|
|
Sinh hoạt văn học-nghệ thuật |
LAM PHƯƠNG - HỎI NGƯỜI CÒN NHỚ TA KHÔNG - LÊ VĂN PHÚC
|
Đăng lúc 03:00:00 AM, Feb 09, 2004
Trong tân nhạc, Lam Phương là một tên tuổi được rất nhiều người yêu mến. Người ta yêu mến anh không chỉ vì anh có những bản nhạc nổi tiếng mà quan trọng hơn nữa, anh lại còn là con người hiền hoà, khiêm tốn nên chiếm được cảm tình của mọi giới đồng bào.
Trung tuần tháng 10 năm 2004, vùng Hoa Thịnh Đốn sẽ có một buổi hội ngộ với nhạc sĩ Lam Phương qua một chương trình âm nhạc thật đặc biệt. Dịp này, Lam Phương dù không được khoẻ cũng cố gắng có mặt để gặp gỡ những người thương mến anh.
Để bạn đọc hằng có thiện cảm với Lam Phương biết thêm về cuộc đời của một nghệ sĩ từng làm rung động không biết bao nhiêu con tim qua những nhạc phẩm tuyệt vời, chúng tôi xin mượn dịp này để lần lượt nói về người nhạc sĩ tài hoa qua vài kỳ báo. Xin chia làm 3 phần: - Phần 1: Nhận xét của người trong giới văn nghệ, Phần 2: Những bài ca nổi tiếng của Lam Phương, Phần 3: Nói chuyện với Lam Phương qua “điện đàm” và “ bút đàm” những chuyện riêng tư, chưa tiết lộ bao giờ... ***
PHẦN 1: NHẬN XÉT CỦA GIỚI VĂN NGHỆ
Lam Phương tên thực là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, tỉnh Kiên Giang. Thiếu thời, gia đình nghèo khó, cha bỏ đi theo tiếng gọi của con tim nên mẹ con sống cơ cực, bần hàn. Bởi thế, tình mẫu tử với anh rất nặng, bao giờ anh cũng thương yêu và nhớ ơn mẹ suốt đời. Cảnh nhà túng quẫn, anh phải lên Saigon làm mướn, gánh thuê để có tiền ăn học. Vốn thích nhạc, anh dành tiền mua những bản nhạc về hát nghêu ngao sau những giờ phút đổ mồ hôi.
Anh theo học nhạc sĩ Hoàng Lang. Ông thầy thấy anh yêu nhạc mà lại quá nghèo nên dậy miễn phí. Anh thầm ước ao trở thành một nhạc sĩ nên khi chàng thiếu niên khởi sự sáng tác thì bản đầu tay của anh là “Chiều thu ấy”. Không có nhà xuất bản nào chịu mua nhưng anh không lấy thế làm nản lòng. Anh buồn nhưng không thất vọng, tiếp tục tự học và tự nhủ rằng: Nhạc phải đáp ứng được sở thích của đại đa số mới có cơ may bán trong tiệm sách, ngoài lề đường.
Về phần má của Lam Phương, sau nhiều năm nhớ con nên cũng bán nốt khu vườn kỷ niệm, gom góp vốn liếng lên Saigon, hai mẹ con mua một căn nhà ván nhỏ ở xóm Vạn Chài, sớm tối mẹ con no đói có nhau.
Những ngày tháng nghèo khổ ấy đã tích lũy, làm “vốn liếng” cho Lam Phương sáng tác bản “Kiếp nghèo”, đã được quần chúng đón nhận nồng nhiệt và báo chí khen ngợi hết mình, vì đã diễn tả cùng cực một kiếp nghèo trong xã hội:
“ Đường về đêm nay vắng tanh Dạt dào hạt mưa rớt nhanh Lạnh lùng mưa xuyên mái tranh Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh Lầy lội qua muôn lối quanh Gập ghềnh đường đê tối tăm Ngập ngừng dừng bên mái tranh Nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi...”
Đoạn cuối là một lời nguyện cầu: “ Trời cao có thấu, cúi xin người ban phước cho đời con Một mái tranh yêu, một mối tình chung thủy không hề phai Và một ngày mai, mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài Đây cả nỗi niềm, biết ngày nào ai thấu cho lòng ai...”
Một nhận xét mà ai cũng công nhận là lời trong bản nhạc của Lam Phương rất bình dị, dễ nhớ, dễ hát, dễ hiểu nên thường “bị” hay thường “được” người ta đổi lời. Bản nhạc nào được đổi lời, thường là bài hát thành công. Lam Phương có nhiều bài như thế.
Chẳng hạn như bài “Duyên kiếp”: “ Em ơi nếu mộng không thành thì sao? Non cao đất rộng biết đâu mà tìm?...”
Thì được đổi ra là: “ Em ơi nếu bụng em phình thì sao? Mua chai thuốc chuột uống cho rồi đời...”
Hoặc bài “Nắng đẹp miền Nam” có câu: “ Đến mai sẽ là ngày muôn hạt chín vàng tươi Mình ngắm nhau cười”
Thì bị đổi ra là: “Đến mai sẽ là ngày ông này lấy bà kia, mình đứng ra rìa...”
Và còn nhiều lắm. Đây cũng là đề tài để những cây cười Trần Văn Trạch, Tùng Lâm, Xuân Phát, Phi Thoàn... đem ra diễu trong thoại kịch.
Lam Phương đã thành danh ngay từ khi còn ở dưới tuổi đôi mươi. Rồi Lam Phương đến tuổi thi hành quân dịch, nhập ngũ năm 1958, phục vụ trong Ban Tâm Lý Chiến Biệt Khu Thủ Đô. Hết thời hạn quân dịch năm sau, anh tiếp tục sáng tác, sinh hoạt với các ban nhạc Đài Saigon và Đài Quân Đội, lập Ban Kịch “Sống” với Túy Hồng, quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh cùng hợp tác, trình diễn trên đài truyền hình.
Khi mất nước, anh đem gia đình lên tầu Trường Xuân của thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy, tị nạn tại Mỹ.
Anh thay đổi chỗ ở khá nhiều, khi thì Houston, Virginia. DC, khi thì Paris, Quận Cam bên Cali. Anh thích nhất Paris và yêu nhất là Garden Grove!
Khi tâm sự với nhà văn Nguyễn ngọc Ngạn trên Thúy Nga Paris By Night, anh nói rằng thời gian ở Paris là thời gian anh “tị nạn ái tình”. Bởi ở Paris có cuộc tình thực và bản nhạc thực do anh viết ra, đưa dòng nhạc Lam Phương đến một khúc rẽ khác mới mẻ, lạ tai. Sự chuyển hướng này, Lam Phương giải thích rằng xưa nay anh viết nhạc theo nhu cầu của nhà xuất bản, các hãng thu đĩa, nghĩa là “theo đơn đặt hàng” để sinh nhai. Nay, cuộc sống đã ổn định, anh viết nhạc cho chính mình. Như các bài: Cho em quên tuổi ngọc, Bãi nắng, Như giấc chiêm bao, Mưa lệ, Em đi rồi, Tình đau, Kiếp phiêu bồng...
Ở cái tuổi gần 60, Lam Phương vẫn giữ được cái nét trẻ trung, đam mê. Và qua sự trình diễn của các ca sĩ nổi tiếng đã nâng tiếng nhạc lời ca lên một cung bậc hấp dẫn và quyến rũ hơn trước ánh đèn sân khấu: Ý Lan, Hương Lan, Như Quỳnh, Aùi Vân, Thái Châu, Anh Khoa, Duy Quang, Phi Khanh, Hoàng Oanh...
Và người thưởng thức dù khắt khe đến mấy cũng không thể nào quên được giọng hát Bạch Yến vút cao khi ca bài “Cho em quên tuổi ngọc”! Lam Phương là một tâm hồn đa dạng, ẩn núp sau cái cá tính bình dị , hiền hoà là một tình yêu quê hương rất nồng nàn, thắm thiết, qua những bài hát ca ngợi đồng quê, tình tự Việt Nam trong: Nắng đẹp miền Nam, Khúc ca ngày mùa, Đường về quê hương, Trăng thanh bình, Chiều Tây Đô...
Lam Phương yêu đời quân ngũ và thương những người lính chiến đấu gian khổ nơi đồn xa biên trấn nên viết những bài thật là tuyệt vời như: Chiều hành quân, Tình anh lính chiến, Đêm dài chiến tuyến...
Và chuyện tình của anh thì coi như chiếm rất nhiều chỗ trong lòng, trên những dòng nhạc và lời ca, phần lớn là buồn bã, đau thương, khắc khoải, đợi chờ...Như: Trên đỉnh đau thương, Mộng Ước, Phút cuối, Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi, Tình vẫn chưa yên, Lầm, Bài Tango cho em, Tình đẹp như mơ, Từ ngày có em về...
Lam Phương sáng tác mạnh, như diều gặp gió, bản nhạc của anh bán khắp miền Nam, nhạc của anh được ca hát trên các đài phát thanh, đài truyền hình. Con đường anh theo đuổi đã đem lại cho anh một món quà hi hữu: Anh đổi chiếc xe lambretta cũ, tậïu chiếc “Pơ-Giô 403” và giã từ xóm Vạn Chài, hai mẹ con dọn về ở một căn nhà trong cư xá Lữ Gia khang trang, rộng mát.
Thoát khỏi kiếp nghèo mạt rệp, anh tiếp tục sáng tác, bán nhạc, mở đại nhạc hội, trình diễn những ca khúc nổi tiếng. Dù thành công vượt bực như thế nhưng anh cũng không tránh khỏi cái họa khi lưu diễn miền Trung, bị người ta lừa đảo in vé giả bán hết sạch. Khán giả ngồi coi đầy rạp mà ông bầu chẳng thu hoạch được bao nhiêu. Sau phải bán cả cái xe hơi mới trang trải được nợ nần!
Thưa bạn đọc, trên đây là vài nét vắn tắt về cuộc đời thăng trầm của nhạc sĩ Lam Phương.
Bây giờ, chúng ta nghe một vài người trong giới văn nghệ bầy tỏ cảm nghĩ về người nhạc sĩ tài hoa này.
Nguyễn Đình Toàn phát biểu ngắn gọn:
“Con kênh đầy vơi với thủy triều. Trước khi nước rút đi, nó phơi bầy đến cả sự khô cạn, như một tấm lòng khi cho hết và cũng chẳng còn gì để che dấu. Lúc thủy triều trở lại, kênh lại tràn đầy, nhảy bờ. Nhạc của Lam Phương, tình ca của Lam Phương đầy ắp cái cho đi đã hết và chờ đợi phút phục sinh để có thể cho đi thêm nữa...”
Vũ Anh viết về Lam Phương:
“Tôi không thể viết để vinh danh Lam Phương. Công trình này đã được dành cho nhiều bậc thức giả, một số tổ chức văn hoá và những thính giả từng yêu và say mê nhạc của anh. Hơn nữa, con số 40 năm cũng chưa thể nói hết được con đường mà Lam Phương đã đóng góp, đã hiến dâng trọn đời mình cho nền tân nhạc Việt Nam, những đóng góp đã thể hiện rất rõ ràng một tấm lòng và cái chất lãng mạn đặc thù của người miền Nam Việt nam...”
Đoạn khác, Vũ Anh tâm sự:“ Suốt những năm tháng dài, chúng tôi gặp nhau trên sân quần vợt, người nào cũng hoạt động trong giới báo chí hay truyền thông mà chẳng có người nào nói chuyện với Lam Phương về âm nhạc. Chúng tôi chỉ nghe nhạc của anh và coi anh như một nhạc sĩ mà mình ngưỡng mộ ở một thế giới hoàn toàn tách biệt với môn thể thao mà chúng tôi ưa thích. Phải nói một cách thành thực rằng, cả một công trình đóng góp to lớn của Lam Phương vào sự phát triển của tân nhạc Việt Nam là những bàn cân còn nhẹ nhàng đối với chúng tôi lúc đó. Chỉ đến khi chúng tôi đã nằm trong trại cải tạo rồi, đã xa Lam Phương rồi, những giòng nhạc buồn mênh mang của anh mới làm cho chúng tôi sống trọn vẹn những kỷ niệm của một thời. Những lúc bị đẩy sâu vào trong đói khổ, tôi cứ tưởng là không còn cần tới những chất lãng mạn như nhạc Lam Phương. Nhưng không phải thế. Bên cạnh những bản tù ca, bên cạnh những lời nhạc hừng hực trong những đêm tranh đấu trong tù, đời sống lưu đầy vẫn cần những cung bậc mượt mà và tài hoa mà Lam Phương đã thể hiện trong những tác phẩm của anh...”
Và Vũ Anh đưa đến những nhận xét về Lam Phương:“Cuộc đời khởi đi từ sự nghèo khổ của Lam Phương ở tuổi chưa đầy 20 bằng những giai điệu đầy lãng mạn này khiến nó không trở thành một thứ tình cảm buồn đến tuyệt vọng. Ngược lại, đó là một lời than thở nhẹ nhàng, một lời trách móc gửi đi cho gió. Những kỷ niệm ấy vẫn còn lắng đọng trong tâm tư của con người đã ngụp lặn trong sóng gió của lịch sử và của cuộc đời mình. Nó không hề gây cho anh một lòng thù hận nào đối với xã hội, bởi vì tài năng dã làm cho cái nghèo ấy trở thành những hình ảnh lãng mạn. Những tác phẩm giá trị đã làm cho tên tuổi của anh bừng sáng và đem lại cho anh một số thu hoạch đáng kể..
Nói đến những giai đoạn của lịch sử đất nước, Lam Phương cũng được các nhà phê bình xếp vào loại các nhạc sĩ có cuộc sống thành thực, không trốn tránh trách nhiệm của trai thời chiến. Lam Phương viết những nhạc phẩm về người đi chiến đấu, thấp thoáng như những bi hùng ca. Nó là bức tranh thủy mặc về cuộc chiến, vẫn muốn chiến tranh không thể phá tan hy vọng của con người. Dòng nhạc Lam Phương là hình ảnh bi hùng của người lính chiến đậm nét tình tứ của âm điệu Boléro. Nghe như đâu đó trên quê hương, chiến tranh là một điều đáng buồn, là tiếng kêu thảng thốt của cả một dân tộc chứ không riêng gì cho một miền Nam.
Trong những ngày tháng đầy rẫy khó khăn mà bất cứ người lưu vong nào cũng phải đương đầu, từ những cay đắng bị bứng bật gốc rễ cho đến nhữn khắc khoải của nỗi sầu viễn xứ, Lam Phương còn phải trải qua những kinh nghiệm chua chát của riêng anh. Những gì anh đã trải qua, đã sống chính là những bối cảnh giúp cho Lam Phương đa dạng hoá những sáng tác của anh. Lam Phương nói rằng số sáng tác cuả anh so với những nhạc sĩ khác không đồ sộ như nhiều người tưởng. Sở dĩ nhạc của anh được nhắc nhở nhiều vì lời ca lãng mạn mà bình dị khiến cho khó có ai quên...”
Nhà văn Duyên Anh đã có những cảm nghĩ, so sánh vềà con người Lam Phương nghệ sĩ.
Chúng ta hãy nghe Duyên Anh bầy tỏ qua những trích đoạn sau đây:
“...Tôi muốn ví Lam Phương với Lục Vân Tiên. Miền Nam là quê hương của vọng cổ. Thoại kịch và tân nhạc xem chừng rất xa lạ với người miềân Nam trước năm 1954. Tôi không rõ những năm kháng chiến chống Pháp ngoài Hoàng Hiệp, Trần Kiết Tường, Quốc Hương còn những ai. Hình như, tiền chiến – hiểu là tiền đệ nhị thế chiến - chỉ có Mỹ Ca với nhạc phẩm Dạ Khúc duy nhất. Lưu hữu Phước và Mai văn Bộ. Khoảng thời gian từ 1948 đến 1953, nhạc sĩ Trần văn Nhơn, chuyên viên kỹ thuật của đài phát thanh Hà Nội, đã sáng tác Hà Nội 49, Aûo Aûnh Chiều Thu, Saigon Xa Hoa. Trần văn Nhơn, người Saigon ra Hà Nọi làm việc. Tôi biết thêm Văn Thủy với nhạc phẩm Dứt Đường Tơ, Anh Việt với Lỡ Chuyến Đò, Bến Cũ. Sau những nhạc sĩ kể trên là Lam Phương. Mười lăm tuổi, Lam Phương viết nhạc phẩm Chiều Thu Ay . Lam Phương thành công ngay bằng ca khúc đầu đời. Thuở ấy, năm 1952, nam ca sĩ Trọng Nghĩa và nữ ca sĩ Ngọc Hà là hai giọng ca sáng giá của đài phát thanh Pháp Á. Hai ca sĩ này và Bích Thủy đã truyền đạt bản thông điệp tình yêu thứ nhất của cậu học trò Lâm đình Phụng trên làn sóng điện liên tiếp mấy tháng. Chiều Thu Ấáy là buổi chiều thu đưa cậu học trò Lâm đình Phùng vào lối nhạc để biến cậu thành Lam Phương (Ghi chú của người viết: Tại sao có tên Lam Phương? Đón đọc phần 3 của loạt bài này).
Biển sóng vọng cổ đã bốc lên một vệt khói tân nhạc. Và vệt khói ấy làm cay mắt tuổi trẻ thành thị. Những ngưởi tuổi trẻ thành thị bắt đầu yêu nhạc mới. Họ cũng bắt đầu hiểu những rung động của thời đại họ không còn nằm ở trái tim vọng cổ, xàng xê. Cái đàn ngũ huyền phím trũng nẩy những giọt ca ủ ê quá. Nó chỉ hoài vọng một dĩ vãng đau thương mà không thể thôi thúc một lên đường cho tương lai. Cầm thiết một cây đàn lục huyền cầm, những hành khúc và những nhịp điệu reo mừng ánh sáng.
Nhạc sĩ Văn Thủy chả kêu gọi dứt đường tơ, dứt những đường tơ “đày vơi cung oán mơ mộng” đó sao. Không còn gì mỉa mai hơn khi đất nước đang chiến tranh, khi máu cuả dân tộc đang thấm quê hương mà cứ rên rỉ chuyện tình Trương quân Thụy – Thôi Oanh Oanh. Lịch sử đấu tranh được đánh thức bởi học trò Trần văn Ơn và rồi được dục đã thoát ra con ngõ buồn tênh cổ nhạc bởi ca khúc Lam Phương. Cậu Lam Phương không ngờ, lúc ấy và ngay cả ngày hôm nay, cậu đã phát động phong trào hát và nghe tân nhạc ở miền Nam.
Hãy để Lam Phương khiêm tốn lắc đầu từ chối. Chàng luôn luôn khiêm tốn, bảo chàng đã mời gọi tuổi trẻ thành thị miền Nam hát và nghe tân nhạc, chàng cũng không dám nhận. Thực ra, Lam Phương đã phát động một phong trào. Từ trường học, ở những liên hoan mừng xuân hay ngày hè tạm biệt, cây lục huyền cầm đã lấn lướt cây ngũ huyền cầm.
Nhạc Hoàng Quý, Hoàng Trọng, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Ngọc Bích ào ạt vào Saigon. Chương trình âm nhạc của đài Pháp Á tăng lên. Người ta tổ chức thi tuyển lựa ca sĩ hàng tuần tại rạp Norodom. Cậu Lâm đình Phụng, học trò trường Les Lauriers sáng tác ca khúc thứ hai: Trăng thanh bình. Đến năm 1954, Khúc ca ngày mùa thì Lam Phương trở thành hoàng tử của tân nhạc miền Nam. Vẫn một mình cậu sáng tác nhạc và lời. Lời cậu đơn giản. Nhạc cậu bình dị. Đơn giản và bình dị là bản chất miền Nam.
Nhờ ban Sầm Giang của Trần văn Trạch phổ biến nồng nhiệt trên các làn sóng điện, nhạc Lam Phương lênh đênh theo dòng Tiền Giang, Hậu Giang, chảy vô nghìn nhánh sông nhỏ, vạn con kinh bé đổ vào tâm hồn nông dân Nam Bộ. Nếu thôn quê miền Bắc thơm ngát nhạc Phạm Duy thì thôn quê miền Nam ngọt bùi âm nhạc Lam Phương trong tân cổ giao duyên của các vở tuồng cải lương. Và đó, Lam Phương nằm giữa trái tim Nam Bộ, câu giải thích rõ ràng.
Người già kể Lục Vân Tiên: Nói thôi trao chiếc trâm vàng Gọi là vật nhỏ tặng chàng làm tin Vân Tiên ngoảnh mặt chẳng nhìn Nguyệt Nga lúc ấy càng nhìn nết na Thưa rằng “Vật mọn gọi là Thiếp phần chưa dứt chàng đà làm ngơ Của này dù của vất vơ Lòng chê cũng đáng, mặt ngơ sau đành Vân Tiên khó đỗi làm thinh Chữ ân buộc với chữ tình một giây...
...Nếu bạn được nghe kể Lục vân Tiên dưới ánh trăng bên bờ kinh, giữa trưa hè trong vườn vắng, bạn mới hiểu tâm hồn đất mới, thứ tâm hồn của “Tình nghĩa ấy mộc mạc và cung cách tỏ tình cũng mộc mạc”. Như Kiều Nguyệt Nga của Lục vân Tiên. Rời xa điệu hò lơ, tiếng ru ù ơ, câu kể Lục vân Tiên, lời vọng cổ, khúc thủ phong nguyệt, đoạn Lý Ngựa Ô là rời xa tình tự miền Nam. Và mất chất miền Nam.
Lam Phương, thuở ban đầu của âm nhạc là Lam Phương thuần hương vị miền Nam. Dân chúng đón tiếp anh như nhánh sông đón tiếp phù sa của Hậu Giang. Phù sa âm nhạc Lam Phương bảng lảng âm điệu hai trăm năm đất mới. Anh gần gũi người miền Nam vì anh cảm xúc niềm xúc cảm của người miền Nam.
Âm nhạc Lam Phương ví như con thuyền chở đầy trăng nhẹ trôi trên mặt sông Tiền, sông Hậu. Nó buồn vui cái buồn vui của Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên. Nó được hát bởi những giọng kể Lục Vân Tiên đơn sơ và đôn hậu. Cả triệu người đã say mê nhạc Lam Phương. Nhạc Lam Phương lãng đãng trên đồng luá bát ngát, trên sông nước mênh mông. Nó từ ngõ hẻm thành phố về đường mòn thôn ổ. Nó trong trường học. Nó ngoài chiến trường. Nó xanh mắt thanh niên. Nó hồng môi thiếu nữ. Luôn luôn bình dị. Mãi mãi Lục Vân Tiên. Hãy ví Lam Phương như Lục Vân Tiên đi...
Niềm mong ước của tôi, của những người yêu mến Lam Phương là, ngày nào đó, anh tìm lại Kiều Nguyệt Nga, đứng trên bờ sông tâm tưởng cũ, mở lối về nguồn, khơi vết trăm nhánh nghìn con. Để dân tộc có nhiều, thật nhiều ca khúc mang hơi thở nồng nàn, đôn hậu, xao xuyến, bồi hồi của miền Nam yêu dấu”. Duyên Anh.
Đoạn cuối của phần này là nhận xét của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn từ Canada, tháng 7 năm 1992. Anh viết:
“Thuở miền Nam thanh bình, anh có “Khúc Ca Ngày Mùa” cả nước cùng hát. Lúc quê hương đi vào cuộc chiến, âm nhạc của anh cũng từ giã thành thị, len lỏi theo bước chân người đi giữ nước. Anh rung cảm cùng “Tình Anh Lính Chiến” trong những buổi “Chiều Hành Quân” vừa gian nan vừa oai hùng. Hát nhạc Lam Phương, người ta dễ dàng nhận ra tấm lòng chan hoà của anh, khao khát được chia sẻ thăng trầm với mọi cảnh đời chung quanh. Bài tango “Kiếp Nghèo” không thể là những cảm xúc giả tạo. Nỗi bâng khuâng của “Ngày Tạm biệt” không thể là những xao xuyến vay mượn. Phải xuất phát từ một tâm hồn nghệ sĩ có trái tim độ lượng đích thực, mới cho đời được những dòng nhạc như thế.
Ra hải ngoại, Lam Phương không dừng lại. Khung cảnh xã hội mới, những khắt khe của cuộc sống xứ người, những xáo trộn bất thường về tình cảm, ở Lam Phương, không ảnh hưởng đến khả năng của người nghệ sĩ, mà ngược lại, làm phong phú thêm vốn liếng sáng tạo. Anh vẫn viết đều, miệt mài đưa ra hàng loạt tác phẩm mới trong điều kiện phổ biến khó khăn hơn, bởi cộng đồng người Việt trải rộng khắp năm châu.
Từ khoảng 81, 82 tôi đã được nghe một loạt tình ca của anh viết ở Paris. Có lúc thấy anh buồn vì “Tình Vẫn Chưa Yên”. Vài năm sau lại thấy anh vui, có lẽ bởi vì “Từ Ngày Có Em Về” đã làm nguồn hứng gần gũi để anh viết “Bài Tango Cho Em” rất đặc sắc. Trong lúc nhiều nhạc sĩ trước 75 đã rút lui vào hậu trường thì Lam Phương vẫn là điểm sáng trên sân khấu hải ngoại rộng lớn. Gần đây nhất,anh cho người yêu nhạc một loạt tặng phẩm quí, gói ghém trong hai mươi tình khúc mới. Đợt tình ca có những bản nhạc đã nhanh chóng trở thành niềm yêu thương của người sành điệu. Từ “Em Đi Rồi” đến “Cỏ Úa”, đã được thâu trong băng Thúy Nga cho tôi thấy dòng nhạc sung mãn của Lam Phương như một nguồn suối bất tận, chẩy mãi, cống hiến mãi không ngừng nghỉ.
Tôi không hy vọng, qua vài lời giới thiệu ngắn ngủi của tôi, có thể nói lên được một phần những công trình lớn lao trong vườn hoa âm nhạc của Lam Phương. Mấy dòng mạo muội này, chỉ hoàn toàn để bầy tỏ một cách chủ quan lòng quí trọng và ngưỡng phục đối với người nghệ sĩ đã đóng góp cho nhạc Việt Nam bốn thập niên qua, những tác phẩm có giá trị nhất định mà mãi mãi người đời sẽ ghi nhận.
*** Thưa bạn đọc, Bạn vừa đọc xong phần đầu những cảm nghĩ của một vài người trong giới văn nghệ viết về Lam Phương. Kỳ tới, chúng ta sẽ đọc một số nhạc phẩm giá trị của anh, từng làm nên tên tuổi Lam Phương trong mấy chục năm qua tại Việt nam cũng như tại hải ngoại. Bạn sẽ hồi tưởng lại những kỷ niệm vui buồn trên quê hương ta thuở thanh bình, hồi ly loạn cùng những hình ảnh miền Nam yêu dấu. Và đậïm nét nhất vẫn là những dấu ấn cuộc tình: Những nhung nhớ, tiếc nuối, biệt ly. Những mảnh đời vụn nát, đau thương, tan tác. Bạn cũng thấy thấp thoáng qua những nhạc phẩm đó, dường như đâu đây còn vang vọng một vài cung bậc, một vài bóng dáng xa xưa những tưởng đã biệt tăm bỗng hiện về như đánh thức ta, dắt ta lùi lại một khoảng thời gian và không gian để bâng khuâng, bồi hồi, tiếc nuối. Vậy xin hẹn bạn đọc vào kỳ tới.
Lê văn Phúc
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |