|
|
Truyện/Ký |
NHỮNG KỶ NIỆM KHÔNG THỂ NÀO QUÊN
|
VIỆT BẰNG - đăng lúc 04:51:53 PM, Jul 22, 2005
1
Trung tuần tháng 8 năm 1950, tôi hồi cư về Hà Nội từ Thái Bình, thủa ấy hoc sinh về thành mỗi ngày một nhiều, trường Chu Văn An được chia làm 2 trường:
Một nửa ở lại ở lại trường Ðồng Khánh, gần Hồ Hoàn Kiếm và trường Trưng Vương, đổi tên mới - Trường Trung Hoc NGUYỄN TRÃI..
Một nửa dọn về Cửa Bắc, góc phố Ðỗ Hữu Vị và Quan Thánh vẫn mang tên cũ CHU VĂN AN.
Ngày 25/8/1950, tôi đến Nguyễn Trãi xin chuyển trường từ Trường Trung học Lê Quí Ðôn, Thái Bình với đầy đủ hồ sơ - Khai sinh, học bạ, thẻ học sinh v.v... Sau khi xem hồ sơ, thày Hiệu Trưởng Ðào Văn Trinh giao hồ sơ cho thày Khánh, Giám Hoc giải quyết.
- Trường hợp này sẽ nhiều, mình có đủ lớp để nhận không? Thầy Trinh hỏi. - Giáo sư của mình cũng về từ hậu phương, nếu chỉ nhận giáo sư mà không nhận học sinh có khe khắt không? - Thày Khánh đáp.
Sau đó thày Khánh quay lại nói với tôi: - Ngày 29/8, anh đến đây tham dự kỳ thi tuyển học sinh vào lớp Ðệ Ngũ, (Lớp 8) nếu anh chuyển từ một Trường Trung Học vùng Quốc Gia thì không phải dự kỳ thi này. Cứ yên tâm, về xem lại chương trình toán, phương trình bậc nhất 3 ẩn số, viết 1 bài luận Việt văn 2 trang và một bài dịch ngắn từ Việt sang Pháp hoặc Anh. Ngày 1/9, xem bảng trước khi vào phòng giám học nhận giấy vào lớp.
Ðến ngày thi, thí sinh có khoảng trên 10 người, trong đó có 3 học sinh Trung Học Lê Quý Ðôn, Thái Bình và 7 học sinh Trung học Nguyễn Khuyến Nam Ðịnh.
Ngày 1/9, tôi đi sớm xem bảng thấy có tên trong danh sách học sinh trúng tuyển vội đến Phòng Giám học nhận giấy, thày Giám thị đưa tôi vào lớp.
2
Khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết 20/7/1954, tôi dang học lớp Ðệ Tam (Lớp 10) trường Trung học Nguyễn Trãi.
Cuối Tháng 9/1955, Khi các lực lượng Viễn Chinh Quân đoàn Pháp triệt thoái trong một ngày, trên một tuyến đường dài 80 km từ Hà Nội đến Hải Phòng, do Trung Tướng Cogny và Trung tướng De Linarès thực hiện, Tướng VươngThừa Vũ tiếp thu Thủ Ðô và làm Thị Trưởng Hà Nội. Tướng Hoàng Văn Thái, làm Giám Ðốc Công An Hà Nội
Vì những biến cố này, Kỳ thi Tú Tài 1 đặc biệt phải tổ chức tại Hải Phòng thay vì Hà Nội. Ða số học sinh còn kẹt lại Hà Nội không xuống Hải phòng dự thi được
Gần cuối tháng 12/1954, tôi xuống Hải Phòng, hay la cà ở khu vực Chợ trời sách gần ngã tư đường Cầu Ðất và Cát Dài. Sách của người Hà Nội mang xuống Hải Phòng nhiều vô kể, đa số đã bỏ lại sách trước khi lên máy bay Pháp hoặc tàu Mỹ. Sách được bầy bán sold với giá rẻ không ngờ, tất cả các loại sách quý – bìa da, gáy chữ mạ vàng chỉ bán đồng hạng 10$ như La Structure du Comportement (Cấu Trúc của Hành Vi), La Phénoménology de la Perception (Hiện Tượng Học về Nhận Thức) của Merleau Ponty, và Les Aventures de la Dialectique (Cuộc Phiêu Lưu của Biện Chứng Pháp), L’imaginaire (Ảo Tưởng) của J.P. Sartre v.v... . Chỉ vài năm sau, khi học ở Văn Khoa, tôi đã phải dùng Hối phiếu của Unesco mua những cuốn sách này giá không dưới 400 Quan Pháp một cuốn.
Ngày 31-12-1954, tôi đến Tòa Thị Chính Hải Phòng ghi danh “vô Nam”. Ban Di Cư có hai phòng:
- Phòng do nhân viên Việt Nam phụ trách, lập Danh sách di dân và sắp xếp ngày đi cho họ. Bất cứ ai đến phòng này ghi tên dều được xếp đi tàu hải quân MARINE SERPENT của Mỹ
- Phòng kế bên do cô Geniève, người Pháp sắp xếp chuyến bay cho di dân người Âu và một số người Việt nói được tiếng Pháp.. Tôi chú ý đến phòng này vì tiếng nói trong trẻo rất nữ tính của Geniève khi cô khoe với người bạn gái – cô là một trong số rất ít người còn sống sót dưới căn hầm chỉ huy của tướng De Castries tại Ðiện Biên Phủ, trước khi đầu hàng. và cô cũng là tù binh đầu tiên được trao trả tại Bãi Cháy, Hồng gai.
Tôi ghi danh với Cô Geniève, cô vui vẻ sắp tên tôi trong danh sách chuyến bay ngày 02-01-1955, rời phi trường phi trường quân sự Cát Bi lúc 8g sáng, và tới Phi trường Tân Sơn Nhứt 12:30 trưa, cùng ngày
3
Cuối Tháng 03/1955, tôi đến trường Chu Văn An, phía sau của Pétrus Ký, xin chuyển trường từ Trung hoc Nguyễn Trãi Hà Nội, thầy Vũ Ngô Xán nhìn vào con dấu Nguyễn Trãi và chữ ký của thầy Hiệu Trưởng Ðào Văn Trinh, chấp nhận ngay và xếp tôi vào 11A2.
Thầy giám thị đưa tôi vào lớp đang trong giờ Anh văn của G.S Nguyễn Xuân Kỳ. Năm ấy tôi học với các thầy Lê Văn Lâm (Quang học), Nguyễn Văn Ðỉnh (Vạn Vật), Ngọc (Toán), Nguyễn Văn Ý (Pháp Văn), Vũ khắc Khoan (Việt Văn).
4
Ngày tựu trường 1/9 của năm học 1955-1956, tôi học lớp 12A2, đếm lại số bạn bè của lớp 11A2 chỉ còn 40 bạn, khoảng chừng 10 bạn đã rớt Kỳ thi Tú Tài 1, ở lớp 12A2 tôi có thêm 10 bạn mới, trong đó có anh Dương Minh Kính sau là Hiệu Trưởng Chu Văn An trước khi làm Dân Biểu Hạ Viện.
Năm học mới, học sinh tập trung vào các môn chính với các thày Hoàng Cơ Nghị (Lý), Phạm đình Ái (Hóa), Nguyễn Văn Ðỉnh (Vạn Vật), Nguyễn Ngọc (Toán) v.v...
Năm ấy, thày Hoàng Cơ Nghị. Cử Nhân Vật Lý Ðại Học Sorbone Paris vốn là giáo sư Trường Pháp J.J Rousseau, chưa rành tiếng Việt như những năm sau, trong lớp thầy giảng bài nửa tiếng Pháp, nửa tiếng Việt. Khi học sinh đặt câu hỏi khó, thày thường trả lời bằng Tiếng Pháp. Ngay đầu năm học, Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Dương Ðôn ra một thông tư nhấn mạnh Ngôn ngữ giảng dạy bậc trung học trong toàn quốc là Tiếng Việt. Vì vậy học sinh nhiều lần bắt bí thày, đôi lần thày giảng bài bằng tiếng Pháp, cả lớp giơ tay giả vờ nói “không hiểu”, nhiều từ Vật Lý, thày phải hỏi lại mấy học sinh bàn đầu “Chữ này tiếng Việt là gì”
Lối giảng dạy của thày trong lớp rất dễ nhưng đề thi Tú Tài 2 thầy ra rất khó, Thày kiêm nhiệm luôn giám đốc Nha Trung Học phụ trách ra đề và chọn đề thi các Kỳ thi Tú Tài 1 và 2.
Nhờ Kinh nghiệm của các lớp đàn anh, học sinh lớp tôi biết tủ của thầy ở cuốn G. Ève. Ngay từ giờ đầu cả lớp bày Annales Vuilbert trên mặt bàn. Vì vậy thầy yên chí học sinh không dùng G. Ève và ra đề thi trong cuốn sách này, nhiều bài kiểm và đề thi của thày y nguyên trong G. Ève có cả phần bài giải, rất hiếm khi thày đổi số cho khác đi một chút.
Trong lớp, thày nhấn mạnh nhiều lần - Vật Lý cũng như Toán cần làm nhiều bài tập, những bài tập sửa trong lớp chưa đến 50 bài, chưa đủ để thi Tú tài 2. Thực ra thủa ấy lớp tôi đã có phong trào thi đua làm toán Vật Lý với các lớp khác trong khối 12, một học sinh trung bình giải từ 100-150 bài toán Lý. Thành phần ưu tú làm trên 300 bài lấy từ sách Pháp, có người còn nghĩ ra đề mới không có trong sách nào. Thày biết rõ điều này khi kiểm soát vở bài tập của chúng tôi vào cuối năm học.
Buổi học cuối cùng, thày chúc học sinh may mắn trong Kỳ Thi Tú Tài 2 và khen học sinh 12A2 giỏi Vật Lý.
5
Mùa Hè năm ấy, tôi đậu viết Kỳ thi Tú tài 2, vào vấn đáp các môn đều trôi chảy, chỉ e ngại môn Pháp văn vào Thày Lúa, vị giám khảo nổi tiếng thường cho thí sinh 1 gậy trong kỳ thi Viết, nhưng hỏi vấn đáp lại dễ vì thày nghĩ rằng thí sinh đã đậu Tú Tài 1 và vào được vấn đáp Tú Tài 2 thì chẳng cần làm khó dễ. Môn tôi hy vọng để đat điểm Bình hay Bình Thứ là môn Vật Lý của thày Nghị nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược.
Khi vào vấn đáp, tôi cẩn thận trình thày Thẻ học sinh Chu Văn An và phiếu báo danh để trên mặt bàn của thày.
Tôi biết anh ở 11A2 năm ngoái và 12A2 năm nay, không cần trình thẻ, nói xong thày hất hàm hỏi: - Parlez la loi de Lenz et les courrants induits (Hãy nói về Ðịnh Luật Lenz và dòng điện ứng)
Trong chương trình Pháp, Dòng điện ứng thuộc lớp 12 nhưng chương trình Việt thuộc lớp 11.
- Xin thày hỏi câu khác thuộc Chương trình lớp 12, câu này thuộc chương trình lớp 11,
Thày lắc đầu và chỉ vào mấy mẩu giấy đã gấp nhỏ : Tôi bốc được bài toán ngắn gồm 3 câu hỏi về con lắc kép, lặng lẽ ngồi xuống ghế làm toán. Sau 15 phút tôi trả lại thày đề thi và bài toán tôi mới làm.
Vừa ra khỏi phòng, đúng lúc thày Dương Tự Nguyên (Anh Văn) đi qua. - Sao thiểu não vậy, Thày hỏi. - Có lẽ Thày Hoàng Cơ Nghị đánh rớt con rồi, tôi đáp.
Thày Nguyên cầm tay tôi kéo vào phòng Thày Nghị.
-Nó thỉnh cầu cụ hỏi trong Chương trình Vật Lý lớp 12 là hợp lý, cụ nỡ lòng nào từ chối nó hay cụ quên Kỳ thi này là Kỳ thi Tú tài 2. Thày Nguyên nói với thày Nghị bằng Tiếng Pháp.
- Theo hồ sơ, nó xin miễn 1 tuổi, nếu có rớt 1 năm, cũng đúng tuổi học chứ không trễ mà lo lắng Thày Nghị đáp cũng bằng tiếng Pháp.
Thày Nguyên ghé mắt vào bảng điểm của thày Nghị và kéo tôi ra khỏi phòng an ủi:
Anh được 3 điểm, các môn khác bù sang cũng đủ điểm đậu thôi Tiến sĩ Hoàng Thị Nga, em ruột cụ Nghị khi còn ở bậc Trung học, vào vấn đáp, cụ còn đánh rớt, học trò như anh được 3 điểm là may mắn rồi. Nói xong thày vui vẻ bắt tay tôi trước khi ra về.
Cho dù mùa thi năm ấy tôi chỉ đậu thứ nhưng vẫn vui, trong khi chờ đợi vào vấn đáp các thày, tôi đã gặp và trò chuyện với những kiều nữ 12C (IC) Chu Văn An như Tăng Minh Tuyết, con của GS Tăng Xuân An, Châu Phố, người mà lớp tôi gọi là “Mangala”, Cô gái Ấn, sau là Luật sư Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn, LêThị Thục, sau là GS Petrus Ký, ÐHSP ban Anh và Nguyễn Minh Châu, người hay ca bản Việt Nam Minh Châu Trời Ðông, sau tốt nghiệp Cao Học Hành Chánh tại Pháp, Giám đốc Nha Ngoại Thương, Bộ Kinh Tế.
6
Cuối tháng 9/1961 Dũng, người bạn đồng nghiệp dạy Trường Trung Học Duy Tân Phan Rang, rủ tôi đến thăm thày Nghị khi ấy vẫn là Giám Ðốc Nha Trung học. Ðang ngồi ở phòng khách chờ thày tiếp kiến, chợt nhớ đến chuyện xưa tôi nói với Dũng:
- Tháp tùng với bạn cho vui, tôi đến đây không có mục đích gì. - Bạn cứ gặp thày đi, nếu thày dễ chịu thì nói, không thì thôi.
Một lát sau, thày mở cửa vẫy tay mời, chúng tôi vào phòng, lễ phép chào thày, thày mời ngồi.
- Chúng con, cựu học sinh lớp 12A2 Chu Văn An đến thăm thày... - Tôi biết, các Anh xin chuyển về Sài Gòn, hôm nay muốn biết tin tức về việc thuyên chuyển, có đúng không?
Thày đưa cho chúng tôi mỗi người một mẫu giấy và nói:
- Các anh hãy điền đầy đủ mọi chi tiết - họ và tên, nhiệm sở, số văn thư đề nghị thuyên chuyển của Hiệu trưởng, thâm niên công vụ, ưu tiên nếu có....
Trong khi Dũng điền mọi chi tiết, tôi gửi trả thày mẫu giấy vì không gấp chuyện này và nói chuyện với thày về sư thành công của các bạn cùng lớp, cùng trường như Bác sĩ Ðỗ Vinh, Kỹ sư Ðỗ Vỹ, GS Ðại Học Nguyễn Mạnh Hùng v.v..
Dũng điền xong, trao lại thầy mẫu giấy, thày đủng đỉnh đi vào phòng trong. Chưa đầy 5 phút, với vẻ mặt lạnh lùng. thày ra gặp lại chúng tôi và nói:
- Tôi xin báo để G.S Dũng biết rằng ông bỏ giờ Ðạo Ðức Học của ông từ 8g-9g sáng mai Thứ sáu để gặp tôi hôm nay Thứ Năm. Ngaỳ mai đúng 8g, tôi gọi Hiệu trưởng, nếu không có mặt tại nhiệm sở, ông sẽ bị thi hành kỷ luật.
Tôi chào thày, rồi kéo Dũng ra ngoài trong khi hắn đứng sững như tượng đá. 10:00 đêm đó, tôi chở Dũng bằng Honda tới Nhà Ga Sài Gòn để đi Xe lửa ra Phan Rang. Sáng hôm sau 7:30, Dũng đến Ga Tháp Chàm vội vã gọi taxi tới Trường Trung học Duy Tân Phan Rang. Ðúng 8g:00 hắn đứng trên bục giảng điểm danh học sinh, rồi cho học sinh làm bài kiểm, dáng điệu mệt mỏi vì thiếu ngủ.
- Mời giáo sư Dũng lên phòng Hiệu trưởng, có điện thoại từ Sài Gòn, giám thị dục dã. - Kính thầy, Dũng nói không một chút nào ngạc nhiên. - Anh phải giữ đúng nguyên tắc, đừng để xẩy ra chuyện lần thứ hai, bất chợt tôi sẽ kiểm tra như hôm nay. Thầy Nghị nhắn nhủ. - Dạ, không có lần sau, cảm ơn thày quan tâm. Dũng nói với thầy Nghị và thẫn thờ bỏ ống nghe xuống.
- Mọi việc đã xong, mời giáo sư đến văn phòng tôi uống tách trà cho tỉnh ngủ. Giám thị sẽ thu bài cho giáo sư. Sau 20 phút nữa giáo sư có thể đến Việt Nam Hàng Không Phan Rang mua vé máy bay, tới Sài Gòn vào 11:00 trưa,.Hiệu trưỏng nói.
Dũng còn thắc mắc mãi về thái độ cư xử của thày, tôi an ủi: - Thôi đừng buồn và quên vụ này đi.
7
Một lần khác, khi tôi là Trưởng Phòng Phiếu Trường Bác Ái, thày đến với tư cách Ðại diện Liên danh 2 Ứng cử viên TổngThống, Phó Tổng Thống: Liêu Quang Khình – Hoàng Cơ Bình.. Thày quan sát thùng phiếu, Phòng Phiếu và số phiếu mà cử tri đã bỏ ra ngoài sau khi đã chọn 1 liên danh. Trong khi đưa thày đi xem một số phòng phiếu khác, Thày tâm sự với tôi thày sẽ nghỉ hưu trong vài tháng tới và trên nét mặt thày phảng phất nét ưu tư, Có lẽ thày nhận ra rằng liên danh Ngô Ðình Diệm - Nguyễn Ngọc Thơ đang thắng thế ở nhiều địa điểm bỏ phiếu.
8 Lần chót tôi gặp thày vào mùa thi năm 1964 khi tôi là thư ký hội đồng Giám Khảo Tú Tài 2, Trung tâm A2 Gia Long, thày mở cửa phòng gật dầu chào tôi, tôi vội vã cất Hồ sơ và chạy theo thày đang rảo bước.Thấy thày không muốn gặp, tôi trở lại phòng làm việc.
Sau cuộc chỉnh lý của Tướng Nguyễn Khánh, tôi gặp lại Ðại Úy Hải Quân Lại Tích Phúc, Hạm trưởng một tầu tuần duyên, tại Bến Bạch Ðằng.Bất chợt nhớ đến thày Nghị, tôi hỏi Ðại Úy Phúc:
- Cháu học lớp 12 Chu văn An năm nào, có học thầy Hoàng Cơ Nghị không? - Dạ, năm 1962, Lớp 12B3 . Phúc đáp. - Thày Nghị còn nói tiếng Pháp hay nửa Việt nửa Pháp khi giảng dạy không? - Thưa Không, thày nói rành tiếng Việt như các thày khác. Vào Vấn đáp Tú Tài 2 cháu may mắn gặp thày vì vậy cháu đậu Bình. Lúc ấy thày đã nghỉ hưu chỉ dạy giờ thôi. Học sinh thương thày lắm.
Câu trả lời của Phúc làm tôi ngơ ngác bàng hoàng khi nghĩ về một thày Hoàng Cơ Nghị lúc đương quyền.
9
Trong số các giáo sư Chu văn An mà tôi ngưỡng mộ, thày Hoàng Cơ Nghị và thày Ðàm Xuân Thiều gây cho tôi những ấn tượng sâu xa nhất từ khi còn học cho đến khi bước chân vào đời. Thày Ðàm Xuân Thiều thương học sinh như con khi còn dưới mái trường Chu văn An. Thày ôn tồn khuyên bảo chứ không bao giờ răn đe bằng cách cho điểm hạnh kiểm xấu hay trừ điểm kỳ thi. Mỗi lần thày hơi chau mày, lớp đang ồn im phăng phắc.
Những học sinh cũ khi vào ngành Giáo Dục, được thày coi như đồng nghiệp. Thày xử lý rất khách quan những vụ Giáo sư đụng độ với Hiệu trưởng hay chính quyền địa phương, và phải rời khỏi tỉnh trong 24 giờ khi nhận được văn thư của Tỉnh Trưởng. .
Khi đến thăm thày ở Nha Trung Học hoặc tại nhà riêng đường Hồng Thập Tự, gần ngã tư Cao Thắng - Hồng Thập Tự Sài Gòn, học sinh cũ vẫn gọi thày là Bố cho dù khi ấy đã là Bác sĩ, Dược sĩ, Kỹ sư, Thanh Tra tại Bộ v.v... Thày là một trong những Giáo sư được hoc sinh kính yêu nhất và cũng là vị Giám Ðốc Nha Trung Học trong một thời gian khá lâu từ 1964 đến 1975.
Tôi vẫn không quên lời thày nói trong một buổi họp ở Nha Trung Học “Các bạn là học sinh của tôi khi trước nhưng là bằng hữu của tôi lúc này”
Những kỷ niệm với các thày Chu Văn An là những gì trân quý nhất và không thể nào quên trong trong cuộc dời tôi mà tôi không bao giờ có lại được..
VIỆT BẰNG
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |