào quá lắm.
Chẳng hạn như, chúng ta được biết, khi ông Cống Quỳnh, tức Trạng Quỳnh ở trong nhà cụ Bảng Nhãn là thân phụ của cô Ðiểm thì “thừa lúc vắng vẻ” hai người ngồi sát bên nhau; có một hôm hai người cùng ngồi trong nhà nhưng cách một bức vách có hai cửa sổ trông ra sân, Ðiểm đọc câu đối rằng: Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song. Câu này ông Trạng chịu, không đối được. Lại còn một câu nữa táo bạo hơn nhiều. Sách chép rõ ràng rằng, một hôm, Ðiểm đang tắm, Quỳnh gõ cửa đòi vào, Ðiểm giẫy nẩy không cho, Ðiểm liền ra câu đối cho đấng nam nhi tài hoa này, la nhéo nhéo lên rằng “đối được thì thưởng” (không biết thưởng gì?), sau đó ông Quỳnh đành chịu ngậm hột thị, mà mãi mãi đến nay, cũng đã nhiều người cố gắng “thử chơi”, nhưng xem ra, chưa ai lọt được vào vòng bán kết, xin mời hải ngoại chư quân tử, nhân dịp Xuân về, thử nặn óc xem sao! Câu đối vỏn vẹn có năm chữ:Da trắng vỗ bì bạch!Ðể kết luận, chúng ta thấy rằng: Câu Ðối quả thật là một trò chơi hữu hiệu nhất để tỏ rõ cái biệt tài ứng đối của người xưa, qua đó con người đấu trí với nhau một cách thích thú, và cũng có dịp để tha hồ tỏ lộ cái thông minh, cái kiến thức của mình nữa.Chơi Câu Ðối cũng như Chơi Cờ Tướng, nhưng có phần hấp dẫn hơn, vì còn có văn chương chữ nghĩa và ngâm nga, xướng họa nữa chứ. Nhắc lại rằng, đã đến năm 2002, đã tàn thế kỷ thứ hai rồi, mà cái câu đối vỏn vẹn năm tiếng ấy của bà Ðoàn Thị Ðiểm vẫn chưa ai đối được đấy, quý vị ạ! Bà Irina Zisman, một người Nga đã có thời nổi tiếng trong cộng đồng người Việt hải ngoại vào thời kỳ nước Nga “thôi cộng sản” để trở thành chiến sĩ của Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền... vâng, bà Irina Zisman, người có khả năng viết tiếng Việt “không thua gì chúng ta” (lời giới thiệu của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ) đã ghi nhận trong “ Bút Ký Irina tập 1” của bà rằng: “Nếu tôi không nhầm, chính giáo sư ngôn ngữ học Nguyền Tài Cẩn tại Nga là người đã đối được câu văn nổi tiếng kia của Ðoàn Thị Ðiểm: “Rừng sâu mưa lâm thâm” để đối lại với “Da trắng vỗ bì bạch” thì đâu có chỉnh được ... 10 phần! Bởi vì Rừng thì là Lâm, Sâu thì là Thâm thật đó, nhưng đâu có tượng hình như “vỗ” và tượng thanh như “bì bạch”, phải không thưa chị Irina rất yêu quý dân tộc Việt Nam của chúng tôi? Ðầu Xuân Năm Mới, xin mời hải ngoại chư quân tử cũng như các cây bút nữ Việt “lưu dân” thử so tài với nữ tiền bối tài hoa của chúng ta một lần, cho khuây nỗi sầu ... khủng bố?
Virginia,Miền Ðông Hoa Kỳ Vi Khuê
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |