Jan 27, 2025   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
SÁCH MỚI: The Calligrapher’s Daughter của Eugenia Kim
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to

*       The Calligrapher’s Daughter

*       By Eugenia Kim
*       Publisher: Henry Holt & Company, Incorporated
*       Pub. Date: August 2009
*       ISBN-13: 9780805089127
*       $26, 400 trang
 
Các tác giả Mỹ gốc Á Châu chừng hai thập niên qua đã tạo cho mình một thế đứng đặc biệt trong văn chương Mỹ qua những tác phẩm mà được dựa vào những câu chuyện từ gia đình của chính họ. Cho độc giả Mỹ hiểu được những tình yêu, đam mê, văn hóa, xã hội rất khác lạ. Như Amy Tan với The Joy Luck Club và The Kitchen God’s Wife. Như mới đây Lisa See với Snowflower và the Secret Fan và Peony in Love. Và bây giờ là Eugenia Kim, một tác giả Mỹ gốc Đại Hàn với tác phẩm đầu tay The Calligrapher’s Daughter, lấy cảm hứng từ cuộc đời của chính mẹ tác giả, là con gái của một nhà thư pháp nổi tiếng của Đại Hàn vào đầu thế kỷ thứ 20.
Nah-jin Han được sinh ra vào lúc mà Đại Hàn đang bị Nhật chiếm đóng. Người cha, Nin, một người viết thư pháp nổi tiếng, vẫn cứ bám víu vào chế độ phong kiến xưa cũ, ghét Nhật vô cùng, đến nỗi ông chần chừ không chịu đặt tên ngay cho đứa bé gái (và ông đã phải ở tù vì lòng yêu nước của ông). Người ta cứ kêu đó là đứa bé gái của người đàn bà đến từ Nah-jin, người mẹ có quê quán ở Nah-jin, nên đứa bé bị hiểu lầm có tên là Nah-jin, và từ năm tuổi bắt đầu mang tên ấy.
 
Ông Nin Han giàu có, nhà cao cửa rộng, trong nhà có nhiều gia nhân. Nhưng chính người vợ lại xuất thân từ một gia đình giàu có hơn, cha của bà là cựu thống đốc của vùng Hamgyeong Province và là một nhà nho nổi tiếng của tỉnh Nah-jin. Năm bà còn là đứa bé nhỏ thì cha bà đã đưa cả gia đình vào đạo Methodists.
 
Khi Nah-jin được 14 tuổi, cha cô đã tìm được một gia đình tương đối môn đăng hộ đối phong kiến khác, để gả cô, cậu bé này 12 tuổi. Nhưng Nah-jin và mẹ cô chống đối, muốn Nah-jin có một đời sống khác hơn, học cao và tự lập. Cha cô bảo thủ, nhứt quyết giữ ý định của ông, ông chỉ trả lời ngắn gọn:
“Đã quyết định rồi, không thay đổi. Cho dù cái nhà này có bị cháy tan rụi đi, ta cũng không đổi ý”.
 
Từ nhỏ, Nah-jin đã biểu lộ ý chí lập thân, đi tìm số phận của mình. Thông minh, học giỏi, nhưng bướng bỉnh, luôn luôn được sự khuyến khích của mẹ, cô nào chịu bó tay như vậy.
Mẹ cô lần đầu tiên cãi lại chồng, bà cũng lớn tiếng nói:
“Nó hãy còn là đứa bé nhỏ và không phải chỉ là con ông”.
Hành động không nghe lời chồng này bắt đầu cho một sự suy tàn của chế độ phong kiến cổ hủ. Cùng lúc đó là người Nhật đang bắt đầu gây ảnh hưởng lớn ở Đại Hàn.
 
Bà bí mật liên lạc với bà dì của cô, đang ở Hán Thành, là góa phụ của một ông quan cao cấp, để cho cô được vào cung làm bạn với công chúa út, em của vua, cũng vừa 12 tuổi. Điều này, qua lá thư từ cung đình gửi đến, người cha mới biết mình bị vợ “phản bội”, (bất chấp phong tục tập quán là người vợ luôn luôn phục tùng người chồng) nhưng ông không còn cách nào khác hơn là phải hủy bỏ điều hôn ước với gia đình bên kia, một điều ông cho là rất mất mặt.
Bà dì Imo dạy Nah-jin cung cách nghi lễ triều đình. Nah-jin ở bên cạnh công chúa Deokhye như người bạn, cùng lúc được cho ăn học, được hai năm, thì vua anh của công chúa bị ám sát chết, hoàng gia tiêu tán, Nah-jin “mất việc”. Nah-jin vẫn theo đuổi việc học, sống độc lập tự do, thóat khỏi sự kiềm tỏa của người cha, cũng giúp được đứa em trai ăn học.
 
Năm Nah-jin 23 tuổi, cha mẹ cô lại khuyên cô nên lấy chồng. Một người bạn hàng xóm Chang Hansu đi học xa giới thiệu một người bạn của anh ta. Cho Jeongsu (có tên Mỹ là Calvin) là con trai thứ hai của một gia đình bậc thường thường, ông bố là mục sư, anh trai của Cho đang ở Mỹ và Cho cũng đang sửa soạn qua Mỹ để tiếp tục việc học.
 
Mới đầu nhìn Cho, Nah-jin thấy anh chàng thấp lùn, cái mũi thì quá to, “làm cô không mê nổi”. Nhưng anh chàng có tài ăn nói –sẽ thành mục sư mà! Cha cô cũng chịu ngay dù rằng cho là gia đình Cho không được danh vọng và phú quý như gia đình ông.
 
Đoạn dò dẫm, tìm hiểu giữa Cho và Nah-jin sau đó rất vui. Cho có cùng ngày sinh nhật với Nah-jin, chỉ hơn một tuổi. Cho cởi mở, phóng khóang như điều cô mong muốn. Cho cũng đồng ý cho cô học cao, và dự định là cô sẽ tháp tùng Cho qua Mỹ để đeo đuổi ngành y.
 
Sau ngày cưới chỉ một ngày, sau đêm động phòng, Cho lên đường qua Mỹ, còn Nah-jin thì vì giấy tờ thông hành gặp trở ngại, thành ra bị kẹt lại, và bất đắc dĩ phải làm dâu trong gia đình nhà chồng, một gia đình có nếp sống rất cơ cực, thiếu thốn, rất khác với nếp sống sung sướng của gia đình cô. Sau hai năm, cô tìm cách nói dối là mẹ đau, cô phải về săn sóc và sau đó thì ở hẳn với cha mẹ ruột. Cô đi dạy học và chờ ngày đoàn tụ với chồng ở bên Mỹ. Nào ngờ đệ nhị thế chiến càng ngày càng khốc liệt, Đại Hàn càng ngày càng bị kềm kẹp dưới sự kiểm sóat chặt chẽ của nước Nhật, mà Mỹ là kẻ thù của Nhật nên Nah-jin, chỉ vì có chồng ở Mỹ, bị chính quyền Nhật bắt bỏ tù ba tháng, vì tội …làm điệp viên.
Sau, Nah-jin được thả ra, nhà cửa của cải của cha mẹ bị tịch thu, cả gia đình phải tản cư lên Hán Thành ở nhờ nhà của bà dì Imo. Đời sống rất cơ cực. Truyện The Calligrapher’s Daughter cho thấy một xã hội Đại Hàn tang thương trong thời chiến. Nhưng có những người đàn bà như Nah-jin lúc nào cũng vươn lên, cố tìm một đời sống tốt đẹp, đầy ý nghĩ hơn cho mình. 
 
Cuộc đoàn tụ của Nah-jin với chồng phải …11 năm sau mới xảy ra! Giống như nhiều cặp vợ chồng Việt, chồng học tập cải tạo hay vượt biên trước, sau nhiều năm mới gặp lại nhau!  
Fans của Lisa See, vừa đọc xong Shanghai Girls, sẽ mê The Calligrapher’s Daughter.
Eugenia Sunhee Kim tốt nghiệp MFA từ Bennington College, đã sáng tác nhiều truyện ngắn và tản văn đăng ở nhiều báo. Bà sống ở Washington, D.C, với chồng và con trai.
 
Mimi Bui
 

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003