|
|
Truyện/Ký |
THÁI BÌNH QUÊ HƯƠNG MẾN YÊU
|
THÚY SƠN - đăng lúc 05:05:35 AM, Jan 02, 2005
Các cụ ta ngày xưa hay nói rằng: “Buồn ngủ lại gặp chiếu manh. Hay ăn làm biếng lại gặp anh đứng đường.” Có ý nói một người nào đó, ví dụ như một anh nông phu miền Bắc hồi xưa, đang buồn ngủ mà chưa kiếm được một chỗ ngả lưng, vì trong nhà chẳng có giường phản gì. May mà anh gặp được manh chiếu, ở góc nhà, thế là trải ra làm một giấc. Giấc ngủ hẳn là thú vị... mê tít cung mây. Ðại ý câu nói đó biểu hiện một cái gì may mắn xẩy đến cho một người “Vô công rỗi nghề” như tôi.
Buổi chiều thứ năm vừa rồi. Sau khi ngủ nghê và tắm rửa xong. Tôi ra ngoài bàn viết kê gần ngay bên cửa sổ. Gác hai chân lên bàn, nhìn qua khung cửa, xa xa về phía trời đông. Nhữờng rặng núi đồi xanh xanh ẩn hiện sau rừng cây thấp thoáng những mái nhà lấp lánh bóng chiều nghiêng đổ. Tôi được cái may mắn là định cư tại miền đất San Jose, thung lũng hoa vàng này trên hai chục năm nay. Ðang ngồi nhìn xa, nhìn gần thả hồn lang thang , nghe lá vàng bay, như một nhà thơ nào đã nói về mùa Thu tàn. Nhưng bây giờ thì đã quá thu rồi, trời đã sang đông. Những cây phong, cây điệp trước cửa nhà, đã trơ trụi. Thỉnh thoảng mới có một chiếc lá cuối mùa từ từ rơi xuống mặt đường.
Vừa lúc đó, thì chiếc xe của người phát thơ đi qua. Theo lệ thường ở khu phố tôi, cứ 3, 4 giờ chiều thì xe thơ đi tới. Người Bưu Chính đem thơ bỏ từng nhà đã có thùng thơ gắn sẵn trước cửa. Chớ không như ở bên mình, Bưu Tín Viên đi từng nhà để phát thơ, và thường thường là đưa tận tay cho người trong nhà, để còn làm “thủ tục đầu tiên”. Còn ở đây không có lệ đó, mà cứ nhét thơ và báo chí, hay những tờ quảng cáo vào thùng thơ, rồi chủ nhà ra lấy. Tôi vừa ra mở thùng thơ để lấy, thì nhận được một mớ thư từ Việt Nam, và có cả một cuốn DVD của Hội Ðồng Hương Thái Bình gửi cho. Bên ngoài có hai tấm hình chụp buổi lễ ra mắt ban chấp hành của hội vào ngày Chủ Nhật 21-11-2004. Trên tấm hình thứ nhất: Ngoại trừ một ông, có lẽ là MC ra, còn lại là tám bà “mệnh phụ” cả, vị nào cũng “chói lọi ánh hào quang”. Còn tấm hình dưới thì có 22 vị, cả nam lẫn nữ, mà tôi chịu chết, chẳng nhận diện được vị nào. Ngọai trừ hai bà mặc áo vàng và áo xanh nỗi bật hẳn lên, ở tấm hình thứ nhất..
Măt trái cuốn DVD là bức sơ đồ tỉnh Thái Bình, mà tôi nhận biết mới lấy từ trên “trời” xuống. Tôi thấy chỉ còn có 7 huyện, vì “họ” đã gom lại cả hai ba huyện làm một, nên chỉ còn lại là: Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Ðông Hưng, Thái Thụy, Vũ Thư. Kiến Xương và Tiền Hải.
Lập tức tôi liền cho vào máy và mở ra coi. Thật là tưng bừng, náo nhiệt. Ðủ cả nam thanh, nữ tú. Chẳng những có các cụ già 7, 8, 9 bó mà có cả thế hệ hâu duệ, thứ hai, thứ ba cũng tham dự. Tất cả trên 600 người (trên 60bàn). Khi “cụ” điều khiển chường trình giới thiệu rồi đến phần khai mạc Ðại Hội. Cũng có chào 2 Quốc Kỳ Mỹ - Việt, và mặc niệm. Nhưng có điều cụ MC đã quên trong phút mặc niệm, để...” Tưởng nhớ đến các vị Tiên Hiền Liệt Thánh đã có công dựng nước và giữ nước...”
Ðến phần giới thiệu các vị đồng hương từng phủ, huyện thì ống kính lại thiếu sót, không cho tụi tôi ở xa xăm được chiêm ngưỡng, mà ống kính chỉ lướt qua có một vài chỗ thôi à! Rõ nét nhất là nhà thơ Việt Bằng, Bác sĩ Ðinh thị Mai, nhà thơ Cao Tiêu, Ðại tá QLVNCH. 10 bàn kế tiếp của các Bác sĩ, Luật sư, Dược sĩ và các Ðại tá, trung tá, nhìn không rõ mặt. Thật là tiếc ngẩn, tiếc ngơ ! Ðến lượt bà Hội Trưởng lên đọc diễn văn khai mạc. Người mà lần “nhất sơ” tôi mới được diện kiến trên màn ảnh. Người cũng đẹp lão và có da có thịt đấy chứ? Theo cụ MC, Trung tá Trần Quốc Bính, Bộ Tổng Tham Mưu giới thiệu bà Hội Trưởng là cô giáo Dương Thị Chị, người Duyên Hà, nguyên là Phụ Tá Hiệu Trưởng trường Chợ Quán, Saigon hồi trước.
Tôi nhớ lại hồi năm 1936, 37, cụ thân sinh ra bà là một nhà giáo đã từng dậy tại trường hàng tổng ở xã Nguyên Lâm, thuộc phủ Tiên Hưng. Xã Nguyên Lâm có cái tên nôm là làng “Chợ Khô”. Chợ Khô thuộc Tiên Hưng, còn xã tôi thuộc Duyên Hà, nhưng hai xã lại giáp ranh nhau. Nhà tôi cũng có ruộng phụ canh tại đó nên thường đi lai giao dịch, có mấy lần tôi đến thăm trường Nguyên Lâm nên được biết cụ.
Nghe bà Hội Trưởng đọc diễn văn khai mạc và giới thiệu chương trình hành động làm tôi tràn ngập niềm hân hoan và hi vọng nồng nàn, chỉ muốn “nhẩy bổ” xuống miền nam Cali, để phụ giúp bà một tay, hay hai tay cũng được. Nhưng nghĩ lại với cái thân tàn, tám bó rưỡi, mà thấy lòng ngao ngán vô ngần. Tôi cứ chờ bà Hội Trưởng giới thiệu “cặn kẽ” ban chấp hành để xem có quen biết được vị nào không, mà chỉ thấy bà nói sơ qua, nên đành chịu, chỉ biết được có cô Bích Ty, (Cho tôi nói nhỏ một tí nhé là: Người đẹp và duyên dáng trong tà áo xanh xanh... ).
Mấy bài diễn văn của các “cụ cao thủ võ lâm”, thì tôi không dám có ý kiến gì, bởi đều hay và hùng biện cả. Tuy nhiên, có một bài nói về tỉnh Thái Bình của Giáo Sư Phạm Văn Chiểu. Anh Chiểu và Anh Miên tôi đã gặp hồi 1952 khi mới hồi cư về thị xã Thái Bình. Ðã trên năm mươi năm nay giờ mới được nhìn lại. Tôi không còn nhận được nữa. Có anh Miên là em trai anh, bạn học của mấy đứa em tôi, thường lại nhà tôi chơi, nên giờ gặp lại chắc còn nhớ được phần nào. Trong bài giới thiệu về Thái Bình, anh Chiểu có nói:“ Nếu vị nào biết gì thêm, xin bổ khuyệt...”
Vì vậy, phần tôi tuy không được học hành nhiều, nhưng thời gian 1945 về sau, tôi có đi “lang thang” nhiều nơi, nên biết ít nhiều về quê hương mình. Vì vậy xin phép anh cho tôi góp một vài ý kiến về đất Thái Bình thân yêu của chúng ta.
Tỉnh Thái Bình- Theo Giáo Sư Ðào Ðức Chương, và cũng là Thi Sĩ Việt Thao, hiện là Phó Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, có bài đăng trên tờ Làng Văn số 145 xuất bản tháng 9 năm 1996, thì: Thái Bình được thành lập do Nghị Ðịnh của Toàn Quyền Ðông Dương, là Piquet, ký ngày 21 tháng 3 năm 1890, gồm có phủ Thái Bình, và huyện Thần Khê thuộc tỉnh Hưng Yên, và một phần đất của trấn Nam Ðịnh là phủ Kiến Xương. Ðến năm 1894 lại được sát nhập thêm hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà là đất của tỉnh Hưng Yên. Ðến đầu thế kỷ 20 thì Thái Bình đã có 3 phủ và 9 huyện là: - Ba phủ: Kiến Xương, thái Ninh và Tiên Hưng. - Chín huyện là:Hưng Nhân, Duyên Hà, Thư Trì, Vũ Tiên, Quỳnh Côi, Phụ Dực, Ðông Quan, Thụy Anh và Tiền Hải. Nhưng ngày này thì “họ” đã gom lại chỉ còn có 7 huyện như ta đã thấy trên bản đồ mới. Danh từ Phủ được xóa bỏ. Ngày xưa dưới chế độ phong kiến và thuộc địa phải phân biệt phủ và huyện. Theo quan chế thì Phủ lớn hơn Huyện. Tri Phủ hàm chánh Thất phẩm, còn Tri Huyện chỉ là Tòng Thất Phẩm mà thôi. Tiếng Pháp cũng gọi Phủ là” Préfet”, còn huyện là” Sous-Préfet”. Nghĩa là cấp dưới. Theo tôi chữ “sous” (xú) bao giờ cũng kém, nhất là chữ Hán, càng không hay, ngoại trừ “xú... chiêng”.
Nói đến phủ và huyện làm tôi lại nhớ đến hồi 1942 khi Chính Phủ ta phải thu thóc đóng cho quân đội Nhật Bản. Ở huyện tôi lúc đó có ông tri huyện là Lương Danh Môn, đã có công thu thặng dư số thóc phải ấn định cho mỗi phủ huyện, nên nhà nước đã đặc cách thăng thưởng cho Ông lên chức Tri Phủ. Nhưng vì các phủ đã có chỗ ngồi cả rồi, nên ông huyện cứ việc ở lại huyện và đeo thẻ bài Tri Phủ. Khi ông này về làng tôi thu thóc, tôi thấy trên bài ngà của ông có 4 chữ “Duyên Hà Tri Phủ”. Tôi không biết, nghĩ rằng huyện Duyên Hà được nâng cấp lên thành “Phủ Duyên Hà”Ư. Tôi hỏi ông chú lúc đó đang làm Chánh Tổng Vị Sĩ, thì được ông trả lời: “Ðó là thăng chức, nhưng không có phủ nào trống,nên cứ ngồi lại,để chờ”.
Trong bài giới thiệu của Giáo Sư Phạm Ngọc Chiểu, cũng như của một vị đồng hương nói lúc đầu, có lẽ là nhầm lẫn đã nói là Phủ Tiền Hải, và phủ Quỳnh Côi. Hai huyện này không là phủ mà chỉ là huyện. Duy có Phủ Tiên Hưng, thì trước Thế Kỷ thứ 19 thì gọi là Huyện Thần Khê, sau này nâng lên cấp Phủ và đổi là Phủ Tiên Hưng. Vì vặy câu ca dao: “Phải là con mẹ con cha. Sinh ra ở đất Duyên Hà Thần Khê” chỉ hai huyện này. Duyên Hà cũng có người đọc là Diên Hà, vì trong Hán tự hai âm này cũng cùng một chữ. Thuộc bộ “Dẫn” có chữ “Chính” ở trong.
Làng tôi và mấy làng lân cận như: An Lập, An Liêm, Vạn Di, Liêm Thôn, ngày xưa chưa có phân chia thì gọi chung là An Liêm. Lúc đó An Liêm còn trực thuộc huyện Thư Trì, ở bên hữu ngạn sông Trà Lý, cho nên trong sách địa lý của Tả Ao có câu: “Ðế vương nhất đại, huyệt tại Bờ La, thuộc An Liêm Thư Trì.” Khi thành lập tỉnh Thái Bình thì An Liêm được sát nhập vào huyện Duyên Hà, thuộc tả ngạn sông Trà Lý. Ðến năm 1946, mấy xã này lại xin gia nhập vào Tiên Hưng. Cho nên bốn xã chúng tôi trước kia thuộc Thư Trì, rồi Duyên Hà rồi Tiên Hưng. Vì vậy chúng tôi muốn “làm sang bắt quàng làm họ” mà gọi là người gốc Duyên Hà cũng được, mà gốc Tiên Hưng cũng được, hoặc giả là gốc Thư Trì cũng không sao.
Dân số cũng như đất đai thì mỗi ngày một phát triển. Ðất Thái Bình ngày nay đã rộng lớn tới gần 21 ngàn cây số vuông. Còn dân số thì tôi không biết chính xác là bao nhiêu. Hiện nay khoảng chừng trên 2 triệu Nhưng tôi biết riêng biến cố nám 1945, mà người ta quen gọi là vụ “Chết đói năm Ất Dặu” đã tiêu mạng hết gần một triệu.
Như lời một vị đồng hương đã phát biểu: “Thái Bình là đất địa linh nhân kiệt, có nhiều danh gia vọng tộc, nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều công kỹ nghệ...” cũng chẳng có sai một tí ti nào. Nhân kiệt thì Thế Kỷ trước, ở Duyên Hà có Học Giả Lê Quý Ðôn và Ất Tiến Sĩ Nông Sơn Nguyễn Can Mộng, ta thường gọi là cụ Bảng Can. Khi còn học ở tỉnh Thái Bình, thỉnh thoảng tôi có được nghe cụ diễn thuyết vào các ngày lễ lớn, như ngày Ðộc Lập của Pháp 14 tháng 7, mà ta quen gọi là ngày “Cát tó duy dê”. Cụ Phó Bảng người cao và quắc thước, tiếng nói sang sảng, không đậm người như ông Nguyễn Mạnh Nhụ, là lệnh nam bây giờ..
Phủ Tiên Hưng có cụ Lương Quy Chính, Tổng Ðốc Tam Tuyên* kiêm Thượng Thư bộ Lễ (Giáo Dục) và nhiều thế gia như gia đình cụ giáo Du, 30 người đều là bác sĩ, hầu hết hành nghề tai Mỹ v.v...
Doanh Ðiền Sứ Nguyễn Công Trứ thời niên thiếu cũng đã theo thân phụ đến học tại Thái Bình lúc thân phụ ông là Nguyễn Công Tấn, đang làm Tri Huyện Quỳnh Côi và sau làm Tri Phủ Tiên Hưng. Cụ Nguyễn Công Trứ là người hào hoa phong nhã, thích vui thú cầm ca. Câu truyện “Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng?” của cô đầu Hiệu Thư, ở ngôi miếu cổ làng Tường Yên thuộc huyện Thư Trì, ai ai cũng đều biết. Ngôi miếu này chỉ cách làng tôi độ hai cây số ngàn và con sông Trà Lý. Mỗi lần đi tỉnh về tôi lại đi qua ngôi miếu cổ mà nhớ đến cụ Nguyễn Công Trứ hào hoa.
Kiến Xương còn có nhà ái quốc Bùi Viện, người đã từng được Vua Tự Ðức cử lăm “Sứ Thần” sang Hoa Kỳ vào năm 1870. Rồi nhà đại Thi hào Nguyễn Du đã có thời gian 10 năm tá túc tại quê ngoại ở Ðông Quan.
Sau là phần văn nghệ giúp vui. Quả thật là vui, có rất nhiều “cây nhà lá vườn”, nam cũng có mà nữ cũng có. Ðều là những “giọng oanh vàng xao xác bên tai...” Chẳng thua kém gì những ca viên thượng thặng. Cô MC Bích Ty cũng ngâm bài thơ “Nhớ Thái Bình của Trung Tá Phạm Thế Việt người Phương Xá, nghe rấ ư là ... mùi mẫn. Nói theo tiếng miền Nam. Có điều lúc cô ca thì còn thấy có bông hoa “Bạch Ngọc” cài trên cúc áo, mà đến lúc sau thì hoa đã rơi đâu mất.Tôi để ý trông trên thảm đỏ mà cũng không thấy.
Ðến màn trống cơm, của một nữ đồng hương duyên dáng Yến Vi, sinh trưởng ở Mỹ, thế hệ thứ ba, cũng mái tóc vấn trần, yếm thắm, áo dài. Tuy không phải là áo tứ thân, nhưng cũng buộc hai vạt áo về đằng trước. Chỉ còn thiếu đôi dải yếm đào, và chiếc thắt lưng màu thiên lý nữa, là ra cô gái Bắc Ninh chính hiệu con nai vàng. Tuy trống không có cơm ở mặt trống, nhưng cô vỗ cũng điêu luyện lắm. Trông thật mát con mắt. Ðến khi cô ca bài “Làng Tôi” của Nguyễn Chung Quân, nghe mới “đã” làm sao? Bài hát này tôi thích ngay từ hồi 60 năm về trước.Nhưng chỉ thuộc rồi ê a chứ không biết hát.
Ðến lượt em bé Lan Vi, mới có 9 tuổi mà ăn mặc cũng chững chạc như người lớn. Khăn Hoàng Hậu và quần áo giầy dép đều một màu ... đỏ chót. Em cũng ngâm thơ, và ca bài “Nhà Việt Nam” của Thẩm Oánh. Rất là điêu luyện. Em trả lời cô Bích Ty là em sinh tại Garden Grove, và bài ca điệu múa là do mẹ em dậy. Em đã chỉ tay giới thiệu mẹ em, để cho khán giả thấy mặt người phụ nữ có mái tóc rất rậm (có dấu nặng) và dài. Bà ngượng ngùng đứng dậy, nhưng trong lòng chắc là vui mừng và hãnh diện có đứa con “ngoan”. Tôi có đọc truyện ngắn “Nắng Về Theo Bướm Lạ” của Hồ Trường An. Trong đó ông có viết: “ Ðẻ con khôn mát l... rười rượi.” Tôi thấy nhà văn này để chữ “l” rồi chấm chấm... Tôi nghĩ có lẽ là chữ “lòng”, vì mát lòng rười rượi, nghe cũng có lý lắm chứ? Không biết các vị cao minh nghĩ làm sao? Theo tôi thì: Những người mẹ có con khôn ngoan cũng mát lòng rười rượi như mẹ của bé Lan Vi vậy
Mấy vị đồng hương ca hát và ngâm thơ rồi Cô MC kêu gào mãi bác Cao Tiêu mới lên “đăng đàn”. Bác Cao Tiêu cũng xấp xỉ tuổi tôi rồi, mà trông bác hãy còn phong độ và tráng kiện đấy chứ? Ðăc biệt bác có cái miệng cười rất ư là duyên dáng và... lãng mạn. Bác Cao Tiêu là người rộng háng. (xin lỗi háng không có “g”). Tôi có duyên gặp gỡ bác nhiều, trên Làng Văn, nên quen thuộc. Bác Cao Tiêu ca bài “Hương Sơn Phong Cảnh” của Chu Mạnh Trinh. Một bài ca trù dôi khổ. Bác có đổi một vài chữ trong bài, nhưng không có sao? Miễn là hay và hợp “gu” là được. Tôi nói hợp gu là vì tôi cũng khoái cô đầu lắm. Ngày còn đi học ở Thái Bình, tôi trọ nhà người quen ở sát vách nhà bà Ký Ðường, một nhà nuôi cô đầu có hạng ở ngay ngã tư huyện Vũ Tiên, nên tôi cũng lõm bõm mấy nhịp gõ trống của ca trù. Nói không phải để lấy lòng bác Cao Tiêu. Nhưng giọng bác ca cũng chẳng thua gì nữ danh ca Minh Hà một cô đầu già ở phố Khâm Thiên thuở nào. Khi mới sang đây, hồi 1980, tôi có gặp bà này ở nhà anh Ðinh Văn Nhân cũng người đồng hương Thái Bình. Bà Minh Hà có tặng cho tôi một tập thơ của bà sáng tác, do bà viết tay. Khi bác Cao Tiêu ngâm đến câu: “Càng trông phong cảnh càng yêu...” Tôi mới sực nghỉ ra. Ðúng rồi! “Càng trông phong cảnh ngày đại hội đồng hương Thái Bình... càng yêu... quê hương quá chừng! chừng!...
Cuối cùng Bà Hội trưởng cảm ơn tất cả các Bác sĩ hiện diện trong buổi tiệc đã đưa ý kiến thành lập một cơ sở khám bệnh miễn phí phục vụ cho trên 100.000 đồng hương Thái Bình tại Westminster, và hứa sẽ tìm được cơ sở khang trang trong một thời gian ngắn nhất để các Bác sĩ có thể hoạt động được.
Xin cám ơn Cô Giáo Dương Thị Chi đã gửi cho tôi những hình ảnh thân hữu và đồng hương Thái Bình yêu dấu của chúng ta.
Thúy Sơn
* Tổng đốc Tam Tuyên là Tổng đốc ba tỉnh thay vì 1 tỉnh.
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |