|
|
Sinh hoạt văn học-nghệ thuật |
SÁCH MỚI: Hotel on the Corner of Bitter and Sweet của Jamie Ford
|
Đăng lúc 09:19:34 PM, Sep 27, 2009
By Jamie Ford
Publisher: Random House Publishing Group
Pub. Date: January 2009
ISBN-13: 9780345505330
290 trang, giá bán $24
Hotel on the Corner of Bitter and Sweet là tác phẩm đầu tay của Jamie Ford. Truyện bắt đầu với cảnh nhân vật nam Henry Lee, người Mỹ gốc Tàu, đứng giữa đám đông đang tụ lại trước khách sạn Panama, nơi đó đã từng được coi như là cổng vào Phố Nhật của thành phố Seattle. Người chủ mới của khách sạn vừa khám phá ra là có nhiều đồ đạc, của cải của 30 gia đình người Nhật đã được cất giữ rồi bị lãng quên ở dưới nhà hầm của khách sạn, khi những người này bị ráp bố và bị gửi đi tới những trại tập trung trong Đệ Nhị Thế Chiến. Khi Henry đứng coi, thì lúc người chủ vừa mở bung một chiếc dù Nhật Bản.
Chiếc dù đó đưa trí óc Henry Lee trở về những ngày tháng cũ của năm 1942, ở cao điểm của cuộc chiến, khi thế giới của Henry là một mớ bòng bong đầy những hỗn độn, sôi nổi, có người cha lúc nào cũng ảm ảnh bởi chiến tranh ở Trung Quốc và muốn Henry lớn lên như người Mỹ thứ thiệt. Ông ghét Nhật vì Nhật đang xâm chiếm Trung Quốc. Ông sống ở Mỹ, nhưng Trung Quốc mới là nhà, là quê hương. Ông bắt Henry lúc nào cũng mang cái huy hiệu có hàng chữ “I am Chinese.”
Henry, 12 tuổi, được gửi đi học ở trường toàn Mỹ trắng. Cậu bé thường bị học trò Mỹ trắng coi thường và ăn hiếp, đánh đập. Nhưng khi làm việc ở cafeteria của trường, cậu bé có được một niềm vui là làm bạn với một cô bé người Mỹ gốc Nhật, Keiko Okabe, cùng tuổi, cũng học và làm việc ở đó. Giữa cảnh bố ráp, FBI, bắt bớ người Nhật, sau vụ Trân Châu Cảng bị Nhật thả bom, cùng với những thành kiến, hai đứa trẻ thân nhau và một tình yêu thơ ngây bắt đầu chớm nở.
Gia đình của Keiko rồi cũng bị bắt đưa vào trại tập trung. Mới đầu tạm thời là Camp Harmony ở Puyallup (địa điểm đó sau này là Washington State Fair), chừng 30 dặm về hướng nam của Seattle. Vài tháng sau cùng với những người Nhật khác, họ được đưa đi xa hơn, vào những trại sâu trong lòng nước Mỹ, để chính phủ Mỹ dễ bề kiểm soát, vì thời đó mỗi người Nhật đều bị nghi rằng là một điệp viên cho Nhật, cho dù ngay cả những người Nhật ở thế hệ thứ hai, thứ ba này, không nói được tiếng Nhật.
Dĩ nhiên là khi bị bắt đi như thế này, người Mỹ gốc Nhật vào thời đó đã phải bán tháo bán đổ những gì họ đang làm chủ -nhà cửa, cơ sở làm ăn, nông trại, đồ đạc trong nhà.
Henry (lúc này vừa được 13 tuổi) trốn gia đình để đi thăm Keiko, và ở Camp Minidoka, tiểu bang Idaho, cậu bé và cô bé đã thề thốt là hai đứa sẽ chờ nhau với niềm hy vọng rằng chiến tranh rồi có lúc cũng phải chấm dứt. Trong khi đó thì hai đứa trẻ sẽ viết thơ cho nhau. Mới đầu thì Henry còn nhận được thư của Keiko. Nhưng sau đó thì thư từ bặt tăm. Tại sao? Có lẽ lời nói trong lúc hấp hối của ông bố của Henry là “cha đã làm, tất cả vì con” đã giải thích được tại sao? Bấy giờ Henry đã hiểu là ông bố đã dùng ảnh hưởng của ông để Keiko không nhận được thư của Henry và Henry cũng không nhận được thư của Keiko.
Năm 1945, Nhật đầu hàng, chiến tranh chấm dứt, người Mỹ gốc Nhật được thả tự do. Nhưng Henry không thấy Keiko trở về Seattle. Rồi mấy năm sau Henry cũng lấy vợ, là một cô gái người Tàu, tên Ethel Chen. Hai người có với nhau một con trai duy nhất là Marty. Khi Henry nhìn ra cái dù Nhật Bản và nghi là của Keiko, lúc đó là năm 1986, thì ông đã mất vợ, sáu tháng rồi, và đứa con trai cũng cho ông biết là vừa đính hôn với Samantha, một cô gái người da trắng.
Tình yêu đầu đời khó quên? Bao năm ông luôn luôn nghĩ đến Keiko, dù ông rất yêu vợ và đã tận tụy săn sóc cho bà vào những năm tháng bà đau bệnh nan y. Bây giờ ông muốn biết lâu nay Keiko đã sống như thế nào? Đoạn kết thỏa mãn được những độc giả nào thích truyện có hậu.
Cuốn sách đã lột tả đầy đủ, chính xác một thời kỳ lịch sử - tác giả không phê phán chính sách của Mỹ đối với người Mỹ gốc Nhật lúc bấy giờ đúng hay sai. Truyện nói lên tình yêu giữa nam và nữ, sự quan hệ của cha và con (giữa Henry với cha, và Henry với con), và quan trọng hơn hết là tình yêu quê hương - nơi nào mới là quê hương?
Tác giả Jamie Ford lớn lên ở vùng Phố Tàu của Seattle, là cháu chắt của một người Trung Hoa, tên Min Chung, từ Kaiping, China, sang Mỹ, vùng Nevada làm nghề đào mỏ than. Lúc mới đến San Francisco, ông Chung đã lấy họ Ford, để rồi trải qua bao nhiêu thế hệ, tên đó làm thiên hạ cứ tưởng Ford này có dính dáng tới Ford kia (làm chủ hãng xe hơi).
Mimi Bui
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |