Nhà xuất bản: St.Martin’s Press
Ngày phát hành: tháng năm, 2010
ISBN: 978-0-312-57790-2
Hard Copy, dày 274 trang, $19.99
Một buổi sáng, mặc chỉ quần jeans và áo T-shirt mỏng manh, tay mang một cái xách nhỏ, Aruna rời bỏ căn nhà ở Luân Đôn, nơi mà nàng đang sống với người chồng đẹp trai, bác sĩ Patrick Jones, lấy nhau chưa được một năm, để lên máy bay về Singapore. Aruna tìm về người tình cũ, cũng là bạn thân từ thuở bé, là Jazz, bây giờ là một nhà văn khá nổi tiếng - hai năm trước nàng đã bỏ đi mà không nói với chàng một lời nào.
Bây giờ nàng biết là nàng cần phải trở về, phải đương đầu với quá khứ đau thương đó, như vậy thì nàng mới có thể làm lại cuộc đời mới được. Sở dĩ nàng trở về là vì nàng vừa đọc những bài thơ và văn của nhà thơ Hari Hassan, trong đó có câu, “tới lúc nên ngưng cãi cọ, hãy trở về”. Nàng cho đó là một lời khuyên.
Biết nhau từ thuở chín, mười tuổi, chơi thân như bóng với hình, người lạ ai mới nhìn họ cũng cho rằng họ là anh chị em sinh đôi với nhau. Sau khi người cha mất, để Aruna cô đơn không bà con thân quyến nào khác, cộng thêm căn bệnh trầm cảm, nàng muốn có một gia đình với Jazz, nhưng ba lần có thai đều không giữ được. Khi đi thử DNA, kết quả cho thấy chắc chắn là họ có chung một người cha vì cả hai sinh ra chỉ cách nhau ba tháng nên không thể nào có chung một người mẹ được.Cha mẹ của Aruna đều đã qua đời, mẹ của Jazz thì đang bị bệnh ung thư, Jazz không muốn làm cho mẹ buồn thêm nên không dám hỏi. Jazz lại không gần gần gũi với cha. Sau khi mẹ mất trong một vụ cháy nhà thì Jazz cắt đứt mối dây tình cảm với cha vì cho rằng ông đã sống không tốt với mẹ chàng.
Khi Aruna trở về Singapore thì cha của Jazz đang nằm chờ chết trong một bệnh viện ở Malaysia. Ông chính là nhà thơ Hari Hassan. Jazz muốn cha chết cô đơn dần mòn trong bệnh viện để ông thấy là bao năm mẹ chàng đã sống cô đơn như thế nào.
Aruna thuyết phục Jazz đi thăm cha chàng. Aruna đi theo, Aruna muốn hỏi riêng ông là Jazz có phải là con ông không? Ông hỏi lại điều đó có quan trọng không vì lúc nào ông cũng coi Jazz như là con ruột. Có phải ông cũng có một người con gái không? Đúng! Ông có một người con gái, nhưng nếu nó còn sống thì cũng đã năm mươi tuổi rồi – từ một mối tình bị cấm đoán, đứa bé gái khi đẻ ra có lẽ bị gia đình đem cho làm con nuôi - vậy thì Aruna không phải là con ông. Khi ông lấy Zaida, mẹ của Jazz, thì bà đang mang thai với người khác. Cái thai đó chính là Jazz. Zaida là chị em họ với vợ của ông Anwar, Anwar là bạn thân của ông, đã nhờ ông khi đó đã trên năm mươi tuổi cưới hỏi để giúp mẹ con Zaida có một gia đình đàng hoàng. Ông là người ơn của Zaida. Ông vẫn thương nhớ người con gái của hai mươi năm trước, chứ ông không yêu Zaida. Zaida bằng lòng với cuộc sống, không trông mong gì hơn. Bây giờ Jazz mới biết ngọn ngành chuyện tình cảm của cha mẹ.
Đọc hết nửa cuốn sách, khi câu chuyện của Hassan được kể song song với câu chuyện của Aruna và Jazz, ở vai trò người đọc, tôi nối hai đầu mối lại với nhau và cứ nghĩ là tôi đã đoán được ai là cha của Jazza và Aruna. Hóa ra tôi đã đoán sai! Cái khéo léo của tác giả là ở đây.
Half Life đề cập tới tình yêu và xung đột, tình bạn và hy sinh. Tác giả đưa ra một đoạn kết rất hợp lý. Ngoài ra, qua cuốn sách độc giả sẽ được biết thêm về lịch sử Paskitan, Bangladesh, India.
Roopa Farrooki sinh ra ở Pakistan và lớn lên ở Luân Đôn. Cô tốt nghiệp ngành triết, chính trị, kinh tế từ New College, Oxford và làm việc trong ngành quảng cáo trước khi dành thời giờ để viết văn. Hiện giờ Farrooki sống ở southeast England và southwest France cùng chồng và hai con trai nhỏ, và dạy lớp viết văn tại trường Canterbury Christ Church University, chương trình cao học. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của cô, Bitter Sweets, được đề bạt cho giải Orange Award for New Writers.
Mimi Bui